Mâm Ngũ Quả Chưng Tết: Trái "dư" độc Lạ Hút Khách - Dân Trí

Theo tìm hiểu của PV, cây dư thuộc loại họ cà, cây thân nhỏ, có nhiều lông và gai, hoa màu vàng lam hay tím sậm, ra hoa kết quả quanh năm, chủ yếu là vào mùa thu và mùa đông. Quả dư có màu vàng, bóng, có nhiều u lồi ở gần cuống. Nhiều người cho rằng, trái dư càng có giá trị khi có 5 sẹo lồi to ra đều nhau.

Vườn dư của ông Trương Văn Húa vào mùa Tết.
Vườn dư của ông Trương Văn Húa vào mùa Tết.

Ở tỉnh Bạc Liêu hiện nay, gia đình ông Trương Văn Húa (ngụ ấp Năm Căn, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) đã đầu tư trồng thử với loại cây này và bước đầu khá thành công.

Ông Trương Văn Húa cho biết, một lần ông lên TPHCM thăm người thân ngay dịp Tết Nguyên Đán, ông thấy rất nhiều người tìm trái dư để chưng trong những ngày Tết, với mong muốn một năm sẽ làm ăn dư dả. Ông thấy suy nghĩa này rất hay nên về quê tìm giống cây này để trồng thử.

Khi mới trồng cách đây một năm, ông Húa chỉ trồng khoảng vài chục cây dư xem như là thử nghiệm. Sau đó, ông mang lên TPHCM tặng cho người quen thì ai cũng khen đẹp, khuyến khích ông trồng nhiều hơn. Từ đó, ông Húa mạnh dạng nhân rộng loại cây dư này.

Năm nay, ông Húa trồng hơn 500 cây dư trên diện tích hơn 2.000 m2 đất. Đến thời điểm này, cây dư đã cho trái rất nhiều. “Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, tôi sẽ cho cây dư vô chậu để mang ra thị trường Tết, phục vụ nhu cầu kiểng chưng Tết của người dân”, ông Húa chia sẻ. Theo ông Húa, mỗi chậu cây dư, ông sẽ bán với giá dao động từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy từng chậu to nhỏ và trái.

Chuẩn bị chậu dư ra thị trường phục vụ Tết.
Chuẩn bị chậu dư ra thị trường phục vụ Tết.

Từ trước đây, vào dịp Tết, với người dân miền Tây thường chưng mâm ngũ quả chủ yếu là 5 loại, gồm: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài (có thể ghép lại thành: Cầu sung vừa đủ xài (xoài) rất có ý nghĩa. Với sự xuất hiện của trái dư, người dân lại có thêm suy nghĩ khác là cần cầu mong sao cho một năm mới không chỉ “dừa đủ xài” mà còn có thể dư dả thêm. Và sự góp mặt của trái dư trong mâm trái cây chưng Tết đã nói lên ý nghĩa ấy: Cầu sung vừa đủ xài và dư.

Thêm trái dư trong mâm trái cây ngày Tết, không chỉ mang lại may mắn trong nhà mà còn có giá trị là lời gửi gắm một năm mới dư dả và an khang, thịnh vượng.

Huỳnh Hải

Từ khóa » Cầu Dư Xài