Lục Bát Biến Thể Và Hiệu Quả Nghệ Thuật

(Toquoc)- Lục bát là thể thơ gắn bó từ lâu đời với người Việt Nam bởi sự gần gũi, mộc mạc và cấu trúc nhịp điệu thật nhẹ nhàng mà tinh tế của nó.

Lục bát là thể thơ dân tộc được hình thành trên những điều kiện cụ thể từ những đặc trưng ưu việt của tiếng Việt và những đặc điểm thẩm mỹ, văn hóa truyền thống của người Việt.

Tên gọi lục bát ý chỉ cặp câu thơ có dòng đầu 6 tiếng dòng sau 8 tiếng “thượng lục hạ bát”. Bài thơ ngắn nhất gồm có một cặp lục bát; trường hợp thứ hai bài thơ không hạn định về số lượng cặp câu (mở đầu bằng câu lục; câu lục rồi tới câu bát luân phiên nhau; và kết thúc ở câu bát).

Tuy nhiên, trong dòng chảy thời gian từ trước đến nay và ắt hẳn còn ở tương lai thơ lục bát luôn được sáng tạo linh động, với nhiều biến đổi mang tính dụng ý nghệ thuật. Sự biến đổi đó được đúc kết với tên gọi chung là biến thể trong lục bát hay “Lục bát biến thể”.

Như đã nêu, lục bát biến thể được nói cách khác là dụng ý nghệ thuật của người sáng tạo, đã làm cho câu thơ thêm phần sinh động và đặc biệt là tạo ra nhiều điểm độc đáo. Xét trên nhiều bình diện ta có thể tạm vạch ra những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, số lời có thể bị kéo dãn ra hoặc phối hợp với thể nói lối:

Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú

Con gà không vú nuôi chín mười con

Phải chi nhan sắc em còn

Anh vô chốn đó chiều lòn cũng ưng.

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc:

Dẫu thương anh, em vẫn giữ đạo hằng

Anh về cậy mai tới nói, phụ mẫu bằng lòng em mới thuận ưng.

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc nữa:

Miễn cho mở miệng em ừ,

Anh chẳng từ lao khổ,

Dẫu lên non tróc hổ,

Hay xuống biển nã rồng,

Anh đây cũng chẳng tiếc công,

Mong sao cho đặng tấm lòng em thương.

(Ca dao - Dân ca)

Thứ hai, lục bát thường theo vần bằng nhưng có những trường hợp biến thể theo vần trắc.

Tò vò mà nuôi con nhện

Đến khi nó đến nó quện nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi, nhện hỡi! Nhện đi đằng nào?

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc:

Gặp lúc đêm thanh trăng tỏa

Hát đôi câu cho rõ nhân tình

Phòng loan thục nữ một mình

Hay là đã biết duyên tình cùng ai?

(Ca dao - Dân ca)

Thứ ba, tiếng thứ 6 của dòng lục lại hiệp vần vói tiếng thứ 4 của dòng bát.

Con vua thì được làm vua

Con sãi ở chùa, thì quét lá đa.

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc:

Tiếc thay hoa nở làm chi

Hoa nở lỡ thì, lại phải mùa đông.

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc nữa:

Thu đi cho lá vàng rơi

Lòng em rối bời như là thu sang.

(Thu sang - Linh Giang)

Thứ tư, trong bài thơ lục bát có xen lẫn hai câu thất.

Bốn năm mới gặp lại em

Nỗi lòng vui sướng lòng tràn mừng vui

Nụ cười xinh đọng ướt trên môi

Chén hàn huyên một lời thành hai

Cha em xa cách lâu ngày

Cỏ cây mừng rỡ như là bài thơ xuân.

(Đưa em vào nắng mới - Linh Giang)

Hoặc:

Đêm qua nguyệt lặn về Tây

Sự tình kẻ ấy, người đây còn dài

Trúc với mai, mai về trúc nhớ

Trúc trở về, mai nhớ trúc không

Bây giờ kẻ Bắc, người Đông

Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư.

(Ca dao - Dân ca)

Thứ năm, xuất hiện hiện tượng lạc vần.

Ta ngồi nhuộm lại thời xa

Tự mình có thể băng qua nỗi buồn?

Cái qua thì đã đâu còn

Cái sắp tới cũng mỏi mòn rụng rơi.

(Nhuộm tình - Hữu Phước)

Hoặc:

Năm mươi tóc đã bạc màu

Bây giờ môi đỏ, má đào còn đâu?

Nụ cười duyên dáng thành xưa

Duy còn mong nhớ như vừa hôm qua.

(Tình khúc tuổi năm mươi - Hữu Phước)

Thứ sáu, bài thơ lục bát xuất hiện với số lượng câu lẻ.

Ta còn ở tuổi… năm mươi

Ngất cao ngày tháng đất trời đã cho.

Đường đời ngắn lại lẽ thường

Trao yêu thương, gởi yêu thương nhé người!

Ta còn nhiều… tuổi năm mươi…

(Ta còn - Hữu Phước)

Hoặc:

Mình về đường ấy thì xa

Để anh bắt cầu sông Cái về qua Ninh Bình

Đất Ninh Bình có chùa Non Nước

Núi Phi Diên, Hồi Lạc xung quanh

Em về em nhớ quê anh.

(Ca dao - Dân ca)

Hoặc nữa:

Vô duyên vô phúc!

Múc phải anh chồng già

Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng,

Ấy cái nợ truyền kiếp có phải chồng em đâu!

(Ca dao - Dân ca)

Thứ bảy, là biến đổi về cấu trúc Bằng - Trắc.

Ðồ tế nhuyễn của riêng tây

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Hoặc:

Cưới vợ thì cưới liền tay

Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha

(Ca dao - Dân ca)

Thứ tám, là thay đổi hình thức câu thơ.

Chân qua

chín chín

chiếc cầu,

Thêm cây

cầu khỉ

thành câu

thơ tình.

(Lục bát - Nguyễn Chơn Thuần)

Hoặc:

Núi bài thơ

đứng bao giờ?

Biển nheo sóng biếc

mịt mờ trùng khơi.

Nghìn hồn đảo nổi chơi vơi,

Bức tranh

sơn thuỷ

tuyệt vời

Hạ Long.

(Vịnh Hạ Long - Nguyễn Chơn Thuần)

Có thể thấy, qua một số bình diện trên, câu thơ lục bát phù hơp cho việc truyền tải cảm xúc của người sáng tạo một cách đa dạng và phong phú. Đồng thời tính nhạc của câu thơ cũng được thể hiện rõ nét với những nhịp điệu khác nhau; lúc lên cao xuống thấp, lúc khắc khoải nghẹn ngào, lúc thiết tha tình cảm.

Và cũng chính những tác dụng từ việc sáng tạo mạng lại, đã tạo nên những nét riêng hết sức độc đáo cho câu lục bát biến thể mà vẫn không làm biến chất hay pha tạp ảnh hưởng đến câu lục bát chính thể. Nói cách khác câu lục bát biến thể đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công cuộc cách tân, làm mới thể lục bát, giúp đưa thể thơ này luôn đi song hành với người Việt ở mọi thời đại bởi sự linh hoạt và uyển chuyển của nó.

Nguyễn Thanh Toàn

--------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Du, Truyện Kiều, NXB Văn học.

2. Linh Giang, Đêm thao thức (Tập thơ), NXB Thanh Niên.

3. Giáo án điện tử (Đặc điểm thi pháp thơ Lục bát), Thạc sỹ Nguyễn Thị Chính, Trường Đaị học Đồng Tháp.

4. Dương Phong, Ca dao - Dân ca Việt Nam tinh tuyển, NXB Văn học.

5. Hữu Phước, Gọi mình (Tập thơ), NXB Văn học.

6. Nguyễn Chơn Thuần, Khơi nguồn (Tập thơ), NXB Văn nghệ.

Từ khóa » định Nghĩa Lục Bát Là Gì