“Thần đồng Hội Họa” Xèo Chu: Muốn đưa Cảnh đẹp Việt Nam Ra Thế ...

1. Kể về cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật này, Xèo Chu cho biết: “Từ nhỏ em đã được tiếp xúc với hội họa, trong những lần được thấy hai anh trai học vẽ ở nhà, dù tuổi còn nhỏ chưa được mẹ cho học nhưng không hiểu sao em cứ bị cuốn hút. Rồi em tự mày mò vẽ, từ đó việc vẽ tranh đến với em cứ tự nhiên. Trong đó, tranh về hoa, phong cảnh thiên nhiên là chủ đề chiếm đa số…”, Xèo Chu chia sẻ và cho biết, ngoài giờ học, em dành hầu hết thời gian sáng tác tranh. Nhất là vào ngày nghỉ hay cuối tuần, Xèo Chu như tự nhốt mình trong phòng, để sáng tác thỏa thích với cọ và màu.

Xèo Chu (nghĩa là chú heo nhỏ - em sinh năm “heo vàng” 2007) được giới sưu tầm tranh cũng như truyền thông Mỹ ví như danh họa Jackson Polloc sau lần triển lãm cá nhân thứ hai của em tại New York, Mỹ năm 2019. Tại đây, bức Hang động vịnh Hạ Long được định giá 150.000 USD đã đưa tên tuổi của Xèo Chu đến với giới hội họa quốc tế. Xèo Chu được báo chí nước ngoài gọi là “thần đồng hội họa” và ví tài năng của em như danh họa Jackson Pollock thời hiện đại bởi nét vẽ của cậu bé Việt được cho là giống với của họa sĩ lớn người Mỹ. Khi báo giới Mỹ đặt câu hỏi vì sao thích vẽ, Xèo Chu trả lời: “Sự sáng tạo. Cháu có thể nghĩ ra nhiều thứ khi vẽ. Cháu được tự chọn vẽ cái cháu thích, tự chọn màu và chất liệu”… Được biết, Xèo Chu bộc lộ năng khiếu với tác phẩm đầu tiên là bức tự họa năm em lên 4 tuổi.

Tranh của Xèo Chu được vẽ theo trường phái trừu tượng mang đến cho người xem những góc nhìn mới, lạ kể cả những cảnh vật, địa danh quen thuộc với nhiều người. Điều này thể hiện sự chắt lọc trong từng trải nghiệm của cậu bé 15 tuổi dần trưởng thành hơn trong nghệ thuật khi khám phá thế giới xung quanh. Theo chị Nguyễn Thị Thu Sương – mẹ Xèo Chu, cũng là nhà sưu tập tranh, Xèo Chu vẽ như cách em viết nhật ký, ghi lại cuộc sống xung quanh mình. Chu vẽ tự do, không gò bó tư duy, em đưa vào đó năng lượng trẻ con, gửi hết sự đam mê, cảm nhận thế giới xung quanh mình vào tranh.

Có dịp tiếp xúc với chàng họa sĩ nhí này, chúng tôi nhận thấy rằng, Xèo Chu thường vẽ theo cảm nhận của riêng mình mà không bị chi phối hay áp đặt bởi những thứ xung quanh. Em nói rằng chỉ khi trong đầu đang nghĩ về điều gì thì bức vẽ ấy mới có hồn, mới sinh động. Và tất cả những tác phẩm của Chu đều thể hiện những điều em thích, có lẽ vì thế mà người xem khi ngắm tranh của Chu, sẽ cảm nhận như được truyền cho mình nguồn năng lượng tích cực, đó là những điều tươi vui, hạnh phúc.

Xèo Chu trao học bổng đến sinh viên khó khăn. Xèo Chu trao học bổng đến sinh viên khó khăn.

2. Ngày 29/12/2021, Ban Tổ chức Ngày Quốc gia Việt Nam tại Dubai đã khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ nhí Xèo Chu. Đây là một trong những nội dung chính của chương trình nghệ thuật chủ đề “Dòng chảy bất tận - The Eternal Flow” trong khuôn khổ Ngày Quốc gia Việt Nam tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Triển lãm giới thiệu 14 bức tranh vẽ về ruộng bậc thang Việt Nam, với mục đích giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.

“Đây là series em thực hiện cách đây hai năm, trong một lần em đi du lịch cùng với gia đình. Nhìn thấy sự hùng vĩ của cảnh đẹp này, em đã dành nhiều thời gian ở đó quan sát và bắt đầu vẽ. Lần triển lãm ở Mỹ, em đã giới thiệu được vịnh Hạ Long với bạn bè quốc tế, trong lần triển lãm tại Dubai cuối năm 2021, em lại được đưa nét đẹp của ruộng bậc thang, một cảnh đẹp vô cùng đặc sắc của vùng cao Việt Nam đến với thế giới - đây chính là ước mơ của em, muốn quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới qua tranh của mình”, Xèo Chu cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, Xèo Chu cho biết, với em, người dân vùng cao nói chung và đồng bào ở Mù Cang Chải - nơi Chu ghé thăm vào mùa lúa chín, đã để lại một ấn tượng sâu sắc mà Chu không thể nào quên. Chu cũng không thể tả hết được bằng lời nên mang tâm tư, tình yêu đó vẽ lên tranh, mong bạn bè thế giới hiểu được cảnh đẹp mùa lúa chín vùng cao của người dân tộc, hiểu được nếp sống văn hóa của đồng bào vùng cao Việt Nam. Nét đẹp đó gắn liền với nỗi cơ cực, lam lũ với một nghị lực vươn lên, đã tạo nên một giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Xèo Chu cũng nói rằng, trước đây, những bài học trong nhà trường, hình ảnh núi mà Chu học và thấy là núi Phú Sĩ hùng vĩ, núi Himalaya huyền bí, núi quê ngoại Chu khô cằn,... nhưng người dân nơi đây họ đã làm nên điều kỳ diệu đó là: “make a sculpture” - tạc quả núi thành những thửa ruộng mà khi mùa lúa chín nó như những tấm vải lụa thơ mộng. Vì thế trong mắt Chu, dãy núi trở nên nhẹ nhàng, đẹp lung linh chứ không còn là núi khô cằn nữa... Chu thấy rằng người dân nơi đây họ quá thông minh và cần cù, Chu ngưỡng mộ họ. Không những ngưỡng mộ người dân vùng cao như Đắk Nông, Mù Cang Chải (Yên Bái), Hà Giang,... làm ruộng, mà Chu còn thích thổ cẩm và ngành dệt ở những nơi này... Do vậy, khi nghe Ban Tổ chức mời Chu đi triển lãm tranh với bộ tranh ruộng bậc thang, Xèo Chu đã có nhã ý tặng đấu giá bức tranh “Mùa gặt”. Chu mong số tiền ấy tặng lại Ban Tổ chức để trao tặng cho những nghệ nhân vùng cao tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề, như một sự tiếp nối truyền thống văn hóa bất tận, mà thông điệp của chương trình đã thể hiện. Đó là cách mà Chu mong muốn truyền lửa tiếp cho các thế hệ trẻ sau này giữ gìn văn hóa Việt.

Được biết, bộ tranh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải của Xèo Chu sẽ tiếp tục mang đến London giới thiệu vào tháng 3/2022.

Họa sĩ nhí mong muốn thông qua tranh của mình, giới thiệu được văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới. Họa sĩ nhí mong muốn thông qua tranh của mình, giới thiệu được văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

3. Từ nhỏ, Xèo Chu thường tham gia các chuyến thiện nguyện cùng mẹ. Chị Thu Sương cho biết, năm Xèo Chu lên 6 tuổi, chị kết nối với một tổ chức bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để nhận bảo trợ mỗi tháng 650.000 đồng một em và giao cho Xèo Chu vẽ tranh bán để giúp bạn. Đến năm 10 tuổi, sau triển lãm tranh tại Singapore, bán được 1 tỉ đồng, Xèo Chu đóng góp cho quỹ mổ tim và những người già neo đơn sống tại một chùa ở Quận 8, TPHCM. Một năm sau đó, gia đình tiếp tục triển lãm và bán tranh ở New York, được khoảng 2 tỉ đồng, cũng ủng hộ cho 2 quỹ trên. “Xem tivi, đọc báo, con cảm thấy thương cho các hoàn cảnh không có trái tim khỏe mạnh và người lớn tuổi. Được mẹ gợi ý đóng góp gây quỹ, con đồng ý ngay”, Xèo Chu chia sẻ.

Tháng 11/2020, Xèo Chu cũng triển lãm bộ tranh hoa và bán được 20 bức tranh với giá 2.020 USD/tranh. 1 tỉ đồng thu từ triển lãm được cậu dùng tài trợ học bổng, dụng cụ học tập cho 6 trường cấp 1, cấp 2 ở các tỉnh miền Trung.

Trong đợt dịch 2021, họa sĩ nhí tổ chức triển lãm tranh trực tuyến, bán đấu giá 8 bức tranh được hơn 2,9 tỉ đồng và đóng góp của những người đấu giá tranh không thành công quyên để mua trang thiết bị y tế tặng cho Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM dùng cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Xèo Chu còn chuyển 388 triệu đồng bán tranh phiên bản giới hạn để hỗ trợ chi phí cho bếp ăn Bệnh viện Tâm Anh, nhằm tiếp sức cho lực lượng phòng chống dịch…

Mới đây nhất, Xèo Chu dùng số tiền hơn 500 triệu đồng từ bán đấu giá bức tranh “Hoa mai may mắn” trên sàn đấu giá điện tử NFT gửi đến Quỹ học bổng VietSeeds để tặng 10 suất học bổng (35 triệu/suất) cho sinh viên năm cuối có hoàn cảnh rất khó khăn và 20 laptop cho sinh viên hiếu học.

Từ khóa » Tranh Vẽ Xèo Chu