Mang Thai Tháng Thứ 7 Và Những điều Bà Bầu Cần Biết - Yêu Trẻ

Lưu lượng máu lưu thông trong cơ thể lúc này đã tăng lên từ 30% đến 50% so với bình thường. Điều này là do cơ thể phải chuẩn bị đủ máu để sẵn sàng phục vụ cho thai nhi và bù vào lượng máu mất đi trong lúc sinh.

Thai nhi sẽ thay đổi ra sao khi bước sang tháng thứ 7 của thai kỳ?

Thai nhi 7 tháng tuổi: khuôn mặt đã bắt đầu hoàn thiện dần

Trong tháng này, các chuyển động của thai nhi sẽ bắt đầu thay đổi. Khi không gian trong tử cung đã trở nên chật chội, thai nhi sẽ có xu hướng chủ động chuyển khuỷu tay và đầu gối để tìm tư thế thoải mái nhất cho mình. Thậm chí bé có khả năng cuộn tròn người và bắt chéo chân.

banner ads

Trọng lượng của thai nhi tháng thứ 7 lúc này được khoảng 1,1kg, dài khoảng 35cm và khuôn mặt đã bắt đầu hoàn thiện dần.

Da dẻ bé đã có sắc hồng và lượng mỡ tích trữ dưới da không nhiều. Lông tóc bắt đầu dài thêm. Riêng mắt đã phân chia đường nét rõ ràng và nhiều bé có khả năng nhắm, mở.

Nếu là bé trai, khoảng 25 tuần bìu dái sẽ phát triển nhanh, tinh hoàn dần trễ xuống dưới. Nếu là bé gái, môi âm đạo và âm vật đã phát triển rõ rệt. Tuy nhiên khí quản và phổi vẫn chưa phát triển hoàn thiện.

Cuối tháng 7, bé sẽ biết mút tay, nấc, thậm chí khóc. Khả năng phân biệt mùi vị và phản ứng khi bị kích thích (kể cả với âm thanh) đã rất rõ ràng vào thời điểm này. Bộ não đã xuất hiện nhiều nết nhăn và phát triển mạnh.

Cơ thể bà bầu thay đổi ra sao khi mang thai tháng thứ 7?

Từ tháng này, bạn sẽ phải gặp bác sĩ 2 lần trong một tháng, tức cách 2 tuần phải khám thai một lần. Ngực của bạn có thể bắt đầu rỉ sữa non, chất dịch màu vàng tiết ra từ bầu ngực để chuẩn bị cho giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Cảm giác mất thăng bằng sẽ bắt đầu xuất hiện, bụng nặng hơn và bạn có thể sẽ phải đi “hàng hai” và bước lạch bạch. Để cải thiện, hãy cố gắng duy trì tư thế cân bằng, mang giày đế thấp và sử dụng một tấm đệm lót vững chắc khi nằm hoặc ngồi xuống.

Do bé đang lớn dần nên áp lực lên cơ hoành, gan, dạ dày và ruột cũng rất lớn. Chứng đau lưng vì thế sẽ càng nặng hơn. Đồng thời, phát sinh thêm chứng khó thở do áp lực thai tác động lên phổi. Lồng xương sườn và xương chậu của bạn đều có cảm giác đau đớn khi thai nhi lớn dần. Muốn thoải mái hơn, bạn có thể vận động nhẹ nhàng như chọn bộ môn bơi lội chẳng hạn.

Dịch tiết âm đạo của bạn lúc này ngày càng nhiều và có màu trắng. Vì thế, mỗi ngày có thể bạn sẽ phải thay 2-3 chiếc quần trong. Ợ nóng trong tháng này cũng rất phổ biến.

Ngoài ra, cơn co giả Braxton Hicks là một trong những điều đáng chú ý khi mang thai tháng thứ 7. Đây là hiện tượng các cơ tử cung siết chặt, xuất hiện cách nhau 20 phút hoặc lâu hơn. Braxton Hicks có nhiệm vụ lót đường cho cơn chuyển dạ thật sau này.

Trong tháng thứ 7, nhiều hãng hàng không sẽ không cho phép bạn bay hoặc nếu muốn bay bạn sẽ phải trình giấy chứng nhận y tế từ bác sĩ. Ngoài ra, những chuyến di chuyển đường dài bằng xe ô tô cũng rất nguy hiểm. Nếu phải di chuyển đường xa, hãy dừng đỗ cách khoảng để đi lại trong khoảng 5 phút cho máu lưu thông.

Theo dõi số lần thai máy trong tháng này sẽ là cách để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi. Mỗi ngày, ít nhất bé phải có 10 cú đá, chuyển động, cọ quậy hoặc cuộn mình. Bạn sẽ cảm thấy ít nhất 10 chuyển động trong vòng 2 tiếng. Hiện tượng thai máy này có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy theo mỗi bé nhưng phải ít nhất ba cử động trong nửa tiếng.

Các bệnh có thể gặp khi mang thai tháng thứ 7

Tháng này, bạn sẽ phải khám thai 2 tuần một lần và thăm khám tương tự như các tháng trước với các chỉ số: cân nặng, huyết áp, nước tiểu, nhịp tim nhi, chiều cao của tử cung, kích thước và hình dạng của tử cung, kích thước và vị trí của thai nhi.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ thăm khám xem bạn có bị sưng mắt cá chân và bàn chân hay không. Đặc biệt nếu kèm theo triệu chứng đau đầu, thay đổi thị giác hoặc đau bụng, rất có thể bạn đã bị tăng huyết áp.

Nếu nhóm máu của bạn là Rh-, hãy nói với bác sĩ để được tiêm Rhogam trong tháng này nhằm ngăn ngừa biến chứng.

Mối quan tâm của bà bầu khi mang thai tháng thứ 7 là gì?

Chảy máu

Chảy máu sau tuần thứ 28 của thai kỳ là trường hợp rất khẩn cấp. Chảy máu có thể rất nhẹ hoặc rất nặng và đi kèm với triệu chứng đau bụng dữ dội. Nguyên nhân có thể do nhau tiền đạo, nhau bong non, hoặc vỡ tử cung cuối thai kỳ. Tất cả những dấu hiệu này đều rất nguy hiểm nếu không được điều trị ngay.

Nếu siêu âm thai ở tuần 16-20, bạn sẽ sớm được dự báo về trường hợp nhau tiền đạo và có biện pháp xử lý kịp thời.

Chuyển dạ sớm

Nhiều mẹ bầu sẽ chuyển dạ sớm khi mang thai tháng thứ 7

Bạn nên nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ sớm để nhờ sự giúp đỡ khi cần:

  • Xuất hiện khoảng 5 cơn co thắt tử cung trong 1 tiếng
  • Xuất huyết hoặc chảy dịch màu hồng ở âm đạo
  • Tay hoặc mặt sưng
  • Đau khi đi tiểu
  • Đau nhói hoặc đau kéo dài trong dạ dày
  • Nôn cấp tính hoặc liên tục
  • Bụng sa thấp và đau lưng âm ỉ
  • Áp lực vùng chậu dữ dội
  • Thay đổi cảm xúc và trầm cảm trong 3 tháng cuối

Chăm sóc bà bầu mang thai tháng thứ 7

Khi bước sang tháng thứ 7, bạn có thể rất vui sướng nhưng kèm theo đó là những lo lắng nhất là khi bạn đang mang thai lần đầu. Nếu bạn đã từng có con và chịu nhiều biến chứng trước đó, những lo lắng sẽ tiếp tục làm bạn mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, càng sợ hãi và lo lắng, bạn sẽ càng đẩy mình vào khó khăn. Vì thế, hãy tìm cách thư giãn như đi dạo cùng chồng, tìm môn thể thao nhẹ nhàng để luyện tập hoặc xem phim…

Nhiều khả năng bạn sẽ phải ngưng một số công việc trong tháng này nếu cơ thể không cho phép.

Mong rằng với những thông tin dành cho bà bầu mang thai tháng thứ 7 trên đây, bạn sẽ biết mình cần làm gì để tránh những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Chúc bạn và bé luôn khỏe!

Yeutre.vn Nguồn: BC

Từ khóa » Hình ảnh Em Bé Trong Bụng Mẹ Tháng Thứ 7