“Mắt Biếc” đến Oscar để Làm Gì? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Phim “Mắt biếc” dự giải thưởng Oscar lần thứ 93

Nhưng, cũng phải thể tất mà nói rằng, thật ra, nếu không đẩy “Mắt biếc” đem chuông đi đánh xứ người thì điện ảnh Việt, với chừng ấy phim làng nhàng như nhau, sẽ phải chọn tác phẩm nào đây?

1. Dẫu rất khó định hình được “Mắt biếc” thuộc thể loại gì, phim ca nhạc hay chính kịch lãng mạn, nhưng với tôi, nó không phải là bộ phim biểu đạt điều gì thật sự rõ ràng, cụ thể để Oscar nhìn ra đấy là Việt Nam, ngoại trừ việc nó trở nên quá lạc lõng so với mặt bằng chung của điện ảnh khu vực và thế giới. Một chuyện phim xoay quanh tình yêu từ thuở thanh mai trúc mã của Ngạn và Hà Lan giống hệt các chuyện tiên đồng ngọc nữ là đủ để lớp khán giả trẻ ngất ngây vẽ vời màu sắc cổ tích, lãng mạn trong thời hôm nay tuy lỉnh kỉnh kim tiền nhưng đôi khi thiếu thốn, trống rỗng cảm xúc mơ mộng.

Không cần chú mục đến tính xác thực bối cảnh lịch sử xã hội, không quá quan tâm đến sự hợp lý hay phi lí của tình huống, chuyện phim, vốn dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, cứ nhất quyết pha thật đậm đặc những chi tiết có lẽ vô trùng để thuyết phục người xem tin về thứ tình yêu kiên gan bền bỉ của Ngạn dành cho Hà Lan.

Poster Phim “Mắt biếc”

Gặp Hà Lan khi còn quần đùi ục ịch đến trường tiểu học, Ngạn đã lập tức si tình, và thay vì già đi theo năm tháng để biết rằng nghệ thuật hóa trang hãy còn đất dụng võ, Ngạn vẫn cứ trẻ như ngày vào lớp 10, từ khuôn mặt, vóc dáng thanh mảnh đến quần áo phẳng phiu và đôi dép quai hậu chỉn chu, chỉ để minh chứng tuổi ba lăm vẫn không thay đổi mảy may tình si với Hà Lan, người giờ đây đã là mẹ đơn thân.

Chưa đủ lê thê mười mấy năm nuôi mộng theo đuổi mỹ nhân, đạo diễn còn để cho Trà Long, con gái của Hà Lan, đứa bé mà Ngạn chăm nom từ ẵm ngửa, đột nhiên nảy sinh tình cảm với Ngạn, khiến anh chàng nhạc sĩ nửa mùa này phải khăn gói rời làng Đo Đo như một cách giải thoát khỏi tình thế oái oăm lẫn đau khổ. Phẩm chất cao thượng, thậm chí, anh hùng của Ngạn, gây tá hỏa cho người xem vì hai lần chàng phải dùng đến tay chân/bạo lực để bảo vệ người đẹp và chứng tỏ khí nam nhi tuy giọng nói thều thào nhưng sẵn lòng đổ máu, sưng mặt mà không cần đền đáp.

Nhưng như bi kịch muôn đời, một kiểu bi kịch mà ai cũng đoán được: Hà Lan lên phố thị học hành rồi nhanh chóng tha hóa, bị lừa tình, về sau tự mình gây dựng nghề may, kết thúc tuổi xuân xanh bằng việc ngộ ra tình cảm chân thành của Ngạn. Nói tóm lại, chỉ xét ở chuyện phim thì “Mắt biếc”, quả thật, không khác chuyện tình tạp kĩ, chẳng cao trào, không hồi hộp, trước sau ngân nga sướt mướt những ngập ngừng, thẹn thùng và đắn đo, nuối tiếc. Nó hoàn toàn có thể vừa khuôn với bất cứ thêu dệt yêu đương nào, trong văn chương huê tình trung đại, trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, và đương nhiên rồi, trong dòng phim truyền hình Hàn Quốc.

Nhưng điều làm “Mắt biếc” trở nên gần hơn với một MV ca nhạc kéo dài ấy là sự lởm khởm trong nghệ thuật dàn cảnh, quay phim và diễn xuất. Không thể nào hình dung nổi một ngôi trường đông kín nữ sinh mà ở mỗi cảnh khác nhau, vẫn chừng ấy cặp sách màu đen như được in từ gia công từ một xưởng, không thèm phai màu hay cộm lên chút ít sách vở gọi là.

Cũng không thể tưởng tượng nổi ở cái chợ quê tạm bợ của làng Đo Đo mà rổ rá, mẹt, nia bày biện đều mây tre mới tinh tươm như vừa "mua lô" từ làng nghề truyền thống. Nhà của Hà Lan thì mái lá vách đất không kém gì những bộ phim tố khổ của người nông dân trước 1945, nhưng người mẹ, lạ kì thay, hơi đẫy đà trong bộ bà ba nguyên đường chỉ may, óng ả như vừa sắm vội từ cửa hàng thời trang. Khung cảnh làng Đo Đo thì phải lung linh sắc nắng vàng bảng lảng sương khói, còn nơi hẹn hò của Hà Lan và Ngạn thì nhất định phải là đồi sim bạt ngàn màu tím. Nàng áo dài, chàng đàn guitar. Thư tình, sổ lưu niệm. Xe đạp và xe cup Honda.

Đối xứng và hài hòa, có sông có hồ, có đường làng và đường phố, nguyên sơ tinh khiết của ban mai gối tiếp lên chiều tà bảng lảng. Không hình ảnh nào là không trau chuốt theo bài trí vintage thời thượng hôm nay, không góc máy nào là không chỉnh màu đúng mốt hoài niệm tràn lan trên mạng xã hội. Tất cả, cố nhiên ai cũng hiểu là dàn dựng, là để phim ảnh ra chiều ngợi ca vẻ đẹp trong trẻo và bình yên, nhưng chính vì mĩ lệ và ước lệ hóa mà nó trở nên sống sượng và giả tạo, đỏm đáng và hợm hĩnh. Một lối làm phim không phong cách, không có ngôn ngữ nghệ thuật riêng, ngoại trừ, duy nhất, chỉ để bắt trend khán giả háo khẩu vị giải trí và dừng lại đó, hời hợt và giản đơn, sau khi mang về chừng 180 tỉ doanh thu.

2. “Mắt biếc” không phải là trường hợp đầu tiên cho thấy thực trạng điện ảnh Việt Nam đang thiếu những bộ phim toát lên được phong cách hoặc một phẩm tính nào đó đáng kể. Chúng ta cũng không có nhiều đạo diễn tài năng và cá tính để theo đuổi tận cùng quan niệm, tinh thần nghệ thuật của mình. Sự chú mục chiều chuộng và chịu áp lực phải có khán giả khiến các nhà làm phim chỉ thuần túy phụng sự phòng vé hơn là khao khát sáng tạo, làm mới, ghi dấu ấn nghệ thuật.

Cảm giác các bộ phim doanh thu càng cao thì sự đèm đẹp, nhàn nhạt trong từng thước phim càng lớn. Mươi năm trước, ít nhất, khán giả còn trầm trồ và cũng đau đầu khi phân tích, cảm nhận những phim như “Mê Thảo thời vang bóng” (2002), “Mùa len trâu” (2004), “Chơi vơi” (2009), “Bi, đừng sợ” (2010), thì vài năm gần đây, điện ảnh Việt hầu như chỉ cạnh tranh nhau ở con số doanh thu. Khán giả nườm nượp và suất chiếu giờ vàng ở các rạp lớn trở thành tiêu chí đánh giá thành công hay thất bại của bộ phim. Dĩ nhiên, điện ảnh sinh ra không để cho mươi người xem và bình luận. Điện ảnh tư nhân, vì còn liên quan đến đồng tiền bát gạo làm ăn, càng không thể sản xuất phim chỉ để thỏa mãn vài khán giả chuyên môn khó tính. Nhưng điện ảnh vẫn còn đó rất nhiều đạo diễn biết kháng cự tính đại chúng, hoặc ít ra, họ biết cách kết hợp tinh tế giữa mục tiêu giải trí và ý hướng sáng tạo cá nhân. Chúng ta cứ xuýt xoa rồi kêu gọi học tập điện ảnh Hàn, điện ảnh Iran.

Nhưng chúng ta vẫn còn đó, nếu không muốn nói là còn một cách bền bỉ và trung thành, những khán giả và nhà làm phim chỉ muốn cùng nhau đến rạp rồi vui vẻ ra về. Không cần quá nhiều nghĩ ngợi, ngại thử sức với những gì "khó xem", điện ảnh Việt tới hay lui vẫn chừng ấy khẩu vị. Hết hài sang lãng mạn, hết tình cảm sến súa sang bạo lực, sau những tiểu thư nhà giàu thì đến con gái nhà lành, trước đây thành thị chân dài thì giờ đây đồng quê yên ả nên thơ. Tôi không thuộc tuýp khán giả trông chờ thông điệp hay ẩn ý gì lớn lao, phức tạp trong phim ảnh, nhưng tôi nghĩ, đã đến lúc những khán giả am hiểu điện ảnh thực sự nên giật mình vì bức tranh điện ảnh Việt đang gắn mác giải trí quá lâu. Một vài phim hiếm hoi bứt ra khỏi tình thế đó, đáng tiếc thay, lại đơn độc và gặp khó khi phát hành, tiếp nhận.

Trước “Mắt biếc”, những “Hai Phượng” (2019, Lê Văn Kiệt), “Cô Ba Sài Gòn” (2017, Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn), “Cha cõng con” (2017, Lương Đình Dũng), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015, Victor Vũ), “Trúng số” (2015, Dustin Nguyễn), “Mùi cỏ cháy” (2012, Nguyễn Hữu Mười), cũng đều lần lượt sớm rời cuộc chơi ở Oscar. Trong khoảng thời gian đó, hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (nay đổi tên là Phim Quốc tế xuất sắc nhất) mà các phim trên tham dự tranh giải, đã liên tục chào đón các nền điện ảnh nhỏ hoặc mới nổi. Danh mục rút gọn có phim của những quốc gia mà về bối cảnh kinh tế-xã hội cũng không quá vượt trội Việt Nam là mấy, như Bosnia & Herzegovina, Palestine, Jordan, Lebanon...

Một cảnh trong phim “Mắt biếc”

Các quốc gia châu Á thắng giải cũng không quá ít: năm 2000 là “Ngọa hổ tàng long” của Lý An (Đài Loan), năm 2008 là “Người tiễn đưa” của Takita Yojiro (Nhật Bản), năm 2012 là “Cuộc chia ly” và năm 2016 là “Người bán hàng” của Asghar Fahardi (Iran), năm 2019 là “Ký sinh trùng” của Bong Joon-ho (Hàn Quốc). Trong danh sách 15 phim rút gọn của Oscar năm nay, châu Á tiếp tục có Đài Loan (phim “A Sun”), Hong Kong (phim “Better Days”) và Iran (phim “Sun Children”). Một số tên tuổi khác còn đáng chú ý hơn như Guatemala (phim “La Llorana”), Bosnia & Herzegovina (phim “Quo Vadis, Aida?”), Tunisia (phim “The Man Who sold His Skin”), Bờ Biển Ngà (phim “Night of the Kings”). Có thể nói, hạng mục càng ngày càng hấp dẫn và kịch tính này chính là cơ hội để công chúng không chỉ thưởng thức những thước phim đặc sắc của nhiều quốc gia khác nhau mà còn, theo hiệu ứng tình cảm dân tộc, có thể bộc lộ niềm tự hào, vui sướng hay khao khát chờ đợi.

3. Như thế, “Mắt biếc” đến Oscar không phải gieo hi vọng hay bày tham vọng thắng giải, mà chỉ để giúp khán giả Việt, sau khi say mê đến mức thuộc lòng lời thoại của bộ phim này, biết kiên nhẫn tiếp tục chờ đợi, dù chỉ là một phim lọt vào danh sách rút gọn ở các năm sau. Nỗi mong chờ ấy, có lẽ, cũng thường trực và mãnh liệt như trông giải Nobel cho văn chương tiếng Việt vậy!

Từ khóa » Phim Mắt Biếc Thuộc Thể Loại Gì