Long An: Khai Thác Tiềm Năng Du Lịch Từ Những "địa Chỉ đỏ"

Long An: Khai thác tiềm năng du lịch từ những "địa chỉ đỏ" - Ảnh 1.

Một phần của Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh nhìn từ trên cao

Sức hút từ giá trị lịch sử

Là cựu học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, phường 3, TP.Tân An, chị Hà Kim Ngân (29 tuổi) vẫn nhớ như in những bài giảng của thầy cô về Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực. Chị Ngân cho biết, trong suốt 5 năm theo học tại trường, học sinh thường xuyên được thầy cô giới thiệu về ông. Được dạy và học dưới mái trường mang tên AHDT Nguyễn Trung Trực, mỗi giáo viên và học sinh đều cố gắng học tập, giảng dạy thật tốt để xứng đáng với tên gọi của trường.

Đã biết về lịch sử nhưng khi đến tham quan Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), được nghe thuyết minh ngay tại "địa chỉ đỏ", chị Ngân thêm hiểu và tự hào hơn về khí phách hiên ngang, lòng quả cảm và sự hy sinh oanh liệt của AHDT Nguyễn Trung Trực. “Tôi đến thăm Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo nhân dịp Lễ kỷ niệm 151 năm Ngày hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực. Khu di tích có diện tích rộng rãi, được xây dựng khang trang, thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha ông. Nơi đây còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vào ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, khách thập phương đến đây thắp hương tưởng niệm. Đây cũng là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá điểm du lịch của Long An” - chị Ngân cho biết.

Đền thờ Nguyễn Trung Trực được xây dựng bao gồm gian thờ chính và 2 gian thờ phụ. Gian thờ chính thờ AHDT Nguyễn Trung Trực, gian phụ bên phải thờ các tướng lĩnh, gian phụ bên trái thờ các nghĩa quân vong trận. Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, SN 1838 tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Vào ngày 10/12/1861, dưới sự giúp đỡ của nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt tàu chiến L’Espérance của thực dân Pháp.

Sau trận đánh, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, lập nên những chiến công vang dội. Điển hình là trận đánh đầu tiên nghĩa quân chiếm được trung tâm đầu não địch trong 5 ngày ở Kiên Giang, sau đó ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp lâu dài. Trước sự đàn áp của quân địch và muốn cứu nhân dân cùng phong trào kháng Pháp, Nguyễn Trung Trực đành để giặc bắt. Ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá. Nguyễn Trung Trực là tấm gương anh hùng bất khuất với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”. Sau khi ông hy sinh, người dân nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long lập đền thờ. Tại Long An, lễ kỷ niệm ngày hy sinh của ông được tổ chức hàng năm tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) và DTLS khu vực Xóm Nghề (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức).

Ngày 19/4/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức chương trình du lịch đường sông đôi dòng Vàm Cỏ nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm đến nổi tiếng, mang đặc trưng của quê hương Long An dọc 2 dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Trong chuyến hành trình tham quan, khám phá này, đoàn đến thăm Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo. Đây được xem là điểm đến thú vị cho tuyến du lịch đường sông từ TP. HCM về Long An.

Được biết, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh kết nối và phối hợp Saigon Waterbus thử nghiệm, khảo sát tuyến du lịch đường sông từ ga Bạch Đằng (TP.HCM) đến Bến Lức, từ đây sẽ phát triển tuyến Bến Lức - Tân Trụ, Thủ Thừa.

Nhiều tiềm năng du lịch

Cách trung tâm TP. Tân An gần 50km, Khu DTLS Cách mạng tỉnh (xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng và hoạt động của Tỉnh ủy Long An trong công cuộc chống ngoại xâm, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây, Tỉnh ủy Long An kiên trì bám trụ, vượt qua những khó khăn, thử thách, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh để cùng nhân dân làm nên truyền thống cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Với những giá trị lịch sử quý báu, Khu DTLS Cách mạng tỉnh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là DTLS cấp quốc gia tại Quyết định số 3618/1998/QĐ/BVHTT, ngày 04/12/1998. Di tích được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo và được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX xác định là công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2010 - 2015. Với tổng diện tích hơn 98ha, khu di tích được xây dựng với nhiều hạng mục về hạ tầng kỹ thuật, đền tưởng niệm, nhà khách - nhà truyền thống, một số cụm di tích gốc,...

Đến với nhà trưng bày Khu DTLS Cách mạng tỉnh, mọi người được tận mắt chiêm ngưỡng những tài liệu, hiện vật, văn hóa, lịch sử của quê hương Long An anh hùng. Không chỉ mang giá trị lịch sử, nơi đây còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Trưởng ban Quản lý Khu DTLS Cách mạng tỉnh Long An - Nguyễn Long Cư thông tin: “Thời gian qua, Khu DTLS trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình về nguồn của khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không chỉ tại Long An, nhiều trường học ở TP.HCM cũng đến đây tham quan, qua đó giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên. Vào ngày thường và cuối tuần cũng có khách đến tham quan nhưng đông nhất là vào các dịp lễ”.

Ngoài những điểm đến trên, tỉnh Long An còn rất nhiều "địa chỉ đỏ" gắn với du lịch như Khu DTLS Nhà Tổng Thận (TP.Tân An), Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), DTLS Đồn Rạch Cát (huyện Cần Đước),...Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ DTLS - văn hóa trên địa bàn. Điều này vừa thể hiện lòng tri ân, đạo lý Uống nước nhớ nguồn, vừa tạo thêm điểm nhấn để phát huy tiềm năng phát triển du lịch về nguồn tại các “địa chỉ đỏ” - những điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tìm về với cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc./.

Từ khóa » Di Tích Bến Lức