Miễn Thi Ngoại Ngữ Với Giáo Viên Có Chứng Chỉ Tiếng Dân Tộc

Theo phản ánh của ông Vũ Đình Thuận, Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có nêu yêu cầu về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên THPT hạng I, II, III: "Có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 3... hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc".

Tại Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 quy định về miễn thi môn ngoại ngữ đối với giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp như sau: "Giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi... có chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo cấp theo thẩm quyền".

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay được quy định tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, gồm 5.266 xã, trong đó có nhiều xã, phường là trung tâm của thành phố trực thuộc tỉnh. Nếu theo quy định trên thì giáo viên ở 5.266 xã, phường này đều là giáo viên có vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thiểu số.

Ông Thuận cho rằng quy định như vậy là chưa thống nhất là không công bằng vì giáo viên ở trung tâm thành phố trực thuộc tỉnh không thể là "vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc". Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, ông Thuận đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Việc học tập, bồi dưỡng và sử dụng tiếng dân tộc trong hoạt động nghề nghiệp được Nhà nước quan tâm và khuyến khích đối với công chức, viên chức công tác tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều thầy cô giáo đang bám trụ tại các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện học tập, bồi dưỡng còn nhiều khó khăn và thực tế yêu cầu công việc cần thiết sử dụng tiếng dân tộc.

Do đó, việc quy định về điều kiện miễn thi ngoại ngữ đối với nhóm giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc là cần thiết đối với các thầy cô giáo đang công tác ở các vùng này và cũng là sự khuyến khích các nhà giáo của ngành đang công tác ở tại các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi học thêm tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả giảng dạy, giáo dục.

Chinhphu.vn

Từ khóa » Chứng Chỉ Tiếng Dân Tộc Thái