Sách Giáo Khoa Dùng Một Năm đã Bỏ - VnExpress

Hiện nay, có năm đơn vị đang biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa trong nước. Năm học 2020-2021, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, giá sách giáo khoa cao hơn 3-4 lần so với sách cũ. Năm nay, khi NXB Giáo dục Việt Nam công khai giá sách các lớp 3, 7, 10, sử dụng cho năm học 2022-2023, mức giá tiếp tục cao hơn các bộ sách cũ 2-3 lần.

Độc giả Trangnth bày tỏ mong muốn về những cải cách với sách giáo khoa: "Sách giáo khoa cần được cải cách và sử dụng được trong thời gian từ 5-7 năm là ít nhất. Như vậy thì lớp học sinh sau có thể dùng lại của lớp trước. Tôi nhớ thời còn đi học, trường có thư viện. Cứ đến hè, học sinh lại ra trường đăng ký mượn sách, giữ gìn cẩn thận và cuối năm trả lại, để các em lớp sau tiếp tục mượn lại. Sách giáo khoa thay đổi liên tục không những là gánh nặng cho phụ huynh, đầu năm đã chi từ 300.000 - 600.000 đồng cho một bộ sách nhưng khi hết năm lại bỏ thùng rác, cùng lắm là nghiền ra thành bột giấy để tái chế. Đó là một sự lãng phí tài nguyên quá lớn".

Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Văn Dũng cho rằng: "Tôi hy vọng một bộ sách có thể dùng được vài năm. Tôi từng mua một bộ sách giáo khoa tiểu học cho con hết 100.000 đồng, mua thêm năm cuốn sách tiếng Anh hết 500.000 đồng, rồi cuối cùng cũng chỉ học có hai cuốn. Hồi tôi đi học, xin được một bộ sách của anh hàng xóm về dùng, sau đó em tôi tiếp tục học bộ đó, rất tiết kiệm. Mong rằng bây giờ một bộ sách cũng dùng được nhiều năm như vậy, đừng gây lãng phí tiền của người dân, tài nguyên của đất nước nữa. Hãy tạo cho học sinh thói quen giữ gìn sách vở, biết tiết kiệm".

>> Tốn tiền triệu mua sách giáo khoa mới cho con

Theo Quyết định số 709/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 9/2/2021, có ba bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó có hai bộ là: Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bộ thứ ba được phê duyệt là Cánh diều của NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP HCM. Mong muốn chính đáng của những người phải bỏ tiền ra mua SGK cho con học hằng năm, đó là phải ổn định, lâu dài.

Độc giả Nguyễn Thị Mai bày tỏ mong mỏi: "Sách giáo khoa cần thống nhất dùng chung một bộ cho cả nước, cho các khối. Chứ như bây giờ, mỗi trường chọn học một bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau, rất lãng phí. Cần giảm tải kiến thức lại, sách dùng được nhiều năm chứ không phải năm nào cũng thay đổi chương trình, thay bộ sách. Nhất là cấp tiểu học, trẻ cần có thời gian chơi, thay vì phải học cả Khoa học, Địa lý, Lịch sử, Tin học... kiến thức nhồi nhét rất nhiều. Con tôi cứ mỗi cuối học kỳ là lại đổ bệnh vì học".

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc hạn chế tình trạng thay đổi đầu sách liên tục mỗi năm, bạn đọc Ngoc Pham Van khẳng định: "Hiện nay, đất nước ta còn nhiều khó khăn, nhân dân ta còn nhiều thiếu thốn. Thế nên, đề nghị cần làm sách giáo khoa tiết kiệm, không cần giấy phải thật tốt, không cho viết vào sách, kể cả sách bài tập, nội dung sách nên dùng được từ 5-10 năm như các nước khác và có file trực tuyến để học sinh có thể tải về học. Như thế, tôi tin giá sách sẽ không cao, không thấp, mọi người đều có thể học được".

Thành Lê tổng hợp

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

  • Cải cách giáo dục - 'thừa chiều sâu, thiếu độ rộng'
  • Bình tĩnh với sách giáo khoa lớp 1
  • Sách giáo khoa lớp 1 làm khó cả giáo viên lẫn phụ huynh
  • Sách giáo khoa 'cải cách ngược'
  • 'Bón thúc' trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan
  • Cải cách sách giáo khoa - 'bê kiến thức lớp trên xuống lớp dưới'

Từ khóa » Cải Cách Sgk