Long Não Chứa Naphthalene độc Hại - Tuổi Trẻ Online

Read this on Tuoitrenews.vn

X76mUNx2.jpgPhóng to

Để viên long não (còn gọi là băng phiến) vào tủ quần áo đuổi kiến, gián - Ảnh: THANH ĐẠM

VN đã cấm từ năm 2008

Ông Nguyễn Huy Nga - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - cho hay long não, loại được tổng hợp từ naphthalene độc hại, đã nằm trong danh sách chế phẩm diệt côn trùng gia dụng và y tế bị cấm năm 2008. “Tôi đã xem và thấy nhiều sản phẩm long não (băng phiến) có đăng ký tác dụng xua đuổi kiến, gián, thuộc nhóm phải đăng ký, nhưng chưa thấy sản phẩm nào đăng ký ở Bộ Y tế”- ông Nga cho biết.

Cũng theo ông Nga, long não sản xuất từ naphthalene đã được sử dụng ở nhiều nước. Vài năm nay đã có những thông tin về nguy cơ gây bệnh tan máu ở trẻ em có tiếp xúc thời gian dài với sản phẩm, nhưng những nghiên cứu cụ thể về tác hại hay cảnh báo về sản phẩm này còn rất ít ỏi, cả ở VN và quốc tế.

Khi được hỏi, lãnh đạo nhiều cơ quan thuộc Bộ Y tế và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ) vẫn rất lúng túng, mơ hồ không biết long não tổng hợp từ naphthalene có nằm trong danh mục quản lý hay không, cơ quan nào quản..., còn người tiêu dùng chắc chắn lơ mơ hơn nhiều.

Theo một chuyên gia của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), long não có rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp, thực phẩm, đời sống cũng như trong y học. Có nhiều phương pháp tổng hợp long não, một trong các phương pháp này là sử dụng naphthalene, một nguyên liệu tương đối sẵn có. Quá trình tổng hợp long não từ naphthalene trong công nghiệp thường không đạt hiệu suất cao và trong sản phẩm thường còn dư lại một lượng naphthalene. Naphthalene được xếp vào nhóm các hợp chất có thể gây ung thư cho người và động vật.

Độc hại

Long não là một chất rắn kết tinh màu trắng hay trong suốt giống như sáp với mùi thơm hăng mạnh đặc trưng. Nó là một loại terpenoid với công thức hóa học C10H16O, được tìm thấy trong gỗ của cây long não. Nó cũng có thể được tổng hợp từ nhựa thông. Long não được tổng hợp nhân tạo lần đầu tiên vào năm 1903 và do là một sản phẩm ít có trong tự nhiên, với nhu cầu rộng khắp thế giới nên từ năm 1907 long não đã là chất tổng hợp toàn phần công nghiệp. Hiện long não tổng hợp từ naphthalene là một trong hai loại long não phổ biến nhất, được sử dụng nhiều trong công nghiệp, môi trường và dân dụng.

Những thông tin về việc ba trẻ em ở Úc tử vong có liên quan đến naphthalene trong long não gần đây không phải là cảnh báo lần đầu tiên. Theo các bác sĩ, từng có trường hợp trẻ nhầm băng phiến để trong tủ quần áo là kẹo và phải đi cấp cứu. Vì thế, các gia đình có sử dụng băng phiến nhằm bảo quản quần áo hoặc xua đuổi côn trùng nên để xa tầm tay trẻ em.

Cũng theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh và trẻ thiếu men G6PD là nhóm dễ bị ngộ độc băng phiến chứa chất naphthalene nhất, vì thế không nên sử dụng băng phiến bảo quản quần áo của trẻ. Nếu đã sử dụng thì nên phơi quần áo có mùi băng phiến ngoài nắng để chất độc hại bốc hơi hết, trước khi cho trẻ mặc.

Với trẻ lớn, gia đình cũng cẩn thận tránh ngộ độc cho trẻ vì tính tò mò, hiếu động, do chỉ cần ngộ độc một viên băng phiến chứa naphthalene trẻ cũng có nguy cơ bị phá hủy tế bào máu.

Liều cao hơn, từ bốn viên băng phiến trở lên, trẻ có nguy cơ bị co giật. Xử trí cấp cứu tại nhà, theo các bác sĩ, nên nhanh chóng rửa sạch băng phiến dính ở miệng, da, tay trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện.

Theo ông Lê Trường Giang, các thử nghiệm trên chuột khi tiếp xúc với hơi naphthalene có nồng độ 30ppm liên tục 6 giờ/ngày, 5 ngày/tuần trong hai năm cho thấy naphthalene tác động mạnh đến sự phát triển các khối u phổi, mũi, dạ dày, đặc biệt với chuột cái (89% các trường hợp). Khi tiếp xúc với lượng lớn naphthalene gây ra bệnh thiếu máu đặc biệt ở trẻ em.

Khi bị ngộ độc naphthalene có thể gây các triệu chứng gồm mệt mỏi, biếng ăn, bồn chồn, nhầm lẫn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, máu trong nước tiểu và vàng da. Trẻ em, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai khi tiếp xúc với hơi naphthalene hoặc bằng đường miệng có thể gây đục thủy tinh thể, thiếu máu và vàng da. Giá trị giới hạn tiếp xúc tham khảo cho naphthalene theo Tổ chức EPA (Mỹ) là 0,02mg/kg-ngày cho đường miệng và 0,003mg/m3 cho đường hô hấp.

Trong 2-3 năm gần đây, báo chí đã có nhiều cảnh báo về tác hại của viên băng phiến và ngộ độc băng phiến. Nhưng dường như cơ quan chức năng vẫn đang rất lơ mơ với sản phẩm này dù VN đã cấm từ năm 2008. Vì vậy, rất nên công bố, quảng bá những thông tin này, khuyến cáo người tiêu dùng để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Từ khóa » Ngửi Mùi Băng Phiến Có độc Không