Mang Thai Tuần 28: Chu Kỳ Thức – Ngủ Của Trẻ - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Sự phát triển của trẻ
  • 2. Sự thay đổi của mẹ
  • 3. Theo dõi thai sản định kỳ
  • 4. Kết luận

Khi bạn mang thai tuần 28, thai nhi lúc này đã có những chu kỳ thức ngủ rõ ràng. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được điều này khi việc hoạt động (thai máy) của bé xuất hiện và biến mất diễn ra xen kẽ, đều đặn hơn. Còn bản thân bạn lại có những cảm giác uể oải, mệt mỏi, đau đớn, khó cảm thấy cuộc sống tươi đẹp, lúc nào cũng u uất, dễ giận dữ. Đôi lúc, bạn còn có thể cảm thấy bản thân cô đơn. Thời điểm này cũng chính là lúc bạn cần gia đình của mình nhất.

1. Sự phát triển của trẻ

Các cơ quan của trẻ

Lông mày trẻ trở nên dài hơn, rậm hơn. Tóc cũng không còn thưa như tuần 25.

Đầu của bé có thể bắt đầu chúc xuống phía dưới, chờ đợi ngày chào đời.

Trên siêu âm, nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp hình ảnh bé chớp mắt với mình. Tần suất của việc này trở nên thường xuyên hơn so với tuần thai 27.

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về 42 tuần mang thai, tải ngay ứng dụng YouMed.

Màu mắt của bé đã xuất hiện. Điều này đôi khi cũng có thể xảy ra ở cả trẻ đủ tháng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu, màu mắt của bé sẽ dần thay đổi.

Não của bé trong thời điểm này sẽ phát triển nhanh chóng, trở nên to ra thấy rõ so với trước. Da bé sẽ trở nên ít nhăn hơn khi mà lớp mỡ dưới da đã trở nên dày hơn.

Minh họa cơ thể trẻ khi mẹ mang thai tuần 28
Minh họa cơ thể trẻ khi mẹ mang thai tuần 28

Giấc ngủ của bé

Bây giờ, bé đã có lịch trình đều đặn và rõ ràng hơn. Việc thai máy lúc có nhiều, lúc không có là minh chứng cho điều này.

Tuy nhiên, khác biệt với người lớn, thường bé chỉ ngủ khoảng 20 – 30 phút và hiếm khi nào ngủ trên 90 phút. Vì vậy, việc đếm thai máy là một biện pháp kiểm tra sức khỏe thai vô cùng quan trọng. Biện pháp này có thể đơn giản thực hiện ở người mẹ. Việc đếm thai máy mỗi ngày và thường xuyên hỗ trợ gắn kết tình cảm giữa mẹ và con. Nó còn giúp đánh giá việc liệu thai có đang suy yếu hay không. Một khi thai không cử động đủ số lần so với trước đó, lập tức bạn phải đến ngay bệnh viện nhé.

Chiều dài của bé lúc này vào khoảng 25cm và nặng khoảng 900g đến 1,4kg.

2. Sự thay đổi của mẹ

Dịch tiết

Dịch tiết âm đạo lúc mang thai tuần 28 của người mẹ sẽ xuất hiện nhiều hơn. Chất dịch này trong và hơi nhày, không hôi. Vấn đề này chủ yếu là do thay đổi nội tiết trong thai kỳ, sẵn sàng chào đón trẻ ra đời mà thôi. Do đó, bạn không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt điều này với vỡ ối. Nước ối vỡ chảy ra đột ngột, thường chảy nhiều. Do đó, khi lượng dịch chảy ra từ âm đạo tăng bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất nhé.

Tăng cân

Thời điểm này, bạn có thể tăng cân rất nhanh đấy. Tốc độ tăng ký là khoảng 0,5kg mỗi tuần.

May mắn thay, đa số trường hợp vấn đề tăng cân này không phải do mỡ của bạn xuất hiện nhiều hơn. Chủ yếu là do thai nhi lớn nhanh, dẫn đến bánh nhau cũng phải tăng trưởng nhiều hơn. Nước ối xuất hiện nhiều hơn, cũng như lượng dịch, máu trong cơ thể bạn cũng tăng lên.

Cân nặng của mẹ sẽ tăng rất nhanh
Cân nặng của mẹ sẽ tăng rất nhanh

Thể tích máu của bạn đã tăng lên 50% so với trước khi có thai. Thông thường, một người nặng 50kg thì có khoảng 3,5 lít máu trong cơ thể. Vào thời điểm mang thai tuần 28, thể tích đó có thể đạt hơn 6 lít, tương đương một người to lớn, cao khoảng 1m8 và nặng 95kg.

Thể tích tăng lên này bao gồm cả lượng dịch trong máu (huyết tương) và cả số lượng tế bào máu (hồng cầu). Trong đó, số lượng hồng cầu trong cơ thể mẹ tăng khoảng 20% so với trước khi có thai. Tương ứng với thể tích máu to lớn này, thì tim của mẹ bắt buộc cũng phải hoạt động mạnh mẽ hơn, nhanh hơn để cung ứng máu cho cả cơ thể của mẹ và bé.

Cảm xúc

Bạn thường cảm thấy uể oải, mệt mỏi, cũng như dễ tức giận trong giai đoạn này.

Nguyên nhân gây ra thường là do:

  • Bạn phải mua đồ đạc, vật dụng chuẩn bị đón trẻ ra đời.
  • Sửa sang, dọn dẹp phòng mới của trẻ và công việc nhà khác.
  • Tham gia các khóa học chăm sóc, nuôi dạy trẻ.
  • Đi thăm khám bác sĩ thường xuyên hơn.
  • Những vấn đề mắc phải trong cuộc sống (kinh tế, tình cảm…).
  • Đau khi bé đạp tử cung của mẹ.
  • Cảm thấy cơ thể nặng nề, chân phù.
  • Sự quan tâm không đúng mức của chồng.

>> Những cảm xúc tiêu cực có thể khiến mẹ bầu bị trầm cảm. Đọc thêm bài viết Trầm cảm khi mang thai: không thể xem thường.

Tâm lý của bạn thường không ổn định
Tâm lý của bạn thường không ổn định

Điều bạn nên làm là:

  • Ngồi xuống, làm mọi việc từ từ và giải trí nhiều hơn.
  • Cùng trò chuyện với chồng và người thân để họ cảm thông và giúp đỡ bạn nhiều hơn. Chặng đường tam cá nguyệt cuối (3 tháng cuối cùng) của bạn sẽ ngày càng gian nan hơn đấy.
  • Tập viết nhật ký, nghe nhạc cùng trẻ, thậm chí là chơi nhạc cho trẻ nghe hay trò chuyện với con. Tất cả những việc này làm cho tình cảm mẹ con trở nên khắng khít hơn.
  • Chụp nhiều ảnh hơn về sự to dần của bụng mẹ cũng như các hình ảnh thai nhi trên siêu âm. Những vật này sẽ là kỷ vật lưu giữ tuyệt vời.
  • Tham gia các hoạt động giúp tâm trí bạn nhẹ nhàng, cởi mở hơn.

Tất cả những điều trên sẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ nhanh chóng hơn.

3. Theo dõi thai sản định kỳ

Như thường lệ, các bác sĩ sẽ ghi nhận chiều dài, cân nặng của trẻ cũng như bề cao tử cung, lượng nước ối của mẹ… trong quyển sổ định kỳ.

Bạn nên nhớ, việc đạt một mốc chỉ số nào đó không quan trọng bằng việc đứa trẻ phát triển đều đặn, tăng dần.

Để có thể chào đời mà không cần mổ, em bé cần chúc đầu xuống dưới. Tuy nhiên, thời điểm này, bác sĩ có thể nói cho bạn rằng đầu bé đang nằm ngang hoặc nằm phía trên. Không có gì phải lo lắng cả. Không gian tử cung lúc này vẫn còn đủ rộng để lúc sắp sinh ra trẻ xoay người, chúc đầu xuống dưới.

Thai phụ cần tuân theo lịch khám định kỳ
Thai phụ cần tuân theo lịch khám định kỳ

Sinh non

Sinh non có thể xảy ra vào thời điểm này, do đó bạn cần cảnh giác các triệu chứng gây ra vấn đề này.

Việc trẻ sinh không đủ tháng có thể:

  • Ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển của phổi. Bé có thể không tự thở được khi sinh ra.
  • Cấu trúc tim chưa hoàn chỉnh, trẻ có thể mang dị tật tim.
  • Dễ dàng nhiễm trùng.
  • Lớp mỡ dưới da chưa đủ dày, nên không đủ cung cấp nhiệt độ cho cơ thể trẻ.

>> Đọc thêm bài viết: Trẻ sinh non có những nguy cơ nào cần chú ý?

Dấu hiệu gợi ý sinh non bao gồm:

  • Những cơn gò chuyển dạ, đều đặn và mạnh dần. Sự khác biệt giữa cơn gò chuyển dạ và cơn gò Brickton Hicks đã được mô tả ở bài tuần thai 27.
  • Chảy ít máu hoặc dịch trong ở đường âm đạo.
Khi mang thai tuần 28, mẹ nên cẩn thận nguy cơ sinh non
Khi mang thai tuần 28, mẹ nên cẩn thận nguy cơ sinh non

Kiểm tra nhóm máu

Ngoài việc kiểm tra đường huyết thai kỳ thì việc kiểm tra nhóm máu khi mang thai tuần 28 cũng rất quan trọng.

Thông thường, con người có 2 cách phân loại nhóm máu chính. Một trong số đó mà hầu hết mọi người đều biết là máu A, B, AB và O. Cách phân loại còn lại tuy ít gặp hơn nhưng được giới y bác sĩ rất quan tâm đó là máu Rh (+) và Rh (-).

Thông thường, hầu hết người dân có nhóm máu Rh (+), tuy nhiên khoảng 4 – 5% thai phụ có nhóm máu Rh (-).

>> Nhóm máu cũng là yếu tố mẹ bầu nên quan tâm. Xem thêm: Nhóm máu hiếm và những điều bạn cần biết

Có 2 trường hợp xảy ra khi thai phụ mang nhóm máu Rh (-):

  • Chồng mang nhóm máu Rh (-): Lúc này, đứa bé cũng sẽ mang nhóm máu Rh (-). Trường hợp này sẽ không có vấn đề gì lúc mang thai và sinh nở.
  • Người chồng mang nhóm máu Rh (+): Đứa trẻ có thể mang nhóm máu Rh (+), khác biệt với người mẹ. Lúc này, cơ thể mẹ có thể tạo ra kháng thể, chống lại vật lạ. Vật lạ ở đây chính là máu của em bé.
Nhóm máu khác biệt giữa mẹ và con
Nhóm máu khác biệt giữa mẹ và con

Đầu tiên, kháng thể của mẹ sẽ xâm nhập bánh nhau và cơ thể trẻ. Sau đó, kháng thể này sẽ tấn công hồng cầu – tế bào máu chủ yếu. Việc này dẫn đến trẻ có thể thiếu máu nặng, thậm chí tử vong trong bụng mẹ.

Thông thường, việc này hiếm khi xảy ra ở lần mang thai đầu do mẹ tạo kháng thể chưa kịp, chưa đủ nhiều. Nhưng ở những lần mang thai sau, số lượng kháng thể vốn tích lũy sẵn trong máu mẹ đủ nhiều sẽ dễ dàng tấn công hồng cầu của trẻ. Do đó, khi mang thai tuần 28, việc kiểm tra số lượng kháng thể của mẹ rất quan trọng. Điều trị ức chế kháng thể của mẹ là cần thiết.

4. Kết luận

Mang thai tuần 28 là mốc đánh giá sự xuất hiện chu kỳ ngủ – thức của bé. Nó báo hiệu những áp lực căng thẳng của mẹ cũng sẽ xuất hiện. Việc theo dõi các dấu hiệu sinh non cũng như khám thai định kỳ, kiểm tra đường huyết, nhóm máu trước sinh rất quan trọng. Chủ yếu bởi vì những vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của thai nhi.

Từ khóa » Hình ảnh Siêu âm Thai 28 Tuần