Miền Tây Trên Cơm Dưới Cá - Sự Trù Phú Của Tôm Cá Miền Tây

Ở Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng đâu đâu cũng đất rộng sông dài, nơi nào cũng kinh rạch chằng chịt…Không chỗ nào là không nhung nhúc cá tôm rùa ếch. Cũng bởi vậy người ta nói rằng về miền Tây là không lo đói, vì đi đâu cũng có những đặc sản trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho người miền Tây. Người ta còn ví von rằng về miền Tây là “Trên cơm dưới cá”… Bởi chỉ chịu đi men kênh rạch đặt cái dớn, cắm cây cần câu, hay bơi xuồng thả lưới là lắm cá mắm làm cơm…

Miền Tây trên cơm dưới cá

Vì sao miền Tây được mệnh danh là vùng “trên cơm dưới cá”

Sở dĩ miền Tây nổi tiếng với đặc sản tôm cá tự nhiên là nhờ có hệ thống sông Tiền và sông Hậu đấu nối với “vựa cá Biển Hồ” cùng với hệ thống kinh, mương, rạch, ngòi,….chằng chịt nên nguồn lợi thủy sản nhiều vô số kể! Sự trù phú ấy từ xưa đã được đúc kết lại bằng nhiều câu ca dao lưu truyền đến ngày nay:

“Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”

Hay:

“Ba phen quạ nói với diều

Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm”

Nghề đánh bắt thủy sản cá tôm từ thiên nhiên của người miền Tây là một trong những nghề chính, quan trọng không kém việc sản xuất nông nghiệp. Dân gian gọi nghề đánh bắt thủy sản là nghề “hạ bạc” (Tức nghề sống dưới nước).

Nghề đánh bắt cá miền Tây (Ảnh Phạm Ngôn)

Không chỉ là nghề mưu sinh, nguồn cá tôm trù phú ấy được người dân miền tây chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn trong những bữa cơm hàng ngày. Muốn tươi ngon thì ra bờ sông câu cá, giăng lưới đặt lợp, kéo vó..về nấu canh, nấu cháo, hay nướng trui nấu lẩu…Đủ thứ món ngon lành, mà ngày nay trở thành đặc sản.  Tôm cá tươi ăn không hết thì làm khô, làm mắm để dành dùng hoặc bán sang vùng khác.

Cũng vì vậy mâm cơm miền Tây lúc nào cũng có tôm cá đồng ăn kèm rau trái đồng quê. Mâm cơm miền Tây trên cơm dưới cá trở thành đặc sản không thể không nhắc đến khi nói về văn hóa miền Tây.

Mâm cơm miền Tây với cơm trắng cá đồng. (Ảnh: Mai Hoang)

Sự trù phú nguồn tôm cá tự nhiên ở miền Tây

Ngoài nguồn tôm cua, ếch tự nhiên đặc sản thì đặc sản cá miền Tây vẫn là đa dạng và phổ biến nhất. Về chủng loại cá người ta chia ra làm hai thứ: Cá đen và cá trắng. Một phần dựa trên màu sắc, một phần do đặc tính sống của từng loại. 

Cá đen sống được nơi nước đứng (không chảy) như hầm, đìa, lung,…rộng lâu ngày trong lu, khạp…cũng không chết. Ngược lại, cá trắng chỉ sống được nơi nước chảy. Nói cách khác là môi trường nước phải đầy đủ dưỡng khí, còn giữ chúng nơi nước đứng (thiếu dưỡng khí) thì cá sẽ chết rất nhanh! Cá đen gồm: Cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc rằn, cá chạch lấu (trạch lấu), cá ngát… cá trắng gồm: Cá linh, cá leo, cá ngựa, cá lăn, cá trèn, cá lòng tong, cá dảnh, cá mè vinh, cá sặc bướm, cá tra, cá bông lau…

Cá miền Tây cũng nhiều chủng loại (Ảnh Phạm Ngôn)

“Từ tháng chạp, tháng giêng, tháng hai, tháng ba âm lịch là mùa cá đen. Từ tháng tư đến tháng năm âl họ còn đánh được cá cóc, cá hô (cá trắng) to lớn cả trăm ký. Thỉnh thoảng họ cũng lưới được cá đuối và cá vồ cờ rất lớn, độ bảy tám chục ký…”. Còn tháng chạp là mùa tôm.

Người xưa sáng tạo ra nhiều loại công cụ và rất nhiều phương cách đánh bắt thủy sản như kéo lưới, đóng đáy, làm vó càn, vó gạc, xây rọ, đánh lưới trũ (lưới rất lớn, hàng chục người mới đánh nổi. Ghe chở cá đánh được gọi là ghe trữ) thường đem cá đánh được đi bán cho các hãng chế biến nước mắm nhỉ trong gia đình thì làm câu, lưới, lọp, lờ, chài, rù, hớt (câu) tôm,…

Người miền Tây kéo cá mùa nước nổi (Ảnh Phạm Ngôn)

Ngày trước cá đồng nhiều, người miền Tây còn hay họp xóm làng hùng nhau tát đìa bắt cá, mỗi cơn mưa thì cá rô cá lóc tự nhiên lóc lên ruộng, chỉ bằng tay không ra ruộng đồng là bắt về được cả thau. Muốn ăn cá rô đồng thì chỉ cần xách cần câu ra mé sông trước nhà, cứ bỏ cần là có ngay cá cắn câu. Ngày nay cá đồng hiếm hơn trước nhiều, cá đồng miền Tây cũng trở thành loại đặc sản khá đắt đỏ.

Phan Thùy Linh 

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM:

  • Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
  • Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
  • Chuyên mục: Du lịch Miền Tây

Từ khóa » Câu Cá Sông Nước Miền Tây