"Ly Hôn" - Sóng Ngầm Của Hôn Nhân
Có thể bạn quan tâm
Có thể nói ly hôn là một trong những hệ quả của sự phát triển kinh tế xã hội và là nguyên nhân của nhiều tệ nạn xã hội khác. Thực trạng ly hôn tại huyện Vân Canh trong những năm gần đây đang là vấn đề đáng báo động cả về số lượng và tính chất phức tạp. Thời điểm trước năm 2000, hầu như không thụ lý vụ “Ly hôn” nào, nhưng từ năm 2000 đến nay thì số lượng thụ lý các vụ án về “Ly hôn” tăng mạnh. Với mật độ dân số thấp khoảng 40 người/km2 (năm 2014), nhưng hằng năm Tòa án thụ lý tới 40 vụ án ly hôn, trong đó số vụ là người đồng bào dân tộc chiếm khoảng 30% quả là điều đáng báo động.
Nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn hiện nay ở địa bàn huyện Vân Canh nói riêng và của cả xã hội nói chung rất đa dạng và phức tạp.
Tình yêu dựa trên hy vọng về tương lai:
Đa phần rơi vào giới trẻ, xuất phát từ suy nghĩ hời hợt, họ nhìn thấy tình yêu để đến hôn nhân toàn là “Màu hồng” trong khi thực tế cuộc sống sau hôn nhân lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mà đôi khi không có sự cảm thông, chia sẻ, không có sự suy nghĩ chín chắn thì những mâu thuẫn bất đồng dù có thể nhỏ nhưng nếu cả hai không có sự kiềm chế, sự điều chỉnh cân bằng tâm lý thì những xung đột sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn và đó chính là gốc rễ hình thành nên cái gọi là “Ly hôn”.
Khả năng độc lập về kinh tế:
Ngày xưa, phụ nữ luôn được cho là yếu đuối, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã làm cho phụ nữ không có tiếng nói trong xã hội. Họ lệ thuộc hoàn toàn kinh tế vào người đàn ông. Một người con gái khi được gả chồng luôn giữ trọn sự chung thủy và cam chịu “Xuất giá tòng phu”.
Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh vấn đề bình đẳng giới. Phụ nữ ngày càng được coi trọng và có địa vị trong xã hội. Họ không lệ thuộc kinh tế vào người đàn ông, nên khi có trở thành mẹ đơn thân họ vẫn có thể lo chu toàn cho gia đình. Chính vì phụ nữ ngày nay có bản lĩnh, có khả năng độc lập về kinh tế nên khi gia đình trở thành địa ngục họ luôn muốn tìm lối thoát cho cuộc hôn nhân, và rồi đối với họ, không khó để đi đến một quyết định “Ly hôn”.
Mâu thuẫn của nhiều thế hệ:
Đây là vấn đề của những cặp vợ chồng sống chung với ba mẹ.
Nếu các thế hệ cùng chung sống trong một gia đình hòa thuận, chia sẻ với nhau thì cuộc sống của hai vợ chồng sẽ hạnh phúc. Nhưng nếu có sự xung đột giữa thế hệ trên với người vợ hoặc người chồng, đặc biệt ở Việt Nam là quan hệ “Mẹ chồng nàng dâu” thì dẫn đến xung đột vợ chồng. Ở mỗi thế hệ có nhưng quan điểm về cuộc sống khác nhau, không dễ gì họ thống nhất quan điểm với nhau. Đâu đó tư tưởng phong kiến cổ hũ vẫn còn đè nặng lên các thế hệ đi trước, và đâu đó vẫn còn có những nàng dâu xem thường mẹ chồng, phân biệt đối xử giữa cha mẹ ruột và cha mẹ chồng. Đối với người chồng là trung gian thì rất khó xử nếu không khéo gây mất lòng, sứt mẻ tình cảm với những người mình yêu thương và xa hơn nữa gia đình tan nát.
Ngoại tình:
Xuất phát từ những hy vọng quá nhiều về đối phương để rồi hụt hẫng dẫn đến họ luôn trông mong một sự cảm thông chia sẻ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, sự cám dỗ của những hào nhoáng, bóng bẩy về hình thức, đặc biệt là đối với phụ nữ. Một khi hôn nhân không viên mãn họ dễ sa vào lòng những người đàn ông “tâm lý hơn”.
Riêng đối với người đàn ông thì có rất nhiều nguyên nhân để ngoại tình, chẳng hạn như: nhu cầu sinh lý, đặc thù công việc, bạn bè lôi kéo…Có thể thấy đàn ông dễ ngoại tình nhưng hôn nhân có thể được bảo toàn do sự chịu đựng của người phụ nữ. Nhưng phụ nữ ngoại tình thì chắc chắn hôn nhân sẽ tan vỡ.
Thiếu hiểu biết pháp luật, sự chuẩn bị tâm lý, những kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình:
Đặc thù là huyện miền núi nên vấn đề này có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng ly hôn hiện nay ở địa bàn. Ở các đồng bào dân tộc thiểu số nạn tảo hôn là tập tục từ xa xưa nhưng vẫn chưa xóa bỏ dứt điểm. Nhiều cặp vợ chồng đến với nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn, họ còn không biết bao nhiêu tuổi là thì nam, nữ được kết hôn. Có những cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi vị thành niên. Nên khi về sống chung với nhau những vấn đề về kinh tế, bất đồng quan điểm và có khi họ không biết cưới nhau để làm gì.
Sự chuẩn bị về tâm lý và những kiến thức về gia đình là điều rất quan trọng để cả hai chuẩn bị hành trang cho cuộc sống vợ chồng. Nó giúp cả hai biết cảm thông, chia sẽ cho nhau, biết nhìn nhận đúng đắn về gia đình. Ngày nay giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội nên họ vẫn chưa tìm hiểu kỹ về nhau cũng như các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xảy ra mâu thuẫn họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.
Thật khó để đưa ra giải pháp giảm thiểu nạn ly hôn vì đó là một quy luật của cuộc sống, nó tiềm ẩn trong ý thức cá nhân mỗi con người, có điều làm thế nào có thể thay đổi suy nghĩ của mỗi người về cuộc sống hôn nhân nhằm giảm thiểu những cuộc ly hôn không đáng có đang là vấn đề nan giải.
Tôi nghĩ để một cuộc hôn nhân thực sự bền vững phải xuất phát từ cả hai, họ nhìn nhận về gia đình như thế nào; họ đã trang bị cho mình kiến thức về hôn nhân gia đình hay chưa. Một mặt, chúng ta cũng không nên nhìn nhận quá tiêu cực về “Ly hôn”. Việc ly hôn có thể đem lại một cơ hội hạnh phúc mới khác cho đối phương thì đó là một điều vui cho xã hội. Chính vì xã hội có những cái nhìn tiêu cực về “Ly hôn” nên nhiều cặp vợ chồng có gắng chịu đựng. Điều này gây ra hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả việc ly hôn: con cái phải sống trong một môi trường suốt ngày cãi vã, không có sự yêu thương, gia đình không còn là nơi mà các con muốn tìm về, các con dễ lao vào các tệ nạn xã hội…
Hậu quả của ly hôn mang lại đó là tổn thương về tâm lý con cái, nhưng các bậc cha mẹ hãy nghĩ “Khi bản án hôn nhân có hiệu lực có thể chúng ta không còn quan hệ gì nhưng chúng ta hãy cùng nhau vun đắp tình cảm cho con cái dù không còn chung một mái nhà, vì đó là những người mà ta yêu thương nhất”.
Bên cạnh đó xã hội cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến những bạn trẻ về kiến thức pháp luật, giới tính, hay là có những lớp dạy về kỹ năng cho các bạn sắp bước vào cuộc sống hôn nhân. Để từ họ có những cái nhìn chính xác về hôn nhân và những vấn đề cần phải giải quyết trong cuộc sống vợ chồng.
Gia đình là nơi mà trong mỗi chúng ta tìm về sau những giờ làm việc vất vả. Hãy xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc đó mới là nền tảng để phát triển xã hội.
Ngô Thị Mỹ Dung
Từ khóa » Cảm Nhận Về Ly Hôn
-
Điều Kiện để Ly Hôn Và Suy Nghĩ Về Nỗi đau Của Những đứa Con Khi ...
-
Cảm Giác Sau Khi Ly Hôn Và Cách Vượt Qua Cho Bạn - Wiki Phununet
-
Những Suy Nghĩ Về Một Bài Viết... :: Đoàn Luật Sư Tp. Hồ Chí Minh
-
Ly Hôn đôi Khi Là Giải Pháp Tốt Nhất - Báo Lao Động
-
Tình Trạng Ly Hôn ở Giới Trẻ Gia Tăng: Đâu Là Nguyên Nhân?
-
Tình Trạng Ly Hôn Gia Tăng - Nguyên Nhân, Giải Pháp Khắc Phục
-
Ly Hôn để… Hạnh Phúc: Hãy Là Phụ Nữ Tích Cực Trước Khi Quyết định ...
-
Ly Hôn đâu Phải Là đường Cùng, đôi Lúc Là Hạnh Phúc
-
Vợ Quyết Tâm Ly Hôn Vì Không Cảm Nhận được Tình Thương Của Chồng.
-
Có Nên Vì Con Mà Chung Sống Với Chồng Thay Vì Ly Hôn?
-
Cảm Nhận Của Con Cái Khi Cha Mẹ Ly Hôn | Tư Vấn Tâm Lý - Tình Yêu
-
Hậu Ly Hôn Và Những Nỗi đau để Lại Cho Con Trẻ
-
Những Vấn đề đặt Ra đối Với Giá Trị Hôn Nhân
-
Phải Trả Lời được 5 Câu Hỏi Này Trước Khi Ly Hôn để Không Hối Tiếc