Lúa Nàng Thơm Chợ Đào - đặc Sản Vùng đất Phèn - VnExpress

Giữa trưa ngày cận Tết, ông Bảy Nhỏ (57 tuổi, ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) ngồi bên bờ ruộng hơn 2 ha nhìn ruộng lúa chín vàng rực đang được hai máy gặt đập liên hợp thu hoạch. "Năm nay mưa ít, lúa trúng, ăn chắc hơn 4,5 tấn một ha, trừ chi phí mỗi ha lãi khoảng 20 triệu đồng", ông Bảy tươi cười nói.

Dọc hai bên đường ấp, những đám ruộng xanh, vàng xen lẫn nhau đang vào mùa thu hoạch, rì rầm tiếng máy chạy. Máy gặt chạy đến đâu, mùi thơm dậy đến đó, thậm chí cả những thửa ruộng đã gặt xong từ hôm trước, gốc rạ còn vương mùi hương.

Cánh đồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào 53 ha trồng theo quy trình Viet G.A.P tại Mỹ Lệ, Cần Đước nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Nam

Cánh đồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào 53 ha trồng theo quy trình VietGap tại Mỹ Lệ, Cần Đước nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Nam

Đám ruộng của ông già Bảy chỉ là phần nhỏ trong dự án khai thác và phát triển giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Dự án do Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước cùng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật phối hợp Đại học Cần Thơ và triển khai từ cuối năm 2016, tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài khôi phục nguồn gene, dự án còn trình diễn mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, quy mô 53 ha. Sau 4 năm triển khai, dự án đã kết thúc từ tháng 8/2020, toàn bộ quy trình đang được chuyển giao lại cho địa phương.

Đứng bên mảnh ruộng chỉ còn khoảng một tuần nữa thu hoạch, ông Phan Văn Sánh (54 tuổi), lão nông kỳ cựu hơn 30 năm trồng lúa, kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Bảy Sánh (xã Mỹ Lệ), đơn vị ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân bảo rằng, những ngày giáp Tết ông đều bận rộn. "Để khách hàng yên tâm, tôi phải dẫn họ ra thăm cánh đồng, tận mắt sờ từng bông lúa, cảm nhận mùi thơm dịu, nhất là lúc trời se lạnh sáng sớm và khi chiều buông", ông Sánh nói.

Theo chủ nhiệm hợp tác xã, trước đây người dân địa phương chỉ làm giống Nàng Thơm Chợ Đào mỗi năm một vụ. Từ đầu tháng 7 âm lịch gieo sạ, đến tiết đông chí lạnh lúa trổ đòng đòng, sau 6 tháng, đến những ngày se lạnh cận Tết thì thu hoạch. Hiện, do người dân đã trồng lúa hai vụ và theo lịch né rầy, nên thời vụ rút ngắn còn 5 tháng. Đến vụ hè thu nông dân trồng thêm các giống lúa thường.

Đặc điểm lúa Nàng Thơm là ít sâu bệnh, mỗi ha chỉ cần rải phân hữu cơ tốn chưa đến 600.000 đồng. Bình quân, năng suất lúa 3,5 – 4,5 tấn mỗi ha, so với 6,5 tấn ha lúa bình thường.

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào là "hoa hậu chân dài" nhất trong các giống lúa ở Việt Nam, cây cao nhất đến 1,8 m, nên dễ bị ngã khi gặp mưa gió. Hạt lúa thon dài, trong một bông sẽ có những hạt đuôi dài. Phía ngoài hạt gạo có một lớp cám mỏng rất thơm, chính giữa hạt có màu hồng. Từ xưa, người dân trồng lúa tự nhiên, chỉ rải giống rồi đến khi chín thu hoạch, dùng trâu đạp, hoặc đập bồ bằng tay, lớp cám vẫn còn nên gạo đem nấu cơm, lúc sôi thơm nức mũi. Cơm chín dẻo, để qua đêm cũng không bị thiu. Về sau, do việc thu hoạch hiện đại dùng máy móc đã làm mất đi lớp cám, khiến mùi thơm của gạo bị giảm.

Cũng bởi đặc tính "độc nhất vô nhị", nên dân gian từng truyền miệng câu "Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai". Theo dòng lịch sử, đây cũng là loại gạo đặc sản tiến vua từ gần 200 năm trước. Sách Đại Nam thực lục từng ghi nhận, năm 1838, vua Minh Mạng đã "định lại lệ chở nộp thóc vua dùng ở Gia Định. Thóc này ở 7 xã thôn huyện Phúc Lộc (huyện Cần Đước ngày nay), bông thưa gặt muộn, theo lệ cũ mỗi năm phải nộp 100 hộc, nay đổi làm 50 hộc".

Truyền thuyết dân gian kể, cái tên gạo Nàng Thơm xuất phát từ một chuyện tình buồn giữa nàng Thơm và chàng trai nghèo trong thôn. Do môn đăng hộ đối, hai người không đến được với nhau, nàng Thơm đau buồn qua đời. Hay tin người yêu mất, chàng trai đến bên mộ khóc than rồi chết theo. Chỗ họ chết mọc lên giống lúa có mùi thơm, hạt gạo có màu trắng đục như nước mắt của lứa đôi.

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào những ngày cận Tết. Ảnh: Hoàng Nam

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào những ngày cận Tết. Ảnh: Hoàng Nam

Trả lời VnExpress, Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Công Thành, nguyên Trưởng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp thuộc Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Đại học Cần Thơ cho biết, trước đây, tại vùng Mỹ Lệ hàng năm đều bị ngập lụt, mặn, đất nhiều phù sa, việc trồng lúa hầu như không cần đến phân bón.

Sau khi có đê bao khép kín, không còn lụt, mặn, nhưng chất đất vẫn còn, hàm lượng phân NPK còn khá, nên trồng lúa mùa không cần bón thêm phân vô cơ. Muốn duy trì mùi thơm, chất lượng chỉ cần bón thêm phân hữu cơ vi sinh.

Về chất lượng gạo Nàng Thơm Chợ Đào không còn như xưa, ông Thành cho rằng, trước đây nhiều cơ quan đã tiến hành phục tráng, nhưng sau đó bỏ giữa chừng, sau nhiều năm giống bị thoái hóa. Ngoài ra, vì là đặc sản nổi tiếng, nên thương lái trộn với gạo mềm cơm. Gạo trộn nên chất lượng thay đổi, khách hàng chê, làm phá hủy thương hiệu.

Về đặc tính giống gạo này chỉ trồng được ở quanh rạch Đào, đem đi nơi khác thì chất lượng gạo giảm, theo Phó giáo sư, bất kỳ giống lúa thơm nào trồng trên đất vùng phèn nhiễm mặn đều có mùi thơm và có chất lượng ngon hơn khi trồng ở đất liền. Có thể do trong nước biển có nhiều Calci, Kali, Magie và nhiều chất khác lắng tụ ở vùng phèn có mặn xâm nhập, ngoài ra có hệ vi sinh tồn tại nơi đó.

Quá trình phục tráng, các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp chạy điện di SDS-PAGE và phân tích độ bền gel. Qua kiểm tra chất lượng gạo cơm nấu, các lão nông địa phương cho rằng đã khôi phục được trên 95% giống Nàng Thơm Chợ Đào như xưa.

Theo ông Thành, trước mắt, dự án đã duy trì được thương hiệu gạo thơm có giá trị tiêu thụ nội địa. Với sản lượng hiện tại, gạo Nàng Thơm Chợ Đào phục vụ không đủ cho du lịch, nhà hàng sang trọng, biếu... Việc đầu tư gầy dựng lại giống đặc sản này với diện tích càng lớn thì hiệu quả càng cao, đặc biệt nếu được xuất khẩu.

Theo ông, khi so sánh với tất cả giống lúa thơm cao sản ngắn ngày, Nàng Thơm Chợ Đào có gene tốt nhất Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân là mùi thơm trong hạt gạo này lưu trữ ít nhất 4 tháng trong khi các loại khác chỉ khoảng một tháng. "Để so sánh với gạo ngon nhất, nhìn thế giới như ST25, tôi cho rằng nên mở cuộc thi... hoa hậu quốc gia thì rõ hơn. Lúa thu hoạch sau hai tháng, xay chà rồi đem nấu, đánh giá", Phó giáo sư nhận định.

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại dự án Viet G.A.P 53 ha, phía sau là ông Phan Văn Sánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bảy Sánh đang kiểm tra cánh đồng chỉ còn một tuần nữa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Nam

Lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại dự án VietGap 53 ha, phía sau là ông Phan Văn Sánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bảy Sánh đang kiểm tra cánh đồng chỉ còn một tuần nữa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho hay, xã Mỹ Lệ có 830 ha đất trồng lúa, trong đó khoảng phân nửa diện tích khu vực chợ Đào trồng được giống lúa Nàng Thơm. Tuy nhiên, hiện nay, người dân chỉ trồng khoảng 200 ha vào vụ đông xuân, với năng suất bình quân khoảng 4 tấn một ha mỗi vụ. Do gạo Nàng Thơm Chợ Đào là sản phẩm chủ chốt của địa phương, huyện đã hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật cho hợp tác xã địa phương.

"Địa phương đang từng bước hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, mục tiêu tương lai là phục tráng, quy hoạch lại vùng trồng theo hướng mở rộng diện tích, từng bước hướng đến quy trình sản xuất sạch, an toàn tạo thế cạnh tranh để người trồng lúa sống được với nghề", ông Hùng nói.

Nhìn ruộng lúa chín trĩu bông, già Bảy Nhỏ bảo rằng, sau gần 200 năm, hạt gạo tiến vua từng có lúc được trồng bằng nước mắt nông dân theo đúng nghĩa đen. Từ 2013 đến 2016, hàng chục hộ nông dân trồng lúa Nàng Thơm Chợ Đào ở Mỹ Lệ lâm vào cảnh "ngồi trên đống lửa", khi thương lái nhiều lần không mua lúa dù đã có hợp đồng bao tiêu, do gạo không đạt chất lượng vì giống thoái hóa.

Những năm đó, già Bảy vẫn chấp nhận thua lỗ, kết hợp nuôi heo thêm để cố bám trụ với giống lúa bản địa, trong khi nhiều nhà nông khác chuyển sang trồng lúa Tài Nguyên - một loại lúa cho gạo dẻo, ngọt cơm. "So với lúa khác, trồng lúa Nàng Thơm theo quy trình sạch năng suất thấp hơn, nhưng lợi thế là ít phân thuốc, an toàn cho người lao động lẫn người sử dụng", ông Bảy Nhỏ nói.

Nhờ hạt gạo Nàng Thơm, đời sống kinh tế gia đình già Bảy những năm gần đây khắm khá, đủ chi phí trang trải cho hai con vào đại học. Cùng tâm huyết với gạo Nàng Thơm như ông Bảy Nhỏ, ông Bảy Sánh nói mấy năm gần đây, mỗi năm hợp tác xã ông bán khoảng vài trăm tấn gạo, nhiều nhưng so với nhu cầu thực tế thì chẳng thấm vào đâu.

Chủ nhiệm hợp tác xã Bảy Sánh bảo ông đi nhiều nơi, có lúc vào siêu thị thấy một số loại gạo khác nhưng đóng gói, ghi gạo Nàng Thơm Chợ Đào, ông rất xót. Hiện tại, giá gạo Nàng Thơm tại hợp tác xã khoảng 24.000 đồng một ký nếu trồng theo quy trình VietGap và ít hơn 4.000 đồng so với gạo trồng theo quy trình bình thường. Ông cho biết về lâu dài, khi thương hiệu được bảo đảm, đầu ra ổn định, giá sản phẩm được nâng lên, người trồng lúa Nàng Thơm sẽ sống tốt hơn, muốn vậy cần phải có sự đồng lòng, kiên trì của nhà nông.

Phục tráng gạo Nàng Thơm Chợ Đào Phục tráng gạo Nàng Thơm Chợ Đào

Thu hoạch lúa Nàng Thơm Chợ Đào những ngày cận Tết. Video: Hoàng Nam

Hoàng Nam

Từ khóa » Sự Tích Gạo Nàng Thơm Chợ đào