Lưu Truyền Nét đẹp Văn Hóa Của Người Si La ở Lai Châu - Vnbusiness

Trước kia người Si La quen du cư, du canh, gần đây đã biết kết hợp vừa làm nương, vừa làm ruộng nước, sống định cư trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Đồng bào sống quây quần thành bản nhỏ, kín đáo, ở nhà đất hay nhà vách nứa, thường không có vườn, bếp đặt ở giữa nhà.

Độc đáo văn hóa truyền thống

Đặc biệt, với người Si La, tín ngưỡng và các lễ hội luôn song hành cùng nhau, tạo nên sắc thái độc đáo và phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, mang tính cộng đồng và ẩn chứa tính nhân văn sâu sắc.

Trong tín ngưỡng văn hóa của người Si La, không thể không nhắc đến các tập tục như: Thờ cúng tổ tiên, Tết năm mới, lễ cơm mới, lễ bìa khớ (cúng bản), mía lô lô (cấm bản), lễ cá si ta (gieo hạt tượng trưng)… Trong đó, lễ cấm bản là lễ cúng quan trọng nhất trong năm, được đồng bào tổ chức trước các vụ sản xuất để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt; mong cả bản không ốm đau, bệnh tật, lợn gà không bị thú rừng bắt trong năm…

Le-mung-com-moi-3386-1625564374.jpg

Trang phục của người phụ nữ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Si La cần được gìn giữ và bảo tồn  (Ảnh: TL).

Cũng sẽ là thiếu trong các lễ hội của người Si La nếu không nhắc tới những điệu hát với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu và các điệu múa. Đó là hát du, hát mừng năm mới, hát mừng nhà mới, hát mừng thọ, hát đối đáp nam nữ… giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người.

Đặc biệt, các điệu múa của người Si La thường được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, Tết, đi cùng với các nhạc cụ như: Đàn bầu, đàn môi, nhị 2 dây, nổi bật là chiếc sáo ngắn “Là pí” và sáo dài “Pờ tư thế lế”. Mặc dù chế tác thủ công từ tre, nứa đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên hòa quyện cùng giai điệu dân ca sẽ tạo ra âm hưởng riêng gây ấn tượng cho người nghe.

Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất trong văn hóa truyền thống của người Si La chính là trang phục của người phụ nữ. Cũng như các dân tộc khác, trang phục của người phụ nữ Si La cũng mang nét đẹp riêng và nổi bật. Đồng bào trồng cây bông vải lấy sợi se thành chỉ rồi nhuộm theo cách truyền thống để tạo sắc màu tự nhiên, sau đó, dệt nên những bộ trang phục của mình. Nhằm tô thêm vẻ đẹp cho váy, áo, các thiếu nữ Si La sử dụng những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, vòng trang sức gắn bạc, đồng... thân áo, váy và ống tay áo trang trí hoa văn theo bố cục hình học.

Những hoa văn trang trí này được hình thành trong quá trình dài lao động, sản xuất, sáng tạo của người Si La. Đồng bào rất chú ý xen kẽ các màu vải với những hoa văn khác nhau: áo thường được may bằng vải đen, cổ áo rời, xung quanh cổ áo được viền hai dải vải xanh và đỏ. Đường khâu ghép giữa cổ và thân áo bằng chỉ màu và được khâu nổi để trang trí. Giữa thân áo được đính hàng chục đồng xu trắng theo hình rải quạt.

Ngoài ra, phụ nữ Si La còn sử dụng những chiếc vòng cổ, vòng tay, khuyên tai và khăn đội đầu để trang trí cho trang phục của mình. Đáng chú ý, người Si La đã có những quy định khắt khe trong việc đội khăn theo từng lứa tuổi. Ví dụ, thiếu nữ thì buộc tóc sau gáy rồi quấn khăn trắng khâu bằng chỉ đỏ, xanh quanh bím tóc. Khăn đội đầu của phụ nữ đã có con là màu đen, được làm bằng vải xanh, đen, nếu sinh con gái hay trai đều có cách đội khăn khác nhau.

Lo bị mai một

Tuy nhiên, do xã hội ngày càng phát triển, những năm gần đây các nghi lễ, bài hát dân gian, trang phục truyền thống của người Si La đang dần mai một. Bản sắc văn hóa đã và đang bị đồng hóa, biến dạng đến mức chính người Si La cũng giật mình. Thế hệ trẻ hầu như không biết đến các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình.

"Tiếng nói theo đó cũng dần mai một, nhiều người nói tốt tiếng Kinh, ăn mặc như người Kinh. Thậm chí nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con là nhà cấp 4, lợp mái tôn, giống hội trường hội họp. Tình trạng này kéo dài, bản sắc văn hóa của dân tộc Sila sẽ mất hẳn". Già Pờ Chà Nga ở bản Sì Thâu Chải lo lắng.

Tại hội thảo bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của 5 dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân dưới 1.000 người gần đây, các nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa nhấn mạnh: “Trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các cơ quan chức năng nên coi mỗi đồng bào là một nhà khoa học vì không ai hiểu văn hóa của dân tộc họ bằng chính họ. Từ đó, các cơ quan quản lý, nhà khoa học và người dân sẽ cùng có cái nhìn thống nhất về một vấn đề".

Nắm bắt tinh thần đó, đồng thời từng bước khôi phục lại bản sắc văn hóa của người Si La, thời gian qua, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Tè đã khuyến khích, tạo điều kiện để bà con người Si La gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Theo đó, huyện đã vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc Si La, người già truyền cho người trẻ, người biết nhiều truyền cho người biết ít... cùng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá.

Nghe-nhan-Hu-Thi-Xuan-2646-1625564374.jp

Đội văn nghệ của bà Hù Cố Xuân thu hút đông đảo phụ nữ Si La tham gia (Ảnh: TL)

Từng là giáo viên, và nay giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Can Hồ nên bà Hù Cố Xuân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Si La. Bà Xuân luôn không ngừng giáo dục con cháu nâng cao nhận thức về văn hóa Si La.

Không chỉ sưu tầm, truyền dạy các bài hát, điệu múa cho cho Đoàn Thanh niên và Chi hội phụ nữ bản, bà còn tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La… Đặc biệt, bà đã đứng ra thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát tiếng Si La nhằm khơi dậy niềm đam mê hát dân ca và giúp các thế hệ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hàng tuần, đội văn nghệ của bà Hù Cố Xuân vẫn luyện tập đều đặn “Mỗi bài hát Si La thường dài lắm, tôi phải ghi ra từng đoạn bằng tiếng phổ thông rồi phát cho chị em. Tranh thủ những lúc nông nhàn, không lên nương, lên rẫy giở ra xem. Đến khi thuộc nhuần nhuyễn rồi mới ráp lại thành một điệu múa hát hoàn chỉnh. Tập được một bài như thế mất cả tháng đấy”, bà Xuân nói.

Tham gia vào đội văn nghệ của bà Xuân, em Chu Mì Nhung, một người dân tộc Si La trẻ tuổi phấn khởi nói: “Được sự hướng dẫn của bà Hù Cố Xuân, đến nay, em và các bạn trong Đội văn nghệ của bản đã thuộc điệu múa và hát được các bài hát đặc trưng của dân tộc mình… Chúng em sẽ cố gắng rèn luyện để có thể hát thật hay, góp phần nhỏ bé giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Hải Giang

Từ khóa » Dân Tộc Si La