Lược Sử Hình Thành Chữ Quốc Ngữ - PGS Hà Hoàng Kiệm
Có thể bạn quan tâm
Lược sử hình thành chữ Quốc ngữ
Hà Hoàng Kiệm, BVQY 103, HVQY
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt sử dụng chữ Hán.
Chỉ từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 12 chữ Nôm xuất hiện. Từ Nôm bắt nguồn từ cách phát âm miền Trong của chữ Hán Việt có nghĩa là phía “Nam”. Ý của tên gọi chữ Nôm có nghĩa đây là thứ chữ dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam (tức người Việt, xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, còn người Trung Quốc là người phương Bắc).
Chữ Nôm còn gọi là Quốc âm, là hệ thống văn tự dùng để viết tiếng Việt, nó được tạo ra dựa trên cơ sở chữ Hán (chữ tượng hình), dựa trên phương thức tạo chữ của chữ Hán để tạo ra các chữ mới bổ xung cho việc viết và biểu đạt các từ thuần Việt không có trong bộ chữ Hán ban đầu. Chữ Nôm bắt đầu hình thành và phát triển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20. Ở giai đoạn này, chữ Nôm là công cụ thuần túy Việt Nam duy nhất ghi chép lịch sử, văn hóa dân tộc. Người Việt sáng tạo ra chữ Nôm và dùng để biểu đạt những từ thuần Việt, kết hợp với chữ Hán dùng để biểu đạt từ Hán Việt và tạo nên một bộ chữ viết phổ thông cho tiếng Việt lúc đó. Sơ khởi, chữ Nôm thường dùng ghi chép tên người, địa danh, sau đó được dần dần phổ cập, tiến vào sinh hoạt văn hóa của quốc gia. Vào thời Nhà Hồ ở thế kỷ 14 và Nhà Tây Sơn ở thế kỷ 18, xuất hiện khuynh hướng dùng chữ Nôm trong văn thư hành chính. Đối với Văn học Việt Nam, chữ Nôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là công cụ xây dựng nền văn học cổ truyền kéo dài nhiều thế kỷ.
Tuy hiện nay ít khi được sử dụng ở Việt Nam, chữ Nôm cùng với chữ Hán vẫn là dạng ký tự quan trọng của tiếng Việt bởi không chỉ có vai trò biểu thị ý nghĩa của từ mà còn là văn tự chủ yếu dùng để ghi chép và thể hiện tiếng Việt trong phần lớn lịch sử Việt Nam, là một phần không thể để mất của văn hóa truyền thống. Vì thời gian chữ Nôm được coi là chữ viết chính trong văn tự hành chính pháp lý là không lâu (chỉ riêng Nhà Tây Sơn có chủ trương này), nên đến hiện tại chữ Nôm chưa được chuẩn hóa toàn diện về âm đọc và mặt chữ, do vậy thông thường một từ ghi bằng chữ Quốc ngữ mang nghĩa chung (không tính các từ đồng âm khác nghĩa) có nhiều chữ Nôm để viết.
Chữ Nôm được sử dụng nhiều trong các tài liệu văn học, nhưng triết học, sử học, luật pháp, y học và ngữ học tuy có được ghi lại bằng chữ Nôm nhưng tương đối ít. Trong những văn bản hành chính thường nhật như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, địa bạ v.v. chỉ đôi khi xen chữ Nôm nếu không thể tìm được một chữ Hán đồng nghĩa để chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người), nhưng tổng thể vẫn là văn bản Hán Việt.
Dưới chính quyền thuộc địa và bảo hộ của Pháp, vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ và đầu thế kỷ 20 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vị thế của chữ Hán và chữ Nôm bắt đầu giảm sút. Chữ Quốc ngữ được chính quyền thuộc địa bảo hộ qua các nghị định được người Pháp ban ra với mục đich xóa bỏ chữ Hán và chữ Nôm, nhằm xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa lên xứ thuộc địa Pháp và để tiếng Việt đồng văn tự với tiếng Pháp, giúp phổ biến tiếng Pháp và dễ bề cai trị. Kỳ thi Hương cuối cùng tại Nam Kỳ được tổ chức vào năm 1864, tại Bắc Kỳ là năm 1915, tại Trung Kỳ là năm 1918 và kỳ thi Hội sau cùng được tổ chức vào năm 1919.
Sự ra đời của chữ Quốc ngữ: Vào thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Dòng Tên người Bồ Đào Nha, Ý và Nhật Bản dưới quy chế bảo trợ của Bồ Đào Nha đã tới hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài của Đại Việt. Họ học tiếng Việt để phục vụ cho việc truyền giáo và để dễ nhớ họ đã ghi lại các âm tiếng Việt khi nghe người Việt nói bằng các ký tự Latinh, từ đó bắt đầu tạo ra một hệ thống chữ ghi các âm tiếng Việt bằng các ký tự Latinh, sau này trở thành chữ Quốc ngữ. Như vậy quá trình hình thành chữ Quốc ngữ có thể hình dung theo con đường ngược với phiên âm tiếng Anh. Khi học tiếng Anh: từ chữ tiếng Anh => phiên âm tiếng anh => phát âm tiếng Anh. Các nhà truyền giáo đi theo con đường ngược lại: từ phát âm tiếng Việt của người Việt => phiên âm theo ký tự Latinh => chữ Quốc ngữ. Ban đầu người ta cho rằng linh mục Alexandre de Rhodes (người Pháp) đã có công sáng tạo ra Chữ Quốc ngữ, nhưng các dữ liệu lịch sử được giải mã đã cho thấy ban đầu chữ Quốc ngữ Việt Nam được hình thành nhờ công trình tập thể của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý, với sự trợ giúp của các giáo hữu Việt Nam, do giáo sĩ Francisco de Pina khởi đầu. Khi linh mục Alexandre de Rhodes đến xứ Đàng Trong (năm 1624) thì phương pháp ghi các âm tiếng Việt bằng các ký tự Latinh, nay gọi là chữ Quốc ngữ, đang được xây dựng. Alexandre de Rhodes đã ghi nhận và thừa hưởng di cảo của những người tiền bối. Ông không phải là người tạo ra chữ Quốc ngữ nhưng có công hệ thống hóa và san định hệ chữ này, ông là người biên soạn và giám sát việc ấn hành cuốn Từ điển Việt – Bồ - La, là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên và cuốn Phép giảng tám ngày là cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên. Cả hai cuốn sách này đều được in vào năm 1651 ở Roma (Italia). Việc ấn hành cuốn Từ điển Việt–Bồ–La và cuốn Phép giảng tám ngày đã ghi một dấu mốc quan trọng trong việc điển chế chữ Quốc ngữ.
Dù nhiều nhà phân tích cho rằng Alexandre de Rhodes không phải là cha đẻ ra chữ tiếng Việt, ông chỉ là người có công hệ thống hóa hệ chữ này do các nhà truyền giáo đi trước sáng tạo ra. Mặc dù là người ngoại đạo, nhưng theo chúng tôi nếu không có Alexandre de Rhodes nâng tầm hệ ký tự phiên âm này lên thành chữ viết qua cuốn Từ điển Việt - Bồ - La và cuốn Phép giảng tám ngày thì hệ ký tự này vẫn chỉ là hệ ký tự phiên âm ghi lại âm tiếng Việt giúp cho người nước ngoài học tiếng Việt ghi nhớ được âm tiếng Việt mà thôi, chúng chưa thể thành hệ chữ tiếng Việt được. Vì vậy gọi Alexandre Rhodes là cha đẻ ra chữ tiếng Việt theo chúng tôi là xác đáng.
Nỗ lực của các nhà truyền giáo được đúc kết bằng cuốn Từ điển Việt–Bồ–La do Alexandre de Rhodes xứ Avignon biên soạn, trong đó có 8.000 từ tiếng Việt dịch ra tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latinh. Trong lời tựa cuốn từ điển của mình, linh mục de Rhodes đã tri ân những người bản xứ và linh mục Francisco de Pina đã giúp đỡ ông học tiếng Việt. Ông cũng ghi nhận công lao của các giáo sĩ khác thuộc Dòng Tên, đặc biệt là linh mục Gaspar de Amaral với cuốn từ điển tiếng Việt và linh mục Antonio Barbosa với cuốn từ điển tiếng Bồ. Từ điển Việt–Bồ–La (Diccionário anamita-português-latim) của Amaral và Từ điển Bồ–Việt (Diccionário português-anamita) của Barbosa được cho là đã thất truyền. Từ điển Việt–Bồ–La là một thành quả lớn cho việc san định chữ Quốc ngữ. Phải hơn một thế kỷ sau nữa, vào năm 1783 mới có một cuốn tự điển chữ Quốc ngữ thứ nhì. Cuốn này do giám mục Bá Đa Lộc soạn nhưng chưa kịp in (Bá Đa Lộc còn gọi là Cha Cả, nguyên tên là Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine, thường viết là Pigneau de Behaine (Pi-nhô đờ Bê-hen), là một vị giáo sĩ người Pháp đã phò Nguyễn Phúc Ánh trong việc lấy lại quyền bính từ tay Nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18). Sau đó, bản thảo được giám mục Jean – Louis Taberd dùng để soạn cuốn từ điển Nam Việt – Dương Hiệp Tự vị in năm 1838 ở Serampore, Ấn Độ, đưa chữ Quốc ngữ tiến thêm một bước dài.
Mặc dù chữ Quốc ngữ đã ra đời, các văn phẩm Công giáo tại Việt Nam trong hơn 200 năm sau đó chủ yếu được viết bằng chữ Nôm, Hán ngữ hoặc La ngữ. Chỉ sau khi người Pháp củng cố nền cai trị tại Đông Dương, người Pháp muốn loại ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên xứ An Nam thì chữ Quốc ngữ mới được đặt làm văn tự chính thức của tiếng Việt.
Trong một thời gian dài, chúng ta vẫn cho là linh mục Alexandre de Rhodes (giáo sĩ người Pháp) là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, đúng là ông có vai trò rất quan trọng với những di cảo để lại. Nhưng về sau các nhà nghiên cứu cho rằng Alexandre de Rhodes không phải là “cha đẻ” của chữ Quốc ngữ như quan điểm của nhiều học giả kỳ cựu trước đây. Họ khẳng định vai trò tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ chính là giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha Francisco de Pina.
Francisco de Pina (1585–1625)
Francisco de Pina (1585–1625) là một giáo sĩ công giáo người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên. Đến Việt Nam năm 1617, ông là người có công trong việc sáng tạo chữ Quốc ngữ thời kỳ đầu. Giáo sĩ Francisco de Pina sinh tại Guarda, Bồ Đào Nha, ông vào tu Dòng Tên năm 1605. Ông xuất dương và sang đến Đàng Trong năm 1617 qua đường Ma Cao để hiệp sức với giáo sĩ người Ý là Cristoforo Borri và Francesco Buzomi. Trong thời gian 1611-1617 ông theo học ở Đại học Thánh Phaolo, Ma Cao. Cũng tại đây ông tiếp xúc với giáo sĩ João Rodrigues, nhà ngữ học tiếng Nhật tiên phong, soạn cuốn văn phạm tiếng Nhật chuyển tự sang chữ cái Latinh dựa vào cách phát âm tiếng Bồ, nay gọi là Romaji. Cuốn văn phạm này in khoảng năm 1604-1608. Francisco de Pina được cho là đã theo phép chuyển tự này để ghi chép tiếng Việt khi ông vào Đàng Trong. Ông sang đến Đàng Trong năm 1617 và là nhà truyền đạo Công giáo đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp bằng ngôn ngữ này. Ông hằng chỉ trích các giáo sĩ đương thời đã không nắm vững được ngôn ngữ địa phương để đạt được mục tiêu rao giảng Phúc Âm. Pina khởi đầu phương pháp ghi âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh mà nay trở thành chữ Quốc ngữ, ông cũng giúp dạy Alexandre de Rhodes học tiếng Việt. Roland Jacques cho rằng Pina đã viết một cuốn văn phạm mà dựa vào đó Honufer Burgin (Onuphre Borgès) biên soạn thành cuốn Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài). Tuy nhiên, Phạm Thị Kiều Ly cho rằng Pina chưa hoàn thành cuốn văn phạm. Địa bàn mục vụ của giáo sĩ Pina trải dài từ Hội An (Faifo) vào đến Quy nhơn (Pulucambi). Ông chết đuối ở Vũng Đà Nẵng năm 1625 khi đang cố cứu khách trên một con thuyền bị đắm. Nhà thờ Phước Kiều tại địa bàn dinh trấn Thanh Chiêm xưa, nay là xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam, có ngôi mộ tương truyền là của giáo sĩ Pina. Tuy nhiên điều này có vẻ không đúng bởi vì các ghi chép đương thời cho biết thi hài ông được tẩm liệm và an táng tại Hội An.
Alexandre de Rhodes (15.3.1593 – 5.11.1660) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và một nhà ngôn ngữ học người Avignon. Ông là một trong những giáo sĩ đã góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá Công giáo tại Việt Nam.
Alexandre de Rhodes (1593 – 1660)
Tháng 12 năm 1624, Alexandre cùng với bốn cha Dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt từ giáo sĩ Francisco de Pina, người đã đến Đàng Trong trước ông 7 năm và là nhà truyền giáo thông thạo tiếng Việt nhất, khi đó Pina cũng đang phát triển cách ghi âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh. De Rhodes cũng học tiếng Việt từ một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Từ đó, Việt Nam trở thành nơi cư trú của Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi, thăng trầm bởi việc giao thương của chúa Trịnh và chúa Nguyễn với Bồ Đào Nha và xung đột giữa hai miền Đàng Ngoài–Đàng Trong. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến năm lần. Ông bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài một lần và khỏi Đàng Trong ba lần mà lần cuối năm 1645 là vĩnh viễn, do chính quyền chúa Trịnh và chúa Nguyễn không còn lợi dụng được các nhà truyền giáo để giao thương với Bồ Đào Nha. Khi việc giao thương với Bồ Đào Nha bị gián đoạn, ông bị chính quyền trục xuất. Những năm cuối đời, ông truyền giáo tại Ba Tư.
Vào năm 1651, ông cho in cuốn Từ điển Việt – Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào Nha và Ý trước đó, cùng với cuốn Phép giảng tám ngày của ông cũng xuất bản bằng chữ Quốc ngữ năm 1651. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Cuốn Phép giảng tám ngày song ngữ, gồm 319 trang, từng trang được in hai cột song song: tiếng Latinh cột bên trái, tiếng Việt cột bên phải. Sách do Thánh Bộ Truyền bá Đức tin tài trợ và chủ trì việc in ấn tại xưởng in riêng của họ. Năm 1652, được Thánh bộ viện trợ cho một số tiền, Đắc Lộ sai một phụ tá người Trung Hoa đem sách từ Ma Cao về Ý để in ấn. Cuốn sách được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải). Có rất nhiều điều thú vị khi quan sát những “bước chập chững” đầu tiên của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách này. Ví dụ: để ghi từ "sách", người ta viết sayc, để ghi từ "nước mặn", người ta viết nuocman, để ghi từ "ông nghè", người ta viết ungue, ungué, ungné, ounghe, oungueh.... Hay người ta viết ũ để ghi vần ung (ví dụ cũ = cung), viết oũ để ghi vần ông, (ví dụ soũ = sông).
Cuốn Từ điển Việt–Bồ–La (trang bìa và trang chữ A)
Cuốn Từ điển Việt–Bồ–La do Alexandre de Rhodes biên soạn, trong đó có 8.000 từ tiếng Việt dịch ra tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Latinh hiện đang được cất giữ tại Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha. Cuốn Phép giảng tám ngày là tác phẩm văn xuôi của linh mục Alexandre de Rhodes, phản ảnh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt vào thế kỷ 17. Sách được in song ngữ tiếng Latinh và tiếng Việt vào năm 1651 tại Roma, Italia, hiện được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Bìa và trang đầu cuốn Phép giảng tám ngày in năm 1651 của linh mục Alexandre de Rhodes. Bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc ngữ..
Nhà thờ Mằng Lăng, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (hình trái). Căn hầm ở sân trước nhà thờ Mằng Lăng là nơi cất giữ cuốn sách Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes mà chúng tôi đã có dịp vào thăm tháng 1.2019 (giáp tết Mậu Tuất 2018) (hình phải).
Cuốn sách: Phép giảng tám ngày của Linh mục Alexandre Rhodes là cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt được lưu giữ trang trọng trong một tủ kính đặt trong căn hầm trước nhà thờ Mằng Lăng,
Linh mục Alexandre de Rhodes mà người Việt thường gọi là cha Đắc Lộ, có công nâng tầm hệ ký tự phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh do một số giáo sĩ trước ông sáng tạo để dạy giáo lý Kitô cho con chiên thành chữ Quốc ngữ . Nhưng ông có cái tội là cung cấp thông tin và vận động nước Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta. Công bằng mà nói, chúng ta nên ghi công của Linh mục Alexandre de Rhodes đã góp phần tạo ra chữ Quốc ngữ và nên kết tội ông là kẻ gián điệp sớm nhất trong lịch sử xâm lược của Tây Phương vào nước ta.
Tài liệu tham khảo:
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandre_de_Rhodes
2. https://www.sachhiem.net/BUIKHA/BuiKha5.php
3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Francisco_de_Pina
4.https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200122-%C3%B4ng-t%E1%BB%95-qu%E1%BB%91c-ng%E1%BB%AF-pina-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-b%E1%BA%AFc-c%E1%BA%A7u-v%C4%83n-h%C3%B3a-%C3%A2u-vi%E1%BB%87t
CHIA SẺ BÀI VIẾT
Từ khóa » Chữ Quốc Ngữ
-
Chữ Quốc Ngữ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ - Báo Tuổi Trẻ
-
Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ Từ 1615 đến 1861: Quá Trình La-tinh Hóa ...
-
Bàn Thêm Về Nguồn Gốc Chữ Quốc Ngữ - Tạp Chí Tia Sáng
-
Nguyễn Đình Đăng - Sự Ra đời Của Chữ Quốc Ngữ (Cái Chết Siêu Việt ...
-
Lịch Sử Hình Thành Chữ Quốc Ngữ Của Việt Nam Ngày Nay - YouTube
-
Chữ Quốc Ngữ - France Vietnam - Patrimoines Partagés
-
Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ Và Vấn đề Chuẩn Hóa Chính Tả Hiện Nay
-
Chữ Quốc Ngữ Là Chữ Viết Quốc Gia Của Việt Nam
-
Hội An – Thanh Chiêm, Cái Nôi Ra đời Chữ Quốc Ngữ
-
Chữ Quốc Ngữ Hình Thành Như Thế Nào? - VietNamNet
-
Chữ Quốc Ngữ Ra đời Khi Nào?
-
Chữ Quốc Ngữ - Wiktionary Tiếng Việt