Mách Bạn 8 Dấu Hiệu Trứng Bám Vào Tử Cung (thai Làm Tổ) Dễ Nhận Thấy

Mang thai là một hành trình đầy cảm xúc, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc đời phụ nữ. Trong suốt hành trình này, việc thai nhi làm tổ an toàn trong tử cung là bước khởi đầu quan trọng, góp phần quyết định đến sự suôn sẻ và khỏe mạnh của cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Vậy dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn là gì? 

Hello Bacsi mời bạn cùng đọc bài viết để tìm hiểu những dấu hiệu thai làm tổ an toàn trong tử cung để an tâm chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh, trọn vẹn nhé!

Thai làm tổ là gì?

Thai làm tổ (hay phôi làm tổ) là thuật ngữ chỉ quá trình phôi thai (trứng sau khi thụ tinh) tiến vào tử cung thông qua ống dẫn trứng. Trong suốt quá trình di chuyển, phôi thai tiếp tục phân chia thành ngày càng nhiều tế bào cho đến khi trở thành phôi nang, bám chặt vào niêm mạc tử cung để hình thành em bé và nhau thai.

Khi quá trình thai làm tổ diễn ra, cơ thể bạn bắt đầu sản xuất hormone hCG, dẫn đến kết quả que thử thai 2 vạch. Trong 30 ngày đầu tiên sau khi thai làm tổ, nồng độ hCG trong cơ thể có thể tăng gấp đôi sau mỗi 29 đến 53 giờ.

Thông thường, thai sẽ làm tổ ở phần đáy tử cung. Với những trường hợp bất thường, phôi thai không làm tổ ở trong tử cung mà tại một vị trí khác. Tình trạng này gọi là mang thai ngoài tử cung – một biến chứng thai kỳ nguy hiểm.

Vậy làm sao để biết thai đã làm tổ thành công trong tử cung? Dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn là gì? Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây.

8 dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn

Mỗi lần mang thai là một trải nghiệm khác nhau. Những trải nghiệm này cũng không giống nhau ở mỗi mẹ bầu. Dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn có thể diễn ra ở mẹ bầu này nhưng không diễn ra ở mẹ bầu khác. Tuy vậy, dưới đây là 8 dấu hiệu thai làm tổ thường gặp, bao gồm:

1. Ra máu báo thai 

Ra máu báo thai là một trong những dấu hiệu khá rõ cho thấy thai đã vào tử cung. Khác với máu kinh nguyệt, máu báo thai có màu hồng nhạt, số lượng ít trong tối đa 2 ngày. 

Không phải phụ nữ mang thai nào cũng ra máu báo thai. Theo khảo sát, chỉ có khoảng 25% nhận thấy máu báo thai xuất hiện khi thai đã vào tử cung. 

2. Đau bụng dưới sau trễ kinh có thể là dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn 

Nhiều chị em thắc mắc thai vào tử cung có đau bụng không hay thai làm tổ đau bụng bên nào? Các bác sĩ Sản – Phụ khoa cho rằng, cảm giác đau trằn ở vùng bụng dưới cũng là dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn thường gặp ở nhiều thai phụ. 

Cơn đau bụng dưới do thai đã vào tử cung thường diễn ra nhẹ nhàng hơn cơn đau bụng kinh. Vì thế, nếu bạn đã biết mình mang thai nhưng biểu hiện đau bụng dưới kết hợp với các cơn co thắt liên tục gây đau đớn, khó chịu trong thời gian dài thì bạn nên nhanh chóng gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng. 

3. Dấu hiệu thai làm tổ thành công qua những thay đổi ở ngực

Ngay sau khi thai bám vào tử cung, cơ thể của bạn bắt đầu thay đổi, đặc biệt ở phần ngực. Cụ thể lúc này, ngực của bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn, có thể kèm sưng, đau, quầng vú đậm màu hơn. Điều này xảy ra do sự thay đổi hormone nội tiết sau khi thụ thai. 

Dấu hiệu thai đã vào tổ thành công
Khi thụ thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, đặc biệt là ở phần ngực

4. Dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn: Tăng thân nhiệt

Nhiệt độ cơ thể tăng cao trong quá trình thai làm tổ cũng là biểu hiện dễ nhận biết. Bạn có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể của bản thân và lập biểu đồ thân nhiệt hàng ngày để so sánh xem các con số có tăng hay không.

5. Dấu hiệu thai đã làm tổ trong tử cung: Đi tiểu thường xuyên

Bạn sẽ cảm thấy dường như nhu cầu muốn đi tiểu tăng lên trong vòng một tuần. Điều này có thể là do thai đã bám vào tử cung thành công. Cơ thể bắt đầu trải qua những thay đổi lớn để “nhường chỗ” cho thai nhi phát triển. Chẳng hạn như lượng máu cung cấp cho vùng khung chậu tăng lên, gây áp lực lên bàng quang khiến bạn có cảm giác muốn đi tiểu nhiều hơn.

6. Thay đổi khẩu vị – Dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn

Đây là một dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn nổi bật khác. Cơ thể phụ nữ mang thai có sự thay đổi hormone nội tiết. Điều này cũng có thể làm thay đổi khẩu vị của mẹ bầu. Theo đó, bạn có thể thèm ăn các loại thực phẩm mà trước đó bạn luôn “ngó lơ” hoặc ngược lại, bạn cảm thấy “ngán” những món ăn trước đó đã từng ưa thích. 

7. Bốc hỏa

Bốc hỏa là dấu hiệu ít phổ biến tại thời điểm trứng bám vào tử cung. Trong quá trình này, mức hormone nhanh chóng biến động gây ra cơn bốc hỏa.

8. Dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn: Tăng tiết chất nhầy cổ tử cung

Một dấu hiệu thai đã vào tử cung mà nếu để ý các chị em có thể dễ dàng nhận biết là ra dịch nhầy cổ tử cung. Sự gia tăng nồng độ progesterone sau khi thai bám vào niêm mạc tử cung khiến cổ tử cung sưng lên và làm tăng lưu lượng máu đến khu vực này. 

Ngoài ra, các tuyến cổ tử cung mở rộng và hormone kích thích các tuyến tạo ra nhiều dịch nhầy hơn. Bên cạnh đó, chất nhờn sẽ chứa một chút máu, có thể là màu hồng hoặc hơi nâu.

Chỉ số Beta hCG bao nhiêu thì thai vào tử cung? Beta-hCG (b HCG hoặc β-hCG) là một loại hormone giới tính được tìm thấy trong huyết thanh của người mẹ. Chỉ số β-hCG được sử dụng để lý giải các kết quả siêu âm sản khoa.  Trong nhiều trường hợp, chỉ số hàm lượng Beta-hCG từ 1.700 đến 2.000 mIU/ml (1.7-2 IU) thì khi siêu âm đầu dò âm đạo sẽ nhìn thấy túi thai trong buồng tử cung.

Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn?

Các dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn xuất hiện có ý nghĩa quan trọng để mẹ bầu bắt đầu thai kỳ suôn sẻ, khỏe mạnh. Lúc này, mẹ bầu có thể tham khảo những điều nên làm sau đây để dưỡng thai phát triển, chờ ngày con chào đời.

  • Khám thai đều đặn theo lịch hẹn của bác sĩ
  • Theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh; lựa chọn thực phẩm an toàn, phù hợp với điều kiện và giai đoạn thai kỳ. Đặc biệt, acid folic là dưỡng chất quan trọng cho quá trình phát triển của thai nhi. Mẹ bầu cần tham vấn ý kiến của bác sĩ sản khoa để bổ sung acid folic dạng viên uống. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể ưu tiên ăn các thực phẩm giàu acid folic như các loại rau lá xanh thẫm, các loại đậu, các loại hạt, trái cây họ cam, quýt…
  • Luôn giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ
  • Không thức khuya, ngủ đủ giấc
  • Vận động và tập thể dục nhẹ nhàng
  • Luôn tuân thủ nghiêm túc chỉ định chăm sóc thai kỳ của bác sĩ
dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn
Mẹ bầu nên nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tâm trạng vui vẻ để dưỡng thai

Những câu hỏi liên quan

1. Ra máu báo thai là thai đã vào tử cung chưa?

Trong quá trình phôi thai di chuyển đến làm tổ,  niêm mạc tử cung sẽ bị tác động, gây bong tróc và xuất hiện tình trạng chảy máu. Vì vậy, ra máu báo thai là dấu hiệu cho thấy thai đã vào tử cung.

dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn
Kết quả que thử thai hiển thị 2 vạch kèm với hiện tượng ra máu báo thai là dấu hiệu cho thấy thai đã làm tổ trong tử cung

2. Có thai bao lâu thì đau bụng dưới?

Thực tế không có câu trả lời chính xác cho thắc mắc có thai bao lâu thì đau bụng dưới. Song theo thông tin từ các tài liệu y học uy tín mà Hello Bacsi tổng hợp được thì hiện tượng đau bụng dưới có thể diễn ra từ tuần thứ 4 – tuần thứ 10 của thai kỳ; thường cùng với giai đoạn thai làm tổ ở tử cung. 

Khoảng thời gian đau bụng dưới khi mang thai có thể khác nhau ở mỗi thai phụ. Vì thế, khi có biểu hiện đau bụng dưới cộng với hiện tượng trễ kinh và nghi ngờ mang thai, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.

3. Mấy tuần thai vào tử cung?

Khoảng thời gian thai di chuyển vào tử cung có thể khác nhau ở từng thai phụ, có người sớm hơn, có người muộn hơn. Song các bác sĩ sản khoa cho rằng, vào tuần thứ 3 đến thứ 4 của thai kỳ, trứng được thụ tinh (phôi thai) sẽ bám vào niêm mạc tử cung (thai đã vào tử cung) để phát triển và hình thành nhau thai. Tại đây, nhau thai được cung cấp thức ăn và oxy thông qua dây rốn để lớn lên đến khi chào đời. 

Kết luận

Hy vọng với nội dung 8 dấu hiệu thai đã vào tổ an toàn và những thông tin liên quan trong bài viết đã giúp bạn biết cách nhận biết dấu hiệu thai làm tổ thành công. Điều này cũng đồng thời giúp bạn biết cách chăm sóc bản thân để chào đón một thai kỳ thuận lợi, an toàn. 

Hello Bacsi chúc bạn tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời trên hành trình chào đón con yêu đến với thế giới. Bạn cũng có thể tham gia cộng đồng mang thai của chúng tôi để cùng các mẹ bầu khác thảo luận, trao đổi những kiến thức, thông tin hữu ích trong thai kỳ.

[embed-health-tool-due-date]

Từ khóa » Sự Thụ Tinh Và Làm Tổ Của Trứng