Ly Cà Phê Đà Lạt Với Ký ức Hồi Niệm - Tour Da Lat

Được mệnh danh là Paris ở Đông Nam Á, Đà Lạt từ lâu đã trở thành nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng. Với không khí trong lành, khung cảnh yên bình, lãng mạn, con người thân thiện, Đà Lạt đã và đang khẳng định thương hiệu thành phố Fesival Hoa trong mắt du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, ở thành phố Đà Lạt có rất nhiều điểm đặc biệt, một trong số đó là ly cà phê rất riêng.

Ngược miền ký ức

Vào những năm 1900, Đà Lạt được các tướng lĩnh của Pháp chọn làm nơi nghỉ dưỡng. Vì vậy, những người dân từ khắp nơi được điều đến nhằm phục vụ trong các đồn điền, biệt thự, nông trại. Những người phục vụ trong các biệt thự, với công việc tương đối an nhàn là chăm sóc cây bonsai, cây cảnh, quét dọn nhà cửa. Họ không phải thức khuya dậy sớm, mà làm việc 8 giờ. Vì thế, vào lúc sáng sớm, những người này ăn mặc lịch sự, đi uống cà phê, nói chuyện thời sự, sau đó mới về làm việc.

quán Cà phê Tùng Đà Lạt

quán Cà phê Tùng Đà Lạt

Từ đây, những quán cà phê bình dân phục vụ những vị khách này ra đời. Với tính chất là giá rẻ, ly cà phê cần được pha nhanh để người uống còn về làm việc. Ly cà phê ban đầu ở Đà Lạt được pha bằng phin như ngày nay rất ít, mà chủ yếu pha bằng cách cho vào túi mỏng, nhúng vào nồi nước sôi cho ra hết cà phê, sau đó rót ra ly và được gọi là cà phê “kho”. Cách làm này vẫn tồn tại đến ngày nay.

Chính vì cách pha cà phê “kho”, đồng thời ảnh hưởng từ phong cách uống cà phê của người Pháp, nên ly cà phê thường nguyên chất, không pha trộn các loại mà uống theo từng vị riêng. Như vị cà phê robosta, katimo, arabia. Nhưng được ưa chuộng nhất là cà phê Katimo Cầu Đất. Ly cà phê “kho” thường có màu đen nhạt, nước hơi trong, không sánh như cà phê ở nơi khác, có vị đắng nhẹ, thơm nồng, nếu uống không đường sẽ thấy lúc đầu hơn đắng, nhưng sau lại có vị ngọt thanh. Đây là điểm phân biệt rõ nét giữa cà phê nguyên chất và cà phê pha nhiều loại, hay cà phê pha thêm bắp rang (sẽ rất đắng và gắt), đậu nành (cho nước rất sánh và nhiều bọt).

Nếu như ai ít uống cà phê mà uống ly cà phê “kho” sẽ có cảm giác say như say tàu xe, người nôn nao, rất khó chịu. Bởi vì lượng cafein trong ly cà phê “kho” rất cao.

Cà phê hồi niệm

Đà Lạt mưa bay. Ngọn gió len lén trườn qua những góc phố. Không gian trầm mặc, sang trọng. Những bước chân nhàn du không ríu vào nhau… Chiều nay, tôi trở về Đà Lạt, chọn quán cà phê tĩnh lặng để ngắm thành phố trong mưa, tìm bước chân quen ngang phố, để được ngồi lặng lẽ giữa không gian lặng lẽ, được rong rêu theo tiếng tí tách cà phê rơi…

Thời gian ngái ngủ bên những khung cửa. Chủ quán đổi bản sonate “Ánh trăng” của Beethoven khi chiều vẫn nhạt nhòa. Có thể nói, thú ngồi cà phê là nét văn hóa tự nhiên của người Đà Lạt. Quán cà phê phố núi luôn được tạo tác những góc nhỏ lặng lẽ. Lặng, nhưng không cô đơn. Ở đó, người ta có thể ngược miền ký ức, ghép nối những kỷ niệm.

ngắm mưa trong quán cà phê

ngắm mưa trong quán cà phê

Phố núi chầm chậm trong mưa. Giọt cà phê đã quặn sánh. Tôi lần vội ký ức… Đà Lạt ngay từ khi hình thành đã có “công năng gốc” là thành phố nghỉ dưỡng. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Mát lạnh, không khí tinh khiết và không gian e lệ… những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.

Ở những phố thị khác, muốn tìm một không gian “buồn sang trọng” như Đà Lạt thật khó. Rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là giá trị gia tăng mà chính là giá trị cơ bản của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người.

Phố mưa. Vẫn bản tình ca xưa, vẫn góc quen quán cũ, bên tách cà phê đen như địa ngục và ngọt ngào như tình yêu… 

Những quán cà phê nổi tiếng

Ngày nay, tại khắp các cung đường của thành phố mộng mơ, du khách vẫn sẽ tìm thấy những quán cà phê “kho”. Tại những quán này, ly cà phê thường rất ngon và rẻ, từ người lớn đến thanh niên đều ưa thích. Ở đây, nhiều người vừa thưởng thức ly cà phê, vừa đánh cờ, hay xem ti vi, thậm chí ngồi ngắm cảnh Đà Lạt buổi sáng huyền ảo, hay bàn luận về trận bóng đá tối qua. Tất cả những hoạt động đã trở thành nếp sống quen thuộc của thành phố Fesival Hoa.

Có những quán đã trở thành nổi tiếng, thậm chí có người cho rằng, chưa đến quán cà phê Tùng thì chưa đến thành phố Đà Lạt. Đây là nơi cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lần đầu gặp ca sỹ Khánh Ly năm 1964, từ đó chấp cánh cho nhạc sỹ và ca sỹ trờ thành hiện tượng của tân nhạc Việt Nam lúc đó. Hay quán cà phê 171 trên đường Phan Đình Phùng, với 3 đời bán cà phê kho, đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhất là đối với những người nghiện cà phê. Còn rất nhiều quán khác mà du khách có thể rất dễ tìm, cùng với phong cách rất riêng của Đà Lạt.

Nếu đến thành phố Đà Lạt vào một ngày trời đông se lạnh, hay những ngày mưa lâm thâm, ngồi ngắm thành phố ngàn thông với ly cà phê nóng, cùng với những người bạn tâm giao, bạn sẽ tận hưởng được mọi hương vị của cuộc sống mang phong cách rất riêng.

Lưu Văn Tuệ

4.5/5 - (2 bình chọn)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Pinterest (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Tumblr (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên Reddit (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để in ra (Mở trong cửa sổ mới)

cà phê, mùa hè, xúc cảm về Đà Lạt

Từ khóa » Những Ký ức đà Lạt