Mão Điền – Wikipedia Tiếng Việt

Mão Điền
Xã Mão Điền
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
TỉnhBắc Ninh
Thị xãThuận Thành
Địa lý
Tọa độ: 21°03′36″B 106°07′45″Đ / 21,06°B 106,12917°Đ / 21.06000; 106.12917
Mão Điền trên bản đồ Việt NamMão ĐiềnMão Điền Vị trí xã Mão Điền trên bản đồ Việt Nam
Diện tích4,31 km²
Dân số (2021)
Tổng cộngk.15.000
Mật độ3.480 người/km²
Dân tộcKinh
Khác
Mã hành chính09409[1]
  • x
  • t
  • s

Mão Điền là một xã thuộc thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

Địa lý

[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Mão Điền nằm ở phía cực đông của thị xã Thuận Thành, có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp huyện Gia Bình
  • Phía bắc giáp thị xã Quế Võ và xã Hoài Thượng
  • Phía tây giáp phường An Bình
  • Phía nam giáp huyện Gia Bình và phường An Bình.

Xã Mão Điền có diện tích 4,31 km², dân số đến năm 2021 hơn 15.000 người, là một trong những xã có diện tích hẹp nhưng dân số đông nhất trong thị xã, dân cư sống tập trung với mật độ cao.

Hành chính

[sửa | sửa mã nguồn]

Xã Mão Điền gồm 2 làng chính là làng Thụy Mão và làng Mão Điền. Trong đó làng Mão Điền - theo cách gọi mới (tên cũ là làng Chằm) - chiếm diện tích và dân số chủ yếu. Tên Mão Điền là tên địa danh hành chính sau này trước đây có tên là làng Chằm với nhiều sự tích như "Làng Chằm cách ngọn răm tới trời...".

Trong làng lại chia nhỏ thành các xóm. Phân chia làng, xóm là cách gọi truyền thống từ xưa cho tới nay.

Hiện tại, phân chia hành chính hiện đại phân cấp như sau: Xã - Khu (Thôn) - Xóm.

Làng Mão Điền gồm có các xóm sau: xóm Bàng, xóm Cả, xóm Ngòi, xóm Mận, xóm Công, xóm Hồ, xóm Đình, xóm Tủng, xóm Hậu, xóm Táo, xóm Lũy, 3 xóm Ba (Ba trong, Ba giữa, Ba ngoài) và xóm Nội.

Làng Mão Điền cổ có phân chia thành hai làng chính là làng Đông và làng Đoài (nhưng sống không tách biệt, sau này lại gọi chung là một). Đặc điểm phân chia làng hoàn toàn khác biệt với các làng khác trong khu vực, thay vì phân chia theo vị trí địa lý có ranh giới thì Mão Điền Đông và Đoài phân chia theo các dòng họ. Các dòng họ lại ở xen kẽ với nhau trên cả mảnh đất của làng Mão Điền tạo sự gắn bó, tuy 2 mà 1.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Mão Điền là một xã có lịch sử lâu đời, gắn liền với sự kiện nhà vua thời Lý lấy đất để xây dựng khu lăng mộ, đền Lý Bát Đế (Đền Đô - Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau khi vua Lý Thái Tổ mất, năm 1028). Cư dân sinh sống trên diện tích đất đó đã được nhà vua cho di chuyển đến địa điểm mới, chính là vị trí xã Mão Điền ngày nay.

Văn hóa - lễ hội - di tích lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Toàn xã có 4 kỳ lễ hội lớn, trong đó có 3 ngày lễ hội được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Mở đầu là Đình Đoài, được tổ chức ngày 4-2 âm lịch; tiếp theo là Đình Đông, được tổ chức ngày 7-2 âm lịch. Ngày 8-2 âm lịch là Đình Đám của làng Thụy Mão; tiếp đến là Hội Chùa, được tổ chức ngày 1-3 âm lịch(Hội này chỉ tổ chức 3-5 năm/ 1 lần).Trong lễ hội, có tổ chức rước tượng Thánh hoặc Thành Hoàng làng, và có rước Thánh giao hảo giữa các làng.

Văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mão Điền là làng duy nhất trên cả nước có Đình Vật, là nơi chuyên tổ chức thi đấu vật để chọn ra người bản lĩnh, tài giỏi (Vừa phục vụ mục đích tuyển quân trong thời chiến, và phục vụ vui chơi trong lễ hội thời bình). Tuy vậy, Đình Vật đến nay không còn nữa, chỉ còn di tích và các câu chuyện để lại.
  • Mão Điền là một trong số ít nơi trên cả nước có Chợ Âm Dương, nơi diễn ra sự trao đổi mua bán giữa người âm và người dương lẫn lộn. Phiên chợ chỉ diễn ra một lần trong năm vào ngày mùng 4 tết âm lịch với nhiều truyền thuyết ly kì hấp dẫn.
  • Từ thời phong kiến đến những năm cuối của thế kỷ XX, Mão Điền nổi lên một nghề truyền thống là buôn bán cá giống. Cho đến nay nghề vẫn được duy trì tuy nhiên không còn phát triển mạnh như xưa. Do khó khăn của nghề nuôi cá giống nên người dân đã chuyển dần sang kinh doanh một số ngành nghề khác. Nổi bật trong những năm gần đây Mão Điền nổi lên với một nghề mới là làm rèm các loại. Các loại mẫu mã và chủng loại rèm của Mão Điền tương đối đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Với nghề mới này đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của xã, nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ vào rèm.

Nổi danh là làng khuyến học

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù Mão Điền không phải một vùng đất có truyền thống khoa bảng trong thời phong kiến nhưng hiện nay xã Mão Điền đã được cả nước biết đến là địa danh có truyền thống hiếu học. Ở Mão Điền, người dân rất coi trọng việc đi học với quan niệm cho con nén vàng không bằng cho con gang chữ.[2]

Phong trào khuyến học ở Mão Điền bắt đầu phát triển từ những năm 1980 khi toàn thể nhân dân và chính quyền xã đã thống nhất muốn thoát nghèo phải đưa địa phương phát triển đi lên thông qua con đường tri thức. Ngay từ cuối năm 1980, Hội đồng Giáo dục xã Mão Điền đã được thành lập, với thành viên ban đầu là các cán bộ chủ chốt của xã. Từ đó, các mô hình khuyến học đã được xây dựng và không ngừng phát triển trong xã: Người người làm khuyến học, nhà nhà làm khuyến học, dòng họ làm khuyến học,… khiến cho thành tích học tập của con em địa phương không ngừng tiến bộ. Nổi bật trong số đó có những học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế như:[2][3]

  • Nguyễn Thị Ngọc Minh giành Huy chương vàng tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2007. Ngọc Minh là một cựu học sinh lớp chuyên Hoá của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên. Tại kỳ thi diễn ra ở Moscow (Liên bang Nga) năm đó, Ngọc Minh là thí sinh duy nhất của đoàn Việt Nam giành được HCV.[4]
  • Nguyễn Quang Bin giành Huy chương vàng tại Olympic Toán học Quốc tế (IMO) năm 2018. Cũng đến từ ngôi trường danh tiếng THPT chuyên Khoa học Tự nhiên như đàn chị Ngọc Minh, Quang Bin đã xuất sắc giành vàng với thành tích 35/42 điểm. Đó cũng là tấm HCV duy nhất mà đoàn Việt Nam mang về từ kỳ thi ở Romania.[5]
  • Nguyễn Đăng Phúc giành Huy chương bạc tại Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO) năm 2022. Một cựu học sinh chuyên Lý của Trường THPT chuyên Bắc Ninh tiếp tục làm rạng danh quê hương Mão Điền với tấm Huy chương bạc quốc tế, góp công giúp đoàn Việt Nam đứng thứ 5 chung cuộc.[6]

Từ những nền tảng đó, học sinh Mão Điền khi bước chân vào con đường nghiên cứu tri thức cũng có nhiều người công thành danh toại, có thể kể đến:

  • TS Nguyễn Trí Tuệ (sinh 1963); ông hiện là Phó Chánh án Thường trực Toà án nhân dân Tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.[7] Ông cũng là nguyên Giám đốc Học viện Tòa án (2017 – 2021).[8][9][10]
  • GS.TS.TTND Nguyễn Duy Ánh (sinh 1966); ông là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Sản phụ khoa của Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.[8]
  • PGS.TS.TTƯT Vũ Hồng Thăng (sinh 1970); ông là Phó Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều kiêm Phó Trưởng Bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội.[8][11]
  • PGS.TS Vũ Đăng Lưu; ông là Giám đốc Trung tâm Điện quang, Bệnh viện Bạch Mai kiêm Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y Hà Nội.[8][12]
  • Đại tá, GS.TS.BS Nguyễn Duy Bắc (sinh 1976); ông là Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quân y. Ông là vị giáo sư y học nổi danh ở chuyên ngành Giải phẫu người.[8][13]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ a b Cao Sơn (12 tháng 9 năm 2012). “Làng hiếu học Mão Điền”. www.daibieunhandan.vn. Báo Đại biểu Nhân dân. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  3. ^ Xuân Trường (30 tháng 6 năm 2022). “Mão Điền, miền quê thuần nông được mệnh danh là 'làng Đại học'”. www.baotintuc.vn. Báo Tin tức. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  4. ^ Bảo Anh (VietNamNet) (25 tháng 7 năm 2007). “VN đoạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế”. www.qdnd.vn. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  5. ^ Thuỳ Linh (16 tháng 7 năm 2018). “Nam sinh giành HCV Olympic Toán dù bỏ nguyên một câu”. www.vnexpress.net. VnExpress. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  6. ^ Trung tâm Truyền thông Giáo dục (16 tháng 7 năm 2022). “Olympic Vật lí quốc tế 2022: Việt Nam đứng thứ 5 toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng”. www.moet.gov.vn. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  7. ^ “Thành viên Hội đồng Thẩm phán”. www.toaan.gov.vn. Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  8. ^ a b c d e Thanh Tú (14 tháng 10 năm 2021). “Viết tiếp chuyện ở đất học Mão Điền”. www.baobacninh.vn. Báo Bắc Ninh điện tử. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  9. ^ Thái Vũ (5 tháng 4 năm 2021). “Bổ nhiệm Giám đốc Học viện Tòa án”. www.tapchitoaan.vn. Tạp chí Toà án nhân dân điện tử. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  10. ^ Huế Dương (5 tháng 4 năm 2021). “Trao Quyết định bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Học viện Tòa án”. www.hocvientoaan.edu.vn. Trang thông tin điện tử Học viện Tòa án. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  11. ^ “QUYẾT ĐỊNH: Công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2015” (PDF). www.hdgsnn.gov.vn. Hội đồng Giáo sư Nhà nước. 22 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  12. ^ Trần Lan (17 tháng 9 năm 2024). “Công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Trường Đại học Y Hà Nội”. www.hmu.edu.vn. Trường Đại học Y Hà Nội. Truy cập ngày 8 tháng 11 năm 2024.
  13. ^ Phạm Minh (3 tháng 1 năm 2021). “Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quân Y là Giáo sư ngành Y học năm 2020”. www.giaoduc.net.vn. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Mão Điền - Mảnh đất nghìn năm Lưu trữ 2010-10-25 tại Wayback Machine
  • x
  • t
  • s
Xã, phường thuộc thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Phường (10)

An Bình · Gia Đông · Hà Mãn · Hồ · Ninh Xá · Song Hồ · Thanh Khương · Trạm Lộ · Trí Quả · Xuân Lâm

Xã (8)

Đại Đồng Thành · Đình Tổ · Hoài Thượng · Mão Điền · Nghĩa Đạo · Ngũ Thái · Nguyệt Đức · Song Liễu

Từ khóa » Dân Số Xã Mão điền