Trẻ Em Mồ Côi Do Dịch COVID-19: Cần Sự Quan Tâm đặc Biệt
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu thăm hỏi và trao quà cho các em nhỏ mồ côi do dịch bệnh gây ra trên địa bàn Quận 4 |
Khó khăn chồng chất
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đầu năm học mới, Thành phố có trên 1.500 học sinh bậc học phổ thông, giáo dục thường xuyên rơi vào cảnh mồ côi vì người thân mất do dịch COVID-19 chỉ trong vòng vài tháng qua. Con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều nếu tính cả trẻ ở độ tuổi mầm non cùng với một số trường hợp đặc biệt khác ngoài hệ thống giáo dục hoặc trẻ em không có điều kiện đến trường, chưa kể số trẻ em tại các tỉnh, thành phố khác hiện chưa được thống kê.
Nỗi đau mất cha mẹ, người thân đối với các em nhỏ là quá lớn, không thể bù đắp được. Đặc biệt là trẻ em ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi trụ cột gia đình thì cuộc sống càng bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ em mất cha, mẹ sẽ có nguy cơ sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Nếu không được hỗ trợ thích hợp, các em sẽ bị ảnh hưởng dài hạn tới sức khoẻ tâm thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống sau này.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần để giảm bớt sang chấn tâm lý cho trẻ em, nhất là những em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Điều quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc trẻ hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống sớm phát hiện các dấu hiệu sang chấn (nếu có) để can thiệp kịp thời vì không phải ai cũng có kiến thức kỹ năng để nhìn ra điều này. Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.
Để hỗ trợ tâm lý cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 trong thời điểm này, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, người thân hay người nuôi dưỡng trẻ cần thường xuyên gần gũi, lắng nghe, tạo cho trẻ cảm giác an toàn để bộc lộ mọi cảm xúc tiêu cực (nếu có). Không nên bắt trẻ phải chịu đựng và giữ cảm xúc, hãy lắng nghe và hướng dẫn trẻ chuyển hóa các cảm xúc tiêu cực bằng nhiều cách thức khác nhau…
Trong trường hợp trẻ có sang chấn kéo dài hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực như: Thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối.. thì người thân cần liên hệ ngay bác sỹ tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để hỗ trợ các em.
Khi cần hỗ trợ tư vấn, ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối với các nhóm thiện nguyện ở đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ được hoạt động từ 8 đến 22 giờ mỗi ngày.
Cả xã hội vào cuộc
Để hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó có trẻ em mồ côi, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cộng đồng xã hội đã cùng vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực, giải pháp khác nhau.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Cục Trẻ em đã yêu cầu các địa phương cần nắm nhanh, sát thông tin trẻ em cần giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để huy động sự trợ giúp kịp thời và đầy đủ nhất với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không trẻ em nào phải bỏ học vì COVID-19.
Bên cạnh chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, hỗ trợ các em vượt qua mất mát bằng sự chăm sóc tận tình, ấm áp của cộng đồng.
Tiêu biểu là Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động chương trình hỗ trợ học bổng 3 triệu đồng/năm học cho các em học sinh mất cha, mẹ do dịch COVID-19 cho đến khi các em học hết trung học phổ thông.
Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam triển khai chương trình "ATM yêu thương", kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em bị mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi…
Ba tổ chức phi chính phủ: Saigon Children’s Charity (Saigonchildren), Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em (CSWC) phát động chiến dịch "Em không lẻ loi" để kêu gọi ủng hộ, cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc chính vì dịch COVID-19.
Sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến cộng đồng xã hội đã một lần nữa khẳng định, mỗi khi đất nước khó khăn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết, yêu thương sẻ chia của dân tộc lại được thổi bùng lên và tình nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ.
Cần chính sách toàn diện, lâu dài
Để có biện pháp trợ giúp kịp thời, phù hợp với nhu cầu của trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật số lượng, danh sách, hoàn cảnh cụ thể, điều kiện chăm sóc từng trường hợp trẻ em có cha, mẹ mất do đại dịch COVID-19, nguyện vọng của trẻ và người giám hộ của trẻ để có biện pháp trợ giúp phù hợp.
Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, giúp trẻ được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Hướng dẫn này của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận được sự đồng tình của nhiều đơn vị, tổ chức hoạt động vì trẻ em, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, đây là quyết định kịp thời để đảm bảo rằng trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha, mẹ do COVID-19 sẽ nhận được hỗ trợ cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn và đầy thử thách, giúp các em có được tình yêu thương, sự quan tâm.
Cũng theo bà Rana Flowers, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em mồ côi, thiếu người chăm sóc, mà thay vào đó, Chính phủ cần phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo có thể tìm kiếm, giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế. Các cơ quan chức năng cung cấp trợ cấp để trẻ em có thể ở trong môi trường gia đình, cộng đồng của chính mình, được kết nối với với môi trường quen thuộc như trường học, bạn bè quen biết và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, nguyên tắc chung của Luật Trẻ em nêu rõ: Trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha, mẹ, không có sự chăm sóc đầy đủ của gia đình thì nên tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân. Khi không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, cơ sở nuôi dưỡng dài hạn… chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp trên không thực hiện được.
Mỗi trẻ em mồ côi sẽ có số phận, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, phải dựa trên thực tế hoàn cảnh của các em, cần lắng nghe con trẻ để hiểu được các em cần hỗ trợ như thế nào. Nếu các con còn có thể ở với gia đình người thân thì cần hết sức hỗ trợ để các em được sống trong môi trường gia đình, sống với người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra… ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Hoa Nam, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho rằng, câu chuyện trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 không phải là vấn đề trước mắt bởi có những em mới chào đời, còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ nên các cơ quan chức năng phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Do đó, Chính phủ cần có chính sách dài hạn phù hợp, giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, có thể tự lập sau này.
Minh Huệ
Từ khóa » Hình ảnh Mồ Côi Mẹ
-
Trẻ Mồ Côi - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Trẻ Mồ Côi Vì Covid-19 - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Những đứa Trẻ Mồ Côi Hồn Nhiên Trong đại Dịch | VTC16 - YouTube
-
Hoàn Cảnh đáng Thương Của Những đứa Trẻ Mồ Côi Do Dịch Covid-19
-
Quảng Trị: 267 Trẻ Mồ Côi Có “Mẹ đỡ đầu” - Hội LHPN Việt Nam
-
Con Là Trẻ Mồ Côi... - Báo Bạc Liêu
-
'Bờ Vai' Của Trẻ Mồ Côi - Tuổi Trẻ Online
-
Mỗi Trẻ Mồ Côi Cha Mẹ Do COVID-19 được Hỗ Trợ 2 Triệu đồng
-
Mồ Côi Mẹ, Bố Mất Tích, 4 đứa Trẻ Bơ Vơ Không Biết Nương Tựa Vào đâu
-
Những Người Mẹ đặc Biệt - Báo Lao động
-
Hàng Nghìn Trẻ Em ở TP.HCM Mồ Côi Do COVID-19: Dấu Lặng đầu đời
-
Mồ Côi Do COVID-19: Em Cần 1 Gia đình! - PLO
-
Đồng Hành Cùng Trẻ Nhỏ Mồ Côi Cha Mẹ Do ảnh Hưởng Của đại Dịch ...