Lý Thuyết Lịch Sử Lớp 7 Bài: Nước Ta Buổi đầu độc Lập

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài: Nước ta buổi đầu độc lậpLý thuyết môn Lịch sử 7Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài 8 giúp các em học sinh dễ hiểu hơn Lịch sử 7 bài 8: Nước ta buổi đầu độc lập. Đồng thời cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng để học tốt môn Lịch sử 7. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Bài: Nước ta buổi đầu độc lập

  • A. Lý thuyết Lịch sử bài 8
    • 1. Ngô Quyền dựng nền độc lập
    • 2. Tình hình chính trị cuối thời Ngô
    • 3. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước
  • B. Trắc nghiệm Lịch sử bài 8

A. Lý thuyết Lịch sử bài 8

1. Ngô Quyền dựng nền độc lập

Sau chiến thắng Bạch Đằng (938), mưu đồ xâm lược của quân Nam Hán bị đè bẹp, năm 939 Ngô Quyền lên ngôi vua, chọn Cổ Loa làm kinh đô.

Hơn 10 thế kỉ thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đã chấm dứt. Nền độc lập và chủ quyền của đất nước được giữ vững.

Ngô Quyền quyết định bỏ chức tiết độ sứ của phong kiến phương Bắc, thiết lập một triều đình mới ở trung ương. Vua đứng đầu triều đình, quyết định mọi công việc chính trị, ngoại giao, quân sự; đặt ra các chức quan văn, võ, quy định các lễ nghi trong triều và màu sắc trang phục của quan lại các cấp.

Ở địa phương, Ngô Quyền cử các tướng có công coi giữ các châu quan trọng. Đinh Công Trứ làm Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Kiều Công Hãn làm Thứ sử Phong Châu (Phú Thọ)...

Đất nước được yên bình.

2. Tình hình chính trị cuối thời Ngô

Năm 944, Ngô Quyền mất. Hai con là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn còn trẻ, không đủ uy tín và sức mạnh để giữ vững chính quyền trung ương.

Một viên quan là Dương Tam Kha đã tiếm quyền, tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập bỏ trốn.

Các phe phái nổi lên khắp nơi, đất nước lâm vào tình trạng không ổn định.

Năm 950, Ngô Xương Văn được sự ủng hộ của các tướng lĩnh đã lật đổ được Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua. Xương Văn mời anh về cùng nhau trông coi việc nước. Song, do mâu thuẫn nội bộ, uy tín nhà Ngô giảm sút.

Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài 8

Năm 965, Ngô Xương Văn chết. Cuộc tranh chấp giữa các thế lực cát cứ, thổ hào địa phương vẫn tiếp diễn. Lúc đó, đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn bởi 12 tướng lĩnh chiếm cứ các vùng địa phương, đánh lẫn nhau, sử cũ gọi là "Loạn 12 sứ quân", đó là:

1. Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội ngày nay)

2. Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (Phú Thọ ngày nay)

3. Kiều Thuận giữ Hồi Hồ (Cẩm Khê - Phú Thọ ngày nay)

4. Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc ngày nay)

5. Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Du (Bắc Ninh ngày nay)

6. Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì - Hà Nội ngày nay)

7. Lý Khuê giữ Siêu Loại (Thuận Thành - Bắc Ninh ngày nay)

8. Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Giang - Hưng Yên ngày nay)

9. Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Kim Động - Hưng Yên ngày nay)

10. Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (Quốc Oai - Hà Nội ngày nay)

11. Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình ngày nay)

12. Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hoá ngày nay)

3. Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước

Trong hoàn cảnh nói trên, tại đất Hoa Lư (Ninh Bình) xuất hiện nhân vật Đinh Bộ Lĩnh - người sau này lập ra nhà Đinh.

Nhờ sự ủng hộ của nhân dân, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm, chiêu dụ được sứ quân Phạm Bạch Hổ, tiến đánh các sứ quân khác.

Là người có tài, lại được nhân dân nhiều địa phương giúp sức, ủng hộ, ông đánh đâu thắng đấy, được tôn là Vạn Thắng vương. Các sứ quân lần lượt bị đánh bại hoặc xin hàng. Tình trạng cát cứ chấm dứt. Cuối năm 967, đất nước trở lại bình yên, thống nhất.

B. Trắc nghiệm Lịch sử bài 8

Câu 1: Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở đâu?

A. Cổ Loa B. Hoa Lư C. Bạch Hạc. D. Phong Châu.

Chọn đáp án: A

Giải thích: (SGK – tr.25)

Câu 2: Vì sao Ngô Quyền không duy trì chính quyền của họ Khúc?

A. Chính quyền họ Khúc về danh nghĩa vẫn thuộc nhà Đường.

B. Ngô Quyền muốn phát triển đất nước thành một Quốc gia độc lập, thiết lập một chính quyền hoàn toàn của người Việt.

C. Ngô Quyền muốn xây dựng một chính quyền cao hơn thời họ Khúc.

D. Ngô Quyền không muốn tự nhận mình là tiết độ sứ của chính quyền phương Bắc.

Chọn đáp án: B

Giải thích: chính quyền của Khúc Thừa Dụ vẫn phụ thuộc vào nhà Đường. Ngô quyền lên ngôi vua muốn xây dựng một quốc gia độc lập, không bị phụ thuộc vào nhà Đường.

Câu 3: Việc làm nào của Ngô Quyền khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc.

A. Đặt kinh đô ở Cổ Loa.

B. Bỏ chức tiết độ sứ, lên ngôi vua.

C. Đặt lại lễ nghi trong triều đình.

D. Đặt lại các chức quan trong triều đình, xóa bỏ các chức quan thời Bắc thuộc.

Chọn đáp án: B

Giải thích:

+ Việc Ngô quyền bỏ chức tiết độ sứ khẳng định nước ta là một quốc gia độc lập không phải là một quận của Trung Quốc.

+ Ngô Quyền xưng vương khẳng định nước ta cũng ngang hàng với Trung Quốc.

Câu 4: Nguyên nhân chính dẫn đến nhà Ngô suy yếu.

A. quân Nam Hán xâm lược lần 2.

B. Chiến tranh nông dân nổ ra ở nhiều nơi.

C. Do mâu thuẫn nội bộ.

D. Các thế lực cát cứ nổ lên tranh giành quyền lực.

Chọn đáp án: C.

Giải thích: nguyên nhân chính dẫn đến nhà Ngô nhanh chóng suy yếu là do nội bộ mâu thuẫn.

+ Sau khi lật đổ Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn mời anh là Ngô Xương Ngập cùng trông coi việc nước.

+ Tuy nhiên, hai anh em họ Ngô bất hòa đã tạo điều kiện cho các thổ hào địa phương nổi dậy, nhà Ngô nhanh chóng suy yếu.

Câu 5: "Loạn 12 sứ quân" là biến cố lịch sử xảy ra vào cuối thời:

A. Ngô. B. Đinh. C. Lý. D. Trần.

Chọn đáp án: A

Giải thích: Năm 944, Ngô Quyền mất, đất nước hỗn loạn. Các thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi, tranh giành quyền lực. Đất nước rơi vào tình trạng chia cắt bởi 12 tướng lĩnh chiếm lĩnh các địa phương. Sử cũ gọi đây là “Loạn 12 sứ quân”.

Câu 6: Nguyên nhân nào dẫn tới “Loạn 12 sứ quân”?

A. Nhà Nam Hán xúi giục các thổ hào địa phương ở nước ta nổi dậy chống lại chính quyền nhà Ngô.

B. Đời sống nhân dân cực khổ nên đã nổi dậy chống lại chính quyền nhà Ngô.

C. Chính quyền trung ương nhà Ngô không đủ uy tín và sức mạnh để giữ vững chính quyền và ổn định đất nước.

D. Quân Nam Hán chuẩn bị xâm lược nước ta, 12 sứ quân nổi dậy chống lại chiến tranh xâm lược của nhà Hán.

Chọn đáp án: C

Giải thích: sgk trang 25

Câu 7: Ai là người có công dẹp loạn “Mười hai sứ quân”, thống nhất đất nước?

A. Đinh Bộ Lĩnh.

B. Trần Lãm.

C. Phạm Bạch Hổ.

D. Ngô Xương Xí.

Chọn đáp án: A

Giải thích: Đinh Bộ Lĩnh xây dựng lực lượng, đem quân đánh dẹp các sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh liên kết với nghĩa quân Trần Lãm, Phạm Văn Hổ tiến đánh các nghĩa quân khác. Đến năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân, đất nước thống nhất.

Câu 8: Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên “Loạn 12 sứ quân” vào thời gian nào?

A. Năm 966. B. Năm 967. C. Năm 968. D. Năm 969.

Chọn đáp án: B

Giải thích: (SGK – 28)

Câu 9: Ý nào sau đây không phải nguyên nhân Đinh Bộ lĩnh dẹp loạn được 12 sứ quân?

A. Đinh Bộ Lĩnh là người có tài.

B. Được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

C. Có sự giúp đỡ của nghĩa quân Trần Lãm, Phạm Văn Hổ.

D. Được nhà Tống giúp đỡ.

Chọn đáp án: D.

Giải thích: Nhà Tống không hề giúp đỡ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Câu 10: Ngô Quyền mất năm bao nhiêu?

A. Năm 944. B. Năm 945. C. Năm 946. D. Năm 947.

Chọn đáp án: A

Giải thích: (SGK – 25)

Với nội dung bài Nước ta buổi đầu độc lập các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về tình hình Ngô Quyền xây dựng nền độc lập, tình hình chính trị cuối thời Ngô, khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước...

Ngoài Lý thuyết Lịch sử lớp 7 bài: Nước ta buổi đầu độc lập đã được VnDoc.com giới thiệu, mời các bạn cùng tham khảo thêm Trắc nghiệm Lịch sử 7, Giải bài tập SGK môn Lịch sử lớp 7, Giải bài tập SBT môn Lịch sử 7 để hoàn thành tốt chương trình học THCS.

Từ khóa » Tóm Tắt Lịch Sử Bài 8 Lớp 7