Luật Tổ Chức Quốc Hội Là Gì? Cơ Cấu Tổ Chức Quốc Hội Theo Luật Tổ ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Luật tổ chức Quốc hội là gì?
  • 2 2. Cơ cấu tổ chức Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội:
    • 2.1 2.1. Chủ tịch Quốc hội và các phó chủ tịch Quốc hội:
    • 2.2 2.2. Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội:
    • 2.3 2.3. Đoàn đại biểu Quốc hội:
    • 2.4 2.4. Tổng thư ký Quốc hội:
    • 2.5 2.5. Văn phòng Quốc hội:
    • 2.6 2.6. Các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội:

1. Luật tổ chức Quốc hội là gì?

Luật tổ chức Quốc hội là văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành, bao gồm các quy phạm pháp luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Quốc hội.

Luật tổ chức Quốc hội trong Tiếng Anh là “Law on organization of the National Assembly.”

2. Cơ cấu tổ chức Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội:

Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có cơ cấu tổ chức như sau:

2.1. Chủ tịch Quốc hội và các phó chủ tịch Quốc hội:

– Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Với vị trí là người đứng đầu cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

+ Chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Quốc hội, các quy định về kỳ họp Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

+ Lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

+ Chủ tọa hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức.

+ Triệu tập và chủ tọa hội nghị Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội bàn chương trình hoạt động của Quốc hội, của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi cần thiết.

+ Giữ quan hệ với các đại biếu quốc hội.

+ Chỉ đạo việc thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội.

+ Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện công tác đối ngoại của Quốc hội; thay mặt Quốc hội trong quan hệ đối ngoại của Quốc hội; lãnh đạo hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam trong các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực.

Chủ tịch Quốc hội hiện nay của nước ta là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

– Các Phó chủ tịch Quốc hội: các Phó chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch ủy nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội.

Các Phó chủ tịch Quốc hội của nước ta hiện nay: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ.

* Ủy ban thường vụ Quốc hội- là cơ quan thường trực của quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

– Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;

– Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

– Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

– Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

– Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội;

– Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước;

– Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân;

– Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

– Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

– Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

– Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

2.2. Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội:

– Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội

– Các Ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban pháp luật; Ủy ban tư pháp; Ủy ban kinh tế; Ủy ban tài chính, ngân sách; Ủy ban quốc phòng và an ninh; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban các vấn đề xã hội; Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban đối ngoại.

– Chức năng, nhiệm vụ: Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội có chức năng thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, báo cáo và dự án khác được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội giao; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Ủy ban.

Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định.

2.3. Đoàn đại biểu Quốc hội:

Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức, bảo đảm các điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp;

– Tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

– Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm;

– Báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

– Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội có Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội của Đoàn và được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức và điều hành các hoạt động của Đoàn.

Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn ủy nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở làm việc. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách nhà nước bảo đảm.

2.4. Tổng thư ký Quốc hội:

Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng thư ký Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tham mưu cho Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

– Phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao;

– Là người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội;

– Tổ chức các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội; ký biên bản kỳ họp, biên bản phiên họp;

– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

2.5. Văn phòng Quốc hội:

Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

– Tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;

– Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội;

– Quản lý kinh phí hoạt động của Quốc hội;

2.6. Các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội để tham mưu, giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội về các lĩnh vực công việc cụ thể.

Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác làm việc tại các cơ quan này phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Hiện tại, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm: Ban công tác đại biểu; Ban dân nguyện; Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.

Từ khóa » Tổ Chức Là Gì Tiếng Anh