Mất Xe Tại Quán Cafe, Ai Phải Chịu Trách Nhiệm - Luật Sư X

Thưởng thức và trải nghiệm những thức uống ngon tại những quán cafe đem lại cho chúng ta những phút giây thư giãn tuyệt vời. Tuy nhiên, sẽ thật đáng tiếc nếu có những sự cố mất mát xảy ra đối với những chiếc xe của chúng ta khi lui tới những quán cafe. Vậy mất xe tại quán cafe thì trách nhiệm thuộc về ai?

Căn cứ:

  • Bộ luật dân sự 2015

Nội dung tư vấn

Do đặc thù kinh tế xã hội Việt Nam, phần lớn người dân đều di chuyển bằng phương tiện xe máy. Tuy nhiên, đây cũng là phương tiện mà những kẻ xấu có thể trộm đi bất cứ lúc nào trong những trường hợp chủ xe hoặc người trông giữ sơ hở. Có rất nhiều vụ mất xe máy ở những hàng quán, cửa hiệu đã diễn ra trong thời gian qua. Điểm chung của những vụ mất trộm xe máy đều xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của phía khách hàng hoặc phía chủ cửa quán. Trong những trường hợp đáng tiếc như vậy, trách nhiệm sẽ được xem xét dựa trên nhiều yếu tố cụ thể.

1. Trách nhiệm thuộc về chủ quán

Ở đa số các quán cafe hiện nay, các chủ quán đều bố trí nhân viên trông giữ xe hoặc thuê một bên thứ 3 là các công ty bảo vệ thực hiện việc trông giữ xe cho khách hàng tới quán uống cafe. Bởi lẽ, các “thượng đế” chẳng thể nào vừa ngồi nhâm nhi thưởng thức hương vị của tách cafe ở trong quán, mà vừa phải thấp thỏm lo lắng về chiếc xe của mình dựng ở phía bên ngoài quán được. Dù pháp luật không quy định bắt buộc các quán cafe phải có nghĩa vụ trông giữ xe cho khách hàng, nhưng từ lâu việc trông giữ xe cho khách hàng được coi là một dịch vụ tối thiểu nhất mà các quán cafe phải cung cấp cho khách hàng của mình.

Từ góc nhìn pháp luật, đối với những quán cafe nhận trách nhiệm trông giữ xe cho khách hàng được thể hiện thông qua việc bố trí nhân viên có nhiệm vụ trông giữ, hướng dẫn khách hàng đậu đỗ xe ngay từ những giây phút đầu tiên khách hàng tới không gian của quán. Đây được xem là một giao dịch dân sự giữa quán cafe và khách hàng của mình. Quán cafe sẽ cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình bao gồm cả việc trông xe trong suốt quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ trong quán. Về bản chất đây là một giao dịch dân sự được pháp luật quy định dưới dạng Hợp đồng gửi giữ tài sản. Do hợp đồng gửi giữ có thể được thực hiện thông qua những hành động, lời nói cụ thể. Do đó, việc nhân viên hướng dẫn đậu đỗ xe, ghi vé xe đưa cho khách hàng được xem là hành vi giao kết hợp đồng gửi giữ xe giữa khách hàng và quán cafe. Chiếc vé gửi xe lúc này là một bằng chứng quan trọng để khách hàng có thể đòi bồi thường khi có việc mất trộm xảy ra.

Khi xảy ra việc bị mất xe trong những trường hợp này, trách nhiệm đương nhiên sẽ thuộc về chủ quán. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 1 và 4 Điều 557 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ quán với vai trò là bên giữ tài sản sẽ phải có nghĩa vụ trông giữ và bảo quản chiếc xe và phải bồi thường cho khách hàng khi có thiệt hại, mất mát xảy ra.

Điều 557. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

1. Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

…..

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, nếu xảy ra việc bị mất xe trong trường hợp quán có bố trí nhân viên trông giữ thì khách hàng có thể yêu cầu chủ quán bồi thường thiệt hại bằng với giá trị chiếc xe tại thời điểm mất xe. Nếu chủ quán không chấp nhận bồi thường thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Lưu ý rằng, khi phát hiện ra việc mất xe, khách hàng phải ngay lập tức báo cho phía chủ quán cafe biết sự việc. Đồng thời yêu chủ quán cầu hoặc chủ đông thông báo công an tới ghi nhận sự việc mất xe.

2. Trách nhiệm thuộc về khách hàng

Thực tế, hiện nay có một số trường hợp đặc biệt, do những điều kiện khách quan hoặc chủ quan nhất định mà chủ quán cafe không thể trông giữ xe cho khách hàng. Do đó, họ sẽ không bố trí nhân viên trông, giữ xe cho các khách hàng đến với quán của mình. Lúc này, nghĩa vụ trông giữ và bảo quản xe thuộc về khách hàng trong suốt quá trình thưởng thức cafe. Để tránh sự hiểu lầm của khách hàng, đối với các quán cafe không nhận trách nhiệm trông giữ xe thì phải thể hiện ý chí đó bằng việc treo bảng thông báo “Khách hàng tự bảo quản đồ đạc, phương tiện”. Đối với những trường hợp mất xe xảy ra khi quán đã treo biển thông báo khách hàng tự bảo quản thì khách hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và quán cafe sẽ không có nghĩa vụ phải đền bù cho khách hàng.

Nhưng như đã nói ở trên, do hầu hết tất cả các quán cafe hiện nay đều đảm nhận nghĩa vụ trông giữ, bảo quản và bố trí nhân viên trông giữ xe cho khách hàng. Bởi vậy, việc này được xem là một thông lệ. Một ví dụ điển hình cho việc chủ quán không có nghĩa vụ đền bù cho khách hàng khi bị mất xe đó là vụ việc xảy ra ở Tp. Hồ Chí Minh. Cả tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm đều đồng quan điểm khi tuyên bản án quyết định chủ quán không có nghĩa vụ phải bồi thường cho khách hàng khi xảy ra việc mất xe mà chủ quán đã thông báo việc khách hàng tự bảo quản phương tiện bằng biển báo.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư hành chính tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
5/5 - (1 bình chọn)

Từ khóa » Gửi Xe Tại Quán Cà Phê