Marketing Hay Truyền Thông? Học Ngành Nào Ở RMIT Bây Giờ?

Thời gian qua Tuấn Anh có tư vấn cho một số em học sinh 2003 đang chuẩn bị nộp đơn vào RMIT, điểm chung là các em đều băn khoăn không biết nên chọn học ngành Truyền thông hay Marketing? Tuấn Anh đoán rằng cũng có nhiều bạn học sinh cấp 3 đang có băn khoăn tương tự nên viết bài này để giúp các em biết cách chọn ngành phù hợp cho mình. Bài viết này tập trung vào ngành Marketing và Truyền thông tại trường Đại học RMIT, tuy nhiên em nào có băn khoăn chọn ngành khác hay trường khác vẫn có thể đọc để tham khảo phương pháp.

1/ Chọn Ngành Không Sai

Các em học sinh thường mong muốn chọn được một ngành đúng nhất để theo học, tuy nhiên tư duy tìm kiếm sự hoàn hảo này không còn phù hợp ở thời đại hiện nay. Đây là thời buổi của biến động (ví dụ như dịch bệnh Covid-19) và sự phát triển của công nghệ, dẫn đến ngày càng có nhiều cơ hội ngành nghề hơn, và rất nhiều nghề trong số đó na ná nhau. Ví dụ, 10 năm trước bố mẹ chúng ta có thể còn lạ lẫm với Facebook, bây giờ chúng ta đã có những nghề như Quảng cáo Facebook, Viết bài Fanpage và nhiều công việc khác. Một người trong thời buổi hiện nay hoàn toàn có thể làm nhiều nghề khác nhau kể từ khi ra trường, miễn sao các nghề đó nằm trong cùng một nhóm thế mạnh. Ví dụ một bạn giỏi về tương tác với con người hoàn toàn có thể làm cả Sale, chăm sóc khách hàng, giáo dục và nhiều mảng khác.

Các em hãy đặt tâm thế chọn ngành không sai khi đang tìm kiếm về ngành học sau cấp 3 cho mình. Học một ngành sai với khả năng của bản thân, chỉ vì ba mẹ mình bảo rằng ‘ngành đó ổn định‘, hay trên báo nói rằng ‘ngành đó hot‘ sẽ khiến các em đâm đầu xuống vũng bùn. Học ngành sai khiến các em chán học, không có hứng thú, học kém so với bạn bè, dẫn đến mất tự tin trong học tập. Mất tự tin trong học tập dễ dẫn đến mất tự tin trong các mối quan hệ cuộc sống. Ví dụ anh đã từng gặp những bạn giỏi nghệ thuật (ca hát, múa, phong trào) trong cấp 3, lên Đại học nghe theo ba mẹ học ngành Kế toán ‘cho ổn định’, dần dần mất tự tin và cũng mất cả cái giỏi trong những hoạt động nghệ thuật kia.

Mất tự tin trong học tập dễ dẫn đến mất tự tin trong các mối quan hệ cuộc sống.

Tuấn Anh

Để chọn ngành không sai, các em hãy tìm hiểu về sở thích và năng lực tự nhiên của mình. Có người giỏi về con người, có người lại giỏi về máy móc. Có bạn thích làm việc với số liệu, có bạn lại hay bay bổng với ý tưởng. Các em hãy làm thử bài trắc nghiệm Holland tại đây để biết mình thuộc nhóm nào.

Hãy xem bản bên dưới để xem mình có phù hợp với Marketing và Truyền thông hay không? Về cơ bản, Marketing và Truyền thông đều cần tương tác với con người, tức là các nhóm có trục dọc bên dưới sẽ học ngành này thấy thoải mái hơn. Truyền thông tại Đại học RMIT ngoài quảng cáo còn học về quan hệ công chúng, sẽ thiên nhiều về ý tưởng hơn. Còn Marketing thì sẽ học nhiều về dữ liệu hơn do ngành Marketing tại RMIT là Digital Marketing, nơi các em sẽ tiếp xúc nhiều với dữ liệu, kết quả.

Image result for holland sông an

2/ Đọc Các Môn Học – Thích Cái Nào Hơn

Nếu sau khi làm xong bước 1 và các em thấy mình thuộc các nhóm như Xã Hội, Nghệ Thuật, Quản Lý – nhiều khả năng cả Truyền thông và Marketing đều là 2 ngành mà em sẽ thấy hứng thú và thích na ná giống nhau. Nói chung là 50/50, vậy nên chọn như thế nào bây giờ?

Các em hãy tham khảo công thức tuyển dụng bên dưới, công thức này nói rằng để ra trường có việc làm ngon lành các em cần có 3 thứ là (1) năng lực hành nghề (tức là kỹ năng và kiến thức học được trong trường), (2) mạng lưới chuyên nghiệp (là những người có thể giới thiệu cho em việc làm) và (3) nhu cầu tuyển dụng (thị trường có cần nghề đó không).

Để có được cái số (1) và số (2), điều quan trọng nhất là các em học ngành mình thích – có những môn học phù hợp với mình, như vậy mới tiếp thu được kiến thức và kỹ năng tốt nhất (cho cái 1). Ngoài ra, học thứ mình thích giúp các em học nhanh, thì mới có thời gian đi tham gia CLB, đi làm thêm, đi hội thảo – từ đó mới mở rộng được mối quan hệ.

Vậy nếu các em vẫn còn đang băn khoăn chọn Digital Marketing hay Truyền Thông của RMIT, hãy bắt đầu bằng việc vào website của ngành đó và đọc một lượt tên các môn học, tự chấm điểm từ 1-10 độ thích của em sau khi đọc tên môn đó – và cuối cùng cộng lại chia trung bình xem cái nào cao hơn.

Đọc tên môn mà vẫn chưa cảm được, các em hãy bớt chút thời gian tìm hiểu kỹ về từng môn. Lên Google gõ ‘tên môn + RMIT + outline’, các em sẽ tìm được chi tiết môn đó học cái gì, có bao nhiêu bài tập, làm nhóm hay thi, từ đó giúp các em hiểu rõ hơn. Ví dụ đây là môn Modern Asia của ngành Truyền thông.

3/ Tham Khảo Người Trong Cuộc – Chuyên Gia

Trên các website của trường đều có thông tin của việc học ngành này xong ra trường làm gì – tuy nhiên thông tin cũng không đầy đủ và chân thực bằng việc em gặp gỡ một người trong cuộc. Anh gợi ý rằng em hãy tìm đọc sách của một người Việt Nam trong ngành viết, hoặc nếu có cơ hội tìm vào các nhóm cộng đồng Marketing hoặc cựu sinh viên Truyền thông hoặc lên RMIT Confessions hỏi xem có ai đã và đang học 2 ngành đó, kết bạn trực tiếp hỏi sẽ hay hơn. Một số sách về ngành Marketing và Truyền thông anh thấy hay, các bạn nên đọc:

  • Người trong muôn nghề – Ngành Kinh Tế: một cuốn sách tập hợp những chia sẻ của người đang làm trong ngành, trong đó có cả Marketing, rất hay.
  • Ý tưởng này là của chúng mình: cuốn này nói về ngành Quảng cáo, rất thú vị.

Trên trang Unica có kha khá khóa học Online về Marketing tại đây hoặc Quảng cáo tại đây. Các khóa học cũng có cái hay cái dở, nhưng các em có thời gian thì đăng ký một số khóa, để có cái ‘cảm giác’ khi nhìn những người làm Marketing hay Truyền thông nó trông như thế nào.

Tuấn Anh là cựu sinh viên Truyền thông của Đại học RMIT, cũng trải qua nhiều công việc Marketing trước khi đang làm tư vấn hướng nghiệp như hiện tại. Nếu em muốn một hai buổi trò chuyện về hướng nghiệp hai ngành này, có thể đăng ký cùng Tuấn Anh tại đây: https://anhtuanle.com/tuvan/

4/ Những Trải Nghiệm Tại RMIT Nên Có

Trong các buổi tư vấn cho các em chuẩn bị vào RMIT, Tuấn Anh thường dành một chút thời gian chia sẻ về những trải nghiệm nên làm khi đã vào RMIT rồi, vì một cục tiền bỏ ra mà chỉ để học không thì phí quá, phải tận dụng triệt để. Các trải nghiệm đó là:

  • Phòng Job Shop (Career Centre) của RMIT có rất nhiều hoạt động hay như sửa CV, tìm việc thực tập, kết nối với chuyên gia trong ngành, các lớp học kỹ năng – mà lại hoàn toàn miễn phí. Nếu đã là sinh viên trường R thì nên tận dụng, đừng mất công bỏ tiền ra ngoài làm chi.
  • RMIT có phòng y tế chất lượng quốc tế vô cùng xịn xò, nếu có hắt hơi sổ mũi – hãy chui vào đó trước tiên. Ngoài ra còn có phòng tư vấn tâm lý, nên nếu có thất tình buồn chán bố mẹ – đừng ngần ngại chui vào.
  • Nhớ tham gia CLB, vì kinh nghiệm của anh cho thấy – các mối quan hệ việc làm, những cơ hội hay ho sau này toàn từ CLB mà ra cả.

Trên đây là một vài chia sẻ ghi lại sau các ca tư vấn của Tuấn Anh cho những bạn đang quan tâm đến RMIT. Bước 1-2-3 hoàn toàn có thể áp dụng cho ngành khác và trường khác. Nếu bạn cần tư vấn hướng nghiệp, có thể đăng ký với Tuấn Anh tại đây nhé: https://anhtuanle.com/tuvan/

___

Một số bài viết khác:

  • Người hướng nội học truyền thông
  • Câu Chuyện Chọn Ngành Truyền Thông Của Tôi
  • Tìm Kiếm Một Nghề Theo Đuổi Suốt Đời

Nguồn thông tin trong bài:

  • Tham khảo: Hình 1. Mô hình Mật mã Holland. Tái bản từ Sông An, của Phoenix Hồ, 2011, Truy xuất từ https://huongnghiepsongan.com/.
  • Tham khảo: Hình 2. Mô hình công thức tuyển dụng. Tái bản từ Sông An, của Phoenix Hồ, 2019, Truy xuất từ https://huongnghiepsongan.com/.

Chia sẻ lại bài viết này:

  • Twitter
  • Facebook
  • Email
  • LinkedIn
Thích Đang tải…

Từ khóa » Ngành Truyền Thông ở Rmit