Mẹ Của Họa Sĩ Nhí Xèo Chu: Con đang Vẽ Lên đời Mình Một Vết Son ...
Có thể bạn quan tâm
Báo chí nước ngoài gọi Xèo Chu là thần đồng hội họa và ví em như Jackson Pollock sau khi cậu bé tổ chức triển lãm tranh ở nước ngoài.
Để con được lớn lên như cỏ cây, hoa lá
Họa sĩ nhí Xèo Chu (tên thật Phó Vạn An) may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, sớm tiếp xúc với hội họa. Mẹ của Xèo Chu là chủ của chuỗi phòng tranh tại Sài Gòn trong hơn 20 năm qua nên đâu đó từ nhỏ, em đã được ngắm nhìn những mảng màu rực rỡ và được mẹ truyền lại tình yêu hội họa.
Họa sĩ Nguyễn Hải Anh và Xèo Chu tại triển lãm |
Xèo Chu là con út trong gia đình. Năm bốn tuổi, Chu muốn đến lớp học vẽ như hai anh trai của mình nhưng khi ấy em còn quá nhỏ, bố mẹ nghĩ con chỉ ham muốn nhất thời, không thể vẽ. Lần đầu, Xèo Chu ghé ngang lớp dạy vẽ vì rảnh rỗi trong một tiếng đồng hồ nhưng chẳng biết đi đâu. Lần thứ hai, khi được nghỉ một buổi học, Xèo Chu đến lớp để học vẽ màu một cách nghiêm túc.
“Lần đầu đến lớp học, Xèo Chu vẽ còn nguệch ngoạc, chưa được thầy giáo chú ý. Đến lần thứ hai, sau khi tự họa chân dung của mình, nếu những học trò khác nhìn mẫu của thầy giáo bày ra để vẽ lại thì Xèo Chu chọn vẽ về chiếc lưng của hai anh đang ngồi phía trước mình. Nhìn tranh vẽ, thầy giáo tấm tắc khen và bắt đầu quan tâm đến cậu nhóc bốn tuổi”, chị Nguyễn Thị Thu Sương, mẹ của Xèo Chu đồng thời là người sáng lập chuỗi phòng tranh Bến Thành Art và Galerie Nguyen, cho biết.
Xèo Chu là đứa trẻ khá ít nói, sống nội tâm. Để hiểu được con mình, ngoài dõi theo, trò chuyện, chị Sương còn nhìn tranh con vẽ để đoán biết tâm tư. Trong những lần đưa con đến một số triển lãm trong nước hay quốc tế, chị Sương quan sát thấy Xèo Chu có khuynh hướng yêu thích phong cách tranh bán trừu tượng. Đặc biệt, trước những bức vẽ phong cảnh, tĩnh vật có khuynh hướng vừa tả thực, vừa siêu thực, trừu tượng, Xèo Chu cực kỳ thích thú.
Một bức tranh trong triển lãm |
“Nhiều người nghĩ tôi có phòng tranh, am hiểu hội họa thì cũng sẽ định hướng Xèo Chu về phong cách vẽ, đề tài thể hiện. Không phải vậy. Mặc dù con còn nhỏ nhưng ngoài chuyện chọn cho con môi trường học, hướng cho con chơi với bạn bè như thế nào, dạy con cách đối nhân xử thế, cách ăn mặc ra sao… còn lại, tôi cho con được tự do lựa chọn. Đến năm 15 tuổi, khi sự nhận thức đã rõ ràng hơn, con sẽ được sống theo cách mà con mong muốn. Tôi nương theo tính cách của con mà ứng xử”, chị Sương nói thêm.
Sự nương theo con ở đây, theo lý giải của chị Sương, là việc chị không gò bó con vào khuôn khổ, ép con trở thành một hình mẫu mà chị mong muốn. Chị để Xèo Chu được lớn lên một cách tự nhiên, thoải mái thể hiện tâm tư, suy nghĩ. Tuy nhiên, để con tự do không có nghĩa mọi thứ con làm đều được chị cổ vũ hoàn toàn. Nếu thấy có “tín hiệu” nào bất thường, người mẹ ấy sẵn sàng khuyên răn, can thiệp.
“Con có cuộc đời của mình và đến tầm 15 tuổi trở đi, sự can thiệp của tôi ít dần. Tôi tôn trọng con, để con được tự do nhưng phải liên tục quan sát. Xèo Chu là đứa trẻ ít nói, hành động nhiều hơn, nếu tôi lơ là, có thể xảy ra những điều không mong muốn. Thật may, Xèo Chu là đứa trẻ ngoan, có hiếu với bố mẹ, biết chọn bạn mà chơi”, chị Sương tâm sự.
Xèo Chu bộc lộ rõ năng khiếu với hội họa, khác với nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên, theo chị Sương, sự đặc biệt này không nên được tô đậm để con thấy mình “khác người”, mà những lúc con khác biệt, con càng cần phải được hưởng một nền giáo dục, môi trường sống bình thường.
Từ đây, mẹ có bạn đồng hành
Mới đây, Xèo Chu vừa tổ chức triển lãm mang tên Flower 2020 - Big World, Little Eyes (tạm dịch: Hoa 2020 - Thế giới lớn qua đôi mắt nhỏ). Trong 20 bức tranh toàn vẽ về hoa, Xèo Chu nói rằng vì mẹ thích hoa nên trong thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19, em vẽ để mẹ có hoa mà ngắm. Trong năm nay, theo kế hoạch, Xèo Chu sẽ tổ chức hai triển lãm tranh tại châu Âu nhưng phải hoãn vì dịch bệnh.
Bức Vườn cà chua trước nhà |
Xèo Chu thích vẽ tranh và ngoài giờ học ở trường, hội họa là bộ môn chiếm nhiều thời gian nhất của cậu nhóc. Chị Sương cho biết đến hiện tại, Xèo Chu đã có gần mười năm theo đuổi hội họa. Nếu tiếp tục duy trì, có thể vẽ tranh sẽ là nghề nghiệp tương lai của con nhưng chị không ép nếu con chọn rẽ ngang. Xèo Chu có thể là họa sĩ, thầy giáo hay bất kỳ nghề nghiệp nào mà con thích. Khi lớn, Chu phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình.
“Đến hiện tại, tôi luôn hài lòng vì đã cho các con học thêm các môn nghệ thuật để phát triển một cách toàn diện. Các anh của Xèo Chu được học thêm đàn piano. Chu thì học hội họa. Các con rồi sẽ có thể chọn lựa ngành nghề nhưng đâu đó, tôi vui vì khi con gặp căng thẳng, chúng ngồi vào đàn hoặc vẽ tranh để giải tỏa áp lực. Để các con tiếp cận với nghệ thuật cũng là một trong những phương pháp hình thành nhân cách cho trẻ từ nhỏ”, mẹ của Xèo Chu chia sẻ.
Chị Sương nhớ mãi về hình ảnh cậu nhóc con mình ngồi thiền ở núi Yên Tử, nhớ cách Xèo Chu vẽ đầy hoa để mẹ được vui hay khi nhiều người ví tài năng của con giống một số họa sĩ lớn đương thời. Chị Sương mừng vui vì sự phát triển của con. Song, điều mà chị vui nhất là từ nay, trong hội họa, chị đã có con đồng hành.
Trong triển lãm vừa kết thúc của Xèo Chu, chị Sương có viết cho con một lá thư, một vài dòng nói rằng: “Mẹ, kiếp này, chọn nghệ thuật và hoa lá làm lẽ sống cho riêng mình. Con, bốn tuổi cầm cọ và vẽ lên một cuốn nhật ký của riêng con với nghệ thuật sâu lắng. Mẹ xin mạn phép gọi con là Xèo Chu - “Người bạn tri kỷ nghệ thuật” hay là “đồng nghiệp” của mẹ. Con vẽ cả bầu trời riêng của con có hoa, có lá, có biển, sông suối những nơi con đi qua. Và nay, con vẽ tình yêu hoa của mẹ lên tranh… Mẹ tin rằng, dù thế giới ngoài kia đầy rẫy bon chen mưu tính, dịch bệnh với nỗi hoảng loạn, thất vọng và chán chường, thì con, niềm đam mê và tâm an trong sắc màu, con đang vẽ lên đời mình một vết son bình yên giữa biến động cuộc đời”.
“Xèo Chu sống khá nội tâm và có phần hơi cô đơn trong nghệ thuật. Với Xèo Chu, tôi không muốn định hướng cách vẽ mà để con được tự do. Trong tranh của Xèo Chu có ánh sáng của sự thiện lương, hồn nhiên, trong trẻo. Tôi từng nói với Xèo Chu rằng con đừng bao giờ nghĩ mình là nghệ sĩ mà hãy để người khác nhìn con như một nghệ sĩ. Tôi rất mừng vì đến hiện tại, Xèo Chu vẫn không quan tâm đến sự nổi tiếng, chưa để ý rằng tranh của mình bán được bao nhiêu tiền. Tôi cùng Xèo Chu từng nhiều lần dạo quanh Sài Gòn để tìm chất liệu sáng tác. Khi đến bến sông bên Q.4 (TP.HCM), Xèo Chu thấy thích thú với cảnh vật và muốn vẽ. Khi con vẽ, nhiều bạn nhỏ sống gần đó đến đứng xung quanh xem và ao ước được vẽ như Chu nhưng không có điều kiện. Tôi nghĩ từ chính những lần như thế mà sau này, khi Xèo Chu bán được tranh, con hay quyên góp tiền để hỗ trợ những bạn nhỏ khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống”. Họa sĩ Nguyễn Hải Anh - thầy dạy vẽ đồng hành cùng Xèo Chu từ khi em năm tuổi |
Diễm Mi
Từ khóa » Tranh Vẽ Xèo Chu
-
Họa Sĩ Nhí Xèo Chu Và “con Thuyền Số” đưa Tác Phẩm Hội Họa Ra Thế ...
-
Xèo Chu Là Ai Và Tại Sao Chuyện Này Lại Gây Tranh Cãi? - Spiderum
-
Gặp Xèo Chu - Thần đồng Hội Họa Nhí Và Những Bức Tranh Tiền Tỉ
-
Họa Sĩ Nhí Xèo Chu đấu Giá Tranh được Gần 23.000 USD
-
Xèo Chu - Thần đồng Hội Họa Việt được Ví Như Danh Họa Pollock
-
Họa Sĩ Nhí Xèo Chu: Vẽ Tranh Là 1 Cách Vượt... | Facebook
-
Xeo Chu Arts - Posts | Facebook
-
“Thần đồng Hội Họa” Xèo Chu: Muốn đưa Cảnh đẹp Việt Nam Ra Thế ...
-
“Thần đồng Hội Họa” Xèo Chu - Báo Văn Hóa
-
Cây Cọ Nhí Xèo Chu: Tiếp Lửa Hội Họa Bằng Trái Tim ấm áp
-
Xèo Chu - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Xèo Chu Triển Lãm Tranh ở Dubai - VnExpress Giải Trí
-
Xèo Chu Không Dám Lộ Chuyện Bán Tranh Giá 150.000 USD Với Bạn Bè