Mẹo Lấy Dị Vật Trong Mắt | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

1. Các triệu chứng thường gặp khi có dị vật bắn vào mắt:

Các dị vật rơi vào mắt phổ biến là: bụi, cát, chất bẩn, đôi khi là những côn trùng nhỏ khi ta lưu thông trên đường hoặc các mảnh kim loại, thủy tinh thường xảy ra do tai nạn khi làm việc với một số dụng cụ, vật liệu nhất định. Kính áp tròng là công cụ hỗ trợ mắt nhưng cũng vô tình là dị vật khi bị tuột vào mắt, đồ trang điểm, lông mi… cũng là những dị vật thường xuyên rơi vào gây khó chịu cho mắt.

  • Căng tức hoặc khó chịu
  • Rát hoặc kích ứng
  • Mắt đỏ, chảy nước mắt
  • Ngứa
  • Nhìn mờ, không rõ vật
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Dị vật khi rơi vào mắt tùy vào từng trường hợp cụ thể có thể gây đôi chút khó chịu hoặc có thể rất đau cho mắt. Đối với những tổn thương nghiêm trọng hơn biểu hiện mắt bị đau nhiều, thay đổi thị lực thì nên liên hệ bác sĩ ngay để được sơ cứu và xử trí đúng cách, tránh làm mắt bị tổn thương nặng hơn.

2. Một số mẹo lấy dị vật ra khỏi mắt

Khi bị dị vật rơi vào mắt thì làm sao để lấy dị vật trong mắt ra? Có một số mẹo lấy dị vật trong mắt mọi người có thể áp dụng sau:

Cách 1. Chớp mắt liên tục

Khi bạn bị bụi, tóc, hoặc một vật thể nhỏ khác rơi vào mắt việc cần làm trước tiên là tuyệt đối không cho tay vào mắt để lấy dị vật ra. Có thể nhắm mắt nhẹ lại, hoặc chớp mắt nhiều lần để nước mắt chảy ra. Chớp mắt nhanh có thể giúp loại bỏ mảnh vụn và cho phép nước mắt rửa trôi dị vật. Càng chớp mắt nhiều và làm cho nước mắt chảy ra, bạn càng có nhiều cơ hội loại bỏ dị vật.

Cách 2: Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới.

Nếu muốn lấy dị vật kẹt dưới mí mắt, bạn hãy nhắm mắt lại và nhẹ nhàng kẹp phần da của mí mắt trên, kéo nhẹ xuống sao cho trùm lên mí mắt dưới. Đảo tròng mắt bị dị vật bay vào. Việc kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới có hiệu quả giúp dị vật lỏng ra và rơi ra ngoài.

Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới giúp lấy dị vật

Kéo mí mắt trên đặt lên mí mắt dưới giúp lấy dị vật

Nếu áp dụng cách trên vẫn không hiệu quả, thì có thể xử trí theo các bước sau:

Bước 1. Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Lau khô để tránh lây lan vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng mắt.

Bước 2. Sử dụng gương để xác định vị trí của dị vật. Cách tốt nhất để làm điều này là nhìn lên và xuống, sau đó sang trái và sang phải.

Lấy dị vật ra khỏi mắt

Lấy dị vật ra khỏi mắt

Bước 3. Ngâm mắt bị ảnh hưởng vào một dụng cụ nông đựng dung dịch nước muối vô trùng (nước muối sinh lý dùng để rửa mặt) hoặc dung dịch nước sạch. Trong khi mắt đang ở trong nước, chớp mắt nhiều lần để đẩy dị vật ra. Nếu dị vật vẫn bị kẹt, kéo nhẹ mi trên ra khỏi nhãn cầu để giải phóng dị vật.

Lấy dị vật ra khỏi mắt

Lấy dị vật ra khỏi mắt

Ngoài ra, cho nước mắt nhân tạo, nước muối, hoặc nước từ vòi nước chảy vào mắt khi đang mở cũng có thể rửa trôi dị vật. Chú ý không để mắt dưới vòi nước đang chảy mạnh, để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng tổn thương mắt.

Bước 4. Khi dị vật không còn trong mắt, hãy dùng tăm bông sạch để lau và thấm khô vùng da quanh mắt một cách nhẹ nhàng.

3. Chú ý khi loại bỏ dị vật trong mắt:

  • Cần tránh dụi mắt
  • Tháo kính áp tròng trước khi cố gắng loại bỏ dị vật
  • Tránh sử dụng các vật nhọn như nhíp hoặc các vật bằng kim loại khác.
  • Nếu gặp dị vật lớn cần liên hệ ngay với bác sĩ

Lưu ý: Tránh dụi mắt.

Khi có vật lạ bay vào mắt, tuyệt đối không nên dụi mắt vì hành động này có thể gây nguy hiểm.. Nếu bạn dụi mắt, dị vật kẹt trong mắt có thể bị đẩy vào dưới mí mắt, đâm vào mắt hoặc làm xước giác mạc.Nếu tình trạng này xảy ra, bạn có thể bị tổn thương mắt vĩnh viễn, thậm chí dẫn đến mù lòa, kèm theo cảm giác rất đau nhức. Vì vậy, cần tránh dụi mắt hoặc tạo áp lực lên mắt khi lấy dị vật ra khỏi mắt để tránh vô tình làm mắt bị tổn thương nặng hơn.

4. Khi nào cần đến cơ sở y tế để lấy dị vật mắt:

Thường thì dị vật mắt có thể được loại bỏ tại nhà. Tuy nhiên, khi gặp một trong các trường hợp sau, cần liên hệ ngay với bác sĩ nhãn khoa hoặc đến cơ ở y tế để có hướng xử trí thích hợp:

  • Đau vừa hoặc nặng sau khi loại bỏ dị vật
  • Thay đổi thị lực
  • Mắt chảy máu hoặc chảy nước mắt liên tục
  • Mảnh thủy tinh hoặc hóa chất trong mắt
  • Dị vật sắc hoặc thô ráp
  • Dị vật bay vào mắt với tốc độ cao
  • Dị vật lớn như mảnh thủy tinh, móng tay….

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cách Xử Lý Dị Vật Bay Vào Mắt