Miền Nam Trước 1975 – Kỳ 1: Nền Kinh Tế Việt Nam Cộng Hòa

Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa thường được nhắc đến như một niềm tự hào của hầu hết người miền Nam, cũng như những người yêu mến Sài Gòn trước 1975.

Vậy trước năm 1975 nền kinh tế miền Nam phát triển theo hướng nào?

Ngày nay, nhiều người vẫn còn luyến tiếc về một thời phồn vinh và giai đoạn lịch sử huy hoàng này của dân tộc. Dù thừa nhận hay cố gắng chối bỏ điều đó, những thành tựu sản xuất đáng ngưỡng mộ của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, nhất là về kỹ thuật – công nghệ, vẫn là minh chứng cho thấy trình độ của dân ta chưa bao giờ đi sau các nước trong khu vực. Sự trỗi dậy của giới tư nhân Sài Gòn thậm chí từng đánh bật các công ty Pháp khỏi thị trường miền Nam. Các mặt hàng Thái Lan chưa bao giờ nằm trong giỏ hàng của người dân Đô Thành, bởi đơn giản chúng không thể sánh bằng các sản phẩm nội địa.

Thật vậy, nhận xét của Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về Việt Nam đã cho thấy điều đó: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”, hay ông cũng từng thừa nhận rằng “hi vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Nhưng điều đó không có nghĩa “Hòn Ngọc Viễn Đông” một thời không có những giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển, mà cũng có lúc thăng trầm theo từng biến cố chính trị, chính sách kinh tế, tài chính và quân sự.

Siêu thị Nguyễn Du tại Sài Gòn năm 1967, siêu thị đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á.
Siêu thị Nguyễn Du tại Sài Gòn năm 1967, siêu thị đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á.

Nói về kinh tế Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc, miền Bắc Việt Nam mới là khu vực được người Pháp chú trọng xây dựng và phát triển, với hàng loạt xí nghiệp quan trọng đều tập trung tại đây; trong khi đó tại miền Nam, chỉ một vài xí nghiệp của tư nhân Pháp tập trung tại khu Sài Gòn – Chợ Lớn như: đồ uống (BGI, Hãng rượu Bình-Tây), thuốc lá (MIC, MITAC, BATOS), đường mía (nhà máy Hiệp-Hòa, Khánh Hội), cơ khí (CARIC, ASAM) và các đồ dùng bằng cao su thiên nhiên.

Vì là nền kinh tế thuộc địa, cả hai miền đều nằm dưới sự cai trị của người Pháp, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu được khai thác để xuất cảng. Hơn nữa, chính quyền Pháp còn tiến hành cấm đoán các ngành công nghiệp được cho là làm phương hại đến cơ cấu sản xuất của chính quốc. Do đó, sau khi giành lại độc lập năm 1954, nền kinh tế cả hai miền Nam – Bắc chỉ quanh quẩn trong hai khu vực chính là nông nghiệp và tiểu công nghệ.

Mặc dù có xuất phát điểm như nhau, kinh tế miền Nam dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và miền Bắc dưới thời chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lại rẽ sang hai hướng khác nhau: Miền Bắc thực hiện lý tưởng cộng sản, trong khi Miền Nam đi theo con đường tư bản. Cho nên sự phát triển kinh tế giữa hai miền tồn tại nhiều khác biệt và đối lập.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

I. Quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa
1. Tổng quan nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa
2. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1954–1963: Thời kỳ kinh tế hoạch định
a. Kế hoạch Ngũ niên I (1957–1961)
b. Kế hoạch Ngũ niên II (1962–1966)
3. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1964–1975: Thời kỳ tự do kinh doanh
II. Kỹ nghệ trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa
1. Nhiệt điện
2. Thủy điện
3. Mỏ và tinh khoáng
4. Công nghiệp thực phẩm
5. Ngành dệt
6. Công nghiệp kim khí và cơ khí
7. Công nghiệp cao su
8. Công nghiệp xi măng
9. Công nghiệp thủy tinh
10. Công nghiệp giấy
11. Công nghiệp hóa học
12. Ngành thuộc da
13. Thiết bị điện

I. Quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa

Ít ai biết rằng thời kỳ tự do kinh doanh tại miền Nam chỉ thực sự bắt đầu từ sau năm 1963, đánh dấu một cột mốc vàng son của một thế lực kinh tế mới tại Châu Á. Cũng như Hàn Quốc và Đài Loan, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được dẫn dắt và viện trợ bởi kinh tế Hoa Kỳ. Cũng nhờ Hoa Kỳ mà Hàn Quốc và Đài Loan trở thành hai trong bốn con hổ châu Á ngày nay; trong khi đó, Việt Nam Cộng Hòa cũng từng có một nền kinh tế thị trường từ rất sớm, nhưng nó đã sụp đổ từ sau năm 1975. Trong phần này, tôi sẽ tổng hợp các dữ liệu kinh tế chân thật nhất về nền kinh Việt Nam Cộng Hòa theo hai giai đoạn chính, từ 1954–1963 và từ 1963–1975, qua đó lý giải vì sao Sài Gòn có thể phát triển một cách vũ bão dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

1. Tổng quan nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa

Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua hai thời kỳ rõ rệt: thời kỳ kinh tế được hoạch định (1954–1963) và thời kỳ tự do kinh doanh (1963–1975).

Trong giai đoạn đầu, sau khi giành được độc lập, Việt Nam Cộng Hòa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm đã hoạch định hai kế hoạch ngũ niên để hướng dẫn tiến trình công nghiệp hóa. Chính phủ xuất ra một khoản ngân lớn để đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng như: Công ty Đường Việt-Nam, Công ty Thủy-Tinh Việt-Nam, Cogido, Nhà máy Xi-măng Hà-Tiên, v.v. Đồng thời, giới tư nhân Sài Gòn cũng bắt đầu hăng hái xuất vốn đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp như: chế tạo dược phẩm (Tenamyd, Roussel,…), hóa chất căn bản (Vicaco, Namyco,…), nhựa dẻo (Ufiplastic), fibro xi măng (Eternit), v.v.

Tuy nhiên, giai đoạn sau 1963 mới là thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, khi mà các chính sách tự do hóa kinh tế được thực thi với mức độ cao. Nhưng đây cũng là thời điểm chiến tranh Việt Nam diễn ra khốc liệt nhất, hàng loạt cơ sở hạ tầng bị hủy hoại bởi bom đạn đã tạo ra một rào cản lớn cho việc đầu tư. Do đó mọi năng lực quốc gia đều ưu tiên cho cuộc chiến và đảm bảo sinh hoạt của dân chúng. Cũng vì tình hình bất ổn mà nhiều khu công nghiệp quy mô như khu An-Hòa làm phân bón hóa học, nhà máy lọc dầu Cam-Ranh, nhà máy chế tạo tơ bóng và làm acid sulfurique Biên-Hòa, v.v. bị đình trệ. Giới tư nhân chuyển sang đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn ít, cơ sở nhỏ tại các khu vực an ninh như: chế tạo dược phẩm, thực phẩm, điện khí, dệt, dược liệu, hóa phẩm, đường mía, sợi bông, v.v. Bên cạnh đó, một sự thật không thể phủ nhận là sự có mặt của quân đội liên minh Hoa Kỳ đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn này.

Hình ảnh Đô Thành Sài Gòn trước 1975.
Hình ảnh Đô Thành Sài Gòn trước 1975.

Nhìn chung, cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều có chung định hướng là phát triển miền Nam thành một nền kinh tế sản xuất. Mặc dù sau năm 1963 kinh tế Việt Nam Cộng Hòa dần mang tính thương mại nhiều hơn, nhưng ý chí công nghiệp hóa luôn là khuôn khổ phát triển kinh tế toàn diện của chính quyền, từ đó xây dựng nền độc lập kinh tế – chính trị cho quốc gia và xóa bỏ sự lệ thuộc vào ngoại bang. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa luôn chú trọng vào các vấn đề như:

  • Hỗ trợ nông nghiệp như sản xuất phân bón, chế biến nông sản,…
  • Sản xuất nhu yếu phẩm
  • Khai thác những tài nguyên có sẵn như cát trắng Ba-Ngòi, than Nông-Sơn, thủy điện,…
  • Giải quyết vấn đề áp lực nhân khẩu, nhất là ở nông thôn do dân số gia tăng và nâng cao mức sống của dân chúng.

Ngoài ra, sau cuộc cải cách điền địa, để hướng dẫn một số đại điền chủ bị truất hữu tham gia vào hoạt động công nghiệp, chính phủ đã cho thiết lập nhiều khu công nghiệp với nhiều ưu đãi về điện, nước, đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng, v.v. Nhờ đó, giới tư bản lúc bấy giờ đã hăng hái tham gia khu công nghiệp Biên-Hòa, phát triển kinh tế đất nước.

2. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1954–1963: Thời kỳ kinh tế hoạch định

Từ năm 1955–1957, với sự di cư ồ ạt từ Bắc vào, miền Nam đón nhận thêm nhiều thợ chuyên môn và nhà kinh doanh, bên cạnh đó là sự giao thoa văn hóa hai miền, đặc biệt là món phở của người Bắc khi ấy rất được ưa chuộng tại miền Nam.

Chính phủ khi ấy ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ kinh doanh và thương mại, nên người Việt thi nhau buôn bán kinh doanh khiến thị trường trở nên sầm uất hơn bao giờ hết. Các ngành từng chịu sự thống trị bởi người Pháp và người Hoa như dệt, ráp xe, dược phẩm, đồ nhôm, đúc, thuộc da,… dần trở lại vào tay của người Việt. Theo Bộ Kinh tế, tổng số đầu tư vào công nghiệp chế biến trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa năm 1957 đạt 12 tỷ Việt Nam Đồng (Nam Việt Nam).

Kể từ năm 1958, nền canh nông được phục hồi và chuẩn bị phát triển để xuất cảng, cho nên mọi nguồn lực chuyển sang thúc đẩy các ngành công nghiệp. Vì vậy mà đa phần các xí nghiệp quan trọng tại miền Nam được thiết lập trong giai đoạn này, chẳng hạn như Công ty Đường Việt-Nam, Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt-Nam, Công ty Thủy-tinh Việt-Nam, nhà máy vôi Long-Thọ, Công ty Vĩnh Hảo, Nhà máy Tân-Mai. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều là xí nghiệp hợp doanh và quốc doanh.

Từ năm 1959 – 1963, giới tư nhân Sài Gòn mới thực sự bắt đầu mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp lớn như Âu dược (thuốc Tây), thực phẩm, dệt nhuộm,… Sự bùng phát của tư nhân trong nước dần đánh bật các nhà tư bản Pháp khỏi thị trường và khiến họ phải bán đi một số doanh nghiệp quan trọng như Công ty Đường và Bông vải. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng của người Hoa trong giai đoạn phát triển này.

Các khu công nghiệp tại Việt Nam Cộng Hòa.
Các khu công nghiệp tại Việt Nam Cộng Hòa.

Có thể thấy ngay từ giai đoạn đầu khi chính quyền còn non trẻ, công cuộc công nghiệp hóa đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm chú trọng để phát triển miền Nam thành một nền kinh tế sản xuất. Ông đã hoạch định hai kế hoạch ngũ niên trong giai đoạn nắm quyền của mình.

“Trong địa hạt kỹ nghệ, nỗ lực trước hết của chúng ta là lập những kỹ nghệ nhẹ, để cung cấp cho thị trường trong xứ, và kỹ nghệ chế biến nông sản” (Ngô Đình Diệm, 6-10-1958).

“Nguyên tắc căn bản để phát triển là tiệt kiệm ngoại tệ nhờ gia tăng xuất cảng và giảm nhập cảng. Ưu tiên trong chương trình kỹ nghệ hóa dành cho việc chế tạo những sản phẩm tiêu thụ thông dụng” (Ngô Đình Diệm, 03-10-1960).

a. Kế hoạch Ngũ niên I (1957–1961)

Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa lúc này tồn tại nhiều khó khăn như thiếu hụt ngân sách, thâm hụt thương mại, mức đầu tư gộp thấp, giá thành cao cản trở cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do đó, kế hoạch ngũ niên được soạn thảo theo sự khuyến cáo của phái đoàn nghiên cứu kinh tế Liên Hiệp Quốc nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hồi nền sản xuất. Nội dung bản kế hoạch bao gồm bốn chương:

Chương I: Hiện tình kinh tế Nam Việt Nam năm 1956. Chương II: Các mục đích chính của kế hoạch. Chương III: Ấn định các mục tiêu đại tượng như dân số, sản lượng quốc gia, đầu tư, nhân dụng,… Chương IV: Chỉ định các tiêu chuẩn quyết định đường lối đầu tư.

Các mục tiêu chính được đề ra trong bản kế hoạch như sau:

  • Tăng lợi tức quốc gia lên 16%, tức 81 tỉ bạc vào năm 1961;
  • Tăng vốn đầu tư hàng năm lên gấp đôi, từ 4.5 tỉ năm 1956 thành 9 tỉ vào năm 1961;
  • Giảm khiếm hụt ngân sách và ngoại thương;
  • Tạo việc làm cho 400,000 người lao động;
  • Thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng;
  • Gia tăng sản lượng các ngành canh nông (+27%), ngư nghiệp (+70%), công kỹ nghệ (+20%), giao thông – thương mại – nghiệp vụ ngân hàng (+15%), các lĩnh vực khác (+5%);
  • Chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư (chính phủ đầu tư 75% trong tổng vốn 20 tỉ, còn lại 25% do tư nhân đảm nhiệm). Ngân sách cho đầu tư chủ yếu lấy từ viện trợ nước ngoài (90%) và khoản bồi thường chiến tranh của Nhật Bản, còn thuế khóa không đáng kể.

Nhận xét Kế hoạch Ngũ niên I

Kế hoạch I được hoạch định với việc áp dụng mô hình Harrod-Domar dựa trên ý tưởng của Keynes. Điều này dễ hiểu vì đây là giai đoạn học thuyết kinh tế Keynes đang thắng thế, và hầu hết các nước đang phát triển lúc bấy giờ – như Ấn Độ – đều ưa chuộng các mô hình thuộc trường phái này cho việc phát triển; cùng với đó là những chính sách bảo hộ, thay vì mở cửa thị trường, của Tổng thống Ngô Đình Diệm thật sự không phù hợp cho giai đoạn hậu chiến.

Nhược điểm của mô hình Harrod-Domar đã hiện rõ từ giai đoạn đầu khi phương thức suy luận, ấn định mục tiêu gặp nhiều bất cập vì nó quá đơn giản để áp dụng vào thực tiễn phức tạp. Chẳng hạn việc phân định vốn đầu tư cho từng ngành còn thiếu hiệu quả, mục tiêu ấn định không thực tế vì thiếu chuyên viên, cán bộ, đặc biệt là thiếu một Viện Thống Kê phục vụ điều tra để đưa ra con số chính xác và chi tiết.

b. Kế hoạch Ngũ niên II (1962–1966)

Kế hoạch II được soạn thảo và áp dụng ngay sau khi được Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia chấp thuận vào ngày 31-3-1962. Bản kế hoạch lần hai diễn ra trong khung cảnh kinh tế thuận lợi hơn so với Kế hoạch I, như sản xuất nông sản tăng, hệ thống kiều lộ được cải thiện, nhiều ngành công nghiệp chế biến đã dần thành hình,… Nhưng trái lại, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn này gặp nhiều trở ngại trên phương diện chính trị, xã hội do phải đối phó với chiến tranh du kích. Do đó mà ngân sách an ninh đã tăng vọt ngang với ngân sách dành cho dân sự.

Về nông nghiệp, chương trình dinh điền, công tác thủy nông tiếp tục được thực hiện để tăng gia sản xuất. Năm 1962 diện tích trồng trọt là 2,595,000 hecta được dự trù tăng lên thành 3,064,000 hecta trong năm 1965. Có thể nói, nông nghiệp cũng góp phần không nhỏ vào tổng sản phẩm nội địa của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa.

Về công kỹ nghệ, trong khi Kế hoạch I chủ trương chế biến nông sản thì Kế hoạch II tập trung lập thêm những ngành công nghiệp căn bản phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất cảng trong tương lai, chẳng hạn như hoàn tất khu công nghiệp An-Hòa Nông-Sơn với sản lượng than dự trù đạt 250,000 tấn năm 1966; một trung tâm điện lực 25,000 kW; một xưởng chế tạo chất bón sản xuất mỗi năm 42,000 tấn urée, 48,000 tấn sulfate d’ammonium; một xưởng chế tạo đất đèn cho 8,000 tấn/năm; nhà máy xi măng Hà-Tiên được thiết lập song song với việc mở mang công nghiệp đường gồm 3 nhà máy tối tân, lập nhà máy lọc dầu, phát triển công nghiệp cơ khí kim loại, điện, dệt, cao su, chế biến nông phẩm. Theo đó, trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, công nghiệp sẽ hỗ trợ cho nông nghiệp.

Về trang bị công cộng, chính phủ tập trung hoàn tất đập Đa-Nhim có năng suất 160,000 kW, mỗi năm cung cấp 780,000,000 kW/giờ; xây thêm hai nhà máy nhiệt điện cho khu công nghiệp An-Hòa (25,000 kW) và Thủ Đức (33,000 kW), mở mang hải cảng và phi cảng tại nhiều tỉnh; tăng cường hệ thống đường xá, đặc biệt là tỉnh lộ, cùng với dự án lấy nước sông Đồng Nai của Sàigòn Thủy Cục nhằm cung cấp nước cho Đô Thành.

Điểm đáng chú ý trong Kế hoạch II là không chỉ nhằm phát triển kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, mà các vấn đề giáo dục, y tế, xã hội, lao động cũng được đặc biệt chú trọng.

Về giáo dục, phát triển lượng lẫn phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của sĩ số trong ba bậc Tiểu, Trung và Đại học. Với ngân sách lên đến 3.9 tỉ đôla, kế hoạch dự tính đào tạo 2,500 giáo chức và xây 2,500 lớp học mỗi năm. Mỗi quận sẽ có một trường trung học đệ nhất cấp và mỗi tỉnh một trường trung học đệ nhị cấp. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng trù liệu hoàn tất khu Đại học Thủ Đức, một Trung tâm Y tế gồm 3 ban Y, Dược, Nha cùng một bệnh viện thực hành, đồng thời khuếch trương Viện Đại học Huế.

Về y tế, nhiều cơ sở và cơ quan mới sẽ được thiết lập để phòng bệnh và trị bệnh cho người dân.

Về xã hội và lao động, kế hoạch dự trù sẽ thiết lập hai trung tâm giáo dục trẻ bất túc ở Sài Gòn và Huế là Viện Dưỡng Nhi và Quốc Gia Nghĩa Tử; tu chỉnh chế độ phụ cấp gia đình hiện hữu, huấn nghệ, v.v.

Nhận xét Kế hoạch Ngũ niên II

Trên nguyên tắc, Kế hoạch II được thực thi từ năm 1962 đến năm 1966, tuy nhiên, do biến cố chính trị nên kết quả của kế hoạch lần hai không được kiểm điểm. Dẫu sao, ta có thể thấy Kế hoạch II có những tiến bộ rõ rệt so với bản kế hoạch đầu tiên, khi nguyên tắc tự do kinh tế bắt đầu được áp dụng. Sự can thiệp của chính phủ giảm để thành phần tư nhân có thể phát triển, chính phủ chỉ hỗ trợ tư nhân về phương diện tài chính, kỹ thuật.

Tuy nhiên, cũng giống bản kế hoạch trước, Kế hoạch II gặp nhiều thiếu sót về phương diện thống kê nên các mục tiêu đặt ra cũng không sát thực tế. Ngoài ra, chính phủ vẫn còn can thiệp nhiều vào những dự án kiểu mẫu và trong những công ty hỗn hợp. Tình trạng bảo hộ vẫn còn và là một khuyết điểm lớn trong kế hoạch lần này. Nhưng nhìn chung, xương sống của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa đã dần hoàn chỉnh trong giai đoạn này, qua đó làm nền tảng để chuyển mình sang cơ chế tự do kinh doanh trong thời Đệ Nhị.

3. Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1964–1975: Thời kỳ tự do kinh doanh

Công cuộc công nghiệp hóa lúc này đã thay đổi hẳn căn bản, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa chuyển từ cơ chế hoạch định sang thị trường tự do. Những năm đầu trong giai đoạn này, các ngành công nghiệp chế biến tại tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất dược phẩm, điện (Vidico, Tân Á, Vabro), tôn tráng kẽm (Vinaton), sữa hoàn nguyên (Foremost), vật dụng bằng nhựa dẻo, lưới đánh cá, đũa, hàn điện, dệt (nhà máy kéo sợi DONAFITEX, nhà máy dệt nhuộm Phong Phú), lắp ráp xe, máy thâu thanh, v.v. Ngoài ra còn một số xí nghiệp cũ khuếch trương như COGIDO, VICACO (hóa chất), v.v.

Số vốn đầu tư vào nền công nghiệp miền Nam giai đoạn 1957-1967 (Nguyễn Huy, 1972, tr.30).
Số vốn đầu tư vào nền công nghiệp miền Nam giai đoạn 1957-1967 (Nguyễn Huy, 1972, tr.30).

Theo tài liệu từ Viện Thống Kê, năm 1960 nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa có 7,398 xí nghiệp hoạt động về công nghiệp chế biến và thâu dụng 59,306 nhân công. Con số thống kê cũng cho thấy 70% số xí nghiệp tại Miền Nam thâu dụng khoảng 88% số nhân công. Chỉ tính riêng tại Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa thì dù số xí nghiệp chỉ chiếm 12% nhưng đã sử dụng đến 61% nhân công.

Năm 1966, theo Bộ Kinh Tế, miền Nam đã có 12 xí nghiệp sản xuất điện năng hoạt động.

Theo tài liệu của nhóm nghiên cứu kế hoạch hậu chiến, ta có bảng cơ cấu công nghiệp chế biến chính yếu ở miền Nam năm 1967 dưới đây.

Cơ cấu ngành công nghiệp chế biến năm 1967 (Nguyễn Huy, 1972, tr.32).
Cơ cấu ngành công nghiệp chế biến năm 1967 (Nguyễn Huy, 1972, tr.32).

Lưu ý, đây là bảng số liệu chưa đầy đủ vì còn thiếu những xí nghiệp nhỏ chưa khai báo. Tổng số nhân công ghi trong bảng chỉ bằng nửa số kiểm kê theo tài liệu Bộ Lao động. Tuy nhiên, dựa vào bảng trên ta có thể thấy, đa số xí nghiệp tại miền Nam thời gian này hoạt động dưới hình thức cá nhân, còn hình thức công ty chỉ chiếm thiểu số. Mặc dù vậy, nếu tính theo giá thương vụ thì vai trò các công ty lấn át hẳn các xí nghiệp cá nhân.

Phân loại hình thức xí nghiệp tại miền Nam theo hình thức hoạt động (Nguyễn Huy, 1972, tr.33).
Phân loại hình thức xí nghiệp tại miền Nam theo hình thức hoạt động (Nguyễn Huy, 1972, tr.33).

Chính phủ cũng đóng vai trò nhất định trong các ngành có vốn đầu tư lớn và phát triển mạnh, nắm giữ một số cổ phần trong các công ty hỗn hợp dệt vải bông, dệt bao bố, chế tạo giấy, thủy tinh. Riêng ngành đường và xi măng do chính quyền quản trị. Đến cuối năm 1967, số vốn đầu tư của chính phủ vào các ngành công nghiệp đạt 5,723 triệu đồng, tức 24.2% tổng số vốn đầu tư.

Số ngoại tệ đã cấp cho các nhà máy công nghiệp để nhập cảng nguyên liệu và máy móc từ 1964 – 1967 (Tài liệu của Nha Tiếp Liệu Kỹ Nghệ).
Số ngoại tệ đã cấp cho các nhà máy công nghiệp để nhập cảng nguyên liệu và máy móc từ 1964 – 1967 (Tài liệu của Nha Tiếp Liệu Kỹ Nghệ).

Với việc áp dụng cơ chế tự do kinh doanh, người dân miền Nam dần làm quen với nền kinh tế thị trường. Kỹ nghệ trở nên đa dạng và năng động hơn bao giờ hết, nhờ vậy các lĩnh vực sản xuất có thể bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra sự phát triển mang tính dây chuyền. Chẳng hạn ngành nhuộm sẽ hỗ trợ ngành dệt; ngành sản xuất chai lọ thủy tinh sẽ hỗ trợ ngành Âu dược (thuốc Tây), thực phẩm; ngành khai thác đá vôi, đất sét, thạch anh sẽ hỗ trợ ngành sản xuất xi măng; hay ngành lọc đường sẽ hỗ trợ ngành rượu, bột ngọt, trồng mía, v.v. đặc biệt là sản xuất nông nghiệp cải thiện rõ rệt nhờ sự phát triển của công nghiệp. Các xí nghiệp luôn được chính phủ hỗ trợ trên nhiều phương diện để yên tâm sản xuất, như giảm thuế hay đảm bảo an ninh, đảm bảo các nguồn cung về điện thoại, hạ tầng, điện nước, nhiên liệu,…

Không chỉ dừng lại ở đó, sự lớn mạnh của tư bản miền Nam đã giải quyết triệt để vấn đề quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế, đó là công ăn việc làm trong thời điểm dân số gia tăng. Ta có thể lấy ví dụ vùng Sài Gòn – Chợ lớn, dân số năm 1958 là 1,219,000 người đã tăng lên 2,500,000 vào năm 1969, chủ yếu là dân tản cư. Có thể nói, tầng lớp tư nhân đã hỗ trợ chính phủ rất nhiều trong việc giảm thiểu áp lực thất nghiệp và sinh hoạt.

Tổng số vốn đầu tư của các dự án công nghiệp được chấp thuận từ 1956 – 1967 (Tài liệu của văn phòng Ủy ban Đầu tư Bộ Kinh Tế).
Tổng số vốn đầu tư của các dự án công nghiệp được chấp thuận từ 1956 – 1967 (Tài liệu của văn phòng Ủy ban Đầu tư Bộ Kinh Tế).

Nhận thấy vai trò của tư nhân trong việc phát triển kinh tế, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tạo điều kiện tối đa cho việc trao đổi và hỗ trợ kỹ thuật, tư bản giữa các xí nghiệp. Các khu công nghiệp quy mô lớn, vì thế, được hình thành như khu công nghiệp Biên-Hòa, khu công nghiệp Phong-Dinh, khu công nghiệp An-Hòa, v.v. Kết quả là một Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ (SONADEZI – Société nationale du Développement des zones industrielles) được thành lập ngày 26-12-1963, là nơi tập trung các kỹ thuật gia, kỹ sư, nhà tư bản để trao đổi ý kiến, kinh nghiệm và tạo ra một bầu không khí hợp tác hữu hiệu về kỹ thuật và tư bản.

II. Kỹ nghệ trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa

Tiến trình công nghiệp hóa đã được Tổng thống Ngô Đình Diệm triển khai từ rất sớm khi Việt Nam Cộng Hòa mới được thành lập. Kế hoạch Ngũ niên I bước đầu xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp phục vụ sản xuất; đến Kế hoạch Ngũ niên II tạo nền tảng cho nền kinh tế thị trường tại miền Nam; sau năm 1963 áp dụng cơ chế tự do kinh doanh, sản xuất bắt đầu phát triển mạnh với tư nhân giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa gặp nhiều bất lợi vì nghèo nàn tài nguyên thiên nhiên. Dù vậy, nền công nghiệp miền Nam 1954-1975 vẫn đạt được nhiều thành tựu vang dội. Dù dưới thời Đệ Nhất hay Đệ Nhị, dù là cơ chế tự do hay kế hoạch, chính phủ vẫn quan niệm rằng phát triển sản xuất mới là định hướng bền vững cho nền kinh tế. Chỉ có sản xuất mới tạo được nội lực cho kinh tế quốc gia để không phải lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế ngoại bang nào. Vì thế, người dân Sài Gòn trước 1975 hầu hết đều ưa chuộng và đặt niềm tin vào các sản phẩm trong nước. Các mặt hàng nội địa vang bóng một thời như Cô Ba (xà bông, dầu thơm, nước hoa, dầu gội), Hynos (kem đánh răng), La Dalat (xe hơi), bia 33, bia La-de Con Cọp, xá xị Con Cọp, dầu Nhị Thiên Đường, v.v. đã trở thành một phần trong đời sống người dân.

Với định hướng phát triển sản xuất, kinh tế Việt Nam Cộng Hòa hướng đến mục tiêu xuất khẩu chứ không chỉ phục vụ thị trường nội địa. Nhiều thương hiệu gần như độc chiếm thị trường và thành công vang dội từ khắp Đông Nam Á cho đến Hồng Kông. Điển hình là kem đánh răng Hypnos áp đảo hoàn toàn các thương hiệu ngoại quốc như Colgate (Mỹ) và C’est it (Pháp) lúc bấy giờ. Cái chết của Hynos, cũng như nhiều thương hiệu khác, chỉ đến vào năm 1975 sau khi Việt Nam Cộng Hòa thua trận và các doanh nghiệp này bị quốc hữu hóa.

Một số thương hiệu nội địa quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975.
Một số thương hiệu nội địa quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975.

Trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ đề cập những ngành công nghiệp chính trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975 gồm: nhiệt điện, thủy điện, mỏ và tinh khoáng, công nghiệp thực phẩm, dệt, kim khí và cơ khí, cao su, xi măng, thủy tinh, giấy, hóa học, thiết bị điện và các ngành thuộc da.

1. Nhiệt điện

Để phục vụ việc phát triển kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, điện năng được xem là nhu cầu tối cần thiết trong đời sống dân chúng và đồng thời là nguồn sinh lực của nền công nghiệp quốc gia. Do đó, sản xuất điện năng luôn được chú trọng phát triển tối đa để đảm bảo nguồn cung đầy đủ và liên tục.

Trước đó dưới thời thời Pháp thuộc, khai thác điện năng tại Việt Nam nằm dưới sự cai trị của người Pháp, do tư bản chính quốc đảm trách dưới hình thức nhượng công vụ. Sau Thế Chiến II, các công ty này có xu hướng giải đầu tư tại Việt Nam để tái đầu tư ở các thuộc địa khác. Mãi đến sau năm 1964, những bất cập trong việc khai thác điện năng mới được giải quyết khi cơ quan Điện lực Việt-Nam ra đời.

Điện lực Việt-Nam là một cơ quan tự trị có tư cách pháp nhân, hoạt động vì mục tiêu công ích chứ không vụ lợi, thống nhất công cuộc khai thác điện năng trên toàn quốc bằng cách sát nhập cơ quan Trùng tu Điện lực (ORDEE năm 1958, sau đổi tên thành ONDEE năm 1953) vào chương trình Đa-Nhim, Thủ-Đức, đồng thời thay thế các nhà đèn công quản và chuẩn bị thu hồi các công ty đặc nhượng Pháp khi khế ước mãn hạn (31-12-1967).

Với sứ mệnh điện hóa toàn quốc, đến cuối năm 1967, Điện lực Việt-Nam đã đạt những thành tích sau:

  • Hoàn tất nhà máy nhiệt điện Thủ-Đức (3 nhà máy diesel, và gas turbine), tổng công suất đạt 73,800,000 kW (1968), sau đó bán lại cho bên CEE, thiết lập 14 công ty điện lực tại các tỉnh và tái cấp điện cho Bình Dương;
  • Điện hóa được hơn 100 quận, xã;
  • Hỗ trợ ba thí điểm hợp tác xã điện nông thôn tại Tuyên Đức, Đức Tu, An Giang;
  • Thu hồi các nhà máy đặc nhượng CEE Đàlạt, SCEE và UNEDI của miền Tây và khu vực Đông Nam: khách hàng từ 14,654 lên 36,022 với mức điện tiêu thụ từ 33,321,000 kW/giờ lên 54,934,000 kW/giờ.

Ngày 30-6-1967, công ty Saigon Điện Lực ra đời với sự giúp sức của người Mỹ trên phương diện tư vấn lẫn tài chính, vốn đầu tư ban đầu là 100 triệu đồng. Saigon Điện Lực đã mua lại tất cả tài sản của CEE trị giá 974 triệu đồng. Công ty này cũng đã nhận viện trợ 32 triệu USD từ Hoa Kỳ để mở mang, khai thác điện lực tại Sài Gòn và dự tính sẽ thâu nhập phần còn lại của Điện lực Việt-Nam, sau đó thành lập công ty Điện Lực Việt-Nam. Tuy nhiên, công ty Saigon Điện Lực đã vấp phải nhiều chỉ trích cho hành động trên từ phía hội chuyên viên điện lực (Hội Điện Học, hội Kỹ Sư, Nghiệp Đoàn Chuyên Viên Điện Lực,…) và Thượng Viện.

Diện tích khai thác điện năng của công ty Saigon Điện Lực bao gồm 11 quận Đô Thành, tỉnh Gia Định (trừ quận Quảng Xuyên, Cần Giờ) tỉnh lỵ Biên Hòa, quận Lái Thiêu tỉnh Bình Dương. Tổng cộng Saigon Điện Lực phục vụ khoảng 3 triệu dân Sài Gòn và vùng lân cận, sử dụng 1,500 nhân viên, sản xuất được 325,733,450 kW/giờ (năm 1968) và mua lại 261,866,884 kW/giờ của Điện lực Việt-Nam để phân phối cho các nhà thuê bao điện năng.

Có thể thấy, Điện lực Việt-Nam (nhà nước quản lý) và công ty Saigon Điện Lực (tư nhân quản lý) đại diện cho hai khuynh hướng – khai thác phục vụ công ích và khai thác phục vụ kinh doanh. Có một điều đặc biệt trong cơ chế quản trị của Điện lực Việt-Nam là chính phủ và Quốc hội thực hiện kiểm soát thu chi, và cán bộ tham nhũng sẽ chịu tội đại hình chứ không phải kỷ luật nội bộ (cảnh cáo, sa thải).

2. Thủy điện

Nhằm đảm bảo nguồn cung điện năng trong giai đoạn phát triển nhạy cảm của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, đập thủy điện Đa-Nhim được chính thức khởi công xây dựng từ ngày 01-4-1961 với 3000 nhân công (300 chuyên viên Nhật) và chia làm hai đợt, đợt thứ nhất đập được đắp cao 25m và đợt sau cao thêm 30m. Dự án xây dựng đập thủy điện Đa-Nhim dựa vào hai dự án của hãng SOGREATH (Pháp) và hãng NIPPON KOEI (Nhật). Tất cả chi phí đầu tư xây cất đều do khoản tiền sau đài thọ gồm 3.5 tỷ bồi thường chiến tranh và 1.5 tỷ vay của Nhật.

Kích thước của đập: dài 1,460m, cao 38m, bề ngang đáy đập 180m, bề ngang mặt đập 6m, khối đất để đắp đập là 3,600,000m3.

Đập đất gồm có hai phần, phần chính bằng đất đồng chất, trồng cỏ tránh xâm thực và đập tràn bằng bê-tông (nhỏ và thấp hơn đập đất 16.3m) dài 51.5m có 4 cửa sắt để bảo đảm lưu lượng tràn đến 6,468m3/giây vào mùa mưa.

Đường hầm thủy áp đào xuyên qua lòng núi dưới đèo Ngoạn Mục, dài 4,878m, đường kính 3.4m dẫn nước từ hồ nhân tạo Đơn Dương đến đỉnh núi chế ngự đồng bằng Phan Rang. Từ núi này nước được dẫn xuống nhà máy phát điện nằm dưới chân núi bằng 2 ống thép thủy áp dài 2,340m, đường kính 2m và nhỏ dần lại 1m trước khi vào nhà máy phát điện.

Nhà máy phát điện gồm có 4 máy turbine, 4 máy phát điện, 4 máy biến điện, v.v. Máy phát điện sản xuất điện hạ thế 13.2 kV được biến thành điện cao thế 230 kV rồi chuyển về nhà máy biến điện Thủ Đức bằng 3 đường dây cao thế trên đoạn đường 252km từ Krong-Pha đến Thủ Đức.

Điện năng tiêu thụ và sản xuất tại Sài Gòn và phụ cận (Nguyễn Huy, 1972, tr.68)

Năm Điện năng sản xuất (Kwh) Điện năng tiêu thụ (Kwh)
1963 1964 1965 1966 1967 349,779,000 399,086,000 431,809,000 534,418,000 620,951,000 292,065,000 336,756,000 362,950,000 436,756,000 510,422,145

Có thể thấy, nguồn cung điện năng tại miền Nam trước 1975 luôn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và các xí nghiệp sản xuất, đảm bảo quá trình vận hành một cách trơn tru cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa.

3. Mỏ và tinh khoáng

Nam Việt không may mắn như Bắc Việt khi phần lớn khoáng sản đều tập trung ở Bắc Phần. Kể từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã nhận thấy lượng khoáng sản dồi dào ở miền Bắc, vì thế mọi hầm mỏ khai thác đều tập trung tại đây. Đã từ lâu các mỏ chì, kẽm, thiếc đều do các thợ mỏ người Hoa khai thác, các quặng mỏ thường được đem nấu tại chỗ hay chở đến vùng có than gần đó. Chỉ đến thời Pháp thuộc, các hầm mỏ mới được khai thác một cách quy mô và khoa học hơn dưới sự hướng dẫn của “Service de mines” thiết lập năm 1902.

Miền Nam là một vùng đất nghèo nàn về khoáng sản, kinh tế Việt Nam Cộng Hòa khó mà trông chờ vào việc khai thác tài nguyên. Dù vậy, Việt Nam Cộng Hòa vẫn có một số tài nguyên thiên nhiên cần thiết có giá thành sản xuất rẻ như đá vôi, tràng thạch, cát trắng,… để phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, Nha Tài Nguyên Khoáng Sản đã từng ghi nhận được khoảng 100 dấu hiệu khoáng sản, trong đó có khoảng 30 dấu hiệu về quặng sắt, molybdenite, mỏ dầu lửa trên thềm lục địa Cửu Long. Trong những năm cuối 1960 và đầu 1970, Nha Tài Nguyên Thiên Nhiên đã chú trọng nhiều tới các khoáng sản cần thiết cho giai đoạn đầu phát triển nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa như xi măng, thủy tinh, phân bón, đồ gốm, hóa học, v.v.

a. Mỏ khai thác

Than đá: mỏ than Nông Sơn là nơi duy nhất có thể sản xuất than đá, được khai thác bởi người Hoa từ năm 1881, sau đến người Pháp. Năm 1956, mỏ than này mới được chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chú trọng. Ngày 6-5-1959 chính phủ mua lại mỏ than Nông Sơn và lập thành Công Quản Quốc Gia nhằm mục đích cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Thủ-Đức và nhà máy xi măng Hà-Tiên. Tuy nhiên, đến năm 1961 chính phủ dừng khai thác mỏ Nông Sơn cho hai nhà máy trên vì vận chuyển tốn kém và không thể cạnh tranh với dầu cặn (fuel oil). Vì mỏ than Nông Sơn sản xuất và sử dụng tại chỗ sẽ có lợi hơn, nên chính phủ thành lập khu công nghiệp An-Hòa Nông-Sơn để sử dụng tại chỗ mỏ than này vào năm 1962.

Than bùn: Than bùn tích tụ nhiều nhất ở Cà Mau, vùng than bùn ở U Minh rộng tới 60,000 hecta. Mặc dù than bùn cung cấp nguồn nhiệt rất rẻ nhưng than đước, than củi vẫn chiếm ưu thế hơn do chúng dồi dào và dễ khai thác hơn.

Vàng: Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa thừa hưởng hai mỏ vàng tại Bồng Miêu (Quảng Ngãi) và miền núi Bạch Mã (Thừa Thiên), lúc bấy giờ tư nhân miền Nam được Bộ Kinh Tế khuyến khích đầu tư vào hai mỏ này vì dễ khai thác. Ngoài hai mỏ trên, một số nông dân ở Long Xuyên còn tìm được những mảnh vàng nhỏ ở xã Định Mỹ và ở khu vực gần núi Ba Thê.

Sắt: Rất nhiều quặng sắt đã được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là ở Kiên Giang (đảo Phú Quốc, đảo Hải Tặc, đảo Hòn Heo, Hòn Con Dé, Hòn Doi Trung). Trong những lớp đá biến tính ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi còn tìm được quặng sắt dưới dạng thể hồng thiết khoáng (hematite) và bạch thiết khoáng (oligiste). Trong vùng Hòa An có cả quặng từ thiết khoáng (magnétite). Ngoài ra đá ong (latérite) nhất là từ Biên Hòa lên Bình Long chứa tỉ lệ sắt tới 70%.

Molybdenium: Trước năm 1945, quặng molybdenium đã được khai thác tại vùng Đơn Dương (Dran), Krong-Pha, Phan Rang và sau đó được tìm kiếm tại miền núi Sam (Châu Đốc). Sau này các hầm khai thác molybdenium ở núi Sam đã ngừng hoạt động.

Titanium: Titanium chủ yếu được tìm thấy ở bờ biển Quy Nhơn, Vũng Tàu.

b. Tinh khoáng

Tràng thạch (feldspath): Tràng thạch được tìm thấy trong đá hoa cương thô hạt với những tinh thể có đường kính 1-4 phân tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Tuy Hòa, Krong-Pha, Đà Lạt, Quảng Nam. Sản lượng sản xuất của khoáng sản này đạt 919 tấn (1955), 766 tấn (1969), 878 tấn (1966).

Vẫn tràng (nepheline): Vẫn tràng được tìm thấy ở phía Tây Khánh Hòa, chung quanh Đà Lạt.

Than chì: Miền Nam có nhiều vùng đá biến tính chứa đựng than chì, được khai thác từ lâu ở Quảng Ngãi và sau này là ở núi Sam, núi Sập (phía Tây đồng bằng Cửu Long). Trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, khai thác than chì chủ yếu để làm ruột bút chì và phục vụ ngành điện giải, làm bình điện, làm điện cực, dây đốt bóng đèn, v.v.

Muối (ClNa): Với bờ biển dài trên 1000 cây số và sức nóng của mặt trời nhiệt đới, hàng năm Việt Nam Cộng Hòa đã sản xuất được một lượng muối đáng kể. Phần lớn số muối sản xuất có tỷ lệ NaCl dưới 90%. Đồng muối Cà Ná rộng 563 hecta có khả năng sản xuất khoảng 56,000 tấn/năm muối tốt có tỷ lệ ClNa trên 90%. Miền Nam có ba công ty khai thác trong ngành này là NAMYO, VICAINCO, VICACO.

Diện tích và sản xuất muối năm 1968 (Niên giám thống kê 1969).
Diện tích và sản xuất muối năm 1968 (Niên giám thống kê 1969).

Đá vôi: Đá vôi có rất nhiều công dụng để phục vụ nền công nghiệp cũng như đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Lượng đá vôi tại miền Nam chủ yếu tập trung ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Khánh Hòa và Hà Tiên.

Cát trắng: Cát trắng được công ty Thủy Tinh Việt Nam và các lò thủy tinh ở Sài Gòn và lân cận tiêu thụ tới 15,000 tấn mỗi năm. Có hai hầm cát lớn là hầm cát Thủy Triều và hầm cát Nam Ô, được sản xuất để dùng trong nước và xuất cảng, chủ yếu là qua Nhật Bản.

Đất sét: Đất sét trắng phục vụ công nghiệp (hay đất sứ – kaolin) chỉ tập trung nhiều tại Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa và Đà Lạt. Có một thực tế là các hầm đất sét ở Lái Thiêu đều do thôn dân chiếm cứ mỗi người một mảnh đất để tự tìm kiếm khai thác, phát mại theo kinh nghiệm và phương tiên cá nhân chứ không theo một đường lối khoa học nào.

4. Công nghiệp thực phẩm

Hãng BGI là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Miền Nam sớm nhất vào năm 1927, sau đó là đến nhà máy thuốc lá (1929 – 1939), nhà máy đường, v.v. Đến năm 1967, Việt Nam Cộng Hòa có 28 xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với số vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng, thỏa mãn phần lớn thị trường quốc nội và tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm.

Các ngành công nghiệp thực phẩm trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được đề cập trong bài viết này sẽ bao gồm: công nghiệp đường, thức uống, nắm mắm, thuốc lá, đồ hộp.

a. Công nghiệp đường

Đường là nhu yếu phẩm quan trọng chỉ đứng sau gạo và sữa. Đường Việt Nam được sản xuất từ mía và miền Nam có khoảng 30,000 hecta mía cho ra sản lượng khoảng 1 triệu tấn mía; theo đó, 15% để sản xuất đường trắng, 35% sản xuất đường tiểu công nghệ, 50% để tiêu thụ trực tiếp. Miền Nam có tất cả 4 công ty hoạt động trong lĩnh vực này là: Công ty Đường Việt-Nam (thành lập năm 1957, vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng), công ty Đường Quảng-Ngãi (1964, 500 triệu đồng), công ty Bình Dương (1966, 600 triệu đồng), công ty Vĩnh Phú (1960, 52 triệu đồng). Tuy nhiên, chỉ riêng công ty Vĩnh Phú là công ty tư nhân, 3 công ty còn lại đều là doanh nghiệp quốc doanh.

Về máy móc, công ty Quảng-Ngãi và Bình-Dương được trang bị máy móc thiết bị tối tân nhất trong khi máy móc của hai công ty Đường Việt-Nam và Vĩnh-Phú đã cũ kỹ.

Công nghiệp đường sử dụng khoảng 1,500 nhân công, trong đó 9% là thợ chuyên môn, 20% là công nhân sản xuất, số còn lại là nhân viên văn phòng và lao công.

Sau năm 1966, các cơ sở trồng mía bị chiến tranh tàn phá nặng nề, các lò đường tiểu công nghệ đều phải đóng cửa. Do không đủ mía để sản xuất đường nên mỗi năm Việt Nam Cộng Hòa phải nhập cảng đường cho các nhà máy tinh luyện. Vì thế, số đường tinh luyện nhập cảng tăng đột biến từ 25 tấn năm 1965 lên 45,042 tấn năm 1966, và 163,000 tấn năm 1969. Trong khi đó, mức tiêu thụ đường bình quân của người dân tăng lên gấp 2 lần từ 8.8kg năm 1964 lên 16.68kg năm 1969.

b. Công nghiệp thức uống

Trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn này có 4 hãng chế tạo thức uống là BGI, Công ty Rượu Bình-Tây, xí nghiệp Phương-Toàn và Merry Realm. Tổng số nhân công sử dụng trong lĩnh vực này là 4,536 – trong đó BGI chiếm tỉ trọng cao nhất. Nhìn chung, sản lượng rượu bia và nước ngọt của các doanh nghiệp này đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, Việt Nam Cộng Hòa chỉ nhập thêm một số loại rượu khai vị, rượu mạnh, rượu chát từ nước ngoài để phục vụ thêm một số nhu cầu từ người dùng.

Các doanh nghiệp kinh doanh thức uống trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa

Doanh nghiệp Thành lập Sở hữu Vốn đầu tư
Hãng BGI 1927 Pháp 3 tỷ đồng
Công ty Rượu Bình-Tây 1901 Pháp 500 triệu đồng
Xí nghiệp Phương-Toàn 1947 Việt 30 triệu đồng
Xí nghiệp Merry Realm 1966 Việt 30 triệu đồng

Về ngành chế tạo rượu, có thể kể thêm công ty Đường Việt-Nam mỗi năm sản xuất khoảng 1.5 triệu lít rượu trắng và 250,000 lít rượu Rhum, rượu hồi, v.v. Mức sản xuất của hai ngành hàng chính trong công nghiệp thức uống là bia và nước ngọt được trình bày trong biểu đồ bên dưới.

Mức sản xuất bia và nước ngọt tại miền Nam 1960 – 1969 (Nguyễn Huy, 1972, tr.103).
Mức sản xuất bia và nước ngọt tại miền Nam 1960 – 1969 (Nguyễn Huy, 1972, tr.103).

c. Công nghiệp thuốc lá

Từ thời Pháp thuộc, ngành công nghiệp thuốc lá tại miền Nam đều do tư nhân Pháp đầu tư với ba hãng lớn là MIC, BASTOS, MITAC lập thành một nghiệp đoàn do MIC làm chủ tịch. Trong thời chiến, ngành công nghiệp thuốc lá phát triển mạnh và nhân công thường được trả lương khá cao. Năm 1967, các hãng trang bị thêm nhiều máy móc tối tân trị giá hơn 1 triệu USD để sản xuất phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Cả ba hãng MIC, BASTOS, MITAC đã thu về rất nhiều lợi nhuận trong giai đoạn này, đóng góp vào ngân sách chính phủ tới 4.7 tỷ đồng tiền thuế (tương đương 17% dự thâu của ngân quỹ quốc gia).

d. Ngành nước mắm

Hầu hết các nhà sản xuất nước mắm tại miền Nam trước 1975 đều hoạt động dưới dạng cá nhân hoặc gia đình, riêng hãng Liên Thành là một công ty với số vốn 15 triệu. Khoảng 2/3 các hộ kinh doanh này là người Việt, số còn lại là người Hoa. Tất cả đều sử dụng phương pháp cổ truyền.

Theo tài liệu của niên giám thống kê Việt Nam năm 1969, sản lượng nước mắm năm 1968 đạt khoảng 56 triệu lít, tiêu thụ 1/3 tổng số cá đánh được. Số lượng sản xuất đủ thỏa mãn nhu cầu quốc nội và mỗi năm xuất cảng khoảng 100,000 lít sang Pháp, Nouvelle-Cadédonie, Lào. Các miền sản xuất nhiều nhất là Phú Quốc, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận.

e. Đồ hộp

Năm 1970, miền Nam có 6 công ty sản xuất đồ hộp, trong đó có 5 công ty trách nhiệm hữu hạn của người Việt sản xuất các loại hộp cá, thịt, trái cây,… còn công ty Foremost của Mỹ sản xuất sữa hộp.

Sữa Foremost là một thương hiệu rất đỗi quen thuộc và… “ám ảnh” với học sinh Sài Gòn trước 1975. Lúc ấy, theo chương trình phát sữa miễn phí, những chiếc xe Foremost sẽ ghé ngang các trường tiểu học và phát một ổ bánh mì cùng một hộp sữa miễn phí cho tất cả học sinh vào mỗi sáng, nhằm mục đích chống còi xương và tăng cường thể trạng cho trẻ em Việt Nam. Vì ngày nào cũng được phát nên học sinh ngán đến nỗi phải giấu đem bỏ đi.

Các doanh nghiệp kinh doanh đồ hộp trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa

Doanh nghiệp Thành lập Sở hữu Vốn đầu tư
Mỹ Châu 1959 Việt 30 triệu đồng
Vĩnh Ký 1959 Việt 30 triệu đồng
Intraco 1962 Việt
Somico 1966 Việt
Á-Châu 1968 Việt
Foremost Dairie VN 1965 Mỹ 300 triệu đồng

Nhu cầu về đồ hộp gia tăng nhanh chóng kể từ khi có sự xuất hiện của đồng minh Hoa Kỳ tại miền Nam, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu để phục vụ quân đội. Nhờ vậy mà ngành công nghiệp đồ hộp phát triển mạnh trong thời gian này, đặc biệt là sau khế ước ký kết giữa chính phủ và Hoa Kỳ về việc tăng cường hoạt động sản xuất đồ hộp phục vụ cho nhu cầu quân đội. Không thể phủ nhận sự có mặt của hơn nửa triệu quân đồng minh đã tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn này.

5. Ngành dệt

Sau khi công cuộc kỹ nghệ hóa nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được phát động, các ngành công nghiệp từ đó phát triển một cách mạnh sẽ và năng suất cải thiện rõ rệt. Ngành dệt cũng nằm trong số đó.

Công nghiệp dệt trải qua thời kỳ thủ công nghệ kéo dài đến năm 1955. Giai đoạn 1960 – 1969, ngành này bắt đầu thực sự bộc phát với số vốn đầu tư lên tới 11 tỷ đồng, trong khi đó tổng số vốn đầu tư cả nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa là 36 tỷ. Nhờ sức tiêu thụ mạnh của thị trường miền Nam và được chính phủ hỗ trợ mọi mặt, các doanh nghiệp trong ngành đã mạnh dạn đầu tư hàng loạt máy móc thiết bị tối tân trị giá tới 49 triệu USD từ Nhật, Đức và Mỹ. Đây cũng là ngành có nhiều kỹ sư và thợ chuyên môn nhất. Tính trong năm 1966, công nghiệp dệt có khoảng 11,572 nhân công với mức lương khá cao so với các ngành khác.

Công nghiệp dệt lúc ấy đa phần do người Hoa làm chủ, có thể phân làm hai loại như sau:

– Công nghiệp dệt vải, kéo sợi, nhuộm in bông và hoàn tất: Năm 1957, Sicovina thành lập nhà máy kéo sợi Khánh-Hội; từ năm 1960 có thêm VINATEXCO ở Bà Quẹo, VIMYTEX ở Thủ Đức, DACOTEX ở Phú Thọ, DONAFITEX ở Đà Nẵng.

– Công nghiệp dệt hàng tơ bóng và tơ hóa hợp gồm khoảng 21 xí nghiệp quan trọng nằm ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định – Long An. Cuối năm 1966, tất cả 21 xí nghiệp này đã đầu tư 277.6 triệu đồng và thâu 3,250 nhân công và có 2,324 máy dệt. Các hãng lớn như VISYFASA  đầu tư 50 triệu và thâu dụng 450 nhân công, công ty Nam Á đầu tư 37.37 triệu và thâu dụng 386 nhân công.

a. Bông vải

Ngành công nghiệp bông vải là ngành đứng đầu và phát triển nhanh nhất trong kỹ nghệ tơ sợi. Ngành này chỉ bắt đầu phổ biến từ năm 1960, với các công ty lớn được trang bị máy móc tối tân như Sicovina Phong-Phú có thể 30 triệu thước/năm, Vinatefinco 20 triệu thước/năm.

Tổng cộng ngành bông vải có 9 công ty thiết lập 12 nhà máy, gồm 8 xưởng kéo sợi, 8 xưởng dệt, 6 xưởng nhuộm và hoàn tất. Còn ngành tiểu công nghệ dệt vải có 216 xưởng trong 29 tổ hợp trực dụng nguyên liệu. Ngành nhuộm có 52 xưởng trong 9 tổ hợp trực dụng nguyên liệu.

b. Dệt hàng tơ hóa, tơ bóng

Ngành dệt hàng tơ bóng ra đời từ năm 1957-1958 và mãi tới năm 1961-1962 ngành dệt hàng hóa hợp mới được thiết lập. Tổng số xí nghiệp trong ngành này là 20, trong đó có 8 xí nghiệp được trang bị khoảng 200 máy dệt là Visyfasa, Nam-Á, Tô-Châu, Liên-Phương, Tái-Thanh, Thanh Hòa, Đông-Thịnh, Hoàng-Anh, còn 12 hãng còn lại chỉ có khoảng 100 máy dệt.

c. Các ngành dệt phụ thuộc

Dệt mền len: Hãng Sakymen được thành lập năm 1961, trang bị 60 máy dệt Jacquard, 800 suốt kéo sợi, có khả năng dệt 800,000 mền bông fibranne mỗi năm. Số sản xuất trung bình hàng năm là 300,000 mền.

Dệt lưới đánh cá: Miền Nam có 6 hãng lớn dệt lưới đánh cá là Trúc-Giang (sản xuất 120 tấn), Trần-Nô (70 tấn), Halicoty (70 tấn), Khải-Vinh (60 tấn), Sing Sang (30 tấn), VN Netting (30 tấn).

Dệt bao bố: Hai hãng Soviju và Dofitex được trang bị 132 máy dệt, 1,856 suốt kéo sợi, có khả năng sản xuất 6 triệu bao bố dệt bằng sợi kenaf nhập cảng.

Dệt mùng lưới nylon: Hai hãng Visyfasa và Mỹ-Á có năng suất dệt 1.5 triệu thước/năm.

Kéo sợi len: Ngành này hoạt động năm 1971 – 1972 với 2 công ty Cotylen và Vitilen, năng suất khoảng 400 – 800 tấn/năm.

6. Công nghiệp kim khí và cơ khí

Công nghiệp kim khí và cơ khí trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa lúc này chỉ mới trong giai đoạn phôi thai. Đa số các cơ xưởng đều hoạt động dưới hình thức tiểu công nghệ và được chia thành 4 nhóm:

A – Luyện kim, đúc và cán kim loại B – Chế phẩm kim khí C – Chế tạo các vật dụng bằng nhôm D – Cơ khí – Lắp ráp

Trong công cuộc công nghiệp hóa, kim khí và cơ khí được xem là các ngành căn bản phải dành nhiều ưu tiên. Tuy nhiên, vì còn ở giai đoạn phôi thai nên nó cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu than, sắt, thiếu chuyên viên có khả năng và kinh nghiệm. Dù vậy, việc đào tạo nhân viên kỹ thuật và thợ lành nghề tương đối khả quan nhờ công trình của 544 giáo sư và cán bộ của 9 trường kỹ thuật đệ nhị cấp. Trong khi đó việc đào tạo kỹ sư cơ khí của trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ thì lại khá hạn chế với sĩ số 135 sinh viên (năm 1969).

Đối chiếu cung-cầu ước lượng về sản phẩm cơ khí và kim khí năm 1975 (Nguyễn Huy, 1972, tr.142).
Đối chiếu cung-cầu ước lượng về sản phẩm cơ khí và kim khí năm 1975 (Nguyễn Huy, 1972, tr.142).

a. Luyện kim, đúc và cán kim loại

Đối với ngành luyện kim, đa phần các hãng đều trang bị lò cỡ nhỏ (dưới 5 tấn) để nấu gang, thép, đồng. Tuy nhiên, vẫn có một vài hãng lớn luyện kim đơn cử như:

– Hãng Tân-Việt có lò cảm ứng điện cao tần khá tối tân với năng suất 600 tấn thép/năm để chế tạo các bộ phận dụng cụ máy móc như máy chế biến trái cà phê, hàm máy xay đá,…

– Hãng SADAKIM có một lò điện hồ quang với năng suất 3,000 tấn gang thô mỗi năm nhằm cung cấp cho các hãng đúc. Nhu cầu thị trường gang thô mỗi năm khoảng 7,000 tấn, tuy nhiên gang của SADAKIM xấu hơn gang ngoại quốc nên khó tiêu thụ.

– Hãng Trí-Độ có 2 lò với tổng năng suất đạt 6,000 tấn gang mỗi năm. Phẩm chất gang của Trí-Độ cũng khá kém, sản phẩm của hãng này thường dùng để đúc các bộ phận như ống nước, chân máy,…

– Công ty Kỹ nghệ Thành-Mỹ có một lò nấu đồng của Đài Loan đạt năng suất 600 tấn đồng/năm dùng đồng vụn đem tinh lọc rồi cán thành dây máy để chế tạo dây điện.

– Hãng Việt-Nam Steel dùng lò converter và hot blast cupol luyện sắt vụn thành thép thỏi với khả năng sản xuất 10,000 tấn/năm để cung cấp cho các nhà máy cán thép.

– Công ty VICASA với vốn đầu tư 40 triệu đồng được trang bị 2 lò nấu thép quang điện (sức chứa 6 tấn mỗi lò), nhưng chỉ sản xuất 12,000 tấn/năm.

– Hãng Đông-Á có 1 lò hồ quang 5 tấn để luyện sắt vụn thành thép thỏi, có khả năng sản xuất 12,000 tấn thép mỗi năm.

Đối với ngành đúc, phần lớn hoạt động của các nhà đúc là sản xuất ống nước và các vật dụng bằng gang hay nhôm. Riêng các hãng đúc Tân-Việt, Công ty Sáo, Caric đúc được các bộ phận máy móc phức tạp có phẩm chất tốt. Còn đa số các hãng đúc khác với kỹ thuật thô sơ chỉ đúc những đồ thông dụng như chảo, bàn ủi, v.v.

Đối với ngành cán kim loại, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 2 hãng VIKIMCO và VICASA là cán sắt thép để sản xuất sắt thanh, sắt tròn, sắt có góc, sắt chữ I và L dùng trong xây dựng, với năng suất 40,000 tấn/năm; còn với kỹ nghệ cán đồng, miền Nam có một vài doanh nghiệp tiêu biểu như công ty Kỹ nghệ Thành-Mỹ, Tân-Á và Vidico.

b. Chế phẩm kim khí

Các chế phẩm kim khí chính trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn trước 1970 gồm: đinh, lưới kẽm, dây kẽm gai; đinh ốc, bù loong, con tán; tôn tráng kẽm; thùng, hộp, lon, v.v.

  • Sản xuất đinh, lưới kẽm, dây kẽm gai

Ngành này thường sử dụng nguyên liệu là dây thép sáng. Trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa, có 4 công ty sản xuất dây thép sáng là: VITAKO (Việt-Á Kim-Tuyến Kỹ-nghệ) và LIFAMEWO sử dụng máy nhập cảng từ Mỹ, Nhật; còn hai công ty Mỹ-Châu và Thật Dụng trang bị máy nội hóa. Cả 4 công ty trên đều có năng suất 10,000 tấn/năm, thép sáng sản xuất ra thường dùng để chế tạo đinh, dây kẽm, lưới kẽm, v.v.

Về chế tạo đinh, miền Nam có tới 31 hãng sản xuất với năng suất 4,000 tấn/năm. Đa số hoạt động dưới hình thức tiểu công nghệ; chỉ có Công ty Trương-Ngọc, VITAKO, LIFAMEWO là có quy mô lớn.

Về chế tạo lưới kẽm, tiêu biểu là hãng VITAKO với mức sản xuất trong năm 1967 là 1,225,000m2.

Về chế tạo dây kẽm gai có 4 hãng là công ty Tứ Nguyễn, Mỹ Châu, VITAKO, LIFAMEWO, năng suất năm 1967 là 2,400 tấn.

  • Sản xuất đinh ốc, bù loong, con tán

Hãng Kỹ nghệ Tân-Hưng và Kỹ nghệ Liên-Hiệp là 2 hãng sản xuất lớn về đinh ốc, bù loong, con tán trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cuối những năm 60. Trong đó hãng Tân-Hưng sử dụng máy móc nhập từ Đài Loan, còn hãng Liên-Hiệp sử dụng máy móc của Đức và Nhật.

  • Chế tạo tôn tráng kẽm

Hãng Vinaton (Việt-Nam Kỹ nghệ Tôn Tráng kẽm) hoạt động từ tháng 9-1968 với năng suất 10,000 tấn/năm, trong khi nhu cầu thị trường ước lượng lên đến 70,000 tấn, cộng thêm những tác động từ chiến tranh, kinh tế Việt Nam Cộng Hòa vì thế phải nhập cảng thêm tới 150,000 tấn/năm. Năm 1970, có thêm 3 cơ xưởng tôn tráng kẽm mới được thiết lập.

  • Chế tạo thùng, hộp, lon

Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Các hãng như Caric, Kỹ nghệ Bình-Đông, Silico (Kỹ nghệ Thắng-Lợi), Liên-Ích sản xuất 143,000 chiếc thùng chứa dầu cho các hãng Esso, Shell, Caltex. Bên cạnh đó, các hãng xăng trên cũng tự sản xuất khoảng 5,330,000 thùng dầu hôi trong năm 1967.

Ngoài ra còn có các hãng như Wa Wa, Huê-Nghệ, Phương Nguyên, Kỹ nghệ Quế-Phương, Vĩnh-Du, Vĩnh-Ký chế tạo được khoảng 7,570,000 thùng, hộp, lon đủ cỡ bằng sắt trắng trong năm 1967.

c. Chế tạo vật dụng bằng nhôm

Miền Nam có tổng cộng 60 nhà chế tạo nhôm chia thành 12 tổ hợp, một hợp tác xã và một nhà hoạt động độc lập trong ngành. Về kỹ thuật, trừ một số nhỏ máy ép được nhập cảng, đa số còn lại là máy móc nội địa như máy lận, máy tán, máy khoan, máy ép, máy đánh bóng, máy cắt, máy đột. Nguyên liệu sử dụng là nhôm lá, nhôm tấm, nhôm đĩa nhập cảng để chế tạo nồi, xoong, dĩa thau, v.v.

10 nhà sản xuất nhôm quan trọng nhất trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa năm 1967

Hãng Vốn đầu tư (triệu đồng) Số thương vụ (triệu đồng) Nhân công
Vạn-Lợi 29 2.5 19
Hiệp-Lợi 22 22.5 44
Ninh-Sơn 14.5 6 30
Tuấn-Thành 7 27.5 46
Đức-Phát 6 10.6 22
Vinalu 5.5 75
Vidafa 5 8.2 51
Cát-Lợi 2.5 1.3 14
Việt-Phát 1.8 3.4 24
Ngô-Bình 1.7 1 16

d. Cơ khí

Cơ khí tại miền Nam còn ở trong tình trạng tiểu công nghiệp, nặng tính cách sữa chửa hơn là sản xuất. Sản xuất thường tùy thuộc vào các đơn đặt hàng chứ không có tính cách liên tục dây chuyền. Đại diện cho ngành cơ khí thực sự chỉ có 2 hãng là Caric và công ty Sáo, còn EIFFEL và SFEDTP thiên về hoạt động kiến trúc. Cả 4 hãng trên sử dụng khoảng 2,050 nhân công. Ngoài ra còn có một số cơ xưởng nhỏ rải rác ở các tỉnh.

Hàng năm số sản xuất của các hãng vẫn gia tăng đều vì nhu cầu quân đội và mang về lượng lớn ngoại tệ, đơn cử như Caric đã mang về cho kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1,446,000 USD nhờ đóng thùng cho Mỹ.

e. Lắp ráp

Phát triển lĩnh vực lắp ráp cũng là một cách tiết kiệm ngoại tệ và tạo ra công ăn việc làm rất tốt. Bộ Kinh Tế và Tổng Nha Kế Hoạch đã quyết định:

– Cho thành lập cơ xưởng ráp đồng hồ, máy may, xe scooter, v.v.

– Về xe máy, hãng ráp chỉ được nhập cảng 85-90% bộ phận trên trị giá FOB của xe nguyên chiếc ráp sẵn; tỷ lệ bộ phận nội hóa kể cả công ráp chiếm 10% (đối với xe vespa), 15% (đối với xe lambretta). Trong khi đó tỷ lệ nội địa cho xe ba bánh (thường gọi là xe lam) là 26%.

– Với máy may, hãng ráp phải chế tạo tại Việt Nam bàn và chân máy.

– Thúc đẩy các nhà nhập cảng chuyên nghiệp chuyển sang hoạt động lắp ráp.

Trong giai đoạn đầu khi nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa được tự do hóa, miền Nam có hai nhà ráp xe scooter lớn là VINACO (ráp xe lambretta) và công ty Vận tải Phi-Mã (ráp xe vespa). Cả hai hãng trên đều nhập cảng máy móc của Ý và một số nhỏ của Pháp và Đức, tất cả khoảng 4 triệu đồng. Các loại xe scooter được ráp là vespa 50s, vespa 150 super, vespa 150 sprint, lambretta 50 junior, lambretta 150. Xe ba bánh có hai loại là vespa 175cc, lambro 500.

Về lắp ráp máy may, miền Nam có 12 xí nghiệp gồm: L’UCIA-Asie (Pháp), SINCO, Nguyễn Văn Khương, VINACO, Saigon Công Nghiệp (Ấn Độ – Việt Nam), Đức Lâm, Huỳnh Đăng Ngươn, Nguyễn Văn Điệp, Mycolty, Tân Việt Công Thương, Ets Dress Sewing Machine, Sinaco. Trong năm 1967, tổng số nhân công ngành ráp máy may là 610 người.

Từ giữa năm 1966, sự có mặt của lượng lớn quân đồng minh đã làm cho lợi tức của người dân nhất là ở thành thị gia tăng đột ngột, dẫn đến việc mua sắm ồ ạt khiến cho ngành ráp xe hai bánh, máy may, đồng hồ không đủ thỏa mãn nhu cầu. Vì thế, chính phủ đã cho nhập cảng nguyên chiếc các sản phẩm trên. Cơ chế thị trường lúc này càng được nới lỏng.

7. Công nghiệp cao su

Ngành công nghiệp chế biến cao su thiên nhiên đã có từ thời Pháp thuộc, khi đó tại miền Nam có hai hãng lớn là LABBÉ và Bata của Pháp chuyên sản xuất dép cao su, vỏ ruột xe đạp và một số vật dụng. Từ sau năm 1954 ngành công nghiệp này bắt đầu phát triển, người Hoa chuyên về sản xuất dép, người Việt sản xuất đệm mousse, vật dụng cao su, đắp vỏ xe hơi, v.v. Đến năm 1963, hãng Đainamco và Michelin chế tạo vỏ ruột xe đạp  trong nước.

Ngành công nghiệp cao su sử dụng nguyên liệu là cao su nội địa. Đây cũng là một ngành đang nằm trong giai đoạn phôi thai, cung vẫn chưa đủ cầu. Trừ hãng Michelin, Đainamco, Dutaco, Bata, Hợp-Ôn được trang bị máy móc từ Đức và Pháp, còn lại đều hoạt động theo dạng tiểu công nghệ, sử dụng máy móc nội địa với năng suất kém hơn.

Có thể chia ngành này làm bốn nhóm như sau: vỏ ruột xe, giày dép, đệm xốp, vật dụng bằng cao su.

a. Ngành sản xuất vỏ ruột xe

Trước 1970, ngành sản xuất vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy tại miền Nam có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động. Trong đó Michelin và Dutaco là 2 hãng đứng đầu về ngành này.

Số lượng sản xuất vỏ ruột xe trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa (Nha Tiếp Liệu Kỹ Nghệ)

Hãng Vỏ xe (chiếc) Ruột xe (chiếc)
1967 1968 1967 1968
Michelin 1,254,260 1,144,805 1,254,883 1,333,944
Dutaco 408,638 364,627 310,833 362,514
Filanco 49,100 41,275
Mỹ-Hạnh 11,726 180
Đức-Lợi 826 800
Liandrat 0 390,341 320,500
Đồng-Ích 0 37,160 10,486
Việt-Tân 0 24,150 6,200
Phạm Hiệp 0 200
Tổng cộng 1,711,998 1,550,707 1,956,057 2,021,458

Hãng Michelin là chi nhánh của Michelin bên Pháp, bắt đầu hoạt động từ tháng 4-1953 với vốn đầu tư 80 triệu đồng. Cơ xưởng được trang bị máy móc tối tân của Pháp và được điều hành bởi các kỹ sư nước ngoài. Chất lượng sản phẩm vì thế rất tốt. Hãng này cũng sản xuất vỏ ruột cho xe gắn máy Honda, Yamaha,…

Dutaco được thiết lập trong khu công nghiệp Biên-Hòa, hoạt động từ năm 1961 với vốn đầu tư 27 triệu đồng. So với Michelin, trang bị của Dutaco còn thua kém nhiều nên phải sử dụng nhân lực là chính.

b. Ngành sản xuất giày dép cao su

Miền Nam trước 1975 có khoảng 30 hãng sản xuất giày dép cao su, hầu hết đều tập trung ở vùng Sài Gòn – Gia Định. Bên cạnh hai hãng lớn là Bata và Hợp-Ôn sử dụng máy móc ngoại nhập, các hãng nhỏ còn lại thì trang bị máy móc nội địa với công suất thấp hơn hẳn.

Bata là hãng cua Pháp hoạt động từ năm 1953, vốn đầu tư khoảng 54 triệu đồng, được trang bị máy móc tối tân của Pháp và sản xuất theo lối dây chuyền và tự động. Hãng Hợp-Ôn hoạt động từ năm 1955, vốn đầu tư 52 triệu đồng và được trang bị máy móc tối tân của Pháp. Hợp-Ôn là hãng rất giàu tiềm năng với khả năng sản xuất lớn, tuy nhiên, do chịu thiệt hại nặng bởi biến cố Mậu Thân 1968 nên sản lượng năm 1968 giảm còn phân nửa.

Số lượng giày dép sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa 1964 – 1968 (Nha Tiếp Liệu Kỹ Nghệ)

Năm Số lượng sản xuất (đôi)
Giày cao su Dép cao su
1964 458,000 429,000
1965 532,000 1,706,000
1966 561,000 1,905,000
1967 354,000 1,319,000
1968 275,000 983,000

c. Ngành sản xuất nệm xốp (mousse)

Nệm xốp được sản xuất chủ yếu phục vụ cho nhu cầu trong thành thị. Khởi đầu là hai hãng Liandrat và Kim-Đan ở Sài Gòn. Liandrat hoạt động từ năm 1947 với vốn đầu tư 18 triệu đồng. Còn Kim-Đan là hãng của người Việt, hoạt động từ năm 1963 với số vốn đầu tư 6 triệu đồng.

Trong những năm 1965 – 1967, nhu cầu thị trường cho sản phẩm này tăng vọt khiến các xí nghiệp sản xuất vật dụng cao su như Hà-Văn, Liên-Sơn, Gấm-Vàng, Phạm-Hiệp, Hồng-Xương cũng quay sang sản xuất nệm xốp. Theo tài liệu từ Viện Quốc Gia Thống Kê, sản lượng nệm xốp năm 1964 chỉ đạt 299 tấn, đến năm 1965 đã vọt lên thành 662 tấn, đến năm 1967 là 922 tấn.

d. Ngành chế tạo vật dụng linh tinh bằng cao su

Nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa cuối những năm 1960 có khoảng 12 hãng nhỏ chế tạo vật dụng linh tinh bằng cao su như ống dẫn nước, bong bóng, dây thun, đế giày, thảm cao su, v.v. Tất cả đều tập trung ở Sài Gòn – Gia Định. Số lượng sản xuất năm 1967 đạt 512 tấn, đến năm 1968, nhiều cơ sở sản xuất bị hủy hoại nên sản lượng giảm còn 380 tấn.

8. Công nghiệp xi măng

Việt Nam Cộng Hòa phải nhập cảng một lượng lớn xi măng kể từ năm 1954. Số ngoại tệ dùng cho nhập cảng xi măng năm 1956 là 4.6 triệu USD tăng lên 10.1 triệu USD vào năm 1965. Để giải quyết tình trạng này, ngày 15-4-1961, chính phủ đã cho thiết lập nhà máy xi măng Hà-Tiên với vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng, chính thức hoạt động từ năm 1963.

Nhà máy Hà-Tiên có 2 cơ sở chính tại Kiên Lương và Thủ Đức, tuy nhiên, sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nội địa, số còn lại phải nhập khẩu từ Đài Loan. Dù vậy, miền Nam có nguồn dự trữ đá vôi, đất sét, thạch anh khá lớn, nên ngành xi măng trong nước có nhiều triển vọng để phát triển.

9. Công nghiệp thủy tinh

Song song với ngành công nghiệp Âu dược (thuốc Tây), đồ uống,… nhu cầu về chai lọ cũng tăng theo. Tại miền Nam trước 1975 có một doanh nghiệp hợp doanh quy mô lớn là công ty Thủy-Tinh Việt-Nam với vốn đầu tư ban đầu 100 triệu đồng (vốn chính phủ 51%, hãng BGI 44.5%, Société Indochinoise de Pyrotechnie 4.5%), bắt đầu hoạt động từ tháng 12-1960. Bên cạnh đó còn có khoảng 21 xí nghiệp tư nhân khác hoạt động trong ngành, tạo ra khoảng 1,000 công ăn việc làm cho nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa.

Mặc dù BGI là một hãng chuyên kinh doanh đồ uống, hãng này đã bỏ ra số vốn đầu tư khá lớn cho công ty Thủy-Tinh Việt-Nam. Về kỹ thuật, công ty Thủy-Tinh Việt-Nam được trang bị máy móc tối tân với lò nấu thủy tinh cho năng suất tối đa 50 tấn/ngày, với máy thổi chai, hấp chai tự động. Tuy vậy, công ty cũng chỉ cung cấp được 2 triệu chai thủy tinh so với nhu cầu 8 triệu chai từ hãng BGI. Hai hãng sản xuất thủy tinh theo sau là Nam-Hưng và Tân-Hưng.

Ba nhóm sản phẩm chính trong ngành công nghiệp thủy tinh gồm:

– Thủy tinh thường, ve chai, ly, bình thủy (10 xí nghiệp);

– Thủy tinh trung tính (4 xí nghiệp): ống đựng thuốc;

– Các loại kiếng phẳng.

10. Công nghiệp giấy

Có 2 công ty quốc doanh của Việt Nam Cộng Hòa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giấy là Cogido (công ty Giấy và Hóa phẩm Đồng-Nai), 100% vốn chính phủ với 4 nhà máy sản xuất bột giấy, giấy và bìa cứng; thứ hai là công ty Kỹ nghệ Giấy Việt-Nam (Tân-Mai) với 82% vốn chính phủ. Ngoài ra còn một số xí nghiệp tư nhân khác. Về chất lượng, giấy Việt Nam lúc bấy giờ không thua bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Các nhà máy giấy đều được trang bị máy móc tối tân và thuê các kỹ sư nước ngoài về làm việc, chẳng hạn kỹ sư Đài Loan trông coi máy của hãng Cogimeko, Nagico; kỹ sư Mỹ làm tại nhà máy Tân-Mai; kỹ sư Ý phục vụ tại hãng  Cogido, v.v. Tính trong năm 1967, ngành giấy sử dụng khoảng 1700 nhân công.

10 nhà máy sản xuất giấy lớn nhất miền Nam (tài liệu Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ).
10 nhà máy sản xuất giấy lớn nhất miền Nam (tài liệu Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ).

Đây là một trong những ngành vô cùng hứa hẹn của nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Theo tài liệu “Industrial Development and Feasibility study on Pulp and Paper Manufactoring in Viet-Nam” tháng 4-1970 của công ty Thomas H. Miner and Associates Inc., nhu cầu tiêu thụ giấy dự đoán sẽ gia tăng theo dân số trong năm 1971 và 1972, kể từ năm 1973 – 1980 sẽ tăng mạnh theo lợi tức quốc gia và dân số.

Nếu không xảy ra biến cố năm 1975, theo kế hoạch, ngành sản xuất giấy sẽ chuyển sang tấn công và chiếm lấy thị trường của các quốc gia lân cận là Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Indonesia,… sau khi đã thỏa mãn nhu cầu trong nước.

11. Công nghiệp hóa học

Trước 1960, công nghiệp hóa học chỉ mới trong giai đoạn phôi thai. Tuy nhiên, nhờ những hưởng ứng tích cực từ lời kêu gọi khuyến khích đầu tư công nghiệp của chính phủ từ năm 1960, công nghiệp hóa học đã có một bước tiến dài với nhiều nhà máy tối tân ở Sài Gòn – Chợ Lớn và khu công nghiệp Biên-Hòa.

a. Hóa phẩm căn bản

Có 6 xí nghiệp chuyên sản xuất hóa phẩm vô cơ căn bản trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa là:

– VICACO, VIKAINCO, NAMYO, Thiên-Hương, Cobogido sản xuất soude caustique lỏng (NaOH) và acide chlorhydrique (HCl).

– Công ty SOAEO (Société d’Oxygène et d’Acétylène d’Extrême-Orient) bắt đầu sản xuấ từ năm 1909 áp dụng phương pháp sản xuất Georges Claude, vốn đầu tư 123 triệu đồng, chuyên sản xuất các loại khí hóa học như O2, C2H2 (acétylène) và khí carbonic (CO2).

Tổng số nhân công sử dụng trong ngành hóa phẩm căn bản là 444 người với tỷ lệ thợ chuyên môn 35%. Máy móc phần lớn được nhập cảng từ Nhật và Pháp. Trong đó, HCl có lượng sản xuất khá cao vì ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là để sản xuất soude.

b. Nhựa dẻo

Ngành sản xuất nhựa dẻo có từ năm 1953 và phát triển rất mạnh dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Tính đến cuối năm 1969, miền Nam có khoảng 250 nhà sản xuất thuộc dạng tiểu công nghệ và 30 cơ sở sản xuất lớn, tính theo số giấy phép được cấp bởi tòa Đô Chính. Xí nghiệp lớn nhất trong ngành là công ty UFIPLASTIC với vốn đầu tư 280 triệu đồng.

Sản phẩm từ nhựa dẻo có đặc tính vừa bền, rẻ, tiện lợi, không bể, lại có thể sản xuất hàng loạt với phương pháp ép khuôn, tiêm khuôn, ép liên tục,… nên sản lượng ngày càng tăng và dần thay thế các sản phẩm bằng cao su, thủy tinh, nhôm, tre, mây, gai, v.v. Các hãng lớn sản xuất giày dép, áo mưa, ống nhựa, chén dĩa, bao, lưới,… còn các hãng nhỏ hơn thì chế tạo các đồ dùng như lược, nút áo,…

Trong năm 1969, số lượng sản xuất nhựa dẻo có khai báo với Bộ Kinh Tế như sau:

Sản lượng sản phẩm nhựa dẻo trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa năm 1969 (Bộ Kinh Tế)

Loại sản phẩm Đơn vị Số sản xuất
Da simili-cuir Thước 79,413
Giày dép Đôi 294,715
Gọng kiếng Cái 74,523
Nút nhựa Cái 4,621,476
Nắp nhựa Cái 1,120,780
Hộp nhựa Cái 32,200
Các vật dụng khác Tấn 35,235

Từ năm 1965, mức độ tự do kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa khá cao, nền sản xuất cởi mở hơn nên số xí nghiệp nhựa dẻo gia tăng nhanh và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Chất lượng sản phẩm trong nước do đó không thua kém sản phẩm ngoại nhập nào.

c. Xà bông

Việc chế tạo xà bông khá đơn giản, nguyên liệu lại có sẵn nên mỗi tỉnh đều có vài hãng sản xuất nhỏ. Chưa có thống kê chính thức về số lượng xí nghiệp trong ngành này. Riêng tại Sài Gòn có khoảng 21 nhà chế tạo xà bông, đáng chú ý là công ty Trương-Văn-Bền được đầu tư với số vốn lên đến 46 triệu đồng. Người miền Nam lúc bấy giờ rất chuộng xà bông bột nên ngành này phát triển khá mạnh. Trên thị trường miền Nam có sự xuất hiện của hai thương hiệu xà bông bột nổi tiếng là Viso và Net. Thương hiệu Net thuộc sở hữu công ty Việt-Nam Tân Hóa Phẩm có vốn đầu tư 20 triệu đồng, sản lượng đạt 1,500 tấn/năm. Ngoài ra còn có thương hiệu xà bông bột của một số hãng tiểu công nghệ khác, có khả năng sản xuất 1,000 tấn/năm.

Có thể nói Trương-Văn-Bền và Viso là hai hãng lớn ở miền Nam, được trang bị đầy đủ máy móc và nhân công trông nom. Vì đặc tính dễ làm nên các xí nghiệp sản xuất xà bông mọc lên khắp nơi, nhiều xí nghiệp hoạt động nhưng không khai báo, nên không có con số thống kê chính xác về tổng sản lượng xà bông trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa.

d. Âu dược (thuốc Tây)

Ngành sản xuất Âu dược là ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất tại miền Nam. Năm 1968, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa có 85 nhà sản xuất Âu dược, trong đó có 15 viện bào chế lớn được trang bị máy móc tối tân. Ngành này sử dụng 4,341 nhân công, theo khai báo từ 60 nhà sản xuất trong ngành. Máy móc đa phần nhập cảng từ Pháp, Đức, Mỹ, Nhật và một số nước châu Âu khác, với tổng trị giá theo khai báo là 294,340,000 đồng.

10 viện bào chế Âu dược lớn trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa năm 1967

Hãng Vốn (đồng) Sở hữu Nhân công (người) Sản phẩm
O.P.V 340,000,000 Việt Nam 556 Thuốc uống, chích, viên
Roussel 50,000,000 Việt Nam 442 -nt-
Tenamyd 49,800,000 Việt Nam 359 -nt-
Cophavina 53,250,000 Việt Nam 286 Uống, chích, viên
Néofarma 48,000,000 Việt Nam 151 Sirop, thuốc viên
Sifapp 120,000,000 Việt Nam 299 Uống, chích, viên
Farmo 67,540,000 Việt Nam 124 -nt-
La-Thành 22,000,000 Việt Nam 81 -nt-
Vinaspécia 48,419,000 Việt Nam 91 Thuốc viên
Biofarmo 62,650,000 Việt Nam 126 -nt-

Tất cả các hãng sản xuất Âu dược tại miền Nam đều là của người Việt, số sản phẩm sản xuất chiếm 70% thị phần ngành, còn lại là thuốc nhập khẩu. Tổng giá trị các thương vụ của 10 công ty dược lớn nhất miền Nam trong năm 1967 đạt 2.2 tỷ đồng. Số dược sĩ tốt nghiệp mỗi năm khá nhiều nên miền Nam không thiếu các chuyên viên dược. Theo tính toán của Nghiệp Đoàn Sản Xuất Dược Phẩm thì với sự phát triển mạnh mẽ của các công ty nội địa, trong tương lai, các công ty tư nhân Việt có thể chiếm đến 95% thị phần ngành này.

e. Bột ngọt

Ngành bột ngọt là ngành được chính phủ bảo hộ. Trước năm 1963, người Việt sử dụng bột ngọt của hãng AJINOMOTO của Nhật. Từ tháng 5-1963, hãng bột ngọt Thái-Sơn bắt đầu hoạt động với năng suất 20 tấn/tháng, và đây cũng là lúc chính phủ cấm cảng nhập khẩu bột ngọt. Người Việt lúc này độc quyền thị trường bột ngọt. Sau Thái-Sơn là sự xuất hiện của 4 hãng khác là Thiên-Hương, VIFOINCO, NABOCO và công ty Đường Việt-Nam. Các hãng đều sử dụng máy mọc nhập từ Đức, Nhật, Mỹ và Đài Loan với tổng trị giá 186 triệu đồng. Sản lượng bột ngọt từ năm 1964 đến 1969 tăng 1,700% (137 tấn/năm lên 2,334 tấn/năm).

Hãng Thiên-Hương là một công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động từ ngày 01-3-1965, vốn đầu tư 300 triệu đồng. Hãng VIFOINCO cũng là một công ty trách nhiệm hữu hạn, hoạt động từ ngày 12-4-1966, vốn đầu tư 200 triệu đồng. Hãng NABOCO được thiết lập tại khu công nghiệp Biên-Hòa. Công ty Đường Việt-Nam cũng được phép thiết lập một nhà máy bột ngọt có năng suất 1,000 tấn/năm.

12. Ngành thuộc da

Ngành thuộc da đã hoạt động từ lâu tại Việt Nam theo dạng tiểu công nghệ. Trong ngành có 2 hãng lớn được trang bị đầy đủ máy móc là VINADA và Bình-Lợi, còn lại là các xí nghiệp vừa và nhỏ. Tổng vốn đầu tư của 17 xí nghiệp có khai báo là 60.33 triệu đồng. Năm 1967, số lượng sản xuất da thuộc đạt 553,862 pieds, da đế đạt 152,281 kg.

Tuy nhiên, trừ các sản phẩm da của 2 hãng VINADA và Bình-Lợi, sản phẩm của các hãng khác có chất lượng khá kém và khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

13. Thiết bị điện

Sản xuất thiết bị điện tại miền Nam trước 1975 tương đối phát triển. Một số sản phẩm nội địa tiêu biểu có chất lượng tốt có thể kể đến như quạt điện, đèn pin, dây và cáp điện, bóng đèn điện, bình điện, v.v.

 a. Quạt điện

Quạt điện là sản phẩm mà những người cách mạng thường lầm tưởng là máy chém của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đặt trong nhà mỗi người dân. Nhu cầu về quạt điện tại miền Nam trước 1975 gia tăng theo sự phát triển của điện năng. Có 2 hãng lớn trong ngành này là NATICO (công ty Nam-Tiến) và Tân-Lợi Kỹ Nghệ Điện, còn lại là các hãng nhỏ như Khương-Hữu Electric Industry, công ty Minh-Tân Trading, Đông-Á Kỹ Nghệ Điện, Ngọc Giao.

Hai thương hiệu chiếm thị phần cao trong ngành quạt điện là Bel Air của hãng Tân-Lợi, Natico của công ty Nam-Tiến. Sản phẩm của 2 hãng này đều 100% nội địa với chất lượng kỹ thuật cao. Ngoài ra còn có một số thương hiệu khác trên thị trường như Diamond, Mavali, Khei, v.v. Tuy nhiên, các sản phẩm nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, nhất là lượng quạt tuồn từ quân sự Mỹ bán ra. Số sản xuất của Natico và Tân-Lợi được trình bày ở bảng dưới.

Sản lượng quạt điện của Natico và Tân-Lợi năm 1967

Loại quạt Natico Tân-Lợi
Quạt bàn 2,378 9,620
Quạt đứng 1,570 2,122
Quạt trần 1,326 482
Quạt hút gió 482

b. Đèn pin

Sản xuất đèn pin là ngành được phát triển mạnh nhờ thị trường mở rộng, đặc biệt là phục vụ cho quân đội, và được trang bị máy móc hiện đại. Đây cũng là ngành có số lượng nhân công nữ khá cao. Theo số liệu thì trong nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 8 hãng sản xuất đèn pin, tất cả đều tập trung tại Sài Gòn, gồm: Viễn-Đông (chuyển máy từ Hải Phòng vào), Á-Châu, Kwong Ming, Videco, Kwong Wa, Bạc-Lan, Vinameco, Pin Đèn Việt-Nam.

Chỉ có 3 hãng Viễn-Đông, Kwong Ming, Videco là được trang bị máy móc tối tân của Nhật, Đức và có chuyên viên, kỹ sư điều hành sản xuất; các hãng còn lại kỹ thuật còn thô sơ, nên sản phẩm có chất lượng khá kém. Sau năm 1970, đèn pin Việt Nam gần như đã bắt kịp với sản phẩm ngoại nhập chất lượng cao.

c. Dây và cáp điện

Có 2 hãng sản xuất dây và cáp điện tại miền Nam là Thamyco và Cường-Sanh. Tuy nhiên, Thamyco gần như độc quyền thị trường vì Cường-Sanh là một xí nghiệp nhỏ và năng suất không thể so với Thamyco. Năm 1969, nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa xuất hiện thêm 2 hãng mới là Videco và Tân-Á, sản lượng đạt khoảng 2,450 tấn các loại dây và cáp điện.

Phần lớn máy móc của Thamyco mua của Nhật, chỉ một số nhỏ nhập cảng của Mỹ và Đài Loan. Tổng trị giá máy nhập cảng của hãng Thamyco là 410,493 USD, máy nội địa là 1,733,000 đồng. Trong khi đó, hãng Cường-Sanh chủ yếu dùng máy nội địa, tổng trị giá khoảng 9,538,000 đồng, còn trị giá máy nhập cảng chỉ 35,574 USD.

Đến năm 1966, chính phủ cho phép nhập cảng tự do các loại dây và cáp điện, các doanh nghiệp nội địa vì thế phải cải thiện chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh trên thị trường.

d. Bóng đèn điện

Miền Nam chỉ có 2 hãng sản xuất bóng đèn điện là COTECO (hoạt động từ năm 1961, dùng máy của Pháp) và VIELECCO (hoạt động từ năm 1965, dùng máy của Nhật), tuy nhiên, sản phẩm lại không được thị trường ưa chuộng vì bóng đèn ngoại nhập có chất lượng tốt hơn. Theo tài liệu từ Bộ Kinh Tế, năm 1967, COTECO sản xuất được 1,049,311 bóng đèn, VIELECCO 331,685 bóng. Sản phẩm sản xuất ra hầu hết là bóng đèn tròn có công suất từ 5 đến 200W.

e. Bình điện

Có 2 hãng chế tạo bình điện nội địa là VABCO (Việt-Nam Automotive Battery corporation) và VIDECO (Việt-Nam Development Co). Cả 2 hãng đều trang bị máy móc hiện đại với trị giá 106,234 USD, sản xuất các loại bình điện chì.

Trong đó, bình điện thương hiệu VANGUARD của VIDECO do hãng tự sáng chế; còn bình điện Prestolite của hãng VABCO được nhượng quyền sáng chế của hãng Prestolite bên Philippines (gốc Hoa Kỳ).

Phần lớn sản phẩm sản xuất là bình điện xe hơi 6V và 120V loại bảng chì. Riêng VIDECO có sản xuất một số bình điện cho xe scooter và xe máy dầu. Sản lượng của 2 hãng tăng 1.5 lần từ 34,662 bình năm 1964  lên 48,645 bình năm 1966.

Bài viết này phần lớn được tham khảo và trích nguyên văn từ quyển Hiện tình kinh tế Việt Nam – Quyển I của tác giả Nguyễn Huy, NXB Lửa Thiêng (1972). Đồng thời người viết cũng dựa trên một số tư liệu khác từ các quyển sách được xuất bản tại miền Nam trước 1975 để phản ánh chân thật nhất về nền kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Người viết xin cảm ơn trang tusachtiengviet.com đã lưu trữ những đầu sách quý trước 1975 và phát hành chúng miễn phí trên mạng dưới dạng PDF. Những đóng góp âm thầm của các bạn cho nền tri thức Việt rất đáng được trân trọng!

Từ khóa » Chế độ Sài Gòn Trước Năm 1975