Mách Mẹ Cách Tiêu đờm ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ Dễ Dàng, Hiệu Quả
Có thể bạn quan tâm
Tình trạng đờm tích tụ nhiều ở khoang mũi và họng có thể làm cho trẻ khó thở, khó ngủ hay quấy khóc. Tại sao trẻ sơ sinh lại có đờm ở khoang mũi, họng? Cách nào làm tiêu đờm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hiệu quả, an toàn?
Ở đường hô hấp trên từ mũi, miệng đến họng của chúng ta luôn có một dịch lỏng gọi là chất nhầy hay đờm (đàm). Chất nhầy này đóng vai trò giữ ẩm và làm mềm khoang mũi, họng. Đồng thời, đờm cũng tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của trẻ phát triển, chống lại vi sinh vật gây bệnh xâm nhập. Do đó, đờm cũng là một nhân tố giúp bảo vệ đường hô hấp.
Tuy nhiên, có thể vì một lý do nào đó mà đờm tiết ra nhiều hơn làm bé bị nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, ho, khó chịu và quấy khóc, bú kém. Lúc này, bố mẹ cần giúp con trẻ làm sạch mũi, họng với một số biện pháp thích hợp. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn bạn cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ an toàn, hiệu quả.
Tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ có đờm trong mũi, họng?
Với kích thước lỗ mũi còn nhỏ bé cộng thêm hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, đường hô hấp của trẻ dễ bị tắc nghẽn bởi đờm hơn. Khi có bất kỳ tác nhân nào gây kích ứng đường hô hấp đều có thể làm đờm tiết ra nhiều hơn và đặc hơn. Những tác nhân kích ứng gây tăng tiết đờm thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (và cả người lớn) là:
- Khói thuốc lá
- Khói bụi và không khí ô nhiễm
- Virus, vi khuẩn, nấm mốc
- Hóa chất
- Thời tiết thay đổi.
Một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có đờm như:
- Nhiễm virus gây các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm
- Dị ứng
- Hen suyễn
- Viêm phổi
- Viêm tiểu phế quản.
Dấu hiệu nhận biết trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có đờm
Việc nhận biết trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có đờm đôi khi khá khó khăn, đặc biệt là với trẻ sơ sinh hoặc những bé còn nhỏ chưa biết diễn đạt sự khó chịu của bản thân. Do đó, bố mẹ cần chú ý quan sát những dấu hiệu sau đây:
1. Âm thanh khi thở
- Thở khò khè: Âm thanh rít lên khi bé hít vào hoặc thở ra, thường do đờm cản trở đường thở.
- Thở ồn ào: Bé thở phát ra tiếng động lạ, nghe như có nước trong lồng ngực.
- Ngáy to: Ngáy to hơn bình thường, kể cả khi bé không bị nghẹt mũi.
2. Biểu hiện hô hấp
- Thở nhanh, gấp: Nhịp thở tăng lên so với bình thường.
- Gắng sức khi thở: Bé phải dùng nhiều sức để thở, có thể kèm theo co kéo lồng ngực, cánh mũi phập phồng.
- Khó thở: Bé có biểu hiện tím tái môi, đầu ngón tay, ngón chân.
3. Biểu hiện khác
- Ho: Ho khan hoặc ho có đờm, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sáng sớm.
- Sổ mũi: Chảy nước mũi trong hoặc đục, có thể kèm theo nghẹt mũi.
- Nôn trớ: Bé có thể bị nôn trớ sau khi bú hoặc ăn do đờm kích thích cổ họng.
- Biếng ăn, bỏ bú: Bé bú ít hơn, quấy khóc khi bú hoặc bỏ bú do khó thở, mệt mỏi.
- Khó chịu, quấy khóc: Bé thường xuyên quấy khóc, khó ngủ do khó chịu trong người.
Cách làm tiêu đờm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhà dễ thực hiện
Khi bé yêu dần lớn lên, bé sẽ tự khám phá ra những “siêu năng lực” mới, như ho, hắt hơi hay xì mũi để tống khứ “những thứ khó ưa” là đờm dãi ra khỏi mũi họng. Nếu bé sơ sinh có chút đờm mà vẫn bú ngoan, ngủ ngon, không hề quấy khóc thì mẹ cứ yên tâm nhé!
Tuy nhiên, nếu “những thứ khó ưa” ấy gây nghẹt mũi khiến bé ho sù sụ, khó chịu, quấy khóc, thậm chí làm bé khó thở thì mẹ cần đặc biệt chú ý và giúp bé “tống tiễn” chúng ngay.
Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, mẹ không nên lạm dụng thuốc, kể cả thuốc không kê đơn, để trị cảm cúm hay ho thông thường. Thay vào đó, mẹ có thể áp dụng những “bí kíp” đơn giản mà hiệu quả ngay tại nhà để giúp bé yêu “đánh bay” đờm dãi đáng ghét.
1. Cách tiêu đờm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Bổ sung đủ lượng chất lỏng
Bổ sung đủ chất lỏng là “chìa khóa vàng” để làm loãng đờm cho bé yêu, giúp bé dễ dàng tống đờm ra ngoài bằng cách ho, hắt hơi hay xì mũi. Cụ thể:
Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi:
- Cho bé bú nhiều hơn để đảm bảo cung cấp đủ chất lỏng. Điều này giúp làm loãng chất nhầy và dễ dàng loại bỏ đờm qua hắt hơi, ho hoặc xì mũi.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống nước nếu không có khuyến cáo của bác sĩ, vì có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước.
Trẻ trên 6 tháng tuổi, trẻ đã ăn dặm:
- Tăng cữ bú cho bé và bổ sung thêm chất lỏng như nước hoặc nước trái cây loãng nếu cần thiết, đặc biệt trong những ngày nóng hoặc khi da bé khô.
- Đảm bảo bé được cung cấp đủ chất lỏng để giúp làm loãng chất nhầy và dễ dàng loại bỏ đờm.
2. Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và hút mũi cho trẻ
Để vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và hút mũi cho trẻ, cha mẹ cần thực hiện theo các bước sau:
- Trước khi hút mũi:
- Làm mềm khoang mũi và làm loãng đờm cho trẻ bằng cách nhỏ vào mỗi bên mũi bé vài giọt nước muối sinh lý.
- Khi hút mũi cho trẻ:
- Sử dụng các dụng cụ an toàn như bóng hút cao su, ống tiêm bóng đèn hoặc máy hút mũi.
- Nâng đầu của bé cao lên một chút để tránh bị sặc.
- Lặp lại quy trình hút mũi 2-3 lần/ngày.
Lưu ý khi hút mũi
- Hãy đảm bảo các dụng cụ luôn được làm sạch trước khi dùng và giữ vệ sinh để tránh nhiễm khuẩn.
- Chất nhầy cần thiết cho trẻ trong việc giữ ẩm và làm mềm niêm mạc mũi – họng, vì vậy, đừng nên loại bỏ chúng hoàn toàn.
3. Cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Rơ lưỡi cho bé
Để khắc phục tình trạng bé có đờm ở cổ nhưng không ho, bạn có thể áp dụng cách lấy đờm nhớt trong miệng trẻ thông qua việc rơ lưỡi với nước muối sinh lý. Dưới đây là các bước thực hiện:
- Bước 1: Chọn gạc rơ lưỡi vô trùng, mềm mại, không chứa sợi bông.
- Bước 2: Rửa sạch tay với xà phòng hoặc cồn y tế để sát khuẩn, sau đó quấn gạc vào ngón trỏ.
- Bước 3: Bế trẻ ngửa người sao cho phần đầu của trẻ cao hơn thân mình để hạn chế tình trạng nôn trớ.
- Bước 4: Chấm ngón tay quấn gạc vào dung dịch nước muối sinh lý rồi nhẹ nhàng đặt ngón tay vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng. Sau đó, bạn bắt đầu làm sạch khoang miệng và rơ lưỡi từ trong ra ngoài cho bé.
4. Vỗ lưng là cách tiêu đờm ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Một cách hiệu quả khác để giúp trẻ sơ sinh long đờm là đặt bé nằm sấp trên đầu gối của bạn, khum bàn tay lại và nhẹ nhàng vỗ vào lưng bé. Điều này giúp tiêu đờm ở phế quản.
Lưu ý
Lưu ý: Chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi, tránh vỗ vào cột sống hoặc phần bụng (dạ dày) của trẻ để đảm bảo an toàn. Chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi, tránh vỗ vào cột sống hoặc phần bụng (dạ dày) của trẻ để đảm bảo an toàn.5. Loại bỏ tác nhân kích ứng đường hô hấp
Khi trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ cần loại bỏ các tác nhân kích ứng xung quanh trẻ như khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc hoặc bất cứ thứ gì có thể gây dị ứng (theo chẩn đoán của bác sĩ).
Thường xuyên vệ sinh chăn, drap, gối, đệm, quần áo của trẻ và các vật dụng khác trong nhà cũng là điều cần thiết. Những việc này giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi.
6. Cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh: Hãy giữ ấm cho bé
Khi trời trở lạnh, hãy giữ ấm cho bé để phòng ngừa nguy cơ cảm lạnh. Điều này cũng giúp hạn chế việc hệ hô hấp bị kích thích đột ngột, dẫn đến tăng tiết chất nhầy.
7. Sử dụng máy tạo độ ẩm cho phòng của trẻ
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về cách xử lý đờm trong cổ họng của bé, hãy thử làm ẩm không khí trong phòng ngủ và khu vực sinh hoạt hàng ngày của trẻ bằng máy tạo độ ẩm. Phương pháp này giúp làm loãng chất nhầy trong mũi và họng của bé, được xem là cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vô cùng đơn giản.
Để hạn chế máy tạo độ ẩm phát tán vi khuẩn và nấm mốc vào không khí, bạn cần vệ sinh máy thường xuyên và đúng cách. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bé mà còn đảm bảo hiệu quả của máy tạo độ ẩm.
Lưu ý
Hãy sử dụng nước sạch và thay nước hàng ngày, làm sạch các bộ phận của máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất và kiểm tra định kỳ để đảm bảo máy hoạt động tốt.8. Dùng tinh dầu tự nhiên giúp tiêu đờm ở trẻ sơ sinh
Viẹc sử dụng tinh dầu khuynh diệp là một trong những phương pháp tự nhiên hiệu quả để giúp tiêu đờm cho trẻ sơ sinh. Dưới đây là hướng dẫn cách sử dụng tinh dầu khuynh diệp cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau:
- Trẻ nhỏ: Thoa một ít tinh dầu khuynh diệp lên quần áo hoặc gối của bé. Điều này giúp bé hít thở dễ dàng hơn và giảm đờm trong cổ họng.
- Trẻ lớn: Ngoài việc thoa tinh dầu lên quần áo, bạn có thể thoa một ít lên bàn chân của bé. Điều này giúp tinh dầu thẩm thấu qua da và hỗ trợ tiêu đờm hiệu quả hơn.
- Khi tắm cho bé: Pha vài giọt tinh dầu khuynh diệp vào nước tắm của bé. Việc hít thở hơi nước ấm kết hợp với tinh dầu khuếch tán trong hơi nước sẽ giúp làm loãng đờm và làm sạch đường hô hấp của bé.
Lưu ý
Sử dụng tinh dầu khuynh diệp là một cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh đơn giản và an toàn. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa về loại và liều lượng tinh dầu trước khi sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.9. Cách tiêu đờm cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh theo phương pháp dân gian
Cách trị ho đờm cho trẻ bằng phương pháp dân gian được nhiều người đánh giá cao về mức độ an toàn và tính hiệu quả, tiện lợi. Trong phạm vi bài viết này, Hello Bacsi mách bố mẹ một số cách tiêu đờm cho trẻ nhỏ đơn giản:
9.1. Rau diếp cá và nước vo gạo
Rau diếp cá không chỉ là một loại rau quen thuộc mà còn được biết đến như một vị thuốc chữa nhiều bệnh như táo bón, viêm da, nhiệt miệng, dị ứng… Đặc biệt, rau diếp cá còn có thể được dùng để chữa ho có đờm cho trẻ em rất hiệu quả.
Nhờ đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn tự nhiên, rau diếp cá giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn và làm dịu tình trạng sưng viêm trong đường hô hấp.
Có hai cách trị ho đờm cho trẻ bằng rau diếp cá theo phương pháp dân gian:
Cách 1: Dùng rau diếp cá và nước vo gạo
Chuẩn bị:
- 5-10 lá diếp cá
- 1 chén nước vo gạo (lấy từ lần vo gạo thứ hai)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch lá diếp cá, sau đó giã hoặc xay nhuyễn.
- Bước 2: Cho diếp cá và nước vo gạo vào nồi, đun sôi với lửa nhỏ trong khoảng 20 phút rồi tắt bếp.
- Bước 3: Lọc lấy nước, để nguội bớt, chia làm 2 phần và cho bé uống hết trong ngày.
Cách 2: Cho bé uống nước rau diếp cá xay
Nguyên liệu:
- 1 nắm rau diếp cá tươi
- Một ít muối
Cách thực hiện:
- Bước 1: Nhẹ nhàng rửa sạch rau diếp cá dưới vòi nước, loại bỏ lá úa, dập.
- Bước 2: Ngâm rau diếp cá trong nước muối loãng khoảng 15 phút để làm sạch.
- Bước 3: Vớt rau ra, để ráo nước.
- Bước 4: Cho rau diếp cá vào máy xay sinh tố, thêm một ít nước lọc và xay nhuyễn.
- Bước 5: Lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ bã, lấy phần nước cốt.
- Cho bé uống nước rau diếp cá xay 2 lần/ngày.
9.2. Lá húng chanh
Nếu bạn đang tìm kiếm bài thuốc trị ho đờm cho trẻ bằng phương pháp dân gian, đừng bỏ qua lá húng chanh. Không chỉ là một loại rau thơm, lá húng chanh còn được sử dụng rộng rãi trong y học dân gian để điều trị các bệnh như cảm lạnh, hen suyễn, táo bón, nhức đầu, ho, sốt và các bệnh về da.
Nghiên cứu cho thấy lá húng chanh có nhiều đặc tính dược lý, bao gồm kháng khuẩn, chống viêm, chữa lành vết thương, chống oxy hóa, giảm đau, chống động kinh, diệt côn trùng và chống ung thư. Ngoài ra, loại thảo dược này đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại các bệnh về hô hấp, tim mạch, răng miệng, da, tiêu hóa và tiết niệu.
Mẹ có thể tham khảo 2 cách trị ho đờm cho bé bằng lá húng chanh như sau:
Cách 1: Pha trà lá húng chanh mật ong
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá húng chanh tươi
- 2-3 thìa cà phê mật ong (tùy khẩu vị)
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch lá húng chanh, vò nhẹ cho hơi dập.
- Bước 2: Cho lá húng chanh vào cốc, đổ nước sôi vào như pha trà.
- Bước 3: Hãm khoảng 15 phút, sau đó vớt bỏ lá.
- Bước 4: Thêm mật ong vào nước trà, khuấy đều.
- Bước 5: Cho bé uống khi còn ấm để giúp làm dịu cổ họng và long đờm.
Cách 2: Húng chanh chưng đường phèn
Nguyên liệu:
- 10 lá húng chanh tươi
- Đường phèn (vừa đủ)
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch lá húng chanh, thái nhỏ.
- Bước 2: Cho lá húng chanh vào bát nhỏ, thêm đường phèn.
- Bước 3: Hấp cách thủy hỗn hợp cho đến khi đường tan hết.
- Bước 4:Cho bé uống 2-3 lần/ngày, có thể cho bé ăn cả lá.
Lưu ý:
- Mật ong không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Với trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
- Quan sát phản ứng của bé sau khi uống.
- Bảo quản phần trà hoặc nước chưng trong tủ lạnh và dùng hết trong ngày.
9.3. Dùng mật ong giúp tiêu đờm, giảm ho
Mật ong là “thần dược” trị ho tự nhiên tuyệt vời cho bé yêu từ 1 tuổi trở lên. Các chuyên gia khuyên dùng ½ – 1 thìa cà phê mật ong để giúp bé long đờm, dịu ho và ngủ ngon hơn.
Không chỉ vậy, mật ong còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, giúp giảm viêm, tiêu đờm, làm dịu cổ họng, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho bé yêu.
Mẹ có thể tham khảo 2 cách trị ho bằng mật ong đơn giản sau:
Cách 1: Mật ong pha nước ấm
- Hòa tan 1 thìa cà phê mật ong với 30ml nước ấm.
- Cho bé uống từ từ.
Cách 2: Nước chanh mật ong
- Khuấy tan 2 thìa cà phê mật ong với ½ quả chanh và 100ml nước ấm.
- Cho bé uống 2 lần/ngày, sau bữa ăn sáng và tối khoảng 1 tiếng.
9.4 Dùng tắc/quất chưng đường phèn/mật ong
Từ xa xưa, quất (tắc) xanh là nguồn cung cấp vitamin C, chất xơ và các hợp chất hoạt tính sinh học như phytosterol, tinh dầu và flavonoid nên từ lâu đã được dùng để trị ho đờm cho trẻ. Cách trị ho cho bé bằng quất xanh rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tích cực.
Chuẩn bị:
- 3-5 quả quất xanh
- 20ml mật ong hoặc đường phèn (tùy khẩu vị)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch quất xanh rồi cắt làm đôi, giữ cả vỏ và hạt.
- Bước 2: Cho quất xanh vào chén, thêm đường phèn rồi hấp cách thủy khoảng 30 phút thì tắt bếp. Để nguội bớt rồi cho trẻ uống nhiều lần trong ngày, ăn cả cái để đạt hiệu quả điều trị. Nếu sử dụng mật ong thì thêm nước hòa tan vào chén quất dùng cho trẻ uống ngay sau đó.
9.5. Lá hẹ
Không chỉ là một loại rau gia vị thơm ngon, lá hẹ còn được y học cổ truyền xem như một vị thuốc quý, có tác dụng điều trị nhiều bệnh, trong đó có ho. Lá hẹ chứa hoạt chất kháng sinh tự nhiên, giúp giảm ho, long đờm hiệu quả, đồng thời có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus, bảo vệ đường hô hấp cho bé. Chính vì vậy, lá hẹ được nhiều cha mẹ tin dùng để trị ho đờm cho bé.
Dưới đây là một cách trị ho đờm cho bé bằng lá hẹ chưng cách thủy:
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá hẹ tươi
- Đường phèn (vừa đủ)
Cách làm:
- Rửa sạch lá hẹ, để ráo nước rồi thái nhỏ.
- Cho lá hẹ vào bát nhỏ, thêm đường phèn.
- Hấp cách thủy bát lá hẹ và đường phèn khoảng 20 phút.
- Để nguội bớt rồi cho bé uống 2-3 thìa cà phê mỗi lần, ngày uống 3 lần.
Cách 2: Nấu cháo hẹ thơm ngon, trị ho long đờm
Ngoài cách hấp, mẹ có thể nấu cháo hẹ cho bé yêu. Món cháo này không chỉ dễ làm mà còn rất thơm ngon, bổ dưỡng, giúp bé giảm ho, long đờm hiệu quả.
Nguyên liệu:
- 1 nắm lá hẹ tươi non
- Gạo tẻ
- Có thể thêm thịt băm, rau củ nếu khả năng ăn dặm của con đã thuần thục.
Cách làm:
- Bước 1: Nhặt và rửa sạch lá hẹ, để ráo nước rồi thái nhỏ hoặc xay nhuyễn.
- Bước 2: Vo sạch gạo, nấu cháo nhừ.
- Bước 3: Khi cháo chín, cho lá hẹ vào, khuấy đều và đun thêm vài phút cho hẹ chín.
- Bước 4: Múc cháo ra bát, để nguội bớt rồi cho bé ăn.
Mẹo nhỏ:
- Mẹ nên chọn phần lá hẹ non, mềm để bé dễ ăn hơn nhé.
- Có thể thêm một chút dầu oliu hoặc bơ vào cháo để tăng thêm hương vị và dinh dưỡng.
- Nếu bé đã ăn dặm, mẹ có thể nấu cháo với thịt băm, rau củ để món ăn thêm phong phú.
9.6. Củ cải trắng
Củ cải trắng không chỉ là một loại rau củ quen thuộc mà còn là “bài thuốc” dân gian được lưu truyền từ xa xưa để trị ho đờm cho bé. Giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa, củ cải trắng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm viêm, long đờm hiệu quả.
Bên cạnh việc thêm củ cải trắng vào bữa ăn hàng ngày, mẹ có thể tham khảo cách trị ho đờm cho bé bằng nước luộc củ cải trắng sau đây:
Nguyên liệu:
- 1 củ cải trắng
- 1 bát con nước lọc
Cách làm:
- Bước 1: Gọt vỏ, rửa sạch củ cải trắng, rồi cắt lát mỏng.
- Bước 2: Cho củ cải trắng vào nồi, thêm nước lọc.
- Bước 3: Đun sôi, sau đó vặn nhỏ lửa và đun thêm khoảng 3-5 phút.
- Bước 4: Tắt bếp, để nguội bớt rồi cho bé uống khi nước còn ấm.
Cách 2: Bài thuốc dân gian tiêu đờm cho trẻ bằng củ cải trắng, gừng tươi và mật ong
Kết hợp củ cải trắng, gừng và mật ong sẽ tạo nên một bài thuốc dân gian trị ho đờm hiệu quả cho bé yêu.
Nguyên liệu:
- 1 củ cải trắng
- 1 củ gừng nhỏ
- Mật ong nguyên chất
- 1 bát con nước lọc
Cách làm:
- Bước 1: Củ cải trắng gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng rồi ép lấy nước cốt.
- Bước 2: Gừng rửa sạch, cạo vỏ rồi băm nhỏ.
- Bước 3: Cho gừng băm và nước ép củ cải trắng vào nồi, thêm nước lọc.
- Bước 4: Đun sôi nhỏ lửa khoảng 10 phút rồi tắt bếp.
- Bước 5: Lọc lấy nước, để nguội bớt rồi thêm mật ong nguyên chất vào khuấy đều.
- Bước 6: Cho hỗn hợp vào lọ thủy tinh sạch, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Bước 7: Khi dùng, pha loãng 3ml nước cốt với một ít nước ấm rồi cho bé uống.
Liều dùng:
- Cho bé uống 2 lần/ngày.
- Dùng liên tục trong ít nhất 3 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
9.7. Hành tây
Nếu mẹ đang tìm kiếm một phương pháp dân gian trị ho đờm hiệu quả cho bé yêu, đừng bỏ qua hành tây nhé! Hành tây không chỉ là gia vị quen thuộc trong bếp mà còn là vị thuốc quý được sử dụng từ xa xưa để điều trị các bệnh về đường hô hấp.
Hành tây giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng kháng viêm, giảm ho và long đờm hiệu quả. Đặc biệt, các hoạt chất trong hành tây còn giúp giãn phế quản, giảm tắc nghẽn đường thở, hỗ trợ điều trị ho đờm cho bé yêu.
Mẹ có thể tham khảo cách làm siro trị ho cho bé bằng hành tây sau đây:
Nguyên liệu:
- 1 củ hành tây to
- Mật ong hoặc đường phèn giã nhuyễn (vừa đủ)
Cách làm:
- Bước 1: Bóc vỏ, rửa sạch hành tây rồi thái hạt lựu.
- Bước 2: Cho hành tây vào bát, thêm mật ong hoặc đường phèn, trộn đều.
- Bước 3: Hấp cách thủy bát hành tây cho đến khi hành tây chín mềm, tiết ra nước siro sánh ngọt.
- Bước 4: Cho bé uống siro hành tây khi còn ấm, mỗi lần 1-2 thìa cà phê, ngày uống 3 lần.
Mách nhỏ
Mẹ nên cho bé dùng siro hành tây liên tục trong vài ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.9.8. Gừng
Không chỉ là một nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình, củ gừng còn được biết đến như một loại thuốc chứa nhiều hợp chất quý, đặc biệt là gingerol. Hợp chất này không chỉ có tác dụng chống oxy hóa mà còn kháng viêm, diệt khuẩn và giảm đau hiệu quả.
Ngoài ra, gừng có tính ấm, giúp giảm ho, tiêu đờm và thông đường thở. Vì vậy, gừng thường được sử dụng để trị ho đờm cho trẻ theo phương pháp dân gian.
Có nhiều bài thuốc trị ho cho bé bằng gừng. Dưới đây là 2 cách trị ho đờm cho bé với củ gừng mà bố mẹ có thể tham khảo:
Bài thuốc 1: Trà gừng
- Chuẩn bị: Gừng tươi hoặc gừng khô.
- Cách làm: Hãm gừng thành trà uống mỗi ngày. Bạn có thể thêm mật ong để giảm bớt vị cay của gừng, giúp bé dễ uống hơn và sát khuẩn vùng hầu họng.
Bài thuốc 2: Gừng chưng lê và đường phèn
- Chuẩn bị: Gừng, quả lê và đường phèn.
- Cách làm: Chưng cách thủy gừng, lê và đường phèn, sau đó cho bé uống nước chưng từ hỗn hợp này nhiều ngày liền để giảm ho và tiêu đờm.
9.9. Rễ cam thảo
Cam thảo là một “trợ thủ” đắc lực của mẹ trong việc trị ho đờm cho bé yêu theo phương pháp dân gian. Vị thuốc này có tác dụng kháng viêm, làm dịu niêm mạc họng, từ đó giúp giảm ho, long đờm và giảm tắc nghẽn đường hô hấp. Đặc biệt, khi được hãm thành trà, cam thảo sẽ phát huy hiệu quả trị ho đờm tối ưu.
Mẹ hãy tham khảo cách pha trà cam thảo trị ho cho bé yêu nhé:
Nguyên liệu:
- 2 thìa cà phê rễ cam thảo khô đã nghiền nát
- 100ml nước sôi
Cách làm:
- Bước 1: Cho cam thảo vào ấm trà, đổ nước sôi vào, lắc đều ấm.
- Bước 2: Đổ nước ra và cho 100ml nước sôi vào.
- Bước 3: Hãm trà trong khoảng 15 phút.
- Bước 4: Cho bé uống 2-3 tách trà mỗi ngày.
9.10. Chanh đào
Với nhiều mẹ nuôi con nhỏ, chanh đào là một “bảo bối” trị ho đờm hiệu quả cho bé yêu. Giàu vitamin C và axit citric, chanh đào giúp sát khuẩn, giảm ngứa rát cổ họng, làm dịu cơn ho và giảm đờm. Vỏ chanh đào chứa tinh dầu và các vitamin giúp tiêu đờm, giảm viêm, thông thoáng đường thở.
Mẹ hãy thử ngâm chanh đào mật ong để trị ho cho bé yêu nhé!
Nguyên liệu:
- 1kg chanh đào tươi, chín, vỏ mỏng
- 1 lít mật ong nguyên chất
- 500g đường phèn giã nhuyễn
- 100g muối hạt
- 1 bình thủy tinh miệng rộng, có nắp đậy
- 1 vỉ nén bằng tre hoặc đĩa thủy tinh
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch chanh đào, ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút, vớt ra để ráo.
- Bước 2: Thái chanh thành lát mỏng, giữ nguyên hạt.
- Bước 3: Xếp chanh và đường phèn vào bình thủy tinh, cứ một lớp chanh lại đến một lớp đường phèn.
- Bước 4: Đổ mật ong ngập chanh, dùng đĩa thủy tinh/vỉ tre nén chặt chanh xuống để chanh luôn ngập trong mật ong.
- Bước 5: Đậy kín nắp, để bình ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Bước 6: Ngâm khoảng 2-3 tháng là có thể dùng được.
Cách dùng:
- Gạn lấy phần nước cốt chanh đào mật ong, pha 1-2 thìa cà phê nước cốt với nước ấm và cho bé uống, 3 lần/ ngày.
- Có thể cho bé ngậm cả lát chanh đào để tăng hiệu quả.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi cần đi khám khi nào?
Các bố mẹ có thể áp dụng cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhà những biện pháp trên. Nhưng nếu tình trạng nghẽn đờm quá nhiều và thường xuyên, bạn nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ nhi khoa. Đặc biệt cần đến gặp bác sĩ ngay khi con của bạn có các triệu chứng như:
- Đờm màu xanh lá cây, nâu hoặc đỏ nâu (chỉ điểm cho máu trong dịch nhầy)
- Tím tái quanh môi, khó thở, có dấu hiệu của tình trạng suy hô hấp do tắc nghẽn đờm hoặc do bệnh lý nghiêm trọng
- Nôn mửa
- Chán ăn, bú kém, li bì
- Sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 38°C và có các dấu hiệu nhiễm trùng
- Ho kéo dài trên 2 tuần, ho quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giấc ngủ của trẻ
Cách tiêu đờm cho trẻ và những thắc mắc thường gặp
1. Cách làm tiêu đờm cho trẻ sơ sinh nhanh nhất là gì?
Để làm tiêu đờm cho trẻ sơ sinh, bạn có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ vào mũi bé và hút mũi nhẹ nhàng bằng dụng cụ hút mũi. Ngoài ra, giữ bé ở tư thế thẳng đứng và vỗ nhẹ lưng cũng giúp làm loãng và tiêu đờm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng không cải thiện.
2. Cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi
Với trẻ 2 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú thường xuyên để tăng cường chất lỏng, giúp long đờm. Kết hợp vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, dùng máy tạo độ ẩm và massage nhẹ nhàng vùng mũi, ngực, lưng bé.
3. Cách tiêu đờm cho trẻ 6 tháng tuổi
Với trẻ 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé bú nhiều hơn, kết hợp với các món ăn dạm nhiều chất lỏng như cháo, súp và có thể cho bé uống thêm nước ấm. Việc vệ sinh mũi bé bằng nước muối sinh lý, dùng máy tạo độ ẩm và massage ngực, lưng cũng rất hiệu quả.
4. Phải làm sao khi hút mũi cho bé nhưng con lại khóc và không hợp tác?
Để hút mũi cho bé dễ dàng hơn, mẹ nên tiến hành khi bé vui vẻ, nhỏ nước muối sinh lý trước, giữ bé ở tư thế thoải mái và dùng dụng cụ hút mũi phù hợp. Kết hợp với việc làm bé phân tâm bằng đồ chơi, âm nhạc và khen ngợi bé sau khi hút mũi.
5. Màu sắc của đờm nói lên điều gì về sức khỏe của bé?
Màu sắc của đờm có thể cung cấp nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe của bé. Dưới đây là một số ý nghĩa phổ biến của các màu sắc đờm:
- Đờm trong suốt: Thường là dấu hiệu của sức khỏe bình thường hoặc các bệnh nhẹ như cảm lạnh.
- Đờm trắng đục: Có thể chỉ ra tình trạng viêm nhiễm nhẹ hoặc tắc nghẽn trong đường hô hấp.
- Đờm vàng hoặc xanh lá cây: Thường là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus. Màu sắc này xuất hiện do các tế bào bạch cầu đang chống lại tình trạng nhiễm trùng.
- Đờm nâu: Có thể là dấu hiệu của chảy máu trước đó hoặc do hít phải các chất gây kích ứng như khói thuốc.
- Đờm đỏ hoặc hồng: Thường chỉ ra có máu trong đờm, có thể do viêm phổi, lao phổi hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.
6. Có nên trị ho đờm cho trẻ bằng phương pháp dân gian không?
Các bài thuốc dân gian trị ho đờm cho bé khá an toàn, nhưng mẹ cần kiên trì áp dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Tốt nhất, mẹ nên đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
7. Cho trẻ ăn gì để nhanh loãng đờm
Để giúp trẻ nhanh loãng đờm, với các bé đã lớn, bạn có thể cho bé uống nhiều nước ấm, nước trái cây pha loãng và súp gà. Những thực phẩm này giúp làm loãng đờm và dễ dàng tống ra ngoài.
8. Trẻ sơ sinh có đờm ở cổ nhưng không ho có sao không?
Trẻ sơ sinh có đờm ở cổ nhưng không ho thường không phải là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bé có dấu hiệu khó thở hoặc quấy khóc nhiều, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn thêm.
9. Cách lấy đờm trong cổ họng cho trẻ
Để lấy đờm trong cổ họng cho trẻ, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý vào mũi bé và hút mũi nhẹ nhàng bằng dụng cụ hút mũi. Vỗ nhẹ lưng bé cũng là cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh dễ dàng và hiệu quả.
10. Có nên dùng thuốc tiêu đờm cho trẻ sơ sinh
Có nhiều bó mẹ thắc mắc có nên dùng thuốc tiêu đờm cho trẻ sơ sinh? Lời khuyên là không nên tự ý dùng thuốc tiêu đờm cho trẻ sơ sinh. Mẹ nên ưu tiên các biện pháp tự nhiên như nhỏ nước muối, bú mẹ nhiều hơn, dùng máy tạo độ ẩm… Nếu bé ho nhiều kèm sốt, khó thở, cần đưa bé đi khám ngay.
11. Cho trẻ uống gì để tiêu đờm?
Với trẻ lớn, để giúp bé tiêu đờm, mẹ có thể cho bé uống nước ấm, nước ép trái cây hoặc các loại trà thảo mộc như húng chanh, gừng, cam thảo… Lưu ý bổ sung đủ nước cho bé và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thảo dược.
Hy vọng rằng những thông tin về cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà Hello Bacsi tổng hợp được ở trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho bé yêu. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, mỗi bé có một cơ địa khác nhau, vì vậy hãy quan sát kỹ các dấu hiệu của bé và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào. Điều quan trọng nhất vẫn là theo dõi sức khỏe của bé thường xuyên và đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
[embed-health-tool-vaccination-tool]
Từ khóa » Cách Vỗ đờm Cho Bé Sơ Sinh
-
Vỗ Rung Long đờm - Liệu Pháp Mới điều Trị Hô Hấp ở Trẻ Ho Có đờm
-
Ba Mẹ Có Nên Thực Hiện Vỗ Rung Long đờm Tại Nhà Cho Trẻ? | Vinmec
-
Vỗ Rung Long đờm Cho Trẻ Sơ Sinh | Vinmec
-
Cách Vỗ Long đờm Cho Trẻ Sơ Sinh An Toàn, đúng Cách - Huggies
-
Hướng Dẫn Vỗ Rung Long đờm Cho Bé - YouTube
-
Cách Vỗ Rung đờm Cho Bé Sơ Sinh: Chuẩn Không Cần Chỉnh
-
Những Lưu ý Khi Vỗ Rung Long đờm Cho Trẻ - Bệnh Hen
-
Trung Tâm Sản Nhi Phú Thọ: Hướng Dẫn Vỗ Rung Long đờm Cho Trẻ
-
Cách Vỗ Long Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Đơn Giản Mà Hiệu Quả
-
Cách Vỗ Rung đờm Cho Trẻ Sơ Sinh Chuẩn Khoa Học Mà Mẹ Nên Biết
-
Cách Loại Bỏ đờm Nhớt Cho Trẻ Bị Bệnh Hô Hấp
-
Vật Lý Trị Liệu Vỗ Rung Lấy Đờm Cho Trẻ Sơ Sinh - Thuốc Dân Tộc
-
5 Lưu ý Về Cách Vỗ đờm Cho Trẻ Sơ Sinh đúng Kỹ Thuật Tại Nhà - Imiale
-
Vỗ Rung Long đờm – Hướng Dẫn Cách Thực Hiện Chuẩn Chuyên Gia