Mồ Côi Do COVID-19: Em Cần 1 Gia đình! - PLO

Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình!

Media

eMagazine

Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình! 04/10/2021 10:41 (PLO)- Những mất mát trong tâm hồn con trẻ bị mất người thân do dịch bệnh COVID-19 cần được bù đắp đúng cách, nên để các em được sống trong môi trường gia đình. Việc chăm sóc trẻ em tập trung chỉ thực hiện khi không còn giải pháp nào khác. 0:00 / 0:00 0:00 Nam miền Bắc
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình! ảnh 1 Hơn 1.500 trẻ em ở TP.HCM mất người thân do dịch bệnh COVID-19, một con số biết làm đau lòng người và chưa dừng lại ở đó.

Để xoa dịu đau thương cho các em, chính quyền, tổ chức, cá nhân…đang dang tay chở che về vật chất lẫn tinh thần.

Căn nhà nhỏ khoảng 5m² của gia đình chị NTTh (phường 19, quận Bình Thạnh) có đến 10 người sinh sống. Nhà vốn dĩ chật chội, ngột ngạt, ồn ào nhưng những ngày qua vắng lặng đến đáng sợ. Chẳng ai nói với ai, mọi người đi ra đi vào, rồi lại nhìn lên trang thờ mới dựng tạm. Chồng của chị Th. vừa qua đời do COVID-19.

Trong không gian chật hẹp, con trai út của chị Th. - bé NTT (lớp 3) rút vội nén nhang thắp lên bàn thờ cha. Gần hai tháng trước, trừ bé T., cả nhà chị Th. đều dương tính với COVID-19.

Bé T. kể: “Buổi sáng hôm đó (18-7), con đang nằm xem phim. Con thấy dì nghe điện thoại. Nghe xong, dì nhìn con lâu lắm, rồi dì nói nho nhỏ: “Dì có tin buồn muốn nói con nghe”. Dì nói cha con mất rồi. Con không biết sao luôn… Cha con sao chết được, cha con khỏe mạnh lắm mà”.

T. ứa nước mắt, chị Th. vội ôm con vào lòng. Nép mình trong vòng tay mẹ, T. thỏ thẻ: “Không có cha, nhà đông người, chật ních mà con cảm thấy trống vắng, buồn ghê lắm!”.

Cũng tại phường 19, căn nhà nhỏ của gia đình em MT vừa mất đi hình bóng của mẹ.

Những ngày mẹ điều trị tại nhà, MT vẫn luôn theo sát. Lúc mẹ mệt, em muốn lao đến nhưng người nhà ngăn lại. Sau đó, mẹ được đưa đi và chẳng bao giờ trở về.

Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình! ảnh 9 Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình! ảnh 10 Mồ côi do COVID-19: Em cần 1 gia đình! ảnh 11 Đi một vòng bảo ban các em học hành, chị LTAN (33 tuổi, ngụ xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) lại ra ngồi ở ghế đá trước nhà mà khóc. Chị nhớ cha, xót xa cho tình cảnh của năm đứa em cùng cha khác mẹ: LMT (lớp 12), LMĐ (lớp 10), LTAL (lớp 8), LMTr. (lớp 6), LTB (lớp 5). Thấm nước mắt ướt nhàu khăn giấy, chị N. kể từ khi mẹ của năm đứa em bỏ đi biệt tích, cha của chị lâm cảnh gà trống nuôi con. Ông quần quật từ sáng đến chiều với khối công việc tủn mủn của phụ nữ. Lo cho con ăn uống, chở con đi học, ông không còn thời gian kiếm tiền khiến cảnh nhà rơi vào túng quẫn.

Thương tình, ông bà nội cho miếng đất nhỏ trước nhà, bày cách xây nhà trọ, kiếm tiền xoay xở. Nhà trọ vùng ven, mỗi phòng, ông chỉ lấy 500.000 đồng/tháng tiền thuê. Cả dãy, cuối tháng, ông gom được 4 triệu đồng. Bấy nhiêu đó tiền đều dùng vào việc đóng học phí, mua sách vở cho mấy đứa nhỏ, còn ăn uống thì ông tự trồng rau, nuôi gà, bắt cá…

Hồi đầu tháng 8-2021, một người thuê trọ, làm bốc vác ở chợ đầu mối Bình Điền bị nhiễm COVID-19. Y tế xã xuống xét nghiệm cả xóm thì phát hiện nhiều ca dương tính khác. Mấy đứa nhỏ được đưa đi cách ly, cha chị N. âm tính nên ở lại nhà. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, ông phát bệnh và chuyển nặng. Y tế địa phương đưa ông đi điều trị nhưng đến ngày 13-8, chị N. mất liên lạc với cha.

Vài ngày sau, chị nhận tin cha đã mất. Ngày tro cốt của cha được chở về chùa nhang khói, mấy chị em đều ra ngõ đứng ngóng vọng.

Ngồi cạnh chị N., bé LMTr cứ lấy tay miết lên mặt bàn. Chị gái nhắc đến cha, tay LMTr lại càng miết chặt. Trong khi đó, bé trai LTB lại khóc nức nở. B thương cha nhiều. Có gì ngon, B cũng để dành cho cha. Hôm đi cách ly, được cho một hộp sữa, B. cất kỹ trong túi, định bụng lúc về nhà sẽ đưa cha uống. Vậy mà, đến khi được về, hộp sữa lại phải bày lên bàn thờ, mời cha.

B. khóc, chị N. vội lau nước mắt cho em. Nhưng hễ chị lau bên này, bên kia nước mắt lại tuông ra. Chị N. dỗ dành B.: “Nín đi, khóc xấu lắm! Còn có chị mà…”.

B ngẩng đầu lên, giọt nước mắt tròn xoe, trong vắt từ từ lăn xuống. Một khoảng trống vô định trong đôi mắt ngây thơ cứ thế cắt da cắt thịt người lớn.

Chị N. an ủi các em, chứ lòng cũng rối bời. Bốn đứa con của chị còn gửi ở quê chồng. Chị ở riết trên này, vài ngày gọi hỏi thăm con một cuộc. Ba má chồng nhắc mãi cũng chán nên chẳng càm ràm chị nữa. Còn mấy đứa con giận lẫy mẹ mình: “Mẹ đi lâu không về, bây giờ con lớn hơn cả mẹ rồi…”.
Đau lòng lắm! Nhưng, chị tự nhủ, con mình còn có ông bà nội, cô bác chăm lo, chứ năm đứa em này chỉ còn có chị. Chuyện nhà căng quá thì về quê rước bốn đứa nhỏ lên sống chung, chứ nhất định không để các em sống cảnh bơ vơ.
Hơn một năm trước, ông VVĐ (62 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TP Thủ Đức) quyết định thuê căn nhà ở mặt tiền đường Quốc lộ 1A cho cả nhà tạm trú. Vợ chồng ông chọn trả tiền thuê cao để các con có chỗ ở rộng rãi hơn.

Để trả được tiền thuê 5 triệu đồng chưa kể điện nước mỗi tháng, ông đành chấp nhận việc các con đi làm thêm phụ cha mẹ. Bốn đứa con của ông: VNĐ (lớp 11), VNTĐ (lớp 10), VNNĐ (lớp 9), VTĐ (lớp 6) đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hiện tại, cả bốn em đều theo học tại trường tình thương Ánh Linh, TP Thủ Đức. Ngoài giờ học, hai cô con gái TĐ và NĐ làm thêm ở quán ăn. Cậu con trai cả VNĐ phụ cha mẹ bán quán trước nhà.

Kể từ lúc ông Đ. bị tai biến lần hai, vợ của ông Đ. vốn đã tần tảo lại càng thêm khổ. Bà làm ngày làm đêm, đến mức bị thoát vị đĩa đệm. Cả nhà đều lao vào cuộc mưu sinh nên chưa bao giờ ăn cơm chung bữa.

TĐ nhớ đêm 27-7, trong khu cách ly, em nằm mơ thấy mẹ khỏe lại, ngồi ăn cơm với gia đình. Tỉnh giấc, em vui buồn lẫn lộn. Lúc ở nhà, em thường ngủ chung với mẹ và em gái. Thiếu hơi mẹ, giấc ngủ của em cứ chập chờn.

Trở về nhà sau đợt cách ly, TĐ và cha liền vội vàng đến bệnh viện hỏi han tình hình của mẹ. Đứng trước cổng bệnh viện đợi tin, hai cha con còn nhìn nhau cười.

Bảo vệ bệnh viện thông báo: “Bệnh nhân LTTD đã mất ngày 28-7. Chúng tôi thành thật chia buồn cùng gia đình”.

TĐ quay sang nhìn cha như muốn hỏi: “Có thật không cha?”. Ông Đ. nhíu mày, tay bám vào bức tường.

“Con và cha muốn chạy vào bệnh viện, lục tung từng ngóc ngách, xem mẹ còn ở trong đó không, có sự nhầm lẫn nào không… Nhưng cha nói, không có nhầm đâu, đúng tên tuổi, địa chỉ nhà rồi” – TĐ khóc.

TĐ chìa tờ giấy báo tử có nét mực nhòe, rồi nức nở: “Có những lúc con nghĩ sao mình không ôm mẹ nhiều hơn. Chưa bao giờ con hỏi mẹ có mơ ước gì không… Con hối tiếc lắm, con không bao giờ hỏi mẹ được nữa. Đến khi nhận được tờ giấy báo tử của mẹ, mấy anh em con chuyền tay nhau xem. Mẹ mất thật rồi…”.

“Sao kỳ vậy? Sao mẹ bỏ con? Con còn chưa kịp nói gì với mẹ, còn chưa gặp mặt mẹ mà…”, VNĐ khóc, bối rối hỏi mọi người.

Lúc còn sống, mẹ thường dặn VNĐ: “Cha mẹ già rồi, sống nay chết mai. Nhà có bốn anh em, con lớn nhất ráng lo cho mấy em. Mấy anh em đừng có cãi nhau…”.

VNĐ nói trong nước mắt: “Chưa bao giờ con nghĩ lời dặn đó đến đột ngột như vậy. Con còn chưa kịp chuẩn bị gì hết… Mẹ ơi!”.

“Mới ngày nào, mẹ vẫn nằm đó ngủ trưa. Bé út chạy lại chọc phá mẹ. Mẹ bực quá dọa đánh. Thằng nhỏ phá lên cười. Rồi những hôm con phân công út rửa chén nhưng nó ham chơi không làm. Con đang la em thì mẹ nói để mẹ rửa…” – VNĐ nói, trìu mến nhìn em trai.

Người mất cũng đã mất, người sống phải cố gắng đi tiếp. Mấy anh em hứa với nhau cùng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Ngoài đi học, các em sẽ làm thêm, kiếm tiền đóng trọ, lo chữa bệnh cho cha.

Dẫu khổ cỡ nào, VNĐ cũng bắt mấy em phải cam kết không được bỏ học: “Anh Hai sẽ ráng học cho xong lớp 12. Nếu được thì Hai học lên đại học, còn không thì anh Hai đi làm kiếm tiền lo cho mấy đứa học”. Hầu hết các trẻ mồ côi có người thân mất do COVID-19 mà chúng tôi tiếp cận được đều bày tỏ nguyện vọng muốn được sống tại cộng đồng; với gia đình là những người thân, họ hàng...

Những ngày này, chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể TP.HCM và các tổ chức, cá nhân đều tích cực đi thăm và động viên trường hợp trẻ có người thân mất do COVID-19. Các chính sách hỗ trợ về lâu dài cho các em mất cha mẹ hoặc mất cha/mẹ do dịch bệnh cũng được tính toán chu đáo. Nhiều cơ quan, Mặt trận đoàn thể đứng ra nhận đỡ đầu, chăm lo cho các em đến khi trưởng thành.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện cũng hiến kế, góp sức chăm lo cho các em. Có nhà hảo tâm còn dự định xây trường nuôi 1.000 trẻ mồ côi vì COVID-19. Tất cả những tấm lòng dành cho các em đều đáng ghi nhận. Nhưng mô hình nào là phù hợp cho các em?

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết: “Thời điểm này, chúng ta cần tập trung rà soát, cập nhật chính xác, không những về số lượng mà còn cần chi tiết về điều kiện và hoàn cảnh của từng trẻ để nắm nhu cầu thực tế của các em. Từ đó, chúng ta mới có cơ sở xây dựng các chương trình can thiệp, trợ giúp một cách toàn diện, phù hợp và đúng nhu cầu thực tế của trẻ”.

Cũng theo ông Nghinh, Luật trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Còn theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, mọi trẻ em phải được tự do bày tỏ suy nghĩ và ý kiến của mình và tiếp cận tất cả các loại thông tin miễn là theo quy định của pháp luật. Do đó tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em, trẻ em mồ côi có quyền được lựa chọn môi trường sống. Tuy vậy, trong từng trường hợp cụ thể, vai trò của người/cơ quan giám hộ, bảo vệ trẻ em cũng sẽ đóng vai trò quyết định trên cơ sở nhằm đảm bảo an toàn, sự phát triển một cách toàn diện và tốt nhất cho trẻ.

Không phải tự nhiên mà Luật trẻ em năm 2016 dành riêng một mục với 10 Điều để nói về chăm sóc thay thế.

Tuy vậy, việc áp dụng chăm sóc thay thế tại cộng đồng cũng cần lưu ý điều kiện thực tế và năng lực hành vi của người/gia đình sẽ nhận chăm sóc và nuôi dưỡng nhằm đảm bảo sự phát triển một cách an toàn, tránh các nguy cơ bạo lực, xâm hại và bóc lột sức lao động đối với các em. Muốn như thế, chúng ta nên có các giải pháp, mô hình để đồng hành và hỗ trợ cho các trẻ em/gia đình đang áp dụng chăm sóc thay thế.

Nhận định về những tổn thương tâm lý của trẻ mất người thân do COVID-19, Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Diệp Quang – An Giang, cho biết một trong những nguyên nhân gây ra chấn thương tâm lý sâu sắc cho trẻ em là việc mất đi người thân, cha mẹ.

Đặc biệt, với trẻ mồ côi cha mẹ hoặc mất người thân do COVID-19, tổn thương này nếu so với sự xa cách người thân do tai nạn giao thông hay bệnh lý thông thường thì có phần nghiêm trọng hơn. Do yếu tố dịch bệnh, các em không có những giây phút cuối bên cạnh người thân yêu và cũng không có thời gian để “đón nhận” hay “ điều chỉnh” tâm lý.

Sự trống vắng và xa cách vòng tay thân yêu một cách đột ngột không một lời giã từ là một khoảng trống mênh mông mà khó có biện pháp nào lấp đầy được trong một thời gian ngắn. Sự hụt hẫng, hoang mang cũng như những khó khăn về cuộc sống trong căn nhà trống rỗng mà các em chưa từng được học cách đối phó có thể khiến cho các em tê liệt về cảm xúc và xuất hiện sự ám sợ.

Theo chuyên gia Lê Khanh, việc đưa các em mồ côi, mất người thân do COVID-19 vào các trung tâm bảo trợ xem ra là hợp lý, nhưng lại không hợp tình, hay nói khác đi là có thể còn gây thêm cho các em một tổn thương mới.

“Việc đa số các em khi được hỏi ý kiến, đều không muốn vào các trung tâm bảo trợ xã hội cũng đã cho thấy điều mà các em không muốn đối diện, đó là phải thay đổi cả nếp sống hàng ngày, phải chấp hành các quy định của một tập thể xa lạ. Vì thế, đã từ lâu ở một số nước tiên tiến, giải pháp “Gia đình hỗ trợ” hay “Bố mẹ nuôi với sự trợ giúp của xã hội” được xem như tối ưu. Giải pháp này nếu đứng về mặt tâm lý thì tốt cho các em, còn về mặt kinh tế thì tốt cho chính quyền.

Như vậy, nếu có thể thì nên sắp xếp cho các em được ở lại ngôi nhà của mình, hay có được sự chăm sóc của những người hàng xóm trong một thời gian “trung chuyển” ít nhất là 6 tháng – 1 năm trước khi chuyển vào các cơ sở xã hội hay có một gia đình nhận nuôi dưỡng. Gia đình đó, có thể là họ hàng hay xa lạ, nhưng xem các em như con cái trong nhà. Đồng thời, các em cần có sự bảo trợ của Nhà nước về ăn học.

Về lâu dài, các em rất cần những nhân viên xã hội có thể định kỳ hàng tuần đến chăm sóc, hỏi han, hướng dẫn cho các em các kỹ năng sống thiết yếu. Họ sẽ cùng với các em trải qua những hoạt động dọn dẹp, nấu nướng trong căn nhà của trẻ. Điều đó sẽ tạo cho các em một chỗ dựa tinh thần, thay thế phần nào chỗ dựa mà các em đã mất đi một cách đột ngột” - chuyên gia tâm lý Lê Khanh gợi ý.

NGỌC LÀI - TRÚC TRÚC Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News Tin liên quan

Emagazine: TP.HCM và cuộc chiến xoay chiều trước đại dịch COVID-19Longform

từ khóa

#trẻ mồ côi #COVID-19 #hỗ trợ trẻ em #Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM

Đọc thêm

Toàn cảnh tuyến Metro số 1 TP.HCM trước giờ vận hành sau 17 năm chờ đợi

Toàn cảnh tuyến Metro số 1 TP.HCM trước giờ vận hành sau 17 năm chờ đợiLongform

21/12/2024 19:25
Toàn cảnh khu đất vàng cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuê

Toàn cảnh khu đất vàng cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn thuêLENS

19/12/2024 15:57
Toàn cảnh ga Bình Triệu sau 22 năm 'treo' sắp thành ga metro, khu đô thị

Toàn cảnh ga Bình Triệu sau 22 năm 'treo' sắp thành ga metro, khu đô thịLENS

18/12/2024 18:21
Bên trong 'trái tim' của tuyến metro số 1

Bên trong 'trái tim' của tuyến metro số 1 Longform

11/12/2024 11:33
Những người thầm lặng đảm bảo an toàn cho tuyến metro số 1

Những người thầm lặng đảm bảo an toàn cho tuyến metro số 1Longform

10/12/2024 11:43
Cận cảnh một ngày làm việc của nhân viên tại các nhà ga metro số 1, TP.HCM

Cận cảnh một ngày làm việc của nhân viên tại các nhà ga metro số 1, TP.HCMLongform

09/12/2024 10:59
Hào hứng với cây cầu hơn 700 tỉ nối quận 7 - Nhà Bè sẽ thông xe cuối năm 2024

Hào hứng với cây cầu hơn 700 tỉ nối quận 7 - Nhà Bè sẽ thông xe cuối năm 2024LENS

19/11/2024 11:59
Cận cảnh địa điểm xây cầu Cần Giờ 11.000 tỉ đồng vào năm 2025

Cận cảnh địa điểm xây cầu Cần Giờ 11.000 tỉ đồng vào năm 2025LENS

30/10/2024 11:27
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và hành trình tìm công lý cho nạn nhân da cam

Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Người phụ nữ dành cuộc đời cho những khám phá chấn độngLongform

20/10/2024 11:17
Sài Gòn ‘cơm treo bún treo’ đây!

Sài Gòn ‘cơm treo bún treo’ đây!Longform

04/10/2024 15:46
Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 3: Kỳ vọng gì?

Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 3: Kỳ vọng gì?Longform

19/09/2024 09:00
Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 2: Cơ chế nào?

Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 2: Cơ chế nào?Longform

18/09/2024 09:00
Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 1: Nguồn vốn ở đâu?

Trả lời 3 câu hỏi để phát triển kinh tế xanh - Kỳ 1: Nguồn vốn ở đâu?Longform

17/09/2024 09:00
TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồng

TP.HCM dồn sức tiêm vaccine sởi, nỗ lực tăng miễn dịch cộng đồngLongform

04/09/2024 10:09
'Hen mong muốn được phủ xanh toàn bộ vườn quốc gia ở Việt Nam'

'Hen mong muốn được phủ xanh toàn bộ vườn quốc gia ở Việt Nam'LENS

10/02/2024 10:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thành khối công việc khổng lồ trong năm 2023

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thành khối công việc khổng lồ trong năm 2023Longform

10/02/2024 06:15
TP.HCM: Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 98 trong năm 2023

TP.HCM: Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 98 trong năm 2023Longform

01/01/2024 08:54
10 điểm check-in thú vị nhất TP.HCM mà Sở Du lịch đã công bố là gợi ý hữu ích cho khách du lịch trong dịp Tết Dương lịch.

10 điểm check-in thú vị nhất TP.HCM dịp Tết Dương lịch 2024Longform

01/01/2024 07:30
5 công trình trọng điểm ở TP.HCM "về đích" trong năm 2023 mở ra nhiều lợi thế cho TP.HCM phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như cầu Long Kiểng, đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành.

5 công trình trọng điểm ở TP.HCM về đích trước thềm 2024LENS

28/12/2023 10:02
Công viên bờ sông Sài Gòn: Hơn 30 ngày thần tốc biến lau lách, cỏ dại thành điểm đến lý tưởng

Công viên bờ sông Sài Gòn: Hơn 30 ngày thần tốc biến lau lách, cỏ dại thành điểm đến lý tưởngLongform

23/12/2023 09:24 Đọc nhiều Tiện ích

Tiện ích

  • Lịch tư vấn pháp luật
  • Bạn đọc góp ý
  • Liên hệ quảng cáo
  • Thông tin tòa soạn
  • Dịch vụ công CATP
  • Chế độ tối
Tin mới Danh mục

Tất cả chuyên mục

Thời sự Chính trị Thời luận Chính kiến Cùng lên tiếng Pháp luật Chat với chuyên gia Chính sách mới Luật và đời Kinh tế Pháp lý 4.0 Quản lý Doanh nghiệp - Cộng đồng Phát triển Xanh Gỡ vướng pháp lý Đơn vị tiêu biểu Tài chính Xanh Đô thị Giao thông Môi trường An ninh trật tự Hồ sơ phá án Quốc tế Sự kiện Quân sự Muôn mặt Xã hội Giáo dục Chọn trường - Chọn nghề Sức khỏe Bác sĩ online Văn hóa Ăn sạch sống khỏe Thể thao Trong nước Quốc tế Fair Play Các môn khác Video Bạn đọc Ý kiến bạn đọc Tôi muốn hỏi Cải chính Tổ ấm tôi mơ Thị trường - Tiêu dùng Nhịp sống đô thị Đèn trên biển Thư viện ảnh Chuyện ra khơi Tin tức Tài chính - Ngân hàng Xe và Luật Bất động sản Kỷ nguyên số Văn bản pháp luật Trang địa phương Video E-Magazine Infographic Ảnh Story LENS Mới nhất Xem nhiều Tin nóng

Từ khóa » Hình ảnh Mồ Côi Mẹ