Lý Do 5 Huyện TP HCM Muốn Lên Thành Phố - VnExpress

Sau khi Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi công bố định hướng phát triển lên thành phố, hai huyện Hóc Môn và Nhà Bè cũng quyết định nghiên cứu lập đề án lên thành phố thay vì quận như dự tính trước đây. Như vậy, tất cả 5 huyện ngoại thành của TP HCM đều sẽ phấn đấu từ nay đến năm 2030 lên thành phố.

Theo quy định, địa phương đủ điều kiện lên thành phố khi đạt 5 tiêu chuẩn về quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính; được công nhận đô thị loại I, II hoặc III; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đối chiếu các quy định này, Bí thư Huyện uỷ Hóc Môn Trần Văn Khuyên nói mô hình lên thành phố với huyện dễ thực hiện hơn mô hình cấp quận.

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện với quy định lên thành phố, Hóc Môn đạt 2/5 tiêu chuẩn là quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Còn ba tiêu chuẩn chưa đạt, huyện đặt mục tiêu cuối 2025 sẽ đáp ứng, gồm: có 65% xã, thị trấn đủ tiêu chí phường (hiện huyện đạt 5/12 xã, thiếu 3 xã); chưa được công nhận là đô thị loại III và không đạt yêu cầu về thu chi ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo.

Một nguyên nhân nữa khiến các huyện bỏ mục tiêu lên quận là quy định 100% đơn vị hành chính cấp xã phải đạt tiêu chuẩn phường, tức địa phương phải bỏ hẳn vùng nông thôn. Trong khi đó, tiêu chuẩn lên thành phố chỉ yêu cầu 65% xã lên phường. Như trường hợp Nhà Bè, toàn bộ 7 xã tại đây đều chưa đạt tiêu chuẩn phường. Song nếu chọn lên thành phố, huyện chỉ cần chuyển đổi 5 xã, còn lên quận phải nâng cấp tất cả.

Chủ tịch huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết trước đây địa phương từng dự tính lên quận, nhưng đó mới là mong muốn ban đầu và đang trong quá trình nghiên cứu. Sau khi Ban Thường vụ Huyện uỷ bàn bạc với các chuyên gia, đánh giá sơ bộ thì thấy huyện phù hợp mô hình thành phố hơn nên đã điều chỉnh.

Ông Phước đánh giá Nhà Bè có vị trí và đặc điểm phù hợp để phát triển mô hình đô thị vệ tinh phía Nam TP HCM. Nơi đây lợi thế là cảng Hiệp Phước có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất thành phố trên sông Soài Rạp, cùng với phát triển các dịch vụ hạ tầng, công nghiệp logistics.

"Kỳ vọng của huyện là lên thành phố vào 2025 và chúng tôi đang đánh giá thực tiễn, để có cơ sở khoa học trước khi gửi đề xuất chính thức lên thành phố", ông Phước nói và cho biết trong tháng 6, địa phương sẽ hoàn thành đề án nghiên cứu, đưa ra "hình hài" của Nhà Bè trong tương lai.

Một phần huyện Nhà Bè nhìn từ trên cao, tháng 1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Một phần huyện Nhà Bè nhìn từ trên cao, tháng 1/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Trước Hóc Môn và Nhà Bè, ba huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ đã công khai ý định sẽ lên thành phố chứ không chọn mô hình quận.

Bí thư huyện uỷ Bình Chánh Trần Văn Nam cho rằng địa phương có diện tích lớn thứ ba thành phố, song tốc độ đô thị hóa không đều, có xã phát triển nhà cửa rất nhanh nhưng một số xã vẫn thuần nông. Do đó, huyện định hướng lên thành phố bởi mô hình này vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính phải là phường.

Trong khi đó, với diện tích đất nông nghiệp rất lớn, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết khi chuyển lên thành phố, địa phương sẽ huy động nguồn lực bên ngoài để phát triển theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Tương tự, Cần Giờ - huyện có diện tích lớn nhất thành phố (705 km2) đang xây dựng đề án phát triển thành phố nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch.

Theo KTS Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia cũng hiểu nhầm rằng lên quận dễ hơn thành phố, nhưng thực tế ngược lại. Bởi trong một thành phố, quận được coi là khu vực trung tâm nên đòi hỏi mức độ đô thị hoá cao hơn, còn mô hình thành phố vẫn chấp nhận có vùng nông thôn.

TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan Thường trực Bộ Nội vụ tại phía Nam, nói rằng địa phương "tính toán khôn ngoan" đương nhiên sẽ chọn phương án có tiêu chí dễ hơn. Đặc biệt, chọn mô hình thành phố giúp huyện giữ được tỷ lệ nông thôn trong đô thị chứ không phải đô thị hoá toàn bộ như quận, dư địa phát triển nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo ông Sơn thành phố cần có lộ trình nâng cấp vì nguồn lực không đủ để chia đều, nên thực hiện trước ở địa phương nào có điều kiện, thuận lợi. "Thành phố nhiều tham vọng nhưng cũng cần có sự sàng lọc. Đặc biệt khi TP Thủ Đức đang phát triển rất chậm, chưa như kỳ vọng", ông nói.

5 huyện ở TP HCM muốn lên thành phố. Đồ họa: Khánh Hoàng

5 huyện ở TP HCM muốn lên thành phố. Đồ họa: Khánh Hoàng

Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó giám đốc Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cho rằng lên quận hay thành phố không phải vấn đề, mà quan trọng địa phương định hình được mô hình phát triển phù hợp điều kiện, lợi thế và giữ bản sắc sẵn có. Ví dụ, Cần Giờ có thể phát triển đô thị sinh thái, Củ Chi và Hóc Môn cần tận dụng giá trị lịch sử thu hút du lịch.

"Thành phố hay quận không quan trọng, mà lên để làm gì và đem đến lợi ích gì cho người dân địa phương mới là vấn đề", ông nói và cho rằng lên thành phố là mong muốn ban đầu của các huyện, nhưng chính quyền TP HCM cần tính toán dựa trên định hướng toàn thành phố. "Trong một gia đình, ai cũng muốn học đại học cả. Nhưng ai thi đỗ, gia đình đủ tiền không, bố mẹ định hướng thế nào cho con mới là yếu tố quyết định", ông ví von.

Trong khi đó, KTS Ngô Anh Vũ nói việc đưa 5 huyện lên thành phố là lộ trình rất dài, chưa biết năm 2030 đạt được không, nhưng nguy cơ "sốt đất" luôn tiềm ẩn, khi người dân lầm tưởng huyện lên thành phố trong nay mai. "Tôi sợ người dân thấy sắp lên thành phố nên không lo sản xuất, kinh doanh mà ngồi chờ bán đất sẽ rất nguy hiểm", ông nói và cảnh báo giá đất tăng quá cao, sau này việc đầu tư hạ tầng gặp khó khăn vì chi phí giải phóng mặt bằng đội lên.

Sở Nội vụ TP HCM đánh giá, những năm qua, 5 huyện ngoại thành tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị ở đây không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Do đó, việc đầu tư xây dựng các huyện trở thành quận hoặc thành phố; chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là cần thiết.

Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND thành phố trước 30/9. Song song đó, 5 huyện cũng xây dựng đề án riêng. Vì vậy, sau khi các đề án này được trình, chính quyền thành phố mới chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.

Thu Hằng

Từ khóa » Tỉnh Lên Thành Phố Hồ Chí Minh