Lựa Chọn Hướng đi Sau Khi Tốt Nghiệp Bác Sĩ đa Khoa
Có thể bạn quan tâm
TỐT NGHIỆP BÁC SĨ ĐA KHOA THÌ LÀM GÌ?
Tác giả: BS Mào Thạch Sơn Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam (fb/diendanbacsitrevietnam)
NỘI DUNG
- I. LỜI MỞ ĐẦU
- II. BÁC SĨ ĐA KHOA LÀ AI
- III. CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y
- Chứng chỉ hành nghề Y là gì?
- Làm sao để có chứng chỉ hành nghề?
- CCHN lấy ở đâu ra, do ai cấp?
- Có những loại CCHN nào?
- Duy trì CCHN
- Một số lầm tưởng về CCHN
- Cần nhấn mạnh
- IV. VẬY CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ ĐƯỢC CẤP CCHN?
- V. NHÌN QUA TỪNG CON ĐƯỜNG
- Học BS Nội trú
- Học thực hành lâm sàng 18 tháng tại bệnh viện lớn
- Làm việc tại BV – đủ thời gian thì làm CCHN
- Làm tại Bệnh viện chuyên khoa
- Học Ths sau đó thực hành 18 tháng
- Học sơ bộ => đi làm hoặc đi làm (tại bệnh viện) rồi đi học sơ bộ => xin cấp CCHN đa khoa
- Làm việc tại phòng khám tư nhân (Không phải phòng mạch)
- Một vài con đường khác
- Không làm bác sĩ
- VI. TẢN MẠN THÊM – CHỌN CHUYÊN KHOA YÊU THÍCH HAY LÀ CHỌN KHOA THEO THỊ HIẾU
I. LỜI MỞ ĐẦU
Bắt đầu từ những khó khăn của chính bản thân sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa không biết lựa chọn hướng đi nào cho mình, cũng như là đã gặp rất nhiều các bạn, các em khóa sau hỏi nhờ tư vấn về con đường đi sau khi tốt nghiệp; nhìn chung các bạn có vẻ còn khó hình dung con đường đi tiếp về cái gọi là “Chứng chỉ hành nghề” nên mình viết một bài ngắn hi vọng cũng cấp những thông tin cơ bản nhất về những quy định hiện tại về quản lý hành nghề y tại Việt Nam cũng như một số gợi ý về con đường đi cho các bạn sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa.
Bài viết chỉ đơn thuần dựa trên hiểu biết của bản thân và qua tìm hiểu một số quy định pháp luật, thông tin đưa ra có thể không hoàn toàn đầy đủ và chính xác, mình (Tôi) xin khước từ trách nhiệm về những sai sót này đồng thời cũng mong nhận được những góp ý của mọi người để có các thông tin chính xác hơn.
II. BÁC SĨ ĐA KHOA LÀ AI
Bác sĩ đa khoa có thể được hiểu là người tốt nghiệp trình độ đại học ngành Y đa khoa (Hệ chính quy, cử tuyển, liên thông v.v) hoặc học tại nước ngoài và văn bằng được cục khảo thí Việt Nam chấp nhận tương đương bác sĩ đa khoa. VD: Một người tốt nghiệp đa khoa Học Viện Quân Y, Đại học Y Hà nội, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Khoa Y Đại học Kinh Doanh và Công Nghệ, Khoa Y Đại học Võ Trường Toản đều được gọi là bác sĩ đa khoa; hoặc: Bác sĩ tốt nghiệp liên thông Đại học Y Thái Bình, Đại học Y dược Cần Thơ cũng được gọi là bác sĩ đa khoa.
Bác sĩ đa khoa được học tập thời gian 6-6.5 năm, được cung cấp các kiến thức căn bản nhất về tất các chuyên khoa, mỗi khoa đều biết một chút nhưng không chuyên sâu và đầy đủ.
Bác sĩ đa khoa CÓ THỂ điều trị các bệnh đơn giản tuy nhiên KHÔNG ĐƯỢC PHÉP. Tại sao KHÔNG ĐƯỢC PHÉP điều trị bệnh nhân dù là bác sĩ? Theo quy định của luật khám chữa bệnh Việt Nam, chỉ những người Hành nghề khám chữa bệnh – Người có chứng chỉ hành nghề (CCHN) mới được phép thực hiện khám chữa bệnh. Vậy nên nếu chỉ tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa, bạn mới được là bác sĩ nhưng không được phép khám chữa bệnh vì chưa có CCHN. Dễ hiểu giống như bạn đủ 18 tuổi biết chạy xe máy (xe honda) nhưng để được phép chạy xe máy bạn cần có giấy phép lái xe (bằng lái) mới được phép chạy xe ngoài đường.
Vậy nên nhiều bạn còn nghĩ ra trường sẽ kê đơn thuốc, sẽ mổ được bệnh nhân luôn là điều không thể, khi không có CCHN mọi hoạt động nghề y của bạn đều phải do một người phụ trách (có CCHN) chịu trách nhiệm. Nên mới có chuyện bạn đi làm đã kí hợp đồng với bệnh viện nhưng sau khi cho thuốc kí tên vẫn có anh/chị ký đè và đóng mộc lại là vậy.
III. CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ Y
Chứng chỉ hành nghề Y là gì?
Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề) (theo Luật khám chữa bệnh)
Nói tiếp là để làm bác sĩ một cách đầy đủ nhất, để kí được đơn thuốc, để được đứng tên mổ, để được bảo hiểm thanh toán những chỉ định mình đã kí thì bác sĩ phải có CCHN.
Làm sao để có chứng chỉ hành nghề?
Theo quy định của nghị định 109-BYT thì để có chứng chỉ hành nghề bác sĩ (CCHN ngoại chung, nội chung, sản, nhi… CCHN chuyên khoa…) thì bác sĩ cần có:
- Văn bằng chuyên môn liên quan đến nghề y, với bác sĩ là bằng bác sĩ y đa khoa, hoặc chuyên khoa (RHM, TMH…), bằng CKI, CKII.
- Sơ yếu lý lịch tư pháp (Văn bản xác nhận của Sở tư pháp xác nhận tình trạng lý lịch của bạn đủ để hành nghề y vd không có tiền án, tiền sư, không đang chịu án, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự…)
- Văn bản xác nhận quá trình thực hành nghề y, với bác sĩ thời gian là 18 tháng do bệnh viện cấp (công lập – tư nhân đều được) hoặc Bằng tốt nghiệp Chuyên Khoa cấp 1 được tính là thời gian thực hành nghề y. Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa đã học. VD sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1 chẩn đoán hình ảnh, bạn được xét cấp CCHN chẩn đoán hình ảnh.
CCHN lấy ở đâu ra, do ai cấp?
- Sau khi có đầy đủ: văn bằng chuyên môn, xác nhận thời gian thực hành, lý lịch tư pháp (nói chung là đủ hồ sơ xin cấp CCHN – xem thêm nghị đinh 109 BYT) thì mọi người sẽ xin cấp CCHN.
- Bộ Y tế (BYT) sẽ cấp CCHN cho BS làm việc tại BV trực thuộc BYT, VD: Bệnh viện Bạch Mai, BV Chợ Rẫy…
- Sở Y tế (SYT) sẽ cấp CCHN cho BS làm việc tại các cơ sở y tế quản lý của mình (VD: SYT tỉnh A cấp CCHN cho BS B làm việc tại bệnh đa khoa tại tỉnh A)
- Hoặc SYT địa phương xem xét cấp CCHN cho người đủ điều kiện nhưng tại thời điểm xin cấp không làm việc cho đơn vị nào (thất nghiệp). VD: BS thực hành 18 tại BV X thành phố A, nhưng học xong không kí hợp đồng được, đang thất nghiệp thì về quê (theo hộ khẩu) là tỉnh B xin cấp. Điều này đã được quy định trong thông tư 109 BYT. Tuy nhiên việc cấp CCHN này cũng khó khăn đòi hỏi nhiều xác nhận rõ ràng tùy thuộc SYT
Có những loại CCHN nào?
- Một là CCHN đa khoa, ngoại chung, nội chung, sản, nhi, dành cho BS đa khoa tốt nghiệp đã thực hành 18 tháng
- Hai là CCHN chuyên khoa: VD CCHN chuyên khoa Ngoại Thần Kinh, Ngoại Chấn thương chỉnh hình, dành cho bác sĩ đã tốt nghiệp CK cấp 1, Thạc sĩ đã thực hành 18 tháng, bác sĩ đa khoa thực hành ở chuyên khoa đó 54 tháng.
- Tại sao có nhiều loại CCHN vậy, thực chất chỉ có 1 loại CCHN chung nhưng khác nhau ở phạm vi hoạt động nghề nghiệp, bởi mỗi CCHN có phạm vi hoạt động khác nhau, đa phần với CCHN nội chung, ngoại chung, đa khoa có thể khám, chữa bệnh nội, ngoại khoa. Tuy nhiên tại một số bệnh viện tuyến cao, và theo quy đinh của Bảo hiểm y tế (BHYT), Bác sĩ phải có CCHN chuyên khoa mới có thể thực hiện được các hoạt động chuyên môn chuyên sâu. Ví dụ: BS có CCHN chuyên khoa CTCH mới được quyền đứng chính phẫu thuật thay khớp, BS phải có CCHN Chuyên khoa GMHS mới được quyền Gây mê, gây tê, hoặc đứng chính phẫu thuật, điều này còn tùy quy định của SYT và bệnh viện. VD bệnh viện huyện thì CCHN ngoại khoa có thể mổ cả bụng, cả chấn thương, tuy nhiêm bệnh viện loại 1 yêu cầu PTV chính phải có CCHN Chấn thương chỉnh hình mới được phép phẫu thuật.
- Vậy nên chứng chỉ hành nghề Ngoại, Nội chung, đa khoa đơn thuần là có thể khám chữa bệnh được tuy nhiên một số hoạt động chuyên sâu không thể thực hiện được. Vì vậy CCHN chuyên khoa là mục tiêu hướng tới của các Bs để được thực hiện đầy đủ nhất với chuyên khoa của mình.
Duy trì CCHN
- CCHN sau khi được cấp cần phải được duy trì (nuôi) bằng các hoạt động đào tạo liên tục (tham dự hội thảo, hội nghị có cấp CME) với đủ thời gian hoặc học liên tục (CK1, CK2)
Một số lầm tưởng về CCHN
- Trước đây học thạc sĩ xong có thể được cấp luôn CCHN theo chuyên ngành thạc sĩ, hiện tại thì KHÔNG được, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ vẫn phải có thời gian thực hành 18 tháng tại khoa phù hợp với chuyên ngành của bằng thạc sĩ mới được xét cấp CCHN. Ví dụ: sau khi tốt nghiệp Bs đa khoa, bạn học thạc sĩ ngoại khoa chuyên ngành ngoại Thận – Tiết niệu, sau khi tốt nghiệp sẽ không được cấp CCHN chuyên khoa Ngoại Thận mà sau khi bạn thực hành (làm việc) tại khoa Ngoại Thận Bv A 18 tháng mới đủ điều kiện xét cấp CCHN Ngoại thận – Tiết niệu.
- Trước đây học sơ bộ (định hướng chuyên khoa) sau đó làm 18 tháng là có CCHN chuyên khoa, hiện tại thì KHÔNG. Kể từ tháng 10/2019 các Sở y tế ngưng xét cấp CCHN với những trường hợp có bằng sơ bộ và có thời gian thực hành đầy đủ. Ví dụ bạn tốt nghiệp đa khoa, học sơ bộ chuyên khoa Gây mê hồi sức của đại học XX sau tốt nghiệp bạn làm 18 tháng vẫn không được xét cấp CCHN chuyên khoa GMHS, mà chỉ được xét cấp CCHN nội chung.
- Trước đây thực hành tại bệnh viện chuyên khoa đủ 18 cũng được cấp CCHN, hiện tại thì không, khi bạn tốt nghiệp bs đa khoa thực tập tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sau 18 tháng cũng không được cấp CCHN kể cả CCHN ngoại chung, Thông tin này SYT TP HCM đã có thông báo cụ thể, các SYT khác mình không có thông tin rõ ràng. Nếu muốn có CCHN Chuyên khoa bạn cần thực hành lâm sàng 54 tháng liên tục tại chuyên khoa đó.
- Riêng với Sản, Nhi được phép cấp bởi Sản, Nhi được coi là một Hệ, tương đương với ngoại chung, nội chung. (2 chuyên khoa này các bạn cần xem xét lại thông tin).
- Bệnh viện cấp CCHN: SAI, sau khi bạn học thực hành hoặc làm lâm sàng đủ thời gian bệnh viện chỉ cấp Xác nhận thực hành lâm sàng, giấy này để xin cấp CCHN, Bệnh viện không có thẩm quyền cấp CCHN.
Cần nhấn mạnh
- Bằng tốt nghiệp Đại học Y đa khoa do trường cấp, sở hữu suốt đời dù có vào tù ra tội cũng không mất, trừ khi là bằng giả hoặc có vi phạm trong học tập vị trường đại học bị phát hiện có quyết định thu hồi.
- CCHN do SYT hoặc BYT cấp khi đủ điều kiện, có thể bị thu hồi khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có vị phạm chuyên môn tới mức bị thu hồi hoặc quá thời gian mà không có đào tạo chuyên môn liên tục, sau khi bị thu hồi phải thực hành và xin cấp lại.
- Bệnh viện chỉ cấp xác nhận thực hành lâm sàng. (Đối với BS phải thực hành tại cơ sở ý tế có giường bệnh nội trú – Bệnh viện)
- Để học CKI cần có CCHN phù hợp, ví dụ học CK1 CTCH cần CCHN ngoại chung hoặc đa khoa, hoặc CCHN chuyên khoa CTCH, Học thạc sĩ thì không cần CCHN
IV. VẬY CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG NÀO ĐỂ ĐƯỢC CẤP CCHN?
Có thể tóm gọn một số sơ đồ để các bạn dễ hiểu:
- Học nội trú (có bằng CKI) => cấp CCHN chuyên khoa luôn, đẹp luôn (Tốn 3 năm từ khi tốt nghiệp)
- Học lâm sàng 18 tháng tại bệnh viên lớn => về quê xin cấp CCHN nội chung, ngoại chung, đa khoa => đi làm hoặc học CK1, cấp CCHN chuyên khoa (Tốn >4 năm từ khi tốt nghiêp)
- Làm tại bệnh viện đa khoa => xin cấp CCHN (Thường đủ ngày tháng bệnh viện sẽ giúp làm hồ sơ xin cấp CCHN) (Tốn >4 năm)
- Làm 54 tháng tại bệnh viện chuyên khoa => xin cấp CCHN chuyên khoa (Tốn >5 năm )
- Học thạc sĩ => thực hành 18 tháng => xin cấp CCHN chuyên khoa (Tốn >4 năm)
- Học sơ bộ => đi làm tại BV => cấp CCHN (nội, ngoại, hoặc đa khoa) => học CK1 => CCHN chuyên khoa (>5-6 năm)
- Làm việc tại phòng khám => KHÔNG có xác nhận để xin cấp CCHN
- Không làm bác sĩ => KHÔNG CÓ CCHN (không mất thời gian)
Mỗi con đường đều có khó khăn, ưu và nhược điểm khác nhau phù hợp với mỗi người. Các bạn cần tự cân nhắc điều kiện bản thân để lựa chọn con đường hiệu quả phù hợp với mình.
V. NHÌN QUA TỪNG CON ĐƯỜNG
Học BS Nội trú
- Là bác sĩ thì ai cũng biết tới con đường này rồi, là mơ ước của mỗi bác sĩ, là con đường ngắn, nhanh nhất để đến với kiến thức chuyên sâu, đến với CCHN chuyênkhoa một cách nhanh nhất.
- Tuy nhiên để thi đỗ vào BSNT thì khó khăn mỗi bạn đều có thể cảm nhận được
- Sau khi học BSNT chắc chắn các bạn có bằng BSNT + Bằng CKI, bằng Thạc sĩ thì còn tùy trường.
- Mình vẫn khuyết khích các bạn thử sức với BSNT, vì cả đời có một lần
- Chuyên môn giỏi, tương lai sáng ngời
Học thực hành lâm sàng 18 tháng tại bệnh viện lớn
- Trong Sài gòn có một số bệnh viện như: Bệnh viện nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định có nhận đào tạo thực hành lâm sàng 18 tháng. Hết thời hạn thực hành bệnh viện cấp xác nhận thực hành, tự về quê làm CCHN. Có được ký hợp đồng tiếp hay không còn tùy.
- Ưu điểm: Được thực hành trong môi trường đông bệnh, trình độ chuyên môn tương đối cao, có các Thầy, các anh lớn giúp đỡ mình về chuyên môn
- Nhược điểm: Học mất học phí, không lương, có hỗ trợ từ BV, từ khoa nhưng ít. Xin cấp CCHN tại địa phương gặp khó khăn tùy thuộc SYT
- Cách học này hợp lý cho các bạn con út, bố mẹ còn đủ điều kiện nuôi học thêm 2-3 năm nữa, tức là còn ăn bám bố mẹ dài dài.
- Sau khi có CCHN có thể đi học CKI, đây là con đường ngắn gần nhất (>4năm) để có CCHN chuyên khoa. Sau khi có CCHN chuyên khoa có thể tự do tìm việc thoải mái hơn.
- Chuyên môn cao – Tiền ít, làm CCHN khó – nhanh có CCHN chuyên khoa
Làm việc tại BV – đủ thời gian thì làm CCHN
- Cách này là các bạn xin việc tại BV (công hoặc tư)
- Thông thường nhất là các bệnh viện huyện, quận, đủ thời gian sẽ có CCHN, đây đúng là đi làm, có lương cơ bản, tuy nhiên vẫn có người phụ trách chúng ta.
- Về khả năng học hỏi chuyên môn thì thấp hơn các bệnh viện tuyến đầu, bệnh nhân ít hơn, xác định về tự làm tự bơi, ít đàn anh cứng, có thì chuyên môn cũng không thật sự chuyên nghiệp
- Phù hợp với các bạn cần tự lập luôn để nuôi bản thân và gia đình, tuy nhiên về chuyên môn không có đòi hỏi cao
- Hoặc các bạn ra trường đã được xin vào bệnh viện để làm
- Cá biệt có một số bệnh viện tư tuyển BS đa khoa cho học 18 tháng và trả lương khá. Đây cũng là một lựa chọn tốt.
- Tuy nhiên thời gian đi học CKI, ThS tùy thuộc bệnh viện cho đi hoặc hoặc bạn phải bỏ việc nếu muốn đi học sớm
- Chuyên môn tùy BV – Có lương để sống
Làm tại Bệnh viện chuyên khoa
- Việc này cũng khá khó buộc phải xin được vào BV chuyên khoa, sau đó làm việc lâu dài, mất 5 năm mới có CCHN chuyên khoa, sẽ không có CCHN ngoại khoa, sau đó mới đi học CK1 được, như vậy thường sau 7 năm mới có đủ CCHN CK và bằng CK1.
- Tuy nhiên Bv chuyên khoa đa phần chất lượng chuyên môn tốt, điều kiện học hỏi tốt
- Tuy nhiên không khuyên cáo các bạn lựa chọn con đường này.
Học Ths sau đó thực hành 18 tháng
- Đây cũng là một con đường tốt, sau khoảng 4 năm sẽ có CCHN chuyên khoa và bằng ThS. Với ngoài bắc, thị hiếu tuyển dụng là Thạc sĩ sau đó mới tới CK1 thì đây cũng là một con đường tốt
- Học ThS không cần CCHN, tốt ngiệp xong có thể thi luôn chỉ cần có bằng tốt nghiệp như đối với ĐH Y dược TP HCM hoặc sau 1 năm tốt nghiệp với Học Viện Quân Y… tùy quy định của các trường
- Đối với miền nam, thị hiếu dường như thích CK1 hơn là ThS, cũng như xu hướng về ThS và CK1 vẫn còn khó đoán trong tương lai các bạn cần cân nhắc.
- Cách học này các bạn cũng đi học sớm, sớm tiếp cận với môi trường học thuật, tuy nhiên về kinh nghiệm lâm sàng không thực sự nhiều. Yêu cầu gia đình cũng đủ điều kiện để nuôi thêm vài năm nữa.
Học sơ bộ => đi làm hoặc đi làm (tại bệnh viện) rồi đi học sơ bộ => xin cấp CCHN đa khoa
- Tuy bằng sơ bộ (Định hướng chuyên khoa) kể cả do trường hay viện cấp hiện đều không được xét đến trong cấp CCHN chuyên khoa, tuy nhiên việc học sơ bộ tại trường và viện vẫn có y nghĩa cung cấp cho các bạn các kiến thức cơ bản nhất về chuyên khoa mình sắp theo.
- Các bạn có thể tự túc đi học các lớp của các trường (Đại học Y HN, ĐHYD HCM, Y Huế) hoặc các bệnh viện chuyên khoa hoặc hạng đặc biệt đều có đào tạo theo yêu cầu đóng học phí khá cao. Các bạn được học các kiến thức chuyên khoa cơ bản nhất về chuyên khoa của mình => sau khi học xong xin việc cũng lợi thế hơn bằng BSĐK trơn, tự mất tiền nhưng không bị ràng buộc hợp đồng.
- Hoặc trường hợp các bạn kí hợp đồng với các bệnh viện (ở đây mình nói trường hợp là bệnh viện) có thể là công hoặc tư, bệnh viện cử các bạn đi học sơ bộ, cho tiền đi học và có ràng buộc thời gian làm việc thêm. VD đi học sơ bộ 6 tháng làm thêm 3 năm sau khi học, học 1 năm làm 5 năm vv, tùy bệnh viện. Trường hợp này khá phù hợp với các bạn xin được bệnh viện như ý (gần nhà, lương ổn, chuyên môn khá). Tuy nhiên cần nhớ là các bạn có hợp đồng với Bv trong một khoảng thời gian. Cần cân nhắc tránh bị kí hợp đồng quá dài, mà cam kết tăng lương không đủ. VD Cho đi học 6 tháng kèm lương, mà bắt kí hợp đồng 10 năm là thời gian quá dài, các bạn cần cân nhắc rất kỹ vì 10 là quá dài, trong 10 năm liệu không được đi học CK hoặc lương tăng không đáp ứng được.
- Theo con đường này thì lấy được bàng CKI, Ths, và CCHN là lâu dài hơn.
- Phù hợp với các bạn cần đi học đi làm luôn, ổn định cuộc sống.
Làm việc tại phòng khám tư nhân (Không phải phòng mạch)
- Hiện tại để làm ở phòng khám thì cần có CCHN vì vậy dù bạn có làm được ở phòng khám luôn cùng là có người khác kí tên phụ trách, các bạn phụ việc hoặc làm các công việc không có liên quan tới y khoa như giám đốc kinh doanh, quản lý nhân sự.
- Tại đây cơ hội học tập nâng cao chuyên môn là thấp, thường là học từ các anh tại phòng khám, học các thủ thuật nhỏ, kê thuốc đơn giản.
- Ngoại trừ các bạn làm ở thẩm mỹ với các đàn anh của mình là một ngoại lệ.
- Tuy nhiên với phòng khám thì không có giấy xác nhận thực hành để làm CCHN, vì vậy để làm CCHN các bạn cần lựa chọn con đường khác.
- Mình nghĩ chỉ nên làm thêm trong khi đi học hoặc đi làm ở chỗ khác hoặc làm ngắn hạn, sau nên chọn con đường khác.
Một vài con đường khác
- Còn một vài con đường đặc biệt khác như, du học, nội trú Mỹ thì thực sự mình không có kinh nghiệm gì để chia sẻ cả, vì giờ còn đang học CKI ở Việt Nam.
Không làm bác sĩ
- Sẽ có bạn hỏi tốt nghiệp BS đa khoa không làm BS thì làm gì, thực ra mình muốn để vài dòng để viết cho các bạn tốt nghiệp Bs rồi mà thực thấy chán ghét không muốn làm BS chút nào. Bởi lẽ trong vài ngàn BS tốt nghiệp một năm chắc cũng có một vài bạn thực sự rất chán ghét việc làm BS, việc học BS do bố mẹ ép buộc thi và học, bản thân không thích chút nào. Vậy thực sự khuyên các bạn nên ngưng việc làm bác sĩ bởi làm BS cần có đam mê và yêu thích, tối thiểu là không ghét, bởi làm BS quá cực, đã cực mà không thích thì càng cực hơn. Các bạn không có yêu thích thực sự rất khổ cho chính các bạn, cho bệnh nhân của các bạn. Có lẽ tốt nghiệp BS rồi mới nghỉ không làm BS nữa thì có lẽ là đã trễ nhưng không phải là quá muộn.
- Các bạn có thể lựa chọn công việc bạn yêu thích và bắt đầu lại, có thể liên quan tới ngành y hoặc không, để mỗi sớm thức dậy không phải mệt mỏi chán chường đi làm, để không có đêm trực phải lầm bầm chửi rủa công việc cực nhọc.
- Một lần nữa, các thông tin trên đây do bản thân qua thời gian tự tìm hiều còn có thể không chính xác, mong mọi người tìm hiểu thêm về Luật Khám chữa bệnh, nghị định 109/BYT, và các quy định khác của SYT địa phương, Việc này là cần thiết và quan trọng cho các bạn.
VI. TẢN MẠN THÊM – CHỌN CHUYÊN KHOA YÊU THÍCH HAY LÀ CHỌN KHOA THEO THỊ HIẾU
Việc tìm ra được chuyên khoa mình yêu thích cũng khó và được học, được làm chuyên khoa yêu thích càng khó hơn. Nếu được như vậy thì thực sự là việc làm bác sĩ sẽ rất nhẹ nhàng và thoải mái rất nhiều.
Tuy nhiên việc tìm ra mình thích khoa nào cũng khá khó, đa phần các bạn học 6 năm khoa nào cũng đi, khoa nào cũng học. Xong hết có bạn sẽ thấy khoa nào cũng hay, học khoa nào yêu thích khoa đó, cũng thấy mình hợp muốn theo đuổi. Còn có bạn học cái gì cũng không thích, cũng thấy chán, không hiểu là thích khoa gì. Hoặc đôi khi năm 3 thích Nội, năm 4 thích Ngoại, ra trường thích Nhãn. Chuyện đó cũng thực sự rất bình thường.
Bản thân mình cũng không có cách nào để chỉ có các bạn đâu là khoa bạn thích. Nhưng thiết nghĩ các bạn nên để cho bản thân mình một chút thời gian để suy nghĩ ngẫm xem bản thân mình thích gì. Dẫu hiện đang ôn thi căng thẳng cũng nên để cho mình một buổi thảnh thơi ngồi cà phê để suy xét về chuyên khoa lựa chọn. Việc chọn được chuyên khoa yêu thích và đánh giá xem mình thích nó tới mức nào sẽ giúp các bạn dễ dàng lựa chọn con đường sau khi tốt nghiệp hơn. Các bạn nên xác định mức độ thích của mình. Ví dụ rất thích chuyên khoa A, không làm thì không làm cái khác; hoặc thích 1 chuyên khoa B, làm được cái này thì tốt không thì làm chuyên khoa C, D. Hoặc bét nhất không biết thích gì thì cũng phải lựa ra được khoảng 3 cái chuyên khoa cảm thân mình có thể làm mà không chán, có khả năng làm tốt.
Bởi lẽ khi bản khi không xác định được sở thích của bản thân thì rất là khó cho các bạn kể cả khi cơ hội lựa chọn có. Ví dụ sẽ có bạn đỗ nội trú mà không đỗ khoa mình thích thì còn biết đường cân nhắc, hoặc bạn được cho chọn 1 khoa để làm để thực hành cũng có cái để chọn, không lẽ đến khi người ta phỏng vấn hỏi thích chuyên khoa gì mình lại không rõ.
Mình đã gặp trường hợp học nội trú một chuyên ngành mình không thích xong lại từ bỏ thì thực sự rất tiếc cho em ấy. Hoặc một người được quyền chọn 1 trong các chuyên khoa ngoại của 1 bệnh viện lớn mà không biết nên chọn khoa nào sau phải đi vòng vòng để thử vậy cũng uổng, tốn thời gian và cơ hội.
Với các bạn đã xác định được một chuyên khoa mình thích rất nhiều nếu đỗ nội trú chuyên khoa đó thì thật tuyệt vời mà chắc hiếm. Nếu không được thì nên lựa chọn con đường số 2, hoặc 5 giúp các bạn chủ động được chuyên khoa mình học theo cái mình thích, đi xin việc thì dù gì cũng phụ thuộc vào nơi tuyển dụng mình.
Khi các bạn đi làm đôi khi sẽ rơi vào những nơi mà có môi trường làm việc mình không thích, lương thấp, chuyên môn không thỏa mãn thì các bạn cần xác định trước. Tùy nhiên đi làm tối thiểu cũng phải đảm bảo 1 trong 3 yếu tố trên. VD lương thấp, môi trường hơi tệ, sếp hơi khó tính nhưng về chuyên môn lại rất ổn; hoặc chuyên môn bình thường, lương thấp thì môi trường làm việc phải thoải mái thân thiện; hoặc lương cao, 2 cái khác khó, thì cũng tạm chấp nhận để làm được, nhưng khi mà không yếu tố nào đáp ứng được thì các bạn nên nghỉ. Lương thấp, chuyên môn thấp, môi trường không phù hợp thì chắc chắn nên nghỉ rồi.
Cuộc sống đôi khi không như mơ nên xác định tinh thần trước :))
Viết vài gạch đầu dòng vậy không biết là dài hay ngắn mong các rằng các bạn Y5, Y6 đọc qua chơi chơi để có được một cái nhìn sợ bộ nhất về tương lai sau khi tốt nghiệp để có được định hướng cho bản thân mình. Hãy dành ra thêm một buổi cafe nữa ngồi và suy ngẫm cho con đường tương lai của mình.
Đặc biệt gửi lời chúc tới các em Dân Y 13 chuẩn bị thi tốt nghiệp, chúc các em hoàn thành tốt khóa thực tập tốt nghiệp (dù dính COVID-19) và trở về hoàn thành tốt kì thi tốt nghiệp trở thành các bác sĩ đa khoa và lựa chọn được một con đường cho bản thân mình.
Xem thêm:- Hồ sơ xin việc Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện công
- Hồ sơ tuyển dụng bao gồm những gì?
Trang web đang upload liên tục các video bài giảng và tài liệu chẩn đoán hình ảnh. Để nhận được thông báo về các bài viết mới nhất, vui lòng đăng ký tại Form nhận bản tin và theo dõi tại kênh Youtube
Từ khóa » Học Sơ Bộ Là Gì
-
Đào Tạo định Hướng Chuyên Khoa: Không Cần Thiết Và Tốn Kém - PLO
-
Bộ Y Tế Yêu Cầu Không Thực Hiện Các Khoá đào Tạo định Hướng ...
-
Sơ Bộ Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Những Vấn đề Liên Quan đến Chứng Chỉ định Hướng Chuyên Khoa
-
Dừng đào Tạo định Hướng Chuyên Khoa
-
Đào Tạo Theo Nhu Cầu - UMP
-
Bộ Y Tế Yêu Cầu Ngừng đào Tạo định Hướng Chuyên Khoa Cho Bác Sĩ
-
Chứng Chỉ Định Hướng Chuyên Khoa Là Gì, Công Văn 3928/Byt
-
Sơ Bộ - Wiktionary Tiếng Việt
-
Hướng Dẫn Cấp Chứng Chỉ Hành Nghề Khám, Chữa Bệnh Chuyên ...
-
Bác Sĩ Chuyên Khoa 1 Là Gì Và Những Thông Tin Về ...
-
Bác Sĩ Nội Trú – Wikipedia Tiếng Việt