Mai Nở Hai Lần | Xứ Nẫu
Có thể bạn quan tâm
Nam Thi
Đầu tháng Chạp, nghe tin dự báo thời tiết sẽ có đợt không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, tôi từ Sài Gòn điện cho cô Hương ở quê nhờ nhắc mấy đứa em tôi chưa vội lặt lá cây mai nhà tôi vì gặp lạnh mai sẽ ra hoa sớm trước Tết.
Cô Hương là bạn thiếu thời của cha tôi, cho đến khi ông qua đời chuyện nhỏ chuyện lớn gì họ cũng chia sẻ với nhau. Có những chuyện nan giải ông không nói với mẹ tôi mà lại bàn với cô Hương vì mẹ tôi là cô giáo hiền như cục đất. Chẳng hạn, hồi tôi mới đậu Tú tài, cô đã khuyên ông cho tôi vào học ở Sài Gòn thay vì Quy Nhơn hay ra Đà Nẵng. Lúc ấy ba tôi sợ học ở Sài Gòn tốn kém mà với đồng lương giáo viên tiểu học của hai vợ chồng ông không kham nổi. Cô Hương đề nghị trợ cấp cho tôi, ba mẹ tôi ngại chịu ơn bạn bè không biết khi nào mới trả được. Cô bảo: “tôi cho nó mượn, khi nào nó làm ra tiền thì trả sau”. Tôi thi đậu vào đại học Kiến trúc. Ba mẹ tôi dành dụm chu cấp cho tôi, chỉ khi nào thiếu mới hỏi mượn cô. Thỉnh thoảng cô cũng gửi tiền cho tôi mà không cho ba mẹ tôi biết. Vợ chồng cô có cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở thị trấn nên có đồng ra đồng vào, chi vài ba triệu mỗi tháng không khó.
Tôi nhiều lần thắc mắc sao ba tôi và cô Hương hồi đó không lấy nhau vì tôi biết họ từng thương nhau, có thể mãi sau nầy vẫn còn thương. Mẹ tôi và chồng cô chắc cũng biết điều đó vì bốn người là bạn thân của nhau từ bé, đến bây giờ vẫn xưng “mầy, tao” với nhau. Sau nầy tôi mới biết vì hai người kỵ tuổi nên mẹ cô không gả mặc dầu bà cũng quý ba tôi. Cô Hương tuổi dần, ba tôi thì tuổi hợi – dần, thân, tị, hợi tứ hành xung. Chính cô Hương một lần vui miệng đã tiết lộ với tôi điều ấy.
Tôi vào Sài Gòn học chưa hết năm thứ nhất thì ba tôi mất vì tai nạn giao thông. Một mình mẹ tôi khó tiếp tục chu cấp cho tôi học hết đại học. Sau đám ma, cô Hương bảo mẹ tôi: “Mầy đừng quá lo mà sinh bệnh, ráng sống nuôi mấy đứa nhỏ. Tiền học của thằng Minh để vợ chồng tao lo”. Từ ấy, cô đều đặn gửi tiên cho tôi hằng tháng. Mẹ tôi dặn sau nầy phải đền đáp công ơn của cô. Mẹ không dặn dò, tôi cũng biết điều đó, vả lại từ lâu tôi đã xem cô như mẹ thứ hai rồi.
Cây mai nhà tôi bây giờ chính do cô Hương trồng để thay thế cây lão mai đã chết sau khi ba tôi mất ít lâu. Cây lão mai ông nội tôi trồng ở đầu ngõ, tết nào cũng nở hoa vàng rực cho đến hết tháng giêng. Nhiều người chơi cây kiểng gạ mua với giá hàng chục triệu đồng nhưng ba tôi không những không bán mà còn coi như bị xúc phạm. Có lần ba bảo người mua mai: “ Anh có bao nhiêu tiền?”. Người mua đáp: “ Bao nhiêu cũng có, miễn thuận mua vừa bán thôi…”. Ba tôi nhỏ nhẹ: “ Đúng vậy. Nhưng anh có mua luôn tôi với cây mai thì tôi mới bán…”. Người mua cười giả lả: “ Thầy không bán mai thì thôi, sao lại nói thế. Tôi đâu dám mua thầy, mà mua để làm gì…”. Cây mai nhà tôi trở thành nổi tiếng, ai muốn tìm nhà tôi hay các nhà láng giềng thì được hướng dẫn: “ nhà có cây mai cổ thụ trước ngõ đó”.
Ba tôi cứ để cây mai phát triển tự nhiên, không cắt cành “tạo dáng” như nhiều người khuyên, mỗi năm chỉ tỉa bớt các cành khô, cành đèo và cắt bớt đọt để tán của nó vẫn sum sê nhưng không tỏa rộng quá. Ấy thế mà chỉ mấy tháng sau khi ba tôi mất, cây lão mai cũng chết theo. Má tôi và nhiều người khác tin rằng cây mai có nghĩa với chủ nó. Sau nầy tôi tự tìm hiểu và biết nguyên nhân nó chết do loại rầy đen nhờ dấu vết còn lưu lại trên gốc mai khô tôi giữ làm kỷ niệm. Nếu ba tôi còn sống ông đã sớm phát hiện bịnh và xịt thuốc kịp thời hẳn cây mai không chết.
Một hôm, vợ chồng cô Hương chở đến một cây mai to, đem trồng ngay chỗ cũ của cây lão mai. Cô bảo má tôi: “ Vợ chồng tao cúng ảnh cây mai vì hồi còn sống ảnh rất quý cây mai cũ. Cây hay người đều có sống có chết. Chết cây nầy mình trồng cây khác thay thế…”. Má tôi ôm cô Hương, hai người đều khóc.
Tết năm đó vườn nhà tôi lại có mai nở vàng rực, hoa đẹp không thua cây lão mai, chỉ tán còn nhỏ hơn thôi. Giữa tháng hai Âm lịch, tôi về Tây Sơn giỗ đầu cha tôi, cây mai vẫn còn sót một vài bông.
Trước khi trở lại Sài Gòn, tôi sang thị trấn thăm cô Hương. Như thường lệ, cô giữ lại ăn cơm và dúi cho tôi ít tiền “đi đường”. Dặn dò chuyện nầy chuyện nọ xong cô kéo tôi lên sân thượng, chỉ cho tôi xem một chậu mai nhỏ đang trỗ bông vàng rực. Cô bảo: “ Cô chiết một cành từ cây mai cô trồng cho ba con đó. Cây bên nhà con nở đúng Tết, còn cây nầy nở muộn. Coi như một cây hai lần nở hoa”.
Ba tôi chắc sẽ rất vui, nếu ông biết chuyện “nhị độ mai” nầy.*
Nam Thi
Mừng Xuân Quý Tỵ 2013
Trọng Đông Nhâm Thìn. 18-12-2012
Chia sẻ:
- X
Có liên quan
Từ khóa » Cây Mai Nở 2 Lần
-
Mai Tứ Quý-còn Gọi Là Nhị độ Mai (Mai Nở 2 Lần) Giá 1 Cây Như Hình ...
-
Nở Hoa 2 Lần Trong Năm - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Cách Kích Nụ Cho Cây Mai Nhanh Nở đúng Tết - Sfarm
-
Cây Hoa Mai Nở Hai Lần Trong Năm - YouTube
-
Hoa Mai Nở Trái Mùa Là điềm Gì, Tốt Hay Xấu?
-
Cách Chăm Sóc Mai Nở đúng Tết-cach Cham Soc Mai No Dung Tet
-
Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Mai Ra Nhiều Hoa đúng Dịp Tết
-
Ý Nghĩa Hoa Mai Vàng, Cách Trồng Và Chăm Sóc Cây Mai
-
Cách Trang Trí Và Chăm Sóc Mai Vàng Ra Hoa đúng Tết
-
Cách Lặt Lá Mai Cho Mai Nở Hoa đúng Vụ - Niên Giám Nông Nghiệp
-
Cách Chăm Sóc Mai Trước Tết Hoa Nở Rộ đúng Dịp - Hoa Cúc Xanh
-
Đặc điểm Tạo Hình Và Thưởng Thức Hoa Nhất Chi Mai
-
Những điều Mà Bạn Chưa Hiểu Hết Về Hoa Mai
-
Cây Mai Tứ Quý - - Rừng Hoa Quả - Freeship Hà Nội