LƯU Ý CHO NGƯỜI CHĂM SÓC BỆNH NHÂN UNG THƯ

BVK - Trong quá trình chăm sóc người thân nằm viện, đặc biệt người mắc bệnh ung thư có nhiều nhu cầu đặc biệt, người nhà người bệnh có thể cảm thấy luôn có rất nhiều công việc cần làm trong ngày, ví dụ như:

  • Cho người thân ăn 3-5 bữa/ngày
  • Mua đồ ăn
  • Mua thuốc
  • Nhận thuốc và chỉ dẫn từ nhân viên y tế
  • Giờ tiêm, truyền, hóa trị, xạ trị
  • Đưa người thân đi làm các xét nghiệm
  • Giúp người bệnh vệ sinh, tắm gội, thay quần áo…

Rất nhiều áp lực chăm sóc và tinh thần khi đồng hành cùng người bệnh ung thư có thể khiến người nhà cảm thấy hoang mang, choáng ngợp, thậm chí kiệt sức. Phần lớn người chăm sóc bệnh nhân ung thư đều có nhiều ảnh hưởng về sức khỏe và cuộc sống cá nhân. Khi ở cạnh chứng kiến nỗi đau đớn của người bệnh, người nhà thường cảm thấy cần ưu tiên nhu cầu của người bệnh hơn cả, dần dần họ có thể cảm thấy mình không còn thời gian cho bản thân, thậm chí có cảm giác tội lỗi khi dành thời gian để giải trí, vui vẻ... Ngược lại, khi chứng kiến người thân bị đảo lộn cuộc sống hay mệt mỏi, người bệnh ung thư rất dễ nảy sinh tâm lý áy náy, tội lỗi, kìm nén cảm xúc, sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, từ đó có nguy cơ mắc thêm các rối loạn về tâm lý và suy giảm thể chất, giảm ý chí và động lực điều trị. Do vậy, việc nhận biết và duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của người chăm sóc bệnh nhân ung thư đóng vai trò quan trọng và gián tiếp góp phần vào hiệu quả điều trị cho người bệnh ung thư. Dưới đây là một số lưu ý cho người nhà trong quá trình chăm sóc người bệnh ung thư để đảm bảo sức khỏe tâm thần và thể chất để đồng hành cùng người bệnh trong suốt chặng đường chiến đấu với ung thư:

  • Sử dụng thời gian hiệu quả

Trong thời gian nằm viện, người bệnh có thể cần chụp chiếu, nằm truyền thuốc hoặc chợp mắt nhiều lần trong ngày, người nhà nên tranh thủ những khoảng thời gian ngắn này để làm những việc tốt cho bản thân như:

  • Tranh thủ ngồi tĩnh tâm 5-10 phút. Nhắm mắt, hít thở sâu, tưởng tượng các cảnh tượng thư giãn trong tâm trí.
  • Nghe nhạc, xem một clip vui nhộn trên điện thoại (lưu ý đeo tai nghe để tránh làm phiền người khác, giữ âm lượng ở mức vừa phải để tránh căng thẳng và vẫn theo dõi được người bệnh)
  • Đọc sách, truyện và ngồi ở tư thế thư giãn.
  • Tự massage, xoa bóp cho bản thân.
  • Chủ động sắp xếp lịch trình

Để duy trì cảm giác tự tin và cân bằng cuộc sống tốt hơn, người bệnh nên cố gắng tìm cách làm chủ thời gian của mình để khiến mỗi ngày diễn ra một cách hiệu quả và có thời gian dành cho bản thân. Người nhà nên chủ động trao đổi cùng các nhân viên y tế để tìm hiểu trước lịch vào viện, kế hoạch điều trị, thời gian đi làm xét nghiệm…của người bệnh, từ đó sắp xếp các việc mình có thể tham gia và cảm thấy sẵn sàng hơn cho quá trình điều trị.

  • Tận dụng tối đa nguồn lực

Quá trình chiến đấu với ung thư của người bệnh có thể kéo dài, do vậy gia đình người bệnh ung thư nên tìm cách chia sẻ và huy động sự đồng cảm, hỗ trợ từ con cái, anh chị em họ hàng, bạn bè thân…để cùng giúp chăm sóc người bệnh. Hãy cho mọi người biết nhu cầu của người bệnh và bản thân và đề nghị giúp đỡ. Nếu không có người thân nào có thể thay thế dài ngày, hãy tìm người giúp đỡ trong vài giờ mỗi tuần, cố gắng linh hoạt tối đa có thể. Cần lưu ý đảm bảo người thay thế biết những thông tin cơ bản và cách thông báo cho nhân viên y tế chăm sóc người bệnh như thế nào nếu tình huống khẩn cấp xảy ra lúc người nhà không có mặt.

  • Cho phép mình nghỉ ngơi

Phần lớn người chăm sóc thường cảm thấy do dự và thậm chí áy náy, tội lỗi khi cho mình quyền được nghỉ ngơi so với trách nhiệm chăm sóc người bệnh. Sự thật là ai cũng có nhu cầu giải trí và được chăm sóc, và chỉ khi chúng ta hạnh phúc chúng ta mới có thể lan truyền điều đó tới người bệnh. Do vậy dù rất bận rộn, người nhà cần sắp xếp để cho mình nghỉ ngơi và vận động thể chất dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn trong ngày, hoặc 1-2 giờ đi dạo/tuần nơi có ánh nắng, cây xanh, quang cảnh đẹp hoặc bất cứ hoạt động nào có thể giúp bản thân vui vẻ và thư giãn hơn. Ngay cả trong các việc bắt buộc phải làm, người nhà cũng có thể tự tạo cảm hứng cho chính mình, ví dụ nghe nhạc, hát thầm khi đi mua đồ ăn...

  • Chia sẻ cảm xúc, tôn trọng giới hạn và tìm kiếm hỗ trợ

Một trong những điều quan trọng người nhà chăm sóc người bệnh ung thư cần nhớ: “Sự an toàn và khỏe mạnh của mình là ưu tiên hàng đầu”. Do vậy đừng cố gắng một mình làm hết mọi việc và kìm nén cảm xúc. Nhận biết giới hạn của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ là một kỹ năng cần thiết đối với người nhà người bệnh. Ví dụ nếu người nhà bị đau lưng và người bệnh bị hạn chế đi lại, người nhà có thể nhờ những người xung quanh hỗ trợ khi cần nhấc đỡ người bệnh, hỏi mượn thêm xe đẩy để dùng khi cần, hoặc học hỏi nhân viên y tế cách lăn trở người bệnh an toàn và dễ dàng hơn.

Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đôi khi người nhà có thể cảm thấy người thân thay đổi tính cách, dễ cáu gắt, tiêu cực...và nảy sinh những mâu thuẫn ngay cả vì những lý do rất nhỏ. Hãy lắng nghe và chân thành với những mong muốn của người bệnh, đáp ứng trong mức có thể và học cách động viên người bệnh cũng như chính mình vì những nỗ lực trong hành trình này. Chia sẻ cảm xúc với người bệnh và hướng tới những điều tích cực là một phần quan trọng để chiến thắng căn bệnh ung thư.

Bất cứ khi nào trong quá trình này, nếu người nhà cảm thấy bản thân bị quá tải, ức chế, căng thẳng, lo âu, buồn chán quá mức, hoặc mất ngủ kéo dài hay các vấn đề tâm lý khác, hãy chia sẻ với những người xung quanh và trao đổi với bác sĩ để được hỗ trợ. Nghiên cứu cho thấy cứ 4 người chăm sóc người bệnh ung thư thì trung bình có 1 người gặp khó khăn về tâm lý cần được tư vấn, trị liệu hay hỗ trợ thuốc nếu cần. Khi những người thân càng sớm cân bằng và ổn định về tinh thần thì chặng đường đồng hành với người bệnh ung thư để chiến đấu với bệnh tật sẽ càng thuận lợi và ý nghĩa hơn.

Từ khóa » Chăm Sóc Người Bệnh Bị Ung Thư Gan