Lục Thư Là Gì? Vai Trò Của Lục Thư Trong Cấu Tạo Chữ Hán

5/5 - (5 bình chọn)

TẠI SAO NGƯỜI MỚI HỌC CHỮ HÁN CẦN BIẾT LỤC THƯ

Lục thư là gì?

Như đã trình bày trong bài: Cách học chữ Hán cho người mới bắt đầu, chúng tôi có đề cập đến Lục thư, trong bài này sẽ cung cấp cho người đọc những nét cơ bản nhất về Lục thư và giá trị của nó đối với người mới học chữ Hán.

Theo các thư tịch cổ đại của Trung Hoa, phân tích mặt kết cấu của văn tự Hán là một việc được chú ý từ lâu. Trong sách Tả truyện vấn đề này đã được đề cập đến và kèm theo những ví dụ cụ thể. Đến thời Chiến Quốc hai chữ Lục thư đã thấy xuất hiện trong các văn bản và được coi là một trong sáu môn học bắt buộc của tầng lớp quý tộc thời bấy giờ (điều này được ghi rõ trong sách Chu Lễ). Lục thư được tiếp tục bàn luận suốt thời Tây Hán, và hoàn thiện Đông Hán với công trình của Hứa Thận – tác giả bộ Thuyết văn giải tự (Trình bày, phân tích văn và tự) – một tác phẩm ngôn ngữ, văn học rất có giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Với Thuyết văn giải tự lần đầu tiên văn tự Hán được nghiên cứu một cách có hệ thống dựa trên cơ sở lý luận về Lục thư, về cả ba mặt hình thể, âm đọc và ý nghĩa dưới hình thức như một bộ từ điển.

Lục thư là từ dùng chỉ 6 phép cấu thành chữ Hán do người đời sau căn cứ vào sự hình thành của chữ Hán, chỉnh lý mà ra : Tượng Hình, Chỉ sự, Hình thanh, Hội ý, Giả tá, Chuyển chú. Trong đó Tượng hình, Chỉ sự, Hội ý, Hình thanh chủ yếu là cách tạo thành chữ Hán. Giả tá, chuyển chú là cách dùng chữ.

Các cách cấu tạo chữ Hán theo sự phân chia của Lục Thư

1. Tượng hình 象形: là loại chữ vẽ theo vật thực, nét chữ quanh co, uốn lượn theo hình thể của vật thực. Đây là phép lập chữ sơ khai nhất của các loại chữ tượng hình. Chữ tượng hình giữ một vai trò quan trọng trong văn tự Hán. Hiện nay còn khoảng 10% tổng số các nét trong chữ Hán hiện đại có nguồn gốc từ các hình tượng này. Ví dụ: 木 Mộc = cây: là hình một cái cây có gốc, rễ, thân, cành

口 Khẩu = mồm: nguyên thủy là hình tròn, Khẩu thực: là chuyện, đầu đề câu chuyện, Khẩu chiếm: là nói, làm thơ không cần viết nháp mà có thể đọc luôn.

Đối với những người mới làm quen với chữ Hán, việc nhận biết chữ tượng hình là đơn giản nhất. Quy tắc cấu tạo loại chữ này đơn giản, hơn nữa hầu hết những chữ này là những từ ngữ chúng ta thường sử dụng hàng ngày. Do đó, các bạn mới học nên bắt đầu nhớ từ những chư đơn giản này.

2. Chỉ sự 指 事 (còn gọi là Tượng sự 象事): Nếu như buổi đầu các chữ Tượng hình được tạo ra trên cơ sở hình vẽ và buổi đầu người ta có khuynh hướng muốn vẽ giống thực. Tuy vậy, thực tế có rất nhiều động tác, hiện tượng không sao vẽ ra được hoặc vẽ ra được thì kém phần minh xác, dễ gây hiểu lầm hoặc quá rườm rà phức tạp, không phù hợp với yêu cầu gọn, xúc tích, tiện sử dụng của văn tự. Do đó dựa vào các dấu hiệu (mà người xưa đã nhận thức được từ giai đoạn xa xưa) và tính “quy ước” của vă tự, người ta đã sáng tạo ra 1 phương pháp mới để ghi lại những từ biểu thị cho sự vật, hiện tượng, động tác,… đó gọi là Chỉ sự: Là phép chỉ vào sự vật mà viết ra chữ, nhìn mà xét ra ý.

Ví dụ: 上 Thượng = ở trên: lấy nét ngang dài làm mốc, nét ngang ngắn ở trên chỉ một vị trí ở trên, nét sổ chỉ sự vận chuyển từ dưới lên trên. 下 Hạ = ở dưới : nét ngang dài làm mốc, nét ngang nhỏ ở dưới chỉ một vị trí ở dưới, nét sổ chỉ sự vận chuyển từ trên xuống dưới. 本 Bản (bổn) = gốc, gốc cây: vốn là chữ mộc thêm một ký hiệu nét ngang nhỏ phía dưới để đánh dấu rõ đó là phần gốc cây. 末 Mạt = ngọn cây: vốn là chữ mộc thêm ký hiệu nét ngang phía trên dài hơn để ký hiệu chỉ rõ đó là phần ngọn cây. Chữ chỉ sự rất dễ nhầm với chữ tượng hình và chữ hội ý. Nên trong lục thư, số lượng chữ thuộc về dạng chỉ sự không nhiều lắm.

3. Hội ý 會意 (hay còn gọi là Tượng ý 象意): Là hợp ý của từng phần lại để hình thành nghĩa mới. Chữ Hội ý thường là một chữ có kết cấu phức hợp, gồm hai bộ phận trở lên. Mỗi bộ phận đều vốn là một chữ đơn (văn, chữ tượng hình hoặc chỉ sự). Hai bộ phận (hoặc hai bộ phận trở lên) vốn là những chữ đơn ấy một khi đã ghép lại thành chứ Hội ý thì chỉ biểu đạt một từ (hoặc một bộ phận của từ) với kết cấu ngữ âm mới và ý nghĩa nội hàm mới.

Ví dụ: 武 Vũ (hay Võ) = vũ / võ (lực). Lấy uy sức mà phục người, gọi là vũ. Chữ này gồm chữ 止 chỉ = dừng lại + 戈 qua = ngọn giáo ==> dùng vũ ngăn cấm điều bạo ngược, chỉnh đốn sự rối loạn, thôi việc can qua. 信 Tín = lòng tin; tin tức: gồm chữ 人nhân = người + 言 ngôn = lời nói ==> Lời người nói hẳn có căn cứ, có thể tin được; lời người đến báo cho biết 林 Lâm = rừng. Hai chữ 木 mộc ==> ngụ ý nhiều cây hợp lại tạo thành rừng.

4. Chuyển chú 轉注: Là mượn từ chữ có sẵn, đem thay hình đổi dạng thành chữ khác, nhưng có nghĩa tương cận (gần gũi). Như chúng ta đã biết, những khó khăn do hiện tượng cùng âm khác nghĩa gây nên được giải quyết về mặt văn tự bằng cách tạo ra những chữ mới hay còn gọi là “chữ phân biệt” với bộ phận chỉ ý đóng vai trò chủ chốt. Nhưng bên cạnh đó trong tiếng Hán còn có hiện tượng đồng nghĩa khác âm (hoặc khác âm nhưng có liên quan với nhau về mặt ý nghĩa). Hiện tượng này chỉ được phản ánh trên văn tự bằng những cặp chữ có liên quan với nhau về mặt ý nghĩa nhưng khác nhau về mặt âm đọc và hình thể. Những cặp chữ như vậy được coi là chữ Chuyển chú.

Ví dụ: 長 Trường = dài / Trưởng = lớn (trưởng thành). Do chữ長 trường = dài đọc thành “trưởng”. Hai âm “trường” / “trưởng” và hai nghĩa “dài” / “lớn” tuy đã chuyển biến nhưng cùng một ý. 少 Thiểu = ít / Thiếu = nhỏ tuổi. Do chữ少 “thiểu” chuyển chú đọc thành “thiếu”. Hai âm “thiểu” / “thiếu” và hai nghĩa “ít” / “nhỏ” tuy đã chuyển biến nhưng cùng một ý. 中 Trung = trúng, đúng / ở giữa, trong. Vốn do chữ中 “trúng” chuyển chú thành “trung”. Hai âm “trúng”, “trung” và hai nghĩa “bắn trúng”, “ở giữa” tuy đã chuyển biến nhưng vẫn cùng một ý = khi bắn trúng, mũi tên ghim vào giữa cái bia.

5. Giả tá 假借 (mượn sai): có nghĩa là “vay mượn”. Để ghi lại một từ trong khẩu ngữ chưa có từ tương ứng, thay thế biện pháp hình tượng hóa nội dung ý nghĩa của nó bằng đường nét, mà kết quả là tạo ra thêm chữ mới lấy khâu biểu thị ý nghĩa của từ làm trung tâm, người Trung Quốc cổ đại đã sử dụng một biện pháp khác tiện lợi hơn nhiều, đó là “tạo ra chữ mà không thêm chữ”. Tức là vốn không có chữ, mượn thanh để gửi sự, biến thành âm và nghĩa xa lạ, không có quan hệ duyên do suy diễn.

Ví dụ: 烏 Ô = con quạ đen ==> được mượn làm chữ “ô” trong烏乎 ô hô = than ôi. 令 Lệnh = như trong chữ “mệnh lệnh”, “hiệu lệnh” ==> được mượn làm chữ “lệnh” trong “huyện lệnh”. 說 Duyệt = vui. Do chữ 說 thuyết = nói, giả tá đọc là “duyệt”. Tiểu chú: Vẫn có một chữ悅 cũng đọc là “duyệt”, đồng nghĩa là “vui lòng, đẹp ý” 般若 Bát Nhã = trí huệ thanh tịnh. Do chữ 般 Ban = xoay thuyền về + chữ 若 nhược (còn một âm là “nhạ”) giả tá đọc Bát Nhã. Tiểu chú: Có lẽ vì vậy mà có người dịch một môn võ công cao thâm của Phật môn là Ban Nhược thần công chăng? 道 đạo = con đường, sau giả tá thành đạo trong “đạo lý”, “đạo đức”

6. Hình thanh 形聲 (hay còn gọi là 諧聲 Hài thanh, hay 象聲 Tượng thanh): một biện pháp tạo chữ dung nạp cả hai xu hướng biểu âm và biểu ý. Là lấy sự làm tên, mượn thanh để hợp thành. Đây là phép thông dụng nhất để hình thành Hán tự. Chữ hình thanh gồm một phần chỉ nghĩa, một phần chỉ thanh. Vị trí của hai phần này thay đổi tùy theo chữ, chia thành 8 loại:

a. Nghĩa bên trái, thanh bên phải: 江 Giang = sông (thường dùng ở miền Hoa Nam). Gồm chữ 水 Thủy + 工 Công 河Hà = sông (thường dùng ở miền Hoa Bắc). Gồm chữ 水 Thủy + 可 Khả 沐 Mộc = tắm gội. Gồm chữ水 Thủy + 木 Mộc 銅 Đồng = một loại kim loại (ký hiệu hóa học là: Cu). Gồm chữ 金 Kim = kim loại + 同 đồng = cùng nhau.

b. Nghĩa bên phải, thanh bên trái: 鴉 (鸦) Nha = con quạ khoang. Gồm 牙Nha + 鳥 Điểu (鸟) 鳩 (鸠) Cưu = con tu hú. Gồm 九 Cửu (số chín) +鳥 Điểu (鸟) 鴿 (鸽) Cáp = chim câu. Gồm 合 Hạp (hợp, có một âm đọc là cáp = lẽ) +鳥 Điểu (鸟) 郡 Quận = một khu đất chi theo địa giới hành chính. Gồm君Quân + 邑 Ấp

c. Nghĩa ở trên, thanh ở dưới: 芳 Phương = cỏ thơm. Gồm草 Thảo (thủa xưa viết là艸) +方 Phương 筒 Đồng = ống tre, ống trúc. Gồm 竹 Trúc +同 Đồng 藻 Tảo = loài rong, tảo, các loài thực vật dưới nước. Gồm草 Thảo +澡 Táo (tháo) = tắm rửa

d. Nghĩa ở dưới, thanh ở trên: 婆 Bà = phụ nữ lớn tuổi. Gồm 女 Nữ + 波 Ba (sóng) 勇 Dũng = mạnh. Gồm 力 Lực + 甬 Dũng 帛 Bạch = lụa dệt bằng tơ trần. Gồm 巾Cân = khăn + 白Bạch

d. Nghĩa ở ngoài, thanh ở trong: 固 Cố = vững bền. Gồm 囗 Vi = vây quanh + 古 Cổ 圃 Phố = vườn trồng rau. Gồm囗 Vi = vây quanh + 甫 Phủ 閣 (阁) Các = gác. Gồm門(门) Môn = cửa, nhà + 各 Các

e. Nghĩa ở trong, thanh ở ngoài: 問 (问) Vấn = hỏi. Gồm 門 (门) Môn + 口 Khẩu 齎 (赍) Tê = đem cho. Gồm 貝 (贝) Bối = của quý + 薺 Tề

f. Nghĩa ở giữa, thanh ở hai bên: 辮 (辫) Biện = bện, gióc, đan (vd: Biện tử = đuôi sam). Gồm 糸 (纟) Mịch = sợi tơ ở giữa chỉ nghĩa, hai chữ 辛Tân ở hai bên là chữ Biện 釆 hay 辨 chỉ thanh. 辯 (辩) Biện = biện luận. Gồm 言 (讠) Ngôn = lời nói ở giữa chỉ nghĩa, hai chữ 辛Tân ở hai bên là chữ Biện 釆 hay 辨 chỉ thanh.

g. Nghĩa ở hai bên (hoặc ở trên, hoặc ở dưới), thanh ở giữa: 術 (术) Thuật = nghề (thuật sỹ), phương pháp, đường đi trong ấp. Gồm 行 Hành = đi, thi hành chỉ nghĩa + 朮 Truật chỉ thanh (tr chuyển thành th). 裏 Lý = áo lót. Gồm 衣 Y = áo + 里 Lý

Tiểu chú: Mạc Tiếu nghĩ chữ 里 ở đây không đơn thuần chỉ thanh, mà còn cả chỉ nghĩa là “bên trong” nữa: cái áo mặc bên trong.

Vấn: hai người hỏi nhau bên trong và bên ngoài cửa nên vẽ 2 cái cánh cửa và để chữ khẩu ở giữa để biểu thị. Lục thư là một trong những công cụ quan trọng giúp chúng ta nhận rõ được cái riêng và cái chung trong văn tự Hán, nên vô hình chung nó rất quan trọng đối với người mới bắt đầu học thứ tiếng này. Để có thể nhớ được chữ, hiểu được nghĩa của từ, chúng ta – những người mới học nên bắt đầu từ các nhớ chữ và cách cấu tạo chữ. Do đó, chúng ta không bao giờ được bỏ qua Lục thư – phương pháp cơ bản để bước vào thế giới rộng lớn của tiếng Hán.

Gõ Tiếng Việt > Phần mềm gõ tiếng Trung > Lục Thư là gì? Vai trò của Lục Thư trong cấu tạo Chữ Hán HostvnDownload Unikey Xem thêm: Download tải WinRAR 5.31 mới nhất 2016 Full Crack Windows XP/7/8/10, Download tải WinZIP 20 phần mềm tốt nhất cho nén file 2016, Dạy Học mat xa, dạy massage body, Mi Katun Xem thêm: chữ Hán, chữ hán nôm là gì, hán nôm cơ sở, học tiếng Hán

Từ khóa » Chữ Hội ý Trong Tiếng Hán