Mình Cũng Từng Bị Người Ta Nói Là Rửng Mỡ... - Báo Tuổi Trẻ

Mình cũng từng bị người ta nói là rửng mỡ... - Ảnh 1.

Những phong trào hay "event" như thế này sẽ sớm tắt trong thời gian ngắn? - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hàng trăm bạn trẻ hưởng ứng một sự kiện được tạo trên Facebook cầm chảo đi lòng vòng và hát hò tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) chiều 17-9 - người tham gia thì "vui hết mình", người quan sát thì nửa ủng hộ, nửa nghi ngại.

Trò chơi mô phỏng một game online, trong đó nhân vật phải đi tìm một chiếc chảo để làm bia đỡ đạn, đã manh nha trước đó ở Hà Nội, cũng xuất phát từ một sự kiện tưởng như là ảo trên Facebook.

Vậy một hoạt động vui chơi khác lạ của các bạn trẻ có đáng để bị lên án là nổi loạn hay rảnh rỗi sinh nông nỗi, bị đánh giá khắt khe là gây mất trật tự, không lành mạnh và vô bổ?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Kim Huệ - Thạc sĩ giáo dục học, khoa Quản lý giáo dục ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng nên nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều: "Về ý tưởng, hoạt động này khá lạ, mục đích muốn mọi người hãy bớt những tương tác ảo qua mạng xã hội để bước ra ngoài phố với tương tác thật, mang lại nhiều cảm hứng. Hoặc muốn các game thủ rời xa bàn phím và bước ra cuộc sống sôi động bên ngoài. Đó đều là những mục đích tích cực".

Tuổi trẻ là lúc được giao lưu, các bạn có nhiều năng lượng để thể hiện mình, miễn không làm trái pháp luật hay đi ngược với thuần phong mỹ tục thì không có gì chê trách cả - KIM NGÂN

Tuy nhiên, cũng chuyên gia tâm lý này, các bạn trẻ cần ý thức được tác động đến cộng đồng của những hành động dù nhỏ của mình: "Phải suy xét được mất để không đi quá đà. Nguồn gốc của ý tưởng là một game chiến đấu nên nếu đem hình ảnh mang tính bạo lực ra phố, các bạn của thể gặp rắc. Việc đập chảo có thể gây ô nhiễm tiếng ồn".

"Thể hiện cá tính là tốt, nhưng các bạn nên hướng đến những hoạt động cộng đồng để truyền cảm hứng và tạo những kỷ niệm đáng nhớ theo cách lành mạnh", bà Huệ nhận định.

Chị Nguyễn Thơm, nhân viên văn phòng, nghiêm khắc khi cho rằng những hoạt động như thế này không mang mục đích rõ ràng và không nên tái diễn.

"Tôi không hiểu các bạn trẻ này đang làm gì nữa. Cầm chảo rồi la hét, không với mục đích có ích nào, gây rối loạn ở phố đi bộ. Thay vì cầm chảo ra đường, các bạn nên tiết kiệm thời gian tham gia hoạt động lành mạnh hơn", chị Thơm nói.

"Phố đi bộ vốn là không gian để vui chơi giải trí, nên chuyện này là bình thường", Lại Đạt (sinh viên năm 3 ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) phản bác. "Mình thấy nó khá thú vị, cũng không ảnh hưởng đến ai, hà cớ gì bị lên án?"

Chuyên viên xã hội học Vũ Hoàng Long đánh giá phong trào này chỉ mang tính tự phát để gây sự chú ý. "Bản thân các bạn trẻ tham gia với mục đích vui đùa, kết giao nên không cần quá khắt khe", anh Long cũng dự đoán những phong trào hay "event" như thế này sẽ sớm tắt trong thời gian ngắn.

Một 9X đời đầu, chị Kim Ngân, thì bộc bạch: "Giai đoạn đầu cosplay [phục sức giống các nhân vật trong truyện, phim] xuất hiện ở Việt Nam, mình cũng đã phải đón nhận những chỉ trích tương tự. Mỗi lần tham gia festival, mọi người đều nói chúng mình rửng mỡ, ăn mặc không giống ai, ăn chơi phí tiền…"

"Mình nghĩ tuổi trẻ là lúc được giao lưu, các bạn có nhiều năng lượng để thể hiện mình, miễn không làm trái pháp luật hay đi ngược với thuần phong mỹ tục thì không có gì chê trách cả", chị Kim Ngân nói.

Từ khóa » Câu Rửng Mỡ