Lũy Thầy - 400 Năm Còn Một Chút Này

Dường như chỉ có những khách lạ khi dừng chân đến Đồng Hới (Quảng Bình) mới tìm tới Lũy Thầy, như thể để nhìn lại một công trình quân sự cổ xưa được xây dựng, dù nơi đây chỉ còn một đoạn. Đoạn thành cổ trên nằm một phần ở đường Quách Xuân Kỳ và phía Tây P. Phú Hải. Tuy nhiên, khi đã dừng ngay bên cạnh con đường khá xinh chạy dọc theo dòng sông Nhật Lệ, nếu không có người hướng dẫn thì khó mà tìm được Lũy Thầy nằm ở đâu, còn được bao nhiêu chiều dài và hiện tại như thế nào?

Quảng Bình Quan.

Theo sử sách ghi lại thì vào năm 1630, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên giao cho Đào Duy Từ xây dựng hai công trình phòng thủ là Lũy Trường Dục ở H. Phong Lộc và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (tỉnh Quảng Bình) nhằm bảo vệ Chúa Nguyễn đàng trong trước những cuộc tấn công của Chúa Trịnh đàng ngoài. Dưới sự chỉ huy của Đào Duy Từ, Lũy Thầy được xây dựng từ năm 1630 đến 1634 đã trở thành rào chắn vững chắc của Chúa Nguyễn trong cuộc tranh chấp Trịnh - Nguyễn kéo dài suốt gần 50 năm (1627-1672). Gọi là Lũy Thầy vì Chúa Nguyễn coi Đào Duy Từ như thầy của mình. Năm 1848, vua Thiệu Trị hành hương qua hệ thống Lũy Thầy hùng vĩ này đã xúc động đặt thêm cái tên mới: "Định Bắc trường thành" để nhớ ơn tổ tiên đã giữ vững cõi Nam. Khi xây dựng xong, Lũy Thầy có chiều dài 34 km, trải bao thăng trầm thế cuộc gần 400 năm, cho đến nay khi đến Quảng Bình chỉ còn nhìn thấy một đoạn lũy nằm dọc bờ sông Nhật Lệ.

Ngoài ra, khi đi vào giữa lòng TP Đồng Hới thì gặp Quảng Bình Quan nằm trên đường Trần Phú, ngay trung tâm TP với một chiếc cổng đẹp, bao quanh là vườn cây. Trong ngần ấy thời gian, di tích này đã nhiều lần được trùng tu, nâng cấp. Vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825) xây kiên cố bằng đá, năm 1961 thêm một lần tu sửa. Nhưng cuộc chiến tranh khốc liệt (1964-1968), Mỹ ném bom gần như hư hại hoàn toàn. Năm 1994 di tích được phục hồi lại nguyên trạng cũ, Quảng Bình Quan đã được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia vào năm 1992. Ban đêm, đèn thắp sáng nhìn Quảng Bình Quan rất đẹp. Tuy nhiên, khi vào Quảng Bình Quan lại khá bất ngờ vì rất nhiều nơi gạch bị vỡ không được sửa chữa, rác thải trong lòng di tích bừa bãi, dơ bẩn, cỏ dại mọc mọi nơi...

Dấu vết còn lại của Lũy Thầy.

Bên cạnh di tích Lũy Thầy còn sót lại tấm bia chữ vàng, một bát hương nhỏ bên dưới, bia ghi: "Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631 có chiều dài 12 km, cao 6m, rộng 6 mét thuộc hệ thống Trường Lũy Đào Duy Từ. Nơi đây đã từng diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt giữa hai thế lực phong kiến Trịnh Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến". Bước theo những bậc cấp lên trên tận đỉnh Lũy Thầy sẽ gặp Trạm hải đăng Nhật Lệ. Trạm hải đăng cao ngạo nghễ dẫn đường cho tàu bè hàng đêm. Nhìn xuống là dòng sông Nhật Lệ trôi hiền hòa, người dân chài vẫn bám sông trong cuộc mưu sinh.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Từ khóa » Di Tích Luỹ Thầy