Lớp Học Vỡ Lòng Của Tôi
Có thể bạn quan tâm
Ở nhà quê, chỉ Tết, trẻ con mới được mặc quần áo mới, vậy đi học cũng như Tết rồi, nó phải khác với đi chăn trâu, cắt cỏ, mót khoai. Cái đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ được như vậy.
Mẹ cầm tay, dắt tôi tới nhà ông Giáp ở giữa thôn. Vừa thấy ông, mẹ đã cúi chào: Con chào ông, hôm nay con dẫn cháu đến gửi ông! Ông Giáp tươi cười: Hai mẹ con vào đây, thằng cháu cả đây à, trông sáng sủa lắm, thằng này sau này thể nào cũng đỗ trạng.
Tôi chẳng hiểu trạng là gì nhưng cũng thấy vui vui, đưa tay cho ông Giáp cầm, dắt vào cái chõng tre. Mọi người đã đến đủ. Ông Giáp lấy cục than viết 3 chữ O, Ô, Ơ lên mặt sau của cái mẹt cũ, rồi giảng giải: Xem này: O tròn như quả trứng gà/ Ô thời đội mũ/ Ơ thời thêm râu. Bây giờ tất cả cùng đọc theo ông.
Ông đọc xong, gõ nhẹ cái thước xuống bàn làm hiệu lệnh cho chúng tôi cùng đọc. Cứ như thế, chúng tôi ra rả đọc theo ông.
Khi chúng tôi đã biết đặc điểm hình dáng của O, Ô, Ơ, ông Giáp đọc cho chúng tôi nghe bài ca dao:
Công cha, nghĩa mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
Ông giảng giải cho chúng tôi về đạo làm con được nói qua bài ca dao. Rồi ông đưa cái mẹt thứ 2 đã chép sẵn bài ca dao, chỉ cho chúng nhận biết các chữ O, Ô, Ư ở đó và bảo: Các cháu thấy đấy, chữ góp lên lời, lời nói lên đạo lý ở đời, nên phải cố mà biết chữ. Không biết chữ người ta bảo là “mù chữ” cũng như mù mắt, khổ lắm.
Ngày đi học đầu tiên, bài học đầu tiên của tôi như thế đó. Vậy mà tôi vẫn thấy thiêng liêng, vẫn nhớ như in tất cả. Có người bảo, cái gì ban đầu mà chẳng nhớ. Đúng vậy, nhưng vấn đề là nỗi nhớ ấy như thế nào, nó vui hay buồn, hạnh phúc hay xót xa…
Cái lớp đầu tiên của tôi ngày ấy gọi là “vỡ lòng”, chứ không phải là “lớp bé” “lớp nhỡ”, “lớp lớn”, của trường mầm non hay lớp 1 của trường tiểu học như bây giờ.
Ngày ấy, tôi chẳng hiểu gì về ý nghĩa của 2 từ “vỡ lòng”, chỉ biết vào vỡ lòng là được học chữ. Rồi thấy từ chữ cái đầu, cái lòng, cái dạ cứ “sáng” dần ra.
Sau này lớn lên, so sánh cái lớp “vỡ lòng” của mình với việc người nông dân “cày vỡ”, “bừa vỡ” thửa ruộng mới thấy hết ý nghĩa của tên gọi “vỡ lòng” và mới hiểu tại sao cụ ta lại đúc kết là “vạn sự khởi đầu nan”.
Cái lớp ấy còn ấn tượng với tôi bởi có tới 3 người trong một gia đình cùng dạy. Người dạy chính là ông Giáp. Tất nhiên là ông không được đào tạo qua bất cứ một trường, lớp sư phạm nào, chỉ là một nông dân trong xóm, có chút chữ nghĩa, được bà con mời dạy cho lũ trẻ chăn trâu chúng tôi.
Nhưng khi ông bận việc thì người con gái đầu của ông là cô Mừng có thể dạy thay, thậm chí nếu cô Mừng bận nữa thì người em kế của cô là cô Kính cũng có thể dạy thay được. Vì thế nên chúng tôi không gọi ông Giáp là thầy mà gọi ông xưng con. Còn cô Mừng, cô Kính thì gọi là cô xưng cháu.
Có thể bây giờ, lớp học, người thầy, bài học như thời tôi đi học đã rất lỗi thời, nó đã và cần tiếp tục được cải tiến để phù hợp với thế kỷ XXI này và những thế kỷ sau nữa.
Nhưng hình ảnh ông Giáp, nụ cười hiền lành, ánh mắt thân thiện, giọng đọc trầm ấm, đặc biệt là ông yêu thương chúng tôi như con, như cháu thì tôi quyết rằng, nó chẳng bao giờ lỗi thời.
Tôi không thể quên được hình ảnh ông Giáp cười sảng khoái khi chúng tôi thuộc bài và cả nét mặt buồn buồn của ông khi chúng tôi ham chơi mà quên sự học.
Tôi vẫn nhớ cả hình ảnh cô Mừng, cô Kính khi thay bố dạy chúng tôi, còn đầy sự ngượng nghịu trong vai cô giáo nhưng chẳng bao giờ quát mắng, hay chửi rủa dù có lúc chúng tôi đã dám nhờn với các cô.
Có một kỷ niệm mà mỗi lần hồi tưởng tôi lại không thể không tự cười thầm, ấy là cái lần không thuộc bài, cô Mừng gọi lên đọc, tôi cứ đứng như trời trồng, rồi lấy tay gãi khắp người, cô Mừng tưởng tôi bị kiến kim cắn, dắt tôi ra giếng, múc nước tắm cho tôi. Tôi vừa thoát việc đọc bài, lại vừa được tắm mát.
Cả bạn trò của tôi ở các lớp đầu tiên ấy, sao cũng đáng yêu đến thế. Đã bao năm trôi qua, lên ông, lên bà rồi, có người thành đạt đủ đầy, có người vất vả lam lũ, có người đã mất, mà tôi vẫn nhớ khuôn mặt, dáng hình họ thời “vỡ lòng” cùng nhau.
Hình như lớp học, thầy cô, bạn trò, bài học đầu tiên là một phần quê hương của mỗi một con người.…
Từ khóa » Bài Học Vỡ Lòng Là Gì
-
Vỡ Lòng Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Vỡ Lòng - Từ điển Việt
-
Vỡ Lòng Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Từ điển Tiếng Việt "vỡ Lòng" - Là Gì?
-
Bài Học Vỡ Lòng - Báo Thanh Niên
-
Từ Điển - Từ Vỡ Lòng Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Lớp Vỡ Lòng Nghĩa Là Gì - Xây Nhà
-
58 Bài Học Vỡ Lòng để Trở Thành No.1 - Home | Facebook
-
Bài Thơ: Bài Học Vỡ Lòng - CâyHoaLá.com
-
Bài Học Vỡ Lòng - TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN
-
Bài Học Vỡ Lòng - Thầy Phải Biết Thương Trò
-
BÀI HỌC VỠ LÒNG VỀ BẤT ĐỘNG SẢN
-
5 Bài Học Vỡ Lòng Mà Người Lớn Chúng Ta Cần Học Tập Trẻ Mẫu Giáo
-
Bài Học Vỡ Lòng Về Tình đời Câu Chuyện Chân Thực Sâu Sắc - Sống Đẹp