Mẫu Phụ Lục Hợp đồng Kinh Tế Mới Nhất - Luật Trí Nam

Phụ lục hợp đồng có giá trị thế nào?

Về giá trị của phụ lục hợp đồng trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng, theo Luật sư Trí Nam

  1. Phụ lục hợp đồng như một phần bổ sung cho hợp đồng chính và được lập đồng thời với Hợp đồng chính: Phụ lục loại này thường quy định cụ thể về công việc thực hiện, tiêu chuẩn, hàng hóa, số liệu, giai đoạn, ngày tháng,… theo như Hợp đồng chính nhưng chi tiết và cụ thể hơn.
  2. Phụ lục hợp đồng để bổ sung hoặc sửa đổi một số quy định của Hợp đồng đã được lập trước đó: Phụ lục loại này thường là thay đổi các nội dung của Hợp đồng đã lập như: gia hạn hợp đồng, rút ngắn thời hạn Hợp đồng, điều chỉnh tăng hoặc giảm giá trị theo Hợp đồng, sửa đổi hoặc bổ sung một số hạng mục công việc thực hiện,…

Nguyên tắc soạn thảo phụ lục hợp đồng

Soạn thảo phụ lục hợp đồng đảm bảo đúng nguyên tắc luật định sẽ giúp đảm bảo giá trị của phụ lục hợp đồng sau khi ký kết. Các nguyên tắc lập phụ lục hợp đồng được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:

1. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng

Trong phụ lục hợp đồng, các bên có quyền tự do thỏa thuận thêm các điều khoản liên đến nội dung chính của hợp đồng trước đó.

Ví dụ, bên A và B cùng giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

Sau đó, xuất phát từ nhu cầu của hai bên, A và B ký kết thêm phụ lục hợp đồng mô tả những điều kiện chất lượng phương tiện vận chuyển, thời gian vận chuyển. Theo đó, những điều khoản trong phụ lục vẫn phù hợp với nội dung của hợp đồng chính.

Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rõ tại Khoản 2 Điều 403 như sau:

“Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

Đối với những điều khoản trong phụ lục có chứa điều khoản trái với nội dung hợp đồng chính thì sẽ được coi như điều khoản trong hợp đồng đã được sửa đổi nếu các bên đều chấp thuận.

Lúc này, những điều khoản ký kết sau trong phụ lục được coi như điều khoản mang tính chất sửa đổi hợp đồng.

2. Hiệu lực của phụ lục hợp đồng phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng

Bởi vì phụ lục hợp đồng được lập kèm theo hợp đồng chính, đồng thời nội dung của phụ lục hợp đồng cũng không được trái với nội dung hợp đồng, cho nên hiệu lực hợp đồng hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu lực của hợp đồng chính.

Điều kiện có hiệu lực của phụ lục hợp đồng

  • Điều kiện về nội dung phụ lục hợp đồng

Căn cứ điều 403 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nội dung hợp đồng như sau

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

  • Điều kiện về hình thức của phụ lục hợp đồng

Phụ lục hợp đồng phải lập thành văn bản trong đó

  1. Đánh số thứ tự tăng dần theo mốc thời gian ký kết hoặc phát sinh hiệu lực nếu hợp đồng có nhiều phụ lục.
  2. Việc công chứng, chứng thực phụ lục hợp đồng phải tuân theo quy trình ký kết hợp đồng chính.

Các dạng phụ lục hợp đồng thông dụng

  • Phụ lục bổ sung thông tin hợp đồng

Đây là dạng phụ lục hợp đồng ghi nhận nội dung chưa có trong hợp đồng kinh tế hoặc các bên thỏa thuận sẽ chi tiết thông tin bằng phụ lục. Nội dung phụ lục buộc phải ghi chi tiết “Bổ sung thông tin ABC/ Quy định chi tiết thỏa thuận về ABC trong điều bao nhiêu của hợp đồng chính”.

  • Phụ lục sửa đổi nội dung hợp đồng

Đây là dạng phụ lục hợp đồng có nội dung trái với hợp đồng chính nên rất dễ bị vô hiệu hoặc không phát sinh giá trị theo Bộ luật dân sự 2015. Vì vậy khi giao kết phụ lục hợp đồng cần ghi rõ sửa đổi điều khoản nào, thay thế điều khoản nào của hợp đồng và giá trị áp dụng của phụ lục hợp đồng.

  • Phụ lục gia hạn thời hạn hợp đồng

Phụ lục gia hạn hợp đồng để xác lập việc các bên thỏa thuận gia hạn thêm thời gian thực hiện hợp đồng. Khi thời hạn thực hiện được hợp đồng nhiều nội dung hợp đồng có thể thay đổi, người soạn thảo cần bổ sung thêm các thỏa thuận điều chỉnh cả nội dung này của hợp đồng chính.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa thỏa thuận mỗi tháng số lượng hàng hóa mua bán là 1.000 tấn gạo. Khi các bên gia hạn thời hạn hợp đồng thì sẽ làm tăng tổng giá trị hợp đồng mua bán hàng hóa.

Một hợp đồng được lập bao nhiêu phụ lục?

Bộ luật dân sự và luật thương mại không quy định số lượng phụ lục hợp đồng được phép ký kết để sửa đổi, bổ sung hợp đồng chính. Tuy nhiên đối với từng loại hợp đồng trong từng nội dung công việc khác nhau sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành liên quan. Hiện tại chỉ có phụ lục hợp đồng lao động bị giới hạn về số lần ký kết phụ lục điều chỉnh thời hạn của hợp đồng lao động, còn lại các loại hợp đồng khác các bên được tự do thỏa thuận số lượng và nội dung phụ lục hợp đồng.

Mẫu phụ lục hợp đồng kinh tế thông dụng

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG .../20.../HĐDV/...

Hôm nay, ngày tháng năm 20..., tại địa chỉ ... chúng tôi gồm:

1. BÊN A: CÔNG TY

Địa chỉ:

Đại diện:

Chức danh:

2. BÊN B: CÔNG TY

Địa chỉ:

Đại diện:

Chức danh:

Hai bên đồng ý ký kết phụ lục hợp đồng dịch vụ số .../HĐDV/20.../... để: SỬA ĐỔI/ BỔ SUNG/ THAY THẾ các điều khoản của hợp đồng chính.

1. Nội dung bổ sung/ sửa đổi/ thay thế:

2. Lý do bổ sung/ sửa đổi/ thay thế:

3. Cam kết của các bên:

- Thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận.

- Tạo các điều kiện theo quy định của pháp luật để bên còn lại thực hiện hợp đồng.

4. Thời điểm phát sinh hiệu lực:

5. Các nội dung khác

Phụ lục hợp đồng là một phần không tách rời của hợp đồng chính và được lập thành 02 bản bằng tiếng Việt, mỗi bên giữ 01 bản.

ĐẠI DIỆN BÊN A ĐẠI DIỆN BÊN B

Dựa trên mẫu phụ lục hợp đồng nói trên người soạn thảo có thể tùy nghi áp dụng cho việc Lập phụ lục hợp đồng mua bán hàng hóa, phụ lục hợp đồng xây dựng, phụ lục hợp đồng đại lý, phụ lục hợp đồng xây dựng,... trên thực tế. Mỗi loại hợp đồng có những đặc điểm riêng, mỗi nội dung sửa đổi bổ sung có những quy định pháp lý điều chỉnh khác nhau nên người soạn phụ lục cần có kiến thức chắc chắn để đảm bảo giá trị pháp lý phụ lục hợp đồng sau khi ký kết.

Chúc các bạn thành công.

Dịch vụ nổi bật:

+ Dịch vụ soạn thảo hợp đồng

+ Giải quyết tranh chấp hợp đồng

Từ khóa » Form Phụ Lục Hợp đồng Xây Dựng