Máu Là Gì? Chức Năng Của Máu - Pacific Cross Vietnam

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • Tổng quan về máu
    • Máu là gì?
    • Lượng máu ở người trưởng thành
  • Cấu tạo và chức năng của máu là gì?
    • Các tế bào máu
    • Huyết tương

This post is also available in: English

chức năng của máu

Tổng quan về máu

Máu là gì?

Máu là một mô lỏng, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu chuyên chở O2 và CO2 trao đổi giữa phế nang và các tổ chức tế bào; vận chuyển đường, các axit amin, các axit béo, các vitamin… đến cung cấp cho các tổ chức tế bào. Máu lưu thông khắp cơ thể lấy những chất cặn bã của chuyển hóa tế bào đưa đến các cơ quan bài xuất như thận, phổi, tuyến mồ hôi…

Máu có các kháng thể, kháng độc tố… tham gia vào cơ chế bảo vệ cơ thể. Máu mang các hormone, các loại khí O2 và CO2, các chất điện giải khác nhau như Ca++, K+, Na+… để điều hòa hoạt động các nhóm tế bào, các cơ quan khác nhau trong cơ thể nhằm đảm bảo sự hoạt động đồng bộ của các cơ quan trong cơ thể.

Máu còn có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể một cách nhanh chóng làm cho các phần khác nhau trong cơ thể luôn có cùng một nhiệt độ tương đương như nhau.

chức năng của máu

Lượng máu ở người trưởng thành

Lượng máu ở người khỏe mạnh tương đối ổn định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, cân nặng… Lượng máu tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, mỗi người có trung bình từ 70 – 80ml máu/kg cân nặng. Lượng máu tương đối ổn định nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu bị mất đi hàng ngày.

Tuy vậy, nếu mất một lượng máu quá lớn hoặc chức năng sinh máu của tủy xương bị rối loạn thì lượng máu trong cơ thể mất ổn định. Lượng máu liên quan trực tiếp đến hoạt động của cơ thể như khi mất nhiều mồ hôi, hoặc mất nước thì lượng máu có thể giảm do bị cô đặc.

Trong những trường hợp bệnh lý như thiếu máu do mất máu, do suy tủy… lượng máu trong cơ thể sẽ bị thay đổi tùy thuộc tình trạng bệnh lý. Nếu mất trên 1/3 tổng lượng máu thì cơ thể sẽ bị rối loạn chức năng của nhiều cơ quan, có thể gây sốc, thậm chí bị tử vong.

Cấu tạo và chức năng của máu là gì?

Máu gồm hai phần chính: các tế bào máu và huyết tương

Các tế bào máu

Hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố (chất làm cho máu có màu đỏ). Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển khí oxy (O2) từ phổi đến các mô và nhận khí cacbonic (CO2) từ các mô tới phổi để đào thải. Đời sống trung bình của hồng cầu là 120 ngày; hồng cầu già bị tiêu hủy chủ yếu ở lách và gan. Tủy xương sinh các hồng cầu mới để thay thế và duy trì lượng hồng cầu ổn định trong cơ thể.

Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau với đời sống từ một tuần đến vài tháng: có loại làm nhiệm vụ thực bào tức là “ăn” các “vật lạ”, có loại làm nhiệm vụ “nhớ” để nếu lần sau “vật lạ” này xâm nhập sẽ bị phát hiện và nhanh chóng cơ thể sinh ra một lượng lớn bạch cầu tiêu diệt chúng, có loại tiết ra các kháng thể lưu hành trong máu để bảo vệ cơ thể…

Bạch cầu được sinh ra tại tủy xương. Ngoài việc lưu hành trong máu là chính, có một lượng khá lớn bạch cầu cư trú ở các mô của cơ thể để làm nhiệm vụ bảo vệ.

Tiểu cầu của máu là gì?

Chúng là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Ngoài ra, tiểu cầu còn làm cho thành mạch mềm mại, dẻo dai nhờ chức năng tiểu cầu làm “trẻ hóa” tế bào nội mạc. Đời sống của tiểu cầu khoảng 7 – 10 ngày. Cũng giống như hồng cầu và bạch cầu, tủy xương là nơi sinh ra tiểu cầu.

chức năng của máu

Huyết tương

Huyết tương của máu là gì? Đó là phần dung dịch, có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn còn có thành phần khác như: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng, các men… Huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý trong cơ thể, ví dụ sau bữa ăn huyết tương có màu đục và trở nên trong, màu vàng chanh sau khi ăn vài giờ. Nếu đơn vị máu có huyết tương “đục” sẽ không được sử dụng vì có thể gây sốc, gây dị ứng cho người bệnh.

Sự có mặt của những thành phần kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương sẽ quyết định sự khác nhau hay giống nhau giữa các cá thể, nên sẽ quy định nhóm máu tương ứng./.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng. Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Các bài viết lien quan chủ đề :

  • Bệnh ung thư máu: nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
  • Bệnh máu trắng là gì? Bệnh nhân sống được bao lâu?
  • Rối loạn mỡ máu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
  • Sử dụng các chế phẩm máu

Tài liệu tham khảo:

Giáo trình “Sinh lý học y khoa tập 1” – bộ môn Sinh lý học, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Giáo trình “Sinh lý học y khoa tập 1” – bộ môn Sinh lý, Sinh lý bệnh & Miễn dịch, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Cẩm nang vận động hiến máu tình nguyện, NXB Y học, 2013

Từ khóa » Chức Năng Chính Của Huyết Tương Và Hồng Cầu