Lựa Chọn Sách Giáo Khoa Mới Cho Năm Học 2022-2023

Phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh dịp đầu năm học mới 2021-2022.

Phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh dịp đầu năm học mới 2021-2022.

Tiếp cận các điểm mới

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) triển khai thực hiện “Một chương trình, nhiều sách SGK”. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021, lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022. Năm học tới, có thêm học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được lựa chọn 1 bộ sách từ nhiều bộ sách khác nhau trong danh mục của Bộ GD&ĐT phê duyệt để giảng dạy. Qua 2 năm tổ chức lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự ủng hộ của xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của phụ huynh.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến nhận định, phần lớn các đơn vị trường học và thành viên Hội đồng SGK tỉnh làm việc trách nhiệm, đảm bảo chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ lựa chọn sách. Trong quá trình lựa chọn, các thành viên nghiên cứu rất kỹ bộ SGK, so sánh, phân tích theo tiêu chí lựa chọn được hướng dẫn, tích cực tham mưu cho hội đồng. Các thành viên có liên hệ thực tiễn, khai thác các hình thức, phương pháp dạy học từ phân hóa, dạy học tích hợp đến tổ chức các hoạt động của học sinh.

Theo quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT, danh mục SGK lớp 3 có 45 quyển sách, lớp 7 gồm 40 quyển của 12 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 10 gồm 44 quyển của 14 môn học và hoạt động giáo dục. Năm học 2022-2023, cấp tiểu học có 11 Hội đồng SGK tỉnh tương ứng 11 môn (tăng thêm 2 môn học: Tin học và Công nghệ). Đến nay, qua báo cáo của các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã lựa chọn, giới thiệu 30/45 bản sách.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Trần Văn Liêm lưu ý các thành viên lần đầu tham gia Hội đồng SGK tỉnh tập trung nghiên cứu và đánh giá các bản sách được đề xuất từ CSGD chứ không nghiên cứu lại tất cả bản sách theo quyết định phê duyệt của Bộ GD&ĐT. Hội đồng sẽ bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học, bộ sách được chọn phải đạt trên ½ số phiếu lựa chọn.

“Để thực hiện đảm bảo việc lựa chọn SGK cho năm học tới, Hội đồng SGK tỉnh sẽ khai thác các nội dung trong SGK. Đặc biệt, ý đồ của tác giả về việc tiếp cận các điểm mới trong sách theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Từng thành viên trong Hội đồng SGK tỉnh cố gắng nghiên cứu để tìm những ưu điểm, phân tích hạn chế cụ thể và so sánh về cấu trúc chương trình, nội dung, các yêu cầu thực hiện vận dụng giữa các bộ sách. Đồng thời, bám sát chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình môn học để trên cơ sở đó thực hiện đối chiếu từng bộ sách, từng bộ môn có sự đánh giá cụ thể rõ ràng”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến yêu cầu.

Ngoài ra, các thành viên hội đồng nghiên cứu phương pháp dạy học theo phẩm chất và năng lực của học sinh. Bám sát các tiêu chí để đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương, vận dụng có hiệu quả tại cơ sở. Nghiên cứu kỹ từng bộ sách để xem hướng tiếp cận của bộ sách, tiếp cận theo điểm mới và tính phù hợp đối tượng học sinh, đơn vị trường học.

Tiêu chí lựa chọn

UBND tỉnh có Hướng dẫn số 922/HD-UBND về tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Có 2 tiêu chí lựa chọn, đó là SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tiêu chí 1, ngôn ngữ diễn đạt phải trong sáng, rõ ràng, cách thức thể hiện nội dung SGK gần gũi với đời sống văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý… của địa phương. Nội dung, cấu trúc SGK, cách thể hiện bài học/chủ đề có tính linh hoạt, dễ điều chỉnh để phù hợp với năng lực của nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương; thuận lợi cho giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn; thuận lợi trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Nội dung, cấu trúc SGK khi triển khai bảo đảm được việc khai thác, sử dụng tốt, hiệu quả các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương. SGK có chất lượng tốt (giấy in, khổ sách, cỡ chữ, font chữ…) với giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương.

Tiêu chí 2, SGK phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại CSGD phổ thông. Sách đảm bảo cấu trúc rõ ràng; kênh chữ và kênh hình được trình bày rõ, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và đặc điểm vùng miền. Nội dung bài học/chủ đề trong SGK thể hiện được sự tiếp nối, liên thông với các khối lớp về kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn học; tích hợp với các môn học, hoạt động giáo dục, với thực tiễn cuộc sống; có tác dụng thúc đẩy học sinh học tập tích cực, sáng tạo, phát triển được năng lực cá nhân.

Nội dung, cách thể hiện bài học tạo thuận lợi cho giáo viên trong biên soạn kế hoạch, lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực, lựa chọn hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh; thuận tiện cho tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá, phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Năm nay là năm thứ 3 tỉnh triển khai chọn SGK và đây cũng là năm đầu tiên bậc THPT tổ chức lựa chọn SGK. Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy yêu cầu, thành viên trong Hội đồng SGK tỉnh lớp 10, cần phải nghiên cứu thật kỹ quy trình chọn sách, nội dung của sách để lựa chọn được bộ sách phù hợp. Hội đồng SGK tỉnh lớp 3, lớp 7 dù qua 2 lần lựa chọn không được chủ quan mà cần nghiên cứu để thực hiện đúng, đảm bảo các quy định.

“Các thành viên phải tham gia đầy đủ các cuộc họp thành viên hội đồng, phải có văn bản ý kiến nhận xét, đánh giá và lý do về việc lựa chọn bộ SGK của cá nhân. Mỗi thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, lựa chọn sách phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Hội đồng sẽ làm việc với nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch theo chế độ tập thể tất cả vì học sinh và vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà”, Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy lưu ý.

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định việc lựa chọn SGK, CSGD đề xuất lựa chọn. Tổ chuyên môn của CSGD tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách. Phòng GD&ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD&ĐT danh mục SGK được các CSGD thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách có số CSGD đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.

Sau khi tổng hợp, chuyển giao cho Hội đồng danh mục SGK được các CSGD đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự SGK có số CSGD đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách bằng việc tổ chức họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách do các CSGD đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Căn cứ vào kết quả lựa chọn, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong CSGD phổ thông tại địa phương.

Bài, ảnh: Phan Hân

Từ khóa » Cải Cách Sgk