TÌM HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT - LEHOABLOG

Tổng số lượt xem trang

13/01/2013

TÌM HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT

Phần A TÌM HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT Giới thiệu mở đầu. Thơ lục bát là thơ của Việt Nam, giống như thơ Đường luật của Trung Quốc, thơ Hai Ku của Nhật Bản và nhiều thể thơ khác của các dân tộc trên thế giới. Thơ lục bát thân thiết với tất cả mọi tầng lớp người Việt, sâu lắng và tinh tế trong biểu đạt mọi trạng thái tư tưởng, tình cảm. Thơ lục bát nảy nở rực rỡ trong tục ngữ, ca dao, hò vè các làn điệu dân ca nối dài từ đời này qua đời khác để rồi tồn tại mãi mãi. Thơ lục bát là thơ của một dân tộc, không lai tạo bởi bất kỳ một thể thơ ngoại lai nào khác. Thơ dịu dàng và tha thiết giống như tích cách của con người Việt Nam ta vậy. Thơ dễ làm, dễ thuộc và ai cũng có thể làm được cho dù là người biết chữ hay không biết chữ. Một bài thơ lục bát có thể dài đến vô cùng nhưng lại có thể ngắn đến chỉ là một cặp câu với mười bốn chữ nhưng vẫn hội tụ đủ nội dung và nghệ thuật của một bài thơ. I. Những yếu tố chính của thơ lục bát I.1. Luật thơ lục bát I.1.1. Khái niệm về luật thơ lục bát Thơ lục bát được hình thành trước hết là bởi các nhóm với sáu từ làm thành câu lục và tám từ làm thành câu bát. Các nhóm từ này được ghép lại với nhau theo một quy tắc gọi là luật của thơ lục bát. Luật thơ lục bát bao gồm toàn bộ các quy định về hiệp vần và sắp xếp từ ngữ, âm thanh trong các câu thơ. Luật thơ lục bát được tóm tắt về sự sắp xếp từ ngữ trong câu lục theo thứ tự: Bằng, bằng, trắc trắc, bằng, bằng. Đối với câu bát các từ được xếp theo thứ tự: Bằng bằng, trắc trắc, bằng bằng, trắc bằng. I.1.2. Sơ đồ cơ bản của luật thơ lục bát Qua rất nhiều nghiên cứu của các thế hệ người Việt về thơ lục bát, chúng ta đã có nhiều phiên bản về luật thơ lục bát qua các thời kỳ. Trong bài tìm hiểu này xin giới thiệu một phiên bản có khá nhiều người tán đồng. Nếu ta gọi B là bằng và T là trắc ta có sơ đồ luật thơ lục bát dưới đây
Vị trí 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục B B T T B B
Câu bát B B T T B B T B
I.1.3. Giản lược về luật thơ lục bát Nếu mỗi câu thơ lục bát giữ đúng âm thanh bằng và trắc đúng như sơ đồ thì rất tốt. Tuy nhiên nếu áp dụng một cách máy móc quá thường cũng khó tránh khỏi sự gượng ép trong câu chữ và nội dung thơ. Người xưa đã nghiên cứu các vị trí âm thanh trên sơ đồ và thấy rằng chỉ cần giữ đúng một số vị trí thì bài thơ vẫn đúng luật. Cũng giống như công thức giản lược trong thơ Đường luật: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Nghĩa là chỉ cần các vị trí 2,4,6 giữ đúng âm thanh bằng trắc là được, các vị trí 1,3,5 có thể tùy ý sắp xếp bằng trắc tùy tý tác giả. Dưới đây là sơ đồ luật thơ lục bát giản lược.
Vị trí 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục - B - T - B
Câu bát - B - T - B T B
I.2. Vần của thơ lục bát I.2.1. Khái niệm về vần I.2.1a Vần giữa các từ Lâu nay ta luôn nói từ này vần với từ kia, câu này vần với câu kia, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vần qua một số ví dụ dưới đây. Trước hết ta nhận thấy các từ có thể khác nhau phần phụ âm đầu nhưng phần nguyên âm ghép với phụ âm cuối của nhiều từ thường rất giống nhau. Những từ có phần sau giống nhau khi đọc nên âm thanh phát ra cũng khá giống nhau, từ đó cho ta khái niệm từ này vần với từ kia vậy. Ví dụ: Ta có 2 từ quân và ngân Hai từ quân và ngân đều có nguyên âm (â) ghép với phụ âm (n) ở cuối thành (Ân), hoàn toàn giống nhau. Thế có nghĩa là quân vần với ngân I.2.1b Vần đúng và gần đúng (vần chính và phụ) + Vần đúng (vần chính) Vần đúng là những vần có nguyên âm và phụ âm ghép sau nó giống hệt nhau chỉ khác bởi các dấu của chúng, như vần (Ân) trong ví dụ trên. + Vần gần đúng (vần phụ) Ngoài các cặp từ có vần đúng còn có khá nhiều cặp từ có vần gần đúng, các cặp từ này có nguyên âm giống nhau nhưng ghép với phụ âm cuối khác. Ví dụ: Ta có 2 từ ngân và ngâm Ân và âm chỉ hơi giống nhau nên gọi là vần gần đúng I.2.1c. Vần giữa các nhóm từ. Trước hết chúng ta thống nhất với nhau hãy bỏ qua vấn đề văn phạm mà chỉ coi các ví dụ lấy từ đồng dao dưới đây là các nhóm từ để khảo sát. Ví dụ: Ta có các nhóm từ sau: Ăn vóc, học hay Dung giăng dung giẻ, dắt trẻ đi chơi... Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà... Các ví dụ trên cho thấy các nhóm từ đều có các từ vần với nhau, khi thì chúng đứng cạnh nhau như nhóm từ (Ăn vóc) và (học hay) vần bởi từ (vóc) và (học). Khi thì ở vị trí cuối nhóm trước, cách một từ của nhóm sau như nhóm từ (Dung giăng dung giẻ) và (dắt trẻ đi chơi) vần bởi từ (giẻ) và (trẻ). Khi thì ở vị trí cuối nhóm trước với vị trí cuối của nhóm sau như nhóm từ (Thả đỉa ba ba) và (chớ bắt đàn bà) vần bởi từ (ba) và (bà) vv... Những nhận xét trên cho thấy các nhóm từ vần với nhau thì đều phải có các từ vần với nhau và đứng ở một vị trí nào đó trong các nhóm từ Nếu ta coi câu lục, câu bát là hai nhóm từ và chúng vần với nhau thì nhất thiết trong chúng phải có các từ vần với nhau. Điều cần thiết là chúng ta phải tìm ra các từ của câu lục vần với câu bát như thế nào và vị trí của nó sắp xếp ra sao. I.2.2. Vần của một cặp câu lục bát I.2.2a. Ví dụ về vần của một cặp câu lục bát Thơ lục bát có cấu trúc trước hết là một cặp hai câu thơ liền nhau, câu trên 6 từ, câu dưới 8 từ. Cặp câu này vần với nhau theo một quy luật cụ thể. Ví dụ 1: Câu thơ lục bát đâu rồi Đi tìm bạc tóc chưa thôi đi tìm Ví dụ 2: Trời đất rộng, núi non cao Tự do tự tại lẽ nào chẳng vui Trong ví dụ 1, từ (rồi) cuối câu lục vần với từ (thôi) ở vị trí thứ 6 câu bát. Trong ví dụ 2, từ (cao) ở cuối câu lục vần với từ (nào) ở vị trí thứ 6 câu bát. Đây chính là sự hiệp vần giữa 1 câu lục với 1 câu bát lập thành 1 cặp câu lục bát. Sự kết nối trên chính là sự kết nối về vần trong thơ lục bát. I.2.2b. Sơ đồ vần trong một cặp câu lục bát
Vị trí 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục B B T T B B
Câu bát B B T T B B T B
Vần V
I.2.3. Vần của hai cặp câu lục bát liền nhau Những bài thơ lục bát thường có nhiều cặp câu lục bát hợp lại. Sự kết nối của các cặp câu lục bát thông qua hiệp vần giữa chúng với nhau chính là cơ sở hình thành bài thơ lục bát. I.2.3a. Ví dụ về vần giữa các cặp câu lục bát Ví dụ: Nơi đâu mình đã xé rào Giấu cha, giấu mẹ để vào vườn sau Nơi đâu mình đứng cùng nhau Trên môi còn nụ hôn đầu đắm say Trên đây là 2 cặp câu lục bát liền kề nhau với từ cuối câu bát (sau) của cặp trước vần với từ cuối (nhau) câu lục của cặp sau. Kết luận Thơ lục bát là tập hợp nhiều cặp câu lục bát vần với nhau theo một cách thức duy nhất đó là từ cuối của câu bát cặp câu lục bát đứng trước vần với từ cuối của câu lục cặp câu lục bát đứng sau. I.2.3b. Sơ đồ vần của 2 cặp câu lục bát liền nhau
Vị trí 1 2 3 4 5 6 7 8
Câu lục 1 B B T T B B
Câu bát 1 B B T T B B T B/v
Câu lục 2 B B T T B B/v
Câu bát 2 B B T T B B T B
I.3. Các loại vần trong thơ lục bát Vần trong thơ lục bát được đặt tên theo nhiều cách, như dựa vào vị trí của vần trong câu, dựa vào thanh âm, thậm chí vần còn có tên mô phỏng theo thân thể con người. I.3.1 Vần đặt tên theo vị trí Mỗi từ trong câu được xếp theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Từ đó cho thấy vần ở vị trí thứ mấy thì gọi tên theo thứ tự đó. Người ta cũng gọi vần ở các khoảng đầu, giữa, cuối của câu thơ, từ đó ta có vần đầu, vần giữa, vần cuối Ví dụ: Câu thơ lục bát đâu rồi Đi tìm bạc tóc chưa thôi đi tìm Ví dụ trên từ (rồi) ở vị trí thứ 6 và cũng là vị trí cuối của câu lục, vần với từ (thôi) nhưng lại ở vị trí thứ 6 trong câu bát. I.3.2. Vần đặt tên mô phỏng theo thân người Với cách viết của chữ nho xưa theo hàng dọc, từ đó những chữ trên cùng là đầu, chữa ở giữa là lưng và dưới cùng là chân, giống như thân người đứng thẳng. Chính từ đây ta có vần lưng, vần chân. (người xưa gọi là vần lưng là yêu vận và vần chân là cước vận) Ví dụ: Tưởng rằng đáy bể mò kim Ở ngay trước mắt còn tìm lạ chưa Trong ví dụ trên (kim) là vần chân, (tìm) là vần lưng I.3.3. Vần đặt tên theo thanh âm I.3.3a Vần bằng Các từ có thanh huyền và thanh không nằm trong cấu trúc vần thì đều là vần bằng. Ví dụ: Nghe câu ru giữa đêm mưa “Con cò lặn lội” còn chưa giấc tròn Tiếng ai tha thiết bồn chồn Mấy mươi năm tưởng lối mòn đã quen Ví dụ trên (mưa) và (chưa) là những vần bằng thanh không, (chồn) và (mòn) là những vần bằng thanh huyền I.3.3b. Vần trắc Các từ có thanh sắc, nặng, hỏi, ngã nằm trong cấu trúc vần thì đều là vần trắc. Ví dụ 1: Bao đêm em ngồi trên bến Em chờ anh đến suốt cả năm canh Ví dụ 2: Suốt đêm ngồi bên ngọn nến Em chờ, em đợi anh đến thăm em Ví dụ 3: Bên sông trăng soi vằng vặc Người về bỏ mặc ai đứng bên sông Ví dụ 4: Đường xa người đi đã mỏi Dừng chân nghỉ lại để hỏi thăm đường Ví dụ 5: Chớ tin sắc màu rực rỡ Để rồi bỏ lỡ hạnh phúc ngày mai Với các ví dụ trên đây các từ in đậm đều là những vần trắc với các thanh sắc, nặng, hỏi, ngã II. Thanh âm và nhịp điệu của thơ lục bát II.1. Sử dụng thanh âm trong thơ lục bát Tất cả các từ trong thơ lục bát đều là những thanh âm nằm trong cấu tạo của ngôn ngữ tiếng Việt. Thanh âm được hình thành bởi những chữ cùng với dấu của nó (có cả trường hợp không dấu). Có đến 6 thanh âm khác nhau, trong đó thanh không, thanh huyền thuộc thanh bằng. Các thanh còn lại như thanh sắc, hỏi, ngã, nặng đều thuộc thanh trắc. Mỗi thanh đều có một cấp độ cao thấp khác nhau nên khi ta đọc lên ta thấy hình như đó là những giai điệu trong các bài hát. Bài thơ dễ thuộc, dễ nhớ và khơi dậy những xúc cảm dịu dàng hoặc bi tráng. Hiểu rõ điều này chính là cơ sở cho việc tiếp cận với thơ lục bát thuận lợi hơn, bởi luật thơ lục bát chính là sự sắp xếp thanh âm ở các vị trí trong các câu thơ II.2. Tránh khổ độc Như trên đã nói trong hệ thống tiếng Việt của ta có 6 thanh khác nhau căn cứ bởi các dấu, trong đó gồm: Thanh huyền; thanh không dấu; thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi, thanh ngã. Đừng nghĩ rằng cứ là bằng thì (không) hay (huyền) cũng vậy. Nếu sắp xếp không khéo thì câu thơ đọc lên rất ngang, xưa gọi là khổ độc, để tránh điều này ta cần chú ý các trường hợp sau: Vị trí thứ 6 và thứ 8 cùng bằng nhưng không được xếp cùng thanh không hoặc cùng thanh huyền. II.3. Ngắt nhịp trong thơ lục bát Thơ lục bát dùng nhịp điệu khá thoáng kể cả câu lục và câu bát. Ngoài những yếu tố bắt buộc phải có tiểu đối như ở câu lục thì nhịp điệu của cả câu lục và câu bát đều có các nhịp xen kẽ với nhau tùy theo ý thơ. Dưới đây là một số ví dụ về nhịp điệu trong thơ lục bát. II.3.1. Ngắt nhịp 2 của câu lục và câu bát Thơ lục bát có 2 nhịp cân bằng thường có dạng đối chọi giữa 2 vế. Đó cũng chính là cấu trúc tiểu đối khá phổ biến ở cả lục bát chính thể và lục bát biến thể. Ngắt nhịp theo phương pháp này mang tính so sánh để làm nổi bật nội dung mà người viết xét thấy cần thiết. Ví dụ dưới đây có cấu trúc 2 nhịp với 3 từ trước và 3 từ sau ở câu lục và 4 từ trước, 4 từ sau ở câu bát. Ví dụ: Làn thu thuỷ / nét xuân sơn Hoa ghen thua thắm / liễu hờn kém xanh Truyện Kiều - Nguyễn Du Nhip 2 không đều cũng xuất hiện nhiều không kém với các cấu trúc 2/ 4. Ví dụ: Khát đời / khát một vùng quê Mà không còn dịp được về tận nơi Người về thôn Vỹ - Trọng Hồng II.3.2. Ngắt nhịp 3 của câu lục Các trường hợp có 3 nhịp đều nhau với cấu trúc 2/ 2/ 2 ở câu lục của cả thơ cũng như ca dao, tục ngữ cũng khá quen thuộc. Ví dụ: Sớm tìm / phận đẹp / duyên ưa Để em quên nỗi niềm xưa với người. Lục bát trong mơ - Trọng Hồng Ngoài ra càng không thiếu loại 3 nhịp không đều trong câu bát, đấy là những cấu trúc 2/ 2/ 4. Hoặc cấu trúc 4/ 2/ 2 trong câu. Ví dụ: Ru con con ngủ cho muồi Nước non chưa gánh / mẹ ngồi / mẹ ru Tục ngữ ca dao Việt Nam II.3.3. Ngắt nhịp 4 của câu bát Trong câu bát có thể có đến 4 nhịp, mỗi nhịp 2 từ với kết cấu 2/ 2/ 2/ 2 như ví dụ dưới đây. Ví dụ: Nhớ khi ngồi gốc cây hồng Biết đâu / có lúc / lạnh lùng / gốc đa Lục bát trong mơ - Trọng Hồng III. Thơ lục bát phá luật III.1. Khái niệm về thơ lục bát phá luật Các phần tìm hiểu trên đã nói khá kỹ về luật thơ luc bát. Đây cũng chính là luật dùng cho thơ lục bát chính thể. Cứ như luật trên thì khá nhiều những ý thơ và từ ngữ cần có trong thơ lại không đáp ứng được, nhất là tên địa phương, tên người và nhiều cử chỉ khác trong hành văn cứ phải dùng từ thứ 2 là thanh trắc và từ thứ tư là thanh bằng. Đặc biệt là từ cuối câu lục trong luật là vần và lại phải là thanh bằng nay bỗng nhiên phải đổi thành vần trắc. Đó chính là nguyên nhân sự xuất hiện thơ lục bát phá luật. III.2. Những dạng thơ lục bát phá luật III.2.1. Lục bát phá luật bởi vần trắc Có rất nhiều các bài thơ lục bát dùng vần trắc, đây chính là dạng phá luật bới từ thứ 6 theo luật phải là vần bằng nay lại là trắc Ví dụ: Suốt đêm ngồi bên ngọn nến Em chờ, em đợi anh đến thăm em Ví dụ: Đường xa người đi đã mỏi Dừng chân nghỉ lại để hỏi thăm đường Các vần (nến) và (mỏi) chính là các vần trắc. Điều đó khảng định đây là dạng: Phá luật vần trắc III.2.2. Lục bát phá luật nhị trắc Dạng phá luật thường xuất hiện đó là từ thứ 2 của câu lục từ bằng giờ đây là trắc Ví dụ: Trời đất rộng, núi non cao Tự do tự tại lẽ nào chẳng vui Toàn bộ câu thơ lục bát trên nếu đối chiêu với Lục bát giản lược thì duy nhất chỉ có từ thứ 2 (đất) là yếu tố phá luật. Ta gọi là: Phá luật nhị trắc III.2.3. Lục bát phá luật tứ bằng nhị trắc Dạng phá luật thứ 2 xuất hiện đó là từ thứ 2 từ bằng giờ đây là trắc, từ thứ 4 trắc giờ đây là bằng Ví dụ: Khi tựa gối khi cúi đầu (truyện Kiều) Ví dụ: Khi chén rượu, khi cuộc cờ (truyện Kiều) Qua ví dụ trên ta thấy vị trí 2 và 4 trong câu thơ đã thay đổi ngược lại. Ta gọi là: Phá luật tứ bằng nhị trắc III.2.4. Một số nét bàn về phá luật nhị trắc Rất nhiều người cho rằng đã làm thơ lục bát thì nên cố gắng viết thơ lục bát chính thể. Những bài thơ lục bát phá luật như dạng nhị trắc thường bị chê và ít sử dụng. Tuy nhiên nhiều nhà thơ lớn và nhất là cụ Nguyễn Du thì các câu thơ gọi là phá luật thật là đắc dụng. Nếu thống kê đầy đủ các câu thơ phá luật các dạng của cụ trong Truyện Kiều thấy rằng số lượng quả không nhỏ. Tuy nhiên mỗi trường hợp dùng từ thứ 2 là thanh trắc thì bao giờ cụ cũng thiết kế câu thơ ở dạng tiểu đối, nghĩa là ngay trong câu thơ ấy đã hình thành 2 vế đối chọi với nhau. Ví dụ: Người quốc sắc / kẻ thiên tài Mai cốt cách/ tuyết tinh thần Từ câu thơ trên nửa đầu là: người quốc sắc đối với kẻ thiên tài. Hoặc như câu thơ dưới: Mai cốt cáchđối với tuyết tinh thần Dưới đây là một số ví dụ phá luật nhị trắc trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du để mọi người tham khảo. Người một nơi, hỏi một nơi Khi gió gác, khi trăng sân Khi tựa gối, khi cúi đầu Khi khóe hạnh, khi nét ngài Khi chén rượu, khi cuộc cờ Mai cốt cách, tuyết tinh thần Nền phú hậu, bậc tài danh Người quốc sắc, kẻ thiên tài Người nách thước, kẻ tay dao Đồ tế nhuyễn, của tiêng tây Duyên hội ngộ, đức cù lao Tin nhạn vẩn, lá thư bời Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh Người yểu điệu, kẻ văn chương Thêm nến giá, nối hương bình Tuy nhiên cũng có những câu thơ dùng phá luật nhị trắc nhưng không dùng tiểu đối. Đây là 1 trường hợp câu thơ được áp dụng trong trạng thái tác giả đau đớn đến cùng cực than cho số kiếp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung... Một trường hợp hy hữu khác nữa mà Nguyễn Du đã viết đó là lời mắng mỏ đến gay gắt của Hoạn thư trước người hầu Hoa nô Thúy Kiều. Câu thơ như bóc trần thói kệch cỡm kẻ cả trong thủ đoạn hại người do họ Hoạn đã bày ra. Sao chẳng biết ý tứ gì Cho chàng buồn bã tội thì tại ngươi... Những gì mà mọi người thấy được là việc vận dụng thơ lục bát chính thể hay thơ lục bát phá luật đều nằm trong tầm tay người viết. Đừng câu chấp điều gì để thơ hay đến được với mọi người. IV. Thơ lục bát biến thể IV.1. Khái niệm về thơ lục bát biến thể Thơ lục bát biến thể chính là các bài thơ có cách gieo vần và hiệp vần khác với luật thơ lục bát chính thể. Đặc điểm của lục bát biến thể là từ thứ sáu của câu lục hiệp vần với từ thứ 4 của câu bát Thường thường thơ lục bát biến thể hay đi kèm với lục bát phá luật. IV.2. Lục bát biến thể vần bằng Thơ lục bát biến thể dùng vần bằng khá phổ biến trong các sáng tác từ trước đến nay với những ví dụ dưới đây. Ví dụ: Thanh niên việc xóm xông pha Phụ nữ việc nhà việc hội giỏi giang Trong câu thơ lục bát trên từ thứ sáu (pha) của câu lục hiệp vần với từ (nhà) của câu bát. Câu thơ trên cũng đi kèm với dạng phá luật ở câu bát với các từ (nữ và hội) từ bằng thành trắc. Đây chính là dạng thơ lục bát biến thể vần bằng IV.3. Lục bát biến thể vần trăc Trong các sáng tác thơ lục bát không hiếm những bài thơ biến thể vần trắc. Nghĩa là vần trắc của câu lục cũng hiệp vần với từ thứ 4 của câu bát Ví dụ: Bao đêm em ngồi trên bến Em chờ anh đến suốt cả năm canh Trong câu thơ trên từ thứ sáu (bến) của câu lục hiệp vần với từ thứ tư (đến) của câu bát. Câu thơ lục bát trên đây vừa là dạng lục bát biến thể kèm theo phá luật ở cả câu lục và câu bát. Đây chính là dạng thơ lục bát biến thể vần trắc IV.4. Cứu cánh của lục bát biến thể Khi làm thơ lục bát ít người để ý đến thế nào là chính thể và thế nào là biến thể. Tuy nhiên với lục bát chính thể câu thơ có vẻ như mềm mại hơn, còn lục bát biến thể có vẻ như rành rẽ hơn và khá thú vị là giúp cho ta trong những cơn vế tắc của sự dàn trải trong thơ. Chính vì vậy mà những người có thể chinh phục được tất cả các dạng thơ này dễ đến được với đỉnh cao của thơ lục bát V. Điều cần tránh trong làm thơ lục bát V.1. Sử dụng vần hợp lý trong thơ lục bát Thơ lục bát thường dùng vần bằng, rất ít dùng vần trắc. Những bài thơ lục bát hay nhất thường dùng các vần chính hoặc các vần gần đúng và không rơi vào trạng thái lạc vần. Đặc biệt là không phạm các lỗi trong hiệp vần như các trường hợp dưới đây. V.2. Sử dụng vần chính Ví dụ: Tưởng như mình viết rất nhiều Thế mà cũng chỉ vài điều thế thôi Với vần (iêu) trong nhiều và vần (iêu) trong điều của 2 câu trên ta thấy chúng giống hệt như nhau, ta gọi là vần chính. Những người làm thơ lục bát càng gắn bó với vần chính trong thơ thường gặt hái được nhiều thành công nhất V.3. Sử dụng vần gần đúng (vần phụ) Ví dụ: Bỗng đâu nói nói cười cười Những thương cùng nhớ thế rồi lại đi. Với vần (ời) trong cười và (ồi) trong rồì chỉ gần giống nhau. Tuy vậy ta cũng vẫn có thể coi 2 câu trên vần với nhau, ta gọi đó là câu có vần gần đúng. V.4. Nên dùng vần bằng tránh dùng vần trắc Về cơ bản thơ lục bát chỉ có vần bằng, nhưng ta cũng gặp khá nhiều bài lục bát vần trắc như đã nói ở trên. Tuy nhiên vần trắc sử dụng nhiều hơn cả là trong ca dao, tục ngữ. Qua tìm hiểu nhiều bài thơ thấy rằng cũng nên dùng vần bằng và tránh dùng vần trắc trong thơ lục bát. Ví dụ: Bao đêm em ngồi trên bến Em chờ anh đến suốt cả năm canh Nếu có thể thay bằng cặp câu sau thì vẫn đủ ý mà lại không phải dùng vần trắc: Bao đêm trên bến trông ai Mỏi mong chờ đợi kéo dài năm canh V.5. Tránh lạc vần Khá nhiều câu thơ không những không theo vần chính và cũng không dùng vần gần đúng. Các từ ở vị trí gieo vần được thay bằng những từ có vần khác hẳn Ví dụ 1: Xa quê từ ấy đã lâu Lòng ta khao khát những mong trở về Vần (lâu) cuối câu lục chẳng hề vần với (khát) ở vị trí 4 và (mong) ở vị trí 6 trong câu bát như ví dụ 1; hoặc vần (này) không vần với (sang) trong câu 2 và câu 3 của ví dụ 2. Ví dụ 2: Người về bên ấy xa xôi Mải mê công việc bỏ tôi bên này Ngày mai tôi sẽ tìm sang Bắt đò ngược nước để mang người về Khi đọc những câu thơ như trên ta thấy nó trúc trắc, không liền mạch và khó thuộc, khó gieo sự cảm hứng cho độc giả khi tiếp nhận nội dung nghệ thuật bài thơ. V.6. Tránh trùng vần Những câu thơ lạc vần đã cho ta những sản phẩm không êm dịu lắm và rất khó thuộc, nhưng nếu nhiều vần trùng nhau cũng chẳng tốt hơn. Ví dụ: Đã từng lội suối trèo non Đã từng uống nước ở con sông đào Đã từng ăn một trái đào Giữa nơi tiên giới mà nào có hay Ai ơi, ai hỡi có hay Cõi tiên thế cũng bằng nay cõi người Vần (đào) ở câu 2 và câu 3, hoặc vần (hay) câu 4 và câu 5 trên đây cho thấy các câu thơ trùng vần khi đọc lên nghe hơi ngang và gượng gạo. V.7. Tránh điệp vần Nhiều bài thơ lục bát tuy không trùng vần giữa 2 cặp câu như trên nhưng chỉ mới cách vài câu lại trùng vần cũng là thiếu sót nên tránh. V.8. Tránh dùng chung vần trong câu. Ví dụ: Thấy người có nét cười tươi Đoán người chắc chỉ hai mươi tuổi đời Ngay trong một câu lục hoặc câu bát có khi có đến 3 vần (ươi) giống nhau như (người, cười, tươi) trong câu lục, hoặc như (người, mươi, đời) trong câu bát trên đây. Câu thơ ngang và gượng, khi đọc lên chẳng có nhạc điệu, khiến người đọc quên ngay sau đó. VI. Xướng hoạ thơ lục bát Thơ lục bát cũng có thể xương hoạ như một số thể thơ khác cùng với những quy tắc riêng, tuy nhiên những bài lục bát xướng hoạ thường ngắn. Ngoài xướng hoạ đôi khi các tác giả còn nối thơ hoặc nhại thơ, trên thực tế đây là những cách hoạ thơ không cần theo đúng quy định mà chỉ cốt tỏ sự thân mật và đồng cảm giữa những người bạn thơ với nhau, dưới đây là một số dạng hoạ thơ lục bát. VI.1. Những quy định trong hoạ thơ lục bát Hoạ thơ lục bát trước hết là việc phải bám sát chủ đề bài xướng thể hiện rõ tình cảm của người hoạ với người xướng thơ. Khi đã theo sát chủ đề bài xướng thì cũng nên phân đoạn theo bài xướng. Khi bài hoạ theo một chủ đề khác với bài xướng thì cấu trúc phân, đoạn cũng vẫn nên bám sát. Nếu có thể cũng nên giữ đúng nhịp điệu. VI.2. Hoạ thơ với 1 vần chân Hoạ thơ lục bát với 1 vần chân thường là dễ hoạ, lối hoạ này chỉ dùng vần chân của bài xướng để hoạ. Nhất thiết không để 2 bài có sự trùng lặp từ thứ 5 câu lục và từ thứ 7 (từ gạch chân) câu bát. Ví dụ: RA ĐI (Bài xướng) Nhớ quê tranh thủ về quê Xa xôi cách trở khó về làm sao Nhớ xanh dòng nước sông đào Nhớ vàng con dốc đường vào bến sông Nhớ chiều mưa nước long bong Biết bao thương nhớ đợi trông u hoài Trong mơ rộn ra tiếng cười Bước chân bin rịn lòng người ra đi NHỚ QUÊ (Bài hoạ) Nhớ quê ta lại thăm quê Ra đi cho chán rồi về đó sao(!) Những năm lửa cháy, bom đào Bao người ngã xuống máu trào trên sông Ra đi dứt áo, trắng bong Cả đời chẳng chút mỏi mong đoái hoài Bỗng đâu nói nói cười cười Những thương cùng nhớ thế rồi lại đi. VI.3. Hoạ thơ với cả vần chân và vần lưng Hoạ thơ lục bát với cả vần chân và vần lưng có hơi khó hơn một chút. Quy tắc hoạ chỉ cần không để 2 bài bị trùng lặp từ thứ 5 của câu lục, từ thứ 5 và thứ 7 (chữ gạch chân) của câu bát. Dưới đây là bài hoạ với cả vần chân và vần lưng thơ lục bát HÀNG XÓM (Bài xướng) Em là hàng xóm của TÔI Kể từ cha mẹ hẹn lời đầu XUÂN. Gặp đâu chỉ có một lần Thế rồi đồng ý kết THÂN hai NHÀ. Bên kia trồng một vườn Bên này mua một đàn về NUÔI Đầu năm mua muối chung đôi Cuối năm góp vốn mua VÔI sửa NHÀ. MONG ĐƯỢC CÓ ĐÔI (Bài hoạ) Hỏi người có nhớ đến TÔI Từ khi bén tiếng, trao lời đêm XUÂN Tìm nhau không biết bao lần Chỉ mong gặp mặt thành THÂN một NHÀ Dẫu trong nghèo túng dưa Thể nào anh cũng mua đểNUÔI Chỉ mong mình được có đôi Ngăn phòng hạnh phúc quét VÔI dọn NHÀ VI.4. Một số cách hoạ khác VI.4.1 Hoạ chắp vần. Đây là sự vận dụng theo lối đối đáp khi hát giao duyên ở vùng đồng bằng sông Hồng và hò đối đáp ở các vùng ven sông, ven biển miền Thanh Nghệ. Với cách hoạ này người ta có thể sử dụng toàn bộ câu lục hoặc toàn bộ câu bát, các câu còn lại ứng hoạ theo vần. Cách hoạ giống như việc sử dụng chung câu lục của 2 bài dưới đây. Ví dụ: GỬI VÀO TRĂNG Đã quay mấy vạn năm rồi Vầng trăng vẫn ở trên trời cả năm Khi trăng khuyết lúc trăng rằm Trăng khi đầu tháng gọi bằng trăng non Trăng suông cho dạ bồn chồn Trăng già gớm giếc héo mòn nỗi riêng Trăng lu bóng đổ xiên xiên Trăng xanh vằng vặc còn nguyên giữa trời Bóng trăng che kín cuộc đời Bóng trăng tê tái lòng người mỏi mong GỬI LÊN TRĂNG Đã quay mấy vạn năm rồi Còn ta đâu thể ra ngoài trăm năm Khi trăng khuyết lúc trăng rằm Xuân xanh em vẫn thưa rằng còn non Trăng suông cho dạ bồn chồn Anh chờ em đã héo mòn tình riêng Trăng lu bóng đổ xiên xiên Dáng ai vẫn cứ đứng nguyên bên trời Bóng trăng che kín cuộc đời Thương ai chung thuỷ vì người chờ mong VI.4.2. Hoạ nối vần Cách hoạ nối vần thường không buộc phải theo đúng vần của bài xướng mà chỉ tạo ra một vần mới, hiệp vần với vần của bài xướng. Ví dụ: Nghe đồn anh giỏi văn chương Đố anh biết cỏ ven đường mấy cây Em về hỏi mẹ cùng thầy Nồi hương bao cát cỏ dầy bấy nhiêu VI.4.3. Hoạ nhại vần Cách hoạ nhại vần cho phép láy lại vần bài xướng kể cả từ đứng trước vần, tuy nhiên về nội dung thì phải bám sát chặt chẽ và vận ý đối đáp với bài xướng, tựa như một bên hỏi và bên kia trả lời vậy. Ví dụ: HOA VIẾT CHO HOA (Tặng thơ hoa Cúc) Em như giọt nắng hoa vàng Rọi trên trang giấy nhẹ nhàng thế thôi Giá như em đã cùng tôi Xem chung gương ở cái hồi thanh xuân Chắc rồi vần đã nối vần Dắt nhau đi đến trong ngần vườn tiên Nỗi niềm dù đã rất riêng Mặc ai rào đón phải kiêng "Hoa hồng"[1] "Sáu mươi" người có còn không (!) Để ta mang lá trầu không đến nhà Cứ mong "Trẻ mãi không già" Thế rồi đến lúc sẽ là "... Tròn trăm " Yêu người ta viết lời thăm Để câu thơ với tháng năm đợi chờ. HOA VIẾT CHO HOA (Hoa Cúc nhại vần) Nhởn nhơ tắm ánh nắng vàng Hương thơm Cúc chỉ nhẹ nhàng thế thôi Ngày xưa hoa đã cùng tôi Cài duyên mái tóc từ hồi hoa xuân Câu thơ ai chắp mà vần Ngõ riêng ta đã trong ngần tình riêng Tuy hoa không nở vườn tiên Không ngào hương sắc chỉ kiêng “hoa hồng” Đầy vườn bát ngát những bông Còn mong chi lá trầu không đến nhà Vô tư chờ đón tuổi già Thêm vài chục nữa chắc là lẻ trăm Quý người ta muốn tới thăm Ngõ cài then chặt xa xăm biển chờ Bài nhại chỉ thay vần (bông) vào (không) và vần (xăm) vào (năm) của bài xướng, các vần còn lại đều giống nhau Phần B THƠ LỤC BÁT DÙNG LÀM VÍ DỤ CHỢ TÌNH (Kỷ niệm SaPa) Vẫn còn có một chợ tình Để nguôi đi chuyện của mình ngày xưa Tháng năm lòng cách, mặt thưa Có bao điều vẫn còn chưa cất lời Hương đêm tĩnh lặng, bồi hồi Nói câu cuối nữa để rồi chia xa. NGUYÊN CỚ Vẫn còn có một vần thơ Để cho ta gửi ước mơ tuổi già Chỉ yêu một chút thôi mà Ngờ đâu bà lão ở nhà đánh ghen. QUA HUẾ NHỚ VỀ THÔN VỸ (Huế 7/2005) Mong về thôn Vỹ từ lâu Mấy ngày thăm Huế sao mau thế này. Những bông hoa bắp gió lay Bờ tường cao, lá trúc dày che ngang Một màu ngọc biếc mênh mang Chỉ còn có mỗi một hàng cau thôi Em hoà vào với đất trời Trắng trong sương khói để rồi tan đi Người về thôn Vỹ làm chi Đợi khi trăng mọc, chờ khi trăng về Khát đời, khát một vùng quê Mà không còn dịp được về tận nơi Bẩy mươi năm đã qua rồi Vần thơ còn đó con người về đâu! KHẮC KHOẢI KIỀU (Hồ Tây 5/ 1999) Mở Kiều nhớ cụ Nguyễn Du Một cơn m­ưa trắng chiều thu bên hồ Từng trang giấy cũ lu mờ Kim, Vân, Kiều tự bao giờ đầy vơi Hợp tan, tan hợp một đời Ngày xưa cũng đã thế rồi lạ đâu Ngẫm lời người viết đã lâu Vận vào, mọi cái biết đâu vuông tròn Hỏi rằng mai sự có còn… Câu thơ tê tái bồn chồn lòng nhau Những điều người đã đớn đau Đời còn khắc khoải muôn sau với Kiều. MƯA XUÂN (Bến Than 1983) Dường như trời ấm lại rồi Nhìn ra cuối bãi cả trời đang mưa Áo em lấm tấm hạt mưa Ai đem ngọc dát trên tơ óng vàng Cỏ xanh phủ kín mặt đường Bến sông con nước vấn vương tình người Em vừa rời bến đi rồi Chỉ còn trước mặt một trời mưa xuân. XÍCH LÔ ĐÊM HUẾ (Sông Hương 7/2005) Vòng xe lăn lóc trên đường Cầu Tràng Tiền cháy ánh vàng đèn đêm Mồ hôi từng giọt, giọt thêm Bắp chân trần cả màn đêm cuộn vào Bên kia áo tím khăn đào Bên này quần cộc sắn cao, lưng trần Ai đi chơi cuộc phù vân Người đang cặm cụi xoay vần áo cơm. TÔI CHO EM CẢ CUỘC ĐỜI Tôi cho em cả cuộc đời Những là bèo dạt mây trôi muôn trùng Cho em tất cả não nùng Cho em tất cả cõi lòng đắng cay Cho em nước mắt vơi đầy Xót đau hờn giận những ngày xa xưa Cho em hết thảy gió mưa Quãng đời phiêu dạt đẩy đưa hững hờ Cho em chín đợi mười chờ Cái danh, cái phận nhạt mờ xa xôi Dường như em lẫn vào tôi Để than, để tiếc, để rồi khổ đau. TIẾC (Phả Lại 10-2002) Em về bên ấy làm dâu Mẹ cha đi đón qua cầu mới xây Ngày xưa cũng đoạn sông này Nước sông thì lớn, đò đầy chẳng qua Mấy lần lỡ hẹn đôi ta Mấy lần hờn dỗi, rằng là quên nhau Bây giờ đã có nhịp cầu Tiếc rằng hai đứa gần nhau mất rồi. LẠC Lạc đường hỏi mãi cũng ra Lạc nhau đành phải để xa một đời Người ơi ta nói một lời Gặp nhau rồi chớ để rời nhau ra TAM CỐC (Tháng 7 năm 1995) Đôi bên đá mọc ồn ào Thuyền theo đồng nước đi vào Cốc Tiên Dập dềnh sóng vỗ hai bên Nước nghiêng cho đá nổi trên đất trời Trần hang chạm sát mặt người Cõi tiên cùng với cõi đời kề nhau Cảnh tình ai vẽ trước sau Đâu tiên, đâu bụt, còn đâu là người Sau lưng sóng nước bồi hồi Khoét sâu ngấn đá nói lời thời gian Qua rồi quãng tối miên man Cửa thông đã sáng đò nan trả người Ngước lên, đỉnh núi xanh ngời Bao la mây trắng, tiếng cười trong veo CHUYỆN NHỮNG ĐÊM CHÈO Hội làng mở hết ba đêm Để cho anh được cùng em vào chèo… Em thương cái Tấm phận nghèo Anh giận cái Cám cả liều cướp duyên Em đau Tiểu Kính oan khiên Anh buồn Thiện Sỹ ươn hèn vì đâu! Em chê cô bé Thị Mầu Lấy tình trăng gió bắc cầu đòi duyên Trách Dương vì chút bạn hiền Để Châu Long dưới bóng đèn đầy vơi. Lẽ đời đâu chỉ thế thì thôi Những mù, câm, điếc tranh ngồi mâm cao. Trưởng làng dạy mõ học rao Biết ai là kẻ khăn cao, áo dài (?) Có bao câu chuyện cuộc đời Có bao nhiêu kiếp con người đớn đau!... Tích chèo có tự bao lâu Mà sao vẫn chẳng nhạt mầu tháng năm Ngày xưa dù đã xa xăm Câu chèo đêm hội vẫn nằm trong tim. NHỚ Em không đi hết chặng đường Để ai dang dở những thương cùng buồn Biển xa gió động, sóng cồn Vệt lân tinh xé cánh chuồn trong đêm. Dẫu rằng đã cố tình quên Lạ sao cái nhớ càng thêm, càng nhiều Lối xưa ai rẽ nửa chiều Để ai phải nhớ, phải yêu cả đời. TRỞ LẠI VƯỜN XƯA (Côn Sơn mùa thu 1984) Một mình trở lại vườn xưa Nhớ về kỷ niệm buổi trưa năm nào Nơi đâu mình đã xé rào Giấu cha, giấu mẹ để vào vườn sau Nơi đâu mình đứng cùng nhau Trên môi còn nụ hôn đầu đắm say Nơi đâu tay nắm trong tay Chúng mình hẹn ước mai đây trở về… Vẫn là trưa nắng mùa hè Bên vườn còn đó gốc kè đơn côi. LỤC BÁT TRONG MƠ Viết câu lục bát xa khơi Gửi theo mơ đến với ng­ười còn không Ai kia vẫn chửa lấy chồng Để ai kia nữa nỗi lòng xót xa Mấy mươi năm chẳng dám qua Th­ương như­ đứt ruột nói ra chạnh lòng Nhớ khi ngồi gốc cây hồng Biết đâu có lúc lạnh lùng gốc đa Th­ường đêm thức dư­ới hiên nhà Để khi gần sáng mơ xa gặp ng­ười. CÂU THƠ LỤC BÁT TRỞ VỀ Câu thơ lục bát đâu rồi Đi tìm bạc tóc chưa thôi đi tìm. Tưởng rằng đáy bể mò kim ngay trước mắt còn tìm lạ chưa. Câu ru thấm ướt đêm mưa “Con cò lặn lội” còn chưa giấc tròn. Tiếng ai tha thiết bồn chồn Mấy mươi năm tưởng lối mòn đã quen... Mong sao mưa tạnh trăng lên Để câu lục bát trao duyên trở về. CÓ EM CÓ TÔI Có em và cũng có tôi Em không đến hội, ai ngồi đợi em. Tôi làm một chút sương đêm Để hoa em mãi trinh nguyên giữa đời Tôi làm tia nắng mặt trời Để hoa em thắm nụ cười trên môi... Tôi làm ra chính là tôi Để em là chính em rồi gửi trao Tôi làm tờ giấy hồng đào Để em gói nụ hôn vào yêu thư­ơng Tôi làm ánh bạc trong g­ương Để em gửi cuộc đời th­ường vào trong. Tôi làm một chút đàn ông Để em là gái kẻo không có gì. VĨ THANH SAU TÁC PHẨM Tìm hiểu thơ lục bát ra đời trong một hoàn cảnh rất giản dị, ấy là trong khi phong trào làm thơ trong địa phương ngày một nhiều thêm. Những tác giả làm thơ thành thạo khá đông tuy chưa là nhà thơ bao giờ. Nhưng cũng có không ít những người bước đầu là yêu thơ, đến với thơ, thưởng thức thơ và rồi dần dà cũng muốn làm thơ. Những bài thơ đầu tiên nhiều người thường chưa tự tin cho lắm, nhiều lần ngỏ ý xem hộ thơ để bổ khuyết cho. Mỗi lần được đọc những bài thơ như thế thường vui buồn lẫn lộn trong lòng. Cái vui thường nhiều hơn vì những bài thơ thật như câu nói thường ngày không trau truốt, ý lời thường giản dị đến mức cảm động cho dù đôi câu, đôi chữ còn sần, còn gượng, còn chưa đúng văn phạm, chưa đúng ngữ pháp, quên từ “L” sang “N”; viết hoa tuỳ tiện, chấm phảy, gạch nối bất kể chỗ nào, chưa nói đến sai vần, lạc điệu. Điều này đâu có đáng trách vì những người làm thơ ngày là những thợ hồ, là những bà hàng xén, là những lão nông, đã bẩy tám chín mươi xuân, trong kê khai văn hoá đôi khi viết rõ rằng mới có lớp ba, lớp bốn, vả chăng non nửa thế kỷ đã qua rồi. Trả lời sao khi tất cả mọi chỗ đều cần góp ý, chỗ này còn sai, chỗ nọ còn chưa đúng vv...Thôi thì đành tìm lấy vài ba trang dòng trôi nổi ghép vào cho có một bài giúp những người bạn thơ đang tìm đến cùng thơ. Cũng tự xét rồi, mình chẳng nhà thơ, cũng chẳng là thầy, lại càng chưa làm thơ giỏi thế mà sao dám viết, chẳng sợ đúng sai. Không thiếu những lời đàm tiếu đó đây về điều này, tiếng nọ, không thiếu các ngài hình to bóng lớn bàn ra, tán vào với những nguyên tắc này, điều kiện kia cùng với tư cách này, phương diện nọ. Thế rồi nghĩ lại chuyện đời rằng “một nắm khi đói, bằng một gói khi no”, lẽ nào khi giúp cho người đói cứ phải chờ có đồ ngon, đồ quý khi người ta đang lúc đói lòng. Chê ư! chưa đúng ư! Xin những ngài đủ tài, đủ phép, đủ nhân cách hãy viết đi, hãy dạy đi cho thiên hạ cậy nhờ. Người ta nói đứng ngoài cuộc khen chê thường dễ, nhưng bước chân vào cùng với phong trào thì mới thấy trăm điều nào có dễ đâu. Chính vì điều này mà nung nấu quyết tâm góp nhặt cho thành tác phẩm, cho dù còn nhiều sai sót mọi bề. Cho dù chỉ giúp cho một đôi ba chục người thôi và có khi chỉ tồn tại vài ba mươi ngày, tháng thì cũng như ta thắp đóm soi vào đêm tối tìm được cây bút chì vừa mới rơi ra và thế là đã đủ làm vui vậy. [1] Tên các bài thơ của Hoa Cúc

1 nhận xét:

Lê Văn nói...

Tôi đọc và rất thích. Xin cảm ơn bác nhiêu!

lúc 01:14 13 tháng 11, 2021 Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Người theo dõi

Lưu trữ Blog

  • ▼  2013 (11)
    • ▼  tháng 1 (3)
      • THÊM NHỮNG MÙA XUÂN
      • VIẾT MÃI NHỮNG MÙA THU
      • TÌM HIỂU VỀ THƠ LỤC BÁT

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi lehoa4754blogger.com LÀ MỘT NGƯỜI THÍCH RONG CHƠI, YÊU MẾN CÁI ĐẸP VỀ MỌI PHƯƠNG DIỆN. Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Từ khóa » định Nghĩa Lục Bát Là Gì