Máu Tụ Dưới Màng Cứng - Tuổi Trẻ Online
Có thể bạn quan tâm
Ảnh minh họa. Nguồn: ufhealth.org
Màng não và khoang dưới màng cứng là gì?
Màng não là các lớp lót bảo vệ não, bao bọc xung quanh não trong hộp sọ và quanh tủy sống trong ống sống.
Có ba lớp màng não:
- Lớp ngoài cùng nằm sát xương sọ hoặc xương sống được gọi là màng cứng.
- Lớp giữa được gọi là màng nhện.
- Lớp trong cùng gần nhất với não hoặc tủy sống được gọi là màng mềm.
Cũng có ba khoang giữa các lớp màng não:
- Khoang ngoài màng cứng là khoang giữa hộp sọ và màng cứng. (Ở sọ, khoang này là khoang ảo - chỉ bị tách ra khi có bệnh lý).
- Khoang dưới màng cứng là khoang giữa màng cứng và màng nhện.
- Khoang dưới nhện là khoang giữa màng nhện và màng mềm.
Máu tụ dưới màng cứng là gì?
Máu tụ dưới màng cứng là khối tụ máu hình thành trong trong khoang dưới màng cứng. Nó thường xảy ra do một chấn thương ở đầu. Ví dụ, một người nào đó bị ngã và đập đầu, hoặc bị chấn thương đầu do tai nạn. Chấn thương đầu có thể làm tổn thương và gây ra chảy máu từ một hoặc nhiều mạch máu gần hoặc trong khoang dưới màng cứng. Máu chảy từ các mạch máu tụ lại trong khoang dưới màng cứng. Chấn thương ở đầu cũng có thể gây tổn thương nhu mô não cùng một lúc.
Máu tụ dưới màng cứng được gọi là:
- Cấp tính: Khi máu tụ hình thành nhanh chóng sau khi bị thương ở đầu, các triệu chứng có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trong vòng vài giờ.
- Bán cấp: Khi các triệu chứng xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi bị chấn thương.
- Mãn tính: Khi máu tụ từ từ sau một chấn thương đầu, các triệu chứng có thể xảy ra 2-3 tuần sau khi chấn thương ban đầu.
Nguyên nhân gây ra máu tụ dưới màng cứng?
Đôi khi máu tụ dưới màng cứng có thể là do chảy máu tự phát và không phải do chấn thương. Điều này có thể xảy ra nếu bạn có rối loạn đông máu nên dễ bị chảy máu hơn. Tình trạng này có thể là do dùng thuốc (Ví dụ: Thuốc kháng đông, như Warfarin - thuốc chống đông), do bệnh máu khó đông (haemophilia) hoặc do giảm tiểu cầu.
Một nguyên nhân hiếm gặp của máu tụ dưới màng cứng là chảy máu từ chỗ phồng lên của mạch máu, gọi là túi phình mạch não (aneurysm). Các thành của túi phình mạch não yếu, có thể vỡ và gây chảy máu.
Những người nào bị máu tụ dưới màng cứng?
Máu tụ dưới màng cứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ tụ máu dưới màng cứng sau một chấn thương đầu cao hơn:
- Những người lớn tuổi: Ở những người trên 60 tuổi một số các mạch máu xung quanh não có thể trở nên yếu hơn. Điều này làm cho chúng dễ bị tổn thương và chảy máu. Khi chúng ta già, bộ não có thể teo nhỏ bên trong hộp sọ một chút. Điều này làm căng các mạch máu và làm cho chúng dễ chảy máu hơn khi bị chấn thương ở đầu.
- Những người nghiện rượu: Nghiện rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng đông máu. Nó cũng có thể gây teo não như khi chúng ta già. Điều này cũng làm căng các mạch máu và tăng nguy cơ chảy máu. Những người nghiện rượu hay bị té ngã nhiều hơn và bị chấn thương đầu nhiều hơn.
- Những người điều trị thuốc kháng đông: Điều trị thuốc kháng đông (bao gồm cả điều trị bằng Aspirin hoặc Warfarin) cũng có thể làm tăng khả năng bị máu tụ dưới màng cứng sau chấn thương đầu.
- Em bé: Ở trẻ máu tụ dưới màng cứng có thể do rách tĩnh mạch trong khoang dưới màng cứng. Điều này có thể do bạo hành ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải tất cả máu tụ dưới màng cứng ở trẻ sơ sinh là do bạo hành gia đình và không nên luôn nghĩ như vậy. Máu tụ dưới màng cứng ở trẻ cũng có thể xảy ra do những nguyên nhân khác, như chấn thương đầu do tai nạn chẳng hạn.
Máu tụ dưới màng cứng có thường gặp không?
Chấn thương đầu thường nhỏ và không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người bị chấn thương đầu nhỏ sẽ không bị máu tụ dưới màng cứng.
Tuy nhiên, một trong ba người bị chấn thương đầu nặng sẽ có máu tụ dưới màng cứng. Với những lý do nêu trên, máu tụ dưới màng cứng thường gặp hơn ở bệnh nhân lớn tuổi.
Các triệu chứng của máu tụ dưới màng cứng là gì?
Não và màng não bao phủ nó vừa vặn trong hộp sọ. Nếu có máu tụ dưới màng cứng, cục máu đông lớn dần chiếm không gian trong hộp sọ và chèn ép mô não. Nó cũng gây tăng áp lực bên trong hộp sọ (gọi là tăng áp lực nội sọ). Sự gia tăng áp lực nội sọ có nghĩa rằng não bộ không thể hoạt động bình thường. Các triệu chứng có thể bắt đầu phát triển sau đó. Tuy nhiên, đôi khi, máu tụ dưới màng cứng nhỏ không tạo ra bất kỳ triệu chứng gì.
Máu tụ dưới màng cứng cấp tính
Các triệu chứng của máu tụ dưới màng cứng cấp tính thường xuất hiện ngay sau khi bị chấn thương đầu. Có thể là sau vài phút đến 24 - 48 giờ. Bạn có thể bị bất tỉnh ngay tại thời điểm chấn thương đầu nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Bạn có thể có một vài giờ tỉnh táo sau khi chấn thương, nhưng sau đó trở nên không khỏe. Bạn có thể bị ngất hay hôn mê khi khối máu tụ hình thành. Nếu bạn không ngất, bạn có thể cảm thấy ngầy ngật hay bị đau đầu rất nhiều. Bạn cũng có thể thấy khó chịu hoặc nôn mửa, có thể bị lú lẫn, yếu tay chân ở một bên và nói khó khăn. Đôi khi co giật có thể xảy ra.
Máu tụ dưới màng cứng bán cấp
Các triệu chứng sẽ tương tự như hình thức cấp tính mô tả ở trên (mất ý thức hoặc ngầy ngật, nhức đầu, buồn nôn và / hoặc nôn) nhưng chỉ rõ ràng sau 3-7 ngày.
Máu tụ dưới màng cứng mãn tính
Các triệu chứng của một tụ máu dưới màng cứng mãn tính thường không xuất hiện cho đến khoảng 2-3 tuần sau khi bị chấn thương đầu và ở một số người, có thể là vài tháng sau khi chấn thương. Trong thực tế, thường là chấn thương nhỏ hoặc bệnh nhân quên đã bị chấn thương đầu. Cụ thể hơn, bệnh này có thể xảy ra ở người lớn tuổi dùng thuốc kháng đông, hoặc những người nghiện rượu.
Các triệu chứng có xu hướng tăng dần. Thường gặp là chán ăn, buồn nôn và / hoặc nôn mửa. Nhức đầu rất hay có và nặng dần lên. Bạn có thể nhận thấy dần dần yếu tay chân ở một bên của cơ thể, nói khó khăn, rối loạn thị giác. Cũng có thể có tăng buồn ngủ, lú lẫn hoặc thay đổi tính cách. Đôi khi động kinh có thể xảy ra. Máu tụ dưới màng cứng mãn tính có thể khó phát hiện và đôi khi bị bỏ sót.
Những xét nghiệm cần làm khi nghi ngờ máu tụ dưới màng cứng?
Người nghi ngờ bị máu tụ dưới màng cứng nên được nhập viện. Đây là một tình trạng nặng và cần điều trị cấp cứu. Bạn cần được khám toàn diện để tìm những dấu hiệu của máu tụ dưới màng cứng nếu có. Bác sĩ cũng sẽ tìm các dấu hiệu của bất kỳ chấn thương khác mà bạn có thể có. Bác sĩ sẽ biết cách kiểm tra mức độ tỉnh táo của bạn, tìm bất kỳ dấu hiệu yếu chân tay và cũng kiểm tra đáy mắt của bạn để tìm dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ.
Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để tìm những lý do khác gây ra tình trạng lú lẫn của bạn. Xét nghiệm máu cũng có thể cho biết bạn có bị rối loạn đông máu hay không. Chụp CT scan đầu (hoặc đôi khi chụp MRI) là tốt nhất để phát hiện máu tụ dưới màng cứng. Bạn cũng có thể cần chụp X-quang phụ thuộc vào bất kỳ thương tích khác đang bị nghi ngờ.
Điều trị máu tụ dưới màng cứng như thế nào?
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào việc tụ máu là cấp tính hoặc mãn tính, kích thước của khối máu tụ và các triệu chứng mà bạn có.
Nếu máu tụ nhỏ, tụ máu dưới màng cứng cấp tính mà không có triệu chứng (hoặc các triệu chứng không nghiêm trọng), đôi khi nó có thể được điều trị chỉ bằng cách theo dõi cẩn thận. Cục máu đông được để cho cơ thể tự hấp thu. Bác sĩ thường sẽ khám nhiều lần để đánh giá mức độ tỉnh táo và để tìm bất kỳ triệu chứng có thể xuất hiện, chẳng hạn như đau đầu, yếu chân tay,... Có thể chụp CT kiểm tra nhiều lần để đảm bảo rằng khối máu tụ không tăng kích thước. Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng mới và tình trạng bệnh ngày càng xấu đi thì có thể cần phải phẫu thuật.
Phẫu thuật có thể được thực hiện ngay từ đầu nếu có máu tụ dưới màng cứng lớn, có những dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ hoặc có những vấn đề như yếu chân tay, rối loạn ngôn ngữ. Phẫu thuật gồm khoan lỗ sọ (burr hole) hoặc mở nắp sọ (craniotomy).
Khoan lỗ hộp sọ (burr hole) là lỗ nhỏ được khoan qua hộp sọ trên vị trí máu tụ hình thành. Qua những lỗ này, phẫu thuật viên có thể lấy hoặc hút máu tụ ra ngoài. Chỗ mổ sẽ được khâu kín hoặc dùng kẹp da.
Mở nắp sọ (craniotomy) là khi một phần của hộp sọ được cắt ra để bộc lộ não và màng não. Nó có thể làm giảm áp lực bên trong hộp sọ và mở đường để lấy khối máu tụ. Phần của hộp sọ cắt ra sẽ được đặt lại và cố định vào vị trí cũ.
Tiên lượng cho những người có máu tụ dưới màng cứng như thế nào?
Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương đầu gây ra máu tụ dưới màng cứng. Nhiều người bị máu tụ dưới màng cứng nhỏ có thể hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn. Nếu không có tổn thương mô não, 4 trong số 5 người bệnh sẽ sống sót nếu bị máu tụ dưới màng cứng cấp tính. Nếu có tổn thương nhu mô não đi kèm, tiên lượng thường nặng hơn. Một số người chết do hậu quả của khối máu tụ lớn trong não.
Biến chứng nhiễm trùng hoặc viêm màng não có thể xảy ra phẫu thuật cho máu tụ dưới màng cứng. Đôi khi, do cục máu đông chèn ép, não có thể bị những tổn thương vĩnh viễn như yếu chi, nói khó hoặc kém trí nhớ. Trong những trường hợp này, phục hồi chức năng và vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp và trị liệu ngôn ngữ có thể giúp cải thiện chức năng của người bệnh.
Tụ máu dưới màng cứng có thể được ngăn chặn không?
Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu như Warfarin, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đi xét nghiệm máu định kỳ. Những xét nghiệm này là để kiểm tra xem bạn đang dùng đúng liều và máu của bạn không quá loãng. Nếu máu của bạn trở nên quá loãng, bạn có nhiều khả năng bị máu tụ dưới màng cứng nếu bạn bị té ngã và đập đầu.
Tất cả mọi người cũng nên cẩn thận để cố gắng tránh nguy cơ té ngã và đập đầu. Bạn có thể làm những biện pháp đơn giản xung quanh nhà như bỏ những thảm trơn, hay dẹp những chướng ngại vật. Những người nghiện rượu nên tìm trợ giúp ở những trung tâm tư vấn cai rượu.
Nếu bạn hoặc con bạn tham gia vào các môn thể thao như đi xe đạp, trượt patin, trượt tuyết, đấm bốc hay trượt ván, bạn nên đội mũ bảo hiểm/ mũ bảo vệ để giảm nguy cơ những chấn thương đầu nghiêm trọng.
Từ khóa » Sọ Có Mấy Lớp
-
Cấu Tạo Của Màng Não | Vinmec
-
Khối Xương Sọ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Các Hàng Rào Liên Diện Của Não - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Giải Phẫu Xương Khớp đầu Mặt
-
Chấn Thương Sọ Não (TBI) - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Chụp CT đầu: Những điều Bạn Cần Biết Về CT Sọ Não
-
Giải Phẫu Học Và Chức Năng Của Não Bộ - Y Học Cộng Đồng
-
HỘI CHỨNG MÀNG NÃO - SlideShare
-
Khi Nào Cần Chụp CT Sọ Não Và Có Những Cách Chụp Nào? | Medlatec
-
Giải Phẫu Não: Chức Năng Và Các Lớp Của Màng Não
-
Chấn Thương Sọ Não Và Chấn Thương Tuỷ Sống Cổ đồng Thời Sau Tai ...
-
Xương Sọ Là Gì? Chức Năng Và Giải Phẫu Cấu Tạo Xương Hộp Sọ
-
Tăng áp Lực Sọ Não Trong Ung Thư
-
Một Số điều Cần Biết Về Nang Màng Nhện (Arachnoid Cyst)
-
Chẩn đoán Cắt Lớp Vi Tinh Trong Chấn Thương Sọ Não - Health Việt Nam
-
Xương Sọ: Cấu Tạo Hộp Sọ Người Và Thông Tin Cần Biết
-
Giải Phẫu Bộ Máy Nhai-khớp Thái Dương Hàm
-
Hệ Thần Kinh