Lý Do Một Số Người Luôn Cảm Thấy Lạnh - VnExpress

Bị lạnh tự nhiên

Trong trường hợp không có bất kỳ lý do y tế nào, một số người có xu hướng cảm thấy lạnh hơn người khác là vì họ có khối lượng cơ thấp hơn diện tích bề mặt cơ thể. Cơ bắp tạo ra nhiệt và nếu bạn có khối lượng cơ thấp, cơ thể có xu hướng bảo tồn nhiệt bằng cách giảm bớt dòng máu ra khỏi tứ chi. Điều này có thể khiến bàn tay và bàn chân của bạn và có thể là toàn bộ cơ thể cảm thấy lạnh.

Phụ nữ và những người lớn tuổi có khối lượng cơ thấp hơn nên thường cảm thấy lạnh hơn người khác.

Thiếu ngủ

Chu kỳ giấc ngủ của cơ thể được điều chỉnh bởi nhịp sinh học. Đó là một lịch trình nội bộ giúp cơ thể bạn hiểu khi nào nên đi ngủ và khi nào thì phải thức dậy. Cả hai dấu hiệu bên trong và bên ngoài, như ánh sáng, nhiệt độ và hormone giúp cho cơ thể biết phải làm gì.

Nhịp sinh học khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống trong khi ngủ. Nếu bạn thức vào thời điểm cơ thể cho rằng bạn đã ngủ, bạn có thể cảm thấy lạnh hơn bình thường.

Nói cách khác, bạn có thể cảm thấy lạnh hơn trong ngày vì quá mệt mỏi đến mức cơ thể nghĩ rằng đã đến lúc phải đi ngủ.

Tuần hoàn kém

Hệ tuần hoàn của bạn giúp lưu thông máu khắp cơ thể. Các mạch máu có thể co lại (hạn chế lưu lượng máu) hoặc giãn ra (tăng lưu lượng máu). Nếu lưu lượng máu bị hạn chế đến các bộ phận nhất định của cơ thể - thường là bàn tay và bàn chân - những vùng đó sẽ cảm thấy lạnh.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tuần hoàn máu kém, bao gồm hút thuốc và béo phì. Nếu muốn cải thiện vấn đề này, bạn có thể cố gắng thực hiện một số điều cơ bản như tập thể dục thường xuyên, một chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế hút thuốc. Bạn cũng có thể đến gặp bác sĩ để tìm hiểu xem liệu tuần hoàn kém có liên quan đến tình trạng sức khỏe khác hay không.

Giảm cân quá nhanh

Một số nhà khoa học đã gợi ý rằng giảm cân nhanh có thể khiến bạn cảm thấy lạnh hơn. Có hai lý do đằng sau điều này. Đầu tiên, chất béo dưới da hoạt động như một lớp cách nhiệt chống lại cái lạnh và bảo tồn nhiệt. Khi bạn giảm cân, bạn có thể mất một phần chất béo này và bạn cũng sẽ mất một số chất giữ ấm. Thứ hai, nếu bạn giảm lượng calo tiêu thụ một cách đột ngột, quá trình trao đổi chất trong cơ thể sẽ chậm lại để tiết kiệm năng lượng, điều này có thể khiến bạn cảm thấy lạnh thường xuyên hơn.

Sự thiếu hụt vitamin B12

Vitamin B12 giữ cho hệ thống thần kinh ở trạng thái đỉnh cao và giúp cơ thể bạn sản xuất DNA và RNA. Loại vitamin này được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm bao gồm cá ngừ, cá hồi, thịt bò, sữa và pho mát.

Một số người có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 cao hơn người khác, ví dụ, người ăn chay. Những người khác có thể bao gồm người lớn trên 50 tuổi, những người bị thiếu máu ác tính, những người vừa trải qua phẫu thuật đường tiêu hóa và những người bị rối loạn tiêu hóa.

Các triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 gồm: mệt mỏi, suy nhược, táo bón, thèm ăn, giảm cân, cảm giác lạnh, ngứa ran hoặc tê (đặc biệt là ở bàn tay hoặc bàn chân).

Suy tuyến giáp

Tuyến giáp của bạn là một cơ quan sản xuất hormone ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng năng lượng. Tuyến giáp kém hoạt động có nghĩa không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Suy giáp có thể do một số tình trạng sức khỏe khác nhau gây ra và nó cũng có thể là kết quả của một số loại điều trị (như phẫu thuật và xạ trị). Bạn có thể có nguy cơ cao bị suy giáp nếu bạn là phụ nữ trên 60 tuổi, từng gặp các vấn đề về tuyến giáp trong quá khứ hoặc mắc một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn (như bệnh tiểu đường type 1 hoặc bệnh lupus).

Thiếu máu

Thiếu máu là một chứng rối loạn máu xảy ra khi bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để lưu thông oxy khắp cơ thể, và có nhiều dạng thiếu máu khác nhau. Cùng với mệt mỏi, khó thở, đau đầu và các triệu chứng khác, thiếu máu có thể gây ra lạnh tay và chân. Nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nếu bạn đang mang thai, có kinh nguyệt ra nhiều hoặc thiếu một số chất dinh dưỡng (như sắt, axit folic và vitamin B12).

Rối loạn mạch máu

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là kết quả của việc các mạch máu trở nên hẹp hoặc bị tắc nghẽn đến mức không thể mang máu từ tim đến các cơ quan khác. PAD có ảnh hưởng đến chân hoặc tay. Người có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này thường là người hút thuốc, bị huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường, có lượng cholesterol cao hoặc trên 60 tuổi.

Một tình trạng khác liên quan đến hiện tượng lạnh là hội chứng Raynaud, chứng rối loạn mạch máu hiếm gặp, thường ảnh hưởng đến các ngón tay và ngón chân. có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc sống ở nơi có khí hậu lạnh.

Bệnh tiểu đường

Có hai loại bệnh tiểu đường. Nếu mắc bệnh tiểu đường type 1, cơ thể không sản xuất insulin - một loại hormone cho phép cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng. Nếu bạn bị tiểu đường type 2, cơ thể không sản xuất hoặc sử dụng insulin không tốt. Cảm giác lạnh, tê hoặc ngứa ran, đặc biệt là ở bàn chân hoặc bàn tay, là một triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

Phải làm gì nếu luôn cảm thấy lạnh?

Bạn nên tìm lời khuyên từ bác sĩ nếu có bất kỳ mối lo ngại nào về sức khỏe liên quan đến tình trạng này. Nếu đang tìm kiếm những cách khác để giữ ấm trong thời gian chờ đợi, có một số điều bạn có thể làm:

Tập thể dục: Di chuyển xung quanh có thể giúp bạn ấm lên. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn cải thiện lưu thông và giúp cơ thể ấm hơn về lâu dài.

Cắt giảm thuốc lá.

Mặc nhiều lớp áo để giữ ấm và cách nhiệt.

Ngủ đủ giấc.

Chế độ ăn uống cân bằng.

Ngọc Lan (Theo Real Simple)

  • Đồ ăn nóng - lạnh ảnh hưởng thế nào đến cơ thể
  • Những sai lầm khiến nhà lạnh hơn vào mùa đông
  • 7 mẹo giữ ấm trong thời tiết lạnh
  • Những thói quen cần bỏ để tránh bệnh mùa lạnh

Từ khóa » Người Nóng Nhưng Lại Cảm Thấy Lạnh