Mất Xe Tại Nhà Hàng, Quán Cafe, Ai Chịu Trách Nhiệm? - LuatVietnam

Việc gửi và trông giữ xe là hoạt động diễn ra hàng ngày, đặc biệt là tại các nhà hàng, quán cafe khi có một lượng lớn khách đến ăn uống. Vậy nếu khách hàng bị mất xe tại nhà hàng, quán cafe thì ai phải chịu trách nhiệm?

Nhà hàng, quán cafe phải trông xe cho khách?

Hiện nay, các quán ăn, nhà hàng, quán cafe (gọi tắt là cửa hàng) thông thường đều có nhân viên trông, giữ xe cho khách hàng. Đây có thể chính là nhân viên của cửa hàng đó hoặc có thể được thuê từ một công ty bảo vệ để trông, giữ xe cho khách hàng.

Với những cửa hàng có bố trí nhân viên trông giữ xe, dù là nhân viên quán hay nhân viên bảo vệ của công ty bảo vệ thì về mặt pháp luật, giữa nhà hàng và khách hàng cũng đã tồn tại một giao dịch gửi giữ tài sản.

Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản được định nghĩa như sau:

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Trong đó, theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản.

Có thể thấy, nếu đi đến các cửa hàng mà có vé gửi xe hoặc có nhân viên, chủ cửa hàng, nhân viên bảo vệ trông giữ xe cho khách thì đều có thể xem là giao kết hợp đồng gửi giữ dưới hình thức là giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể.

Tuy nhiên, thực tế thì không phải mọi cửa hàng đều có người trông giữ xe. Đồng thời, cũng không có quy định nào bắt buộc cửa hàng phải trông giữ xe cho khách hàng. Do đó, trông giữ xe không phải nghĩa vụ bắt buộc mà mỗi cửa hàng phải thực hiện.Ai phải bồi thường khi gửi xe bị mất ở nhà hàng, quán ăn? Tình trạng khách hàng bị mất xe tại nhà hàng, quán cafe khá phổ biến (Ảnh minh họa)

Ai phải bồi thường khi gửi xe bị mất ở nhà hàng, quán ăn?

Việc mất xe khi đến cửa hàng là một việc không ai mong muốn. Tuy nhiên, để xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có thể xét hai trường hợp sau đây:

Khi cửa hàng không có nhân viên giữ xe - không thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản với khách hàng

Khi cửa hàng không có điều kiện bố trí nhân viên trông giữ xe cho khách, không có nhân viên bảo vệ hướng dẫn khách đỗ xe, đậu xe cho khác hoặc không có thông báo về việc sẽ nhận trông, giữ xe cho khách trong thời gian khách ăn, uống tại cửa hàng thì giữa khách hàng và cửa hàng không tồn tại thỏa thuận gửi giữ tài sản.

Đặc biệt, có một số cửa hàng còn dán thông báo “khách hàng tự bảo quản đồ đạc, mũ bảo hiểm, phương tiện… Nếu mất, cửa hàng không chịu trách nhiệm”.

Do đó, trong trường hợp này, nếu khách bị mất xe thì chủ cửa hàng sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự, nếu có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trong trường hợp này, do không hình thành thỏa thuận gửi giữ giữa chủ cửa hàng và khách hàng nên cửa hàng không có nghĩa vụ phải trông xe cho khách. Do đó, nếu mất xe thì chủ cửa hàng cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Khi cửa hàng có vé xe, có người trông giữ xe cho khách hàng - hai bên thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản

Ngược lại với trường hợp trên, nếu hai bên có thỏa thuận gửi giữ tài sản thì căn cứ khoản 2 Điều 556 Bộ luật Dân sự, bên gửi tài sản - khách hàng có quyền:

Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đồng thời, bên phía cửa hàng - người giữ tài sản cũng phải có nghĩa vụ nêu tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự:

Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng

Căn cứ quy định này, có thể thấy, khi xảy ra việc mất xe mà giữa khách hàng và cửa hàng có thỏa thuận gửi giữ (có vé xe hoặc có bảo vệ trông xe, có nhân viên trông xe, dắt xe hoặc không yêu cầu khách hàng phải tự bảo quản xe…) thì bên phía cửa hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.

Mức bồi thường khi bên trông giữ xe làm mất xe

Bởi trong trường hợp còn tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản thì khi xe bị mất, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Việc xác định mức bồi thường trong trường hợp này dựa vào giá trị của chiếc xe bị mất.

Theo đó, có một số cách mà người bị mất xe và cửa hàng có thể tham khảo để xác định mức bồi thường trong trường hợp này.

1/ Thuê tổ chức thẩm định giá

Đây là một trong những cách thường được nhiều người lựa chọn. Bởi khi có sự thẩm định giá của một tổ chức thẩm định giá uy tín thì việc xác định giá trị còn lại của chiếc xe cũng trở lên dễ dàng hơn cũng như “dễ thuyết phục” cả hai bên hơn.

2/ Có thể tham khảo giá tại một số hãng bán xe cũ

Dựa vào cách này, người bị mất xe và chủ cửa hàng có thể tham khảo giá bán của một số cửa hàng bán xe uy tín để xác định giá trị của chiếc xe bị mất thông qua giá bán của những chiếc xe cùng loại, cùng hiệu, cùng thời gian sử dụng.

3/ Tính giá trị xe còn lại như cách tính lệ phí trước bạ xe cũ

Đây cũng là một trong những phương án được nhiều người lựa chọn tuy nhiên nó khá phức tạp, mất thời gian. Tuy nhiên, dựa theo cách tính này thì con số được đưa ra sẽ “khá chuẩn”.

Lưu ý: Cách tính giá trị xe này là cách tính giá trị còn lại của xe cũ bởi xe đã được đưa vào sử dụng.

Cụ thể, công thức tính giá trị xe còn lại được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 20/2019/TT-BTC như sau:

Giá trị còn lại của xe cũ = Giá xe mới x % chất lượng còn lại

Trong đó:

- Phần trăm (%) chất lượng còn lại được tính dựa theo số năm đã sử dụng xe theo bảng sau đây:

STT

Thời gian đã sử dụng

Giá trị còn lại so với xe mới

1

Trong 01 năm

90%

2

Từ trên 01 đến 03 năm

70%

3

Từ trên 03 đến 06 năm

50%

4

Từ trên 06 đến 10 năm

30%

5

Trên 10 năm

20%

- Giá xe mới được ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 618/QĐ-BTC.

Ví dụ: Xe máy Honda SH 125 có giá tính lệ phí trước bạ là 96 triệu đồng. Xe này được mua mới và đã sử dụng được 04 năm. Do đó, khi bị mất, xe này có giá trị % chất lượng còn lại là 50% so với xe mới.

Vậy giá xe SH 125 làm căn cứ để tính mức bồi thường là: 96 triệu đồng * 50% = 48 triệu đồng. 

Theo đó, hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường cụ thể dựa trên giá trị xe còn lại của chiếc xe SH 125 này là 48 triệu đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc giải quyết trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này sẽ rất khó vì còn phụ thuộc vào việc người bị mất xe có thể chứng minh tồn tại thỏa thuận gửi giữ tài sản không nên, chủ cửa hàng có đồng ý bồi thường hay không.

Dù vậy, nếu không thỏa thuận được, người gửi xe vẫn có thể khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu chủ cửa hàng bồi thường thiệt hại cho mình.

Khi khởi kiện tại Tòa, khách hàng bị mất xe có thể tìm kiếm và xuất trình các chứng cứ như giấy tờ xe, hình ảnh trích xuất từ camera, lời khai của các bên, nếu có vé xe thì phải xuất trình vé xe… để làm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trên đây là quy định về việc mất xe tại nhà hàng, quán cafe, ai chịu trách nhiệm? Nếu còn thắc mắc độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

>> 2 cách cần nhớ khi muốn thay đổi mức bồi thường thiệt hại

Từ khóa » Gửi Xe Tại Quán Cà Phê