Mạch Nhâm (CV) | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

ĐƯỜNG ĐI

Từ huyệt hội âm (giữa nút đáy chậu: chỗ hội tụ của các nếp gấp da chạy từ hậu môn, phần sinh dục ngoài và hai bên háng) qua khớp mu, lên dọc đường thẳng giữa bụng, ngực, lên cổ và tận cùng chỗ lõm dưới cơ vòng môi dưới.

LIÊN QUAN

Hội 3 mạch nhâm, xung, đốc.

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CHUNG

Các chứng bệnh ở bộ phận sinh dục tiết niệu; bụng; ngực; thanh quản; trợ dương khí.

HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Hội âm (CV1): Hội âm là huyệt hội của mạch nhâm, đốc, xung.

Vị trí: ở chính giữa hậu âm và tiền âm.

Điều trị: kinh nguyệt không đều, cửa mình sưng đau, di tinh; điên cuồng, chết đuối

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 10 - 15 phút.

Khúc cốt (CV2): Khúc cốt là huyệt hội của mạch nhâm với kinh quyết âm can.

Vị trí: sát bờ trên xương mu, trên đường trắng giữa.

Điều trị: bí đái, són đái, rong kinh, bế kinh, khí hư, di tinh, liệt dương, viêm tinh hoàn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 1 thốn (không châm sâu vì vào Bàng quang); cCứu 20 - 45 phút.

Trung cực (CV3): Trung cực là huyệt mộ của bàng quang, hội của mạch nhâm với 3 kinh âm ở chân.

Hình 3.13: Mạch nhâm

1.Hội âm.

2.trung cực.

3.Quan nguyên.

4.Khí hải.

5.Thần khuyết.

6.Trung quản.

7.Đản trung.

8.Thiên đột.

9.Thừa tương.

Vị trí: trên đường từ khúc cốt đến rốn, cách rốn 4 thốn (để bệnh nhân nằm ngửa lấy huyệt).

Điều trị: di tinh, liệt dương, ngứa âm hộ, âm đạo, bạch đới, thống kinh, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tiểu tiện.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 1 thốn; cứu 20 - 30 phút.

Quan nguyên (CV4): Quan nguyên là huyệt mộ của tiểu trường, hội của mạch nhâm với 3 kinh âm ở chân.

Vị trí: dưới rốn 3 thốn.

Điều trị: rối loạn kinh nguyệt, ỉa chảy, lỵ, cơ thể suy nhược. Cấp cứu chứng thoát, bổ các chứng hư tổn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 0,8 thốn (không châm sâu vì vào bàng quang).

Cứu 20 phút trở lên, trong cấp cứu chứng thoát (kết hợp với khí hải, thần khuyết).

Khí hải (CV6):

Vị trí: dưới rốn 1,5 thốn.

Điều trị: tiêu hóa kém, đau bụng, ỉa lỏng, đầy bụng, bệnh hệ sinh dục, tiết niệu của nữ; chân khí, ngũ tạng khí hư, quyết lãnh.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn (không châm sâu vì vào bàng quang); cứu 20 - 60 phút.

Trung quản (CV12): Trung quản là huyệt mộ của vị, hội của phủ, hội của mạch nhâm với kinh thiếu dương ở tay, kinh dương minh ở chân.

Vị trí: trên rốn 2 thốn.

Điều trị: đau dạ dày, tá tràng, nấc, ăn không tiêu, đầy hơi, kiết lỵ, ỉa chảy.

Cách châm cứu: châm sâu 0,5 - 1 thốn; cứu 15 - 30 phút.

Chiên trung (Đản trung) (CV17): Chiên trung là huyệt mộ của tâm bào, hội của khí, hội của mạch nhâm với kinh thái dương ở tay và kinh thái âm, thiếu âm ở chân.

Vị trí: giao điểm của đường nối hai đầu vú (liên sườn 4 - 5) với đường giữa xương ức.

Điều trị: ít sữa, đau ngực, ho, hen suyễn.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn (luồn kim dưới da); cứu 10 - 20 phút.

Thiên đột (CV22): Thiên đột là huyệt hội của mạch nhâm và âm duy.

Vị trí: dưới yết hầu, giữa chỗ lõm trên xương ức, giữa hai đầu trong xương đòn.

Điều trị: khó thở, ho, đờm khò khè trong họng, mất tiếng, khản tiếng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn (luồn kim dưới da); cứu 10 - 20 phút.

Liêm tuyền (CV23): Liêm tuyền là huyệt hội của mạch nhâm và âm duy.

Vị trí: chỗ lõm giữa bờ trên xương Móng (cách lấy huyệt mới) hoặc chính giữa khe xương móng - sụn giáp trạng (cách lấy huyệt cũ).

Điều trị: sưng viêm dưới lưỡi, nói khó, khí nghịch, ho sốc lên, chảy dãi.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,5 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Thừa tương (CV24): Thwà tương là huyệt hội của mạch nhâm với kinh dương minh ở chân tay và mạch đốc.

Vị trí: chính giữa chỗ lõm rãnh môi dưới.

Điều trị: liệt mặt, đau răng lợi, chảy dãi, điên cuồng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn; cứu 5 - 15 phút.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Vị Trí Huyệt âm Liêm