Mô Hình Chăn Nuôi Gà Ri Lai Chọi Liên Kết Với Công Ty CP GASAVI Tại ...

Liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Như Xuân

Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Như Xuân đã phát huy lợi thế vườn đồi để đầu tư phát triển nuôi gà thả vườn kết hợp trồng cây ăn quả. Bước đầu mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi gà ri lai chọi liên kết với Công ty CP GASAVI tại xã Hóa Quỳ.

        Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt gà sạch của thị trường, từ năm 2014, gia đình ông Lê Đình Tái, thôn Quảng Hợp, xã Hóa Quỳ đã tiên phong thực hiện chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học để phát triển kinh tế. Ông Tái, cho biết: Xu hướng của thị trường là lựa chọn những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, gia đình lựa chọn giống gà ri lai chọi tại địa phương, có sức đề kháng tốt, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm, thịt thơm ngon... để phát triển đàn. Đồng thời, sử dụng nguồn thức ăn như ngô, lúa và hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp, kháng sinh cho đàn gà. Sau khoảng 3,5 - 4 tháng, nuôi thử nghiệm, tỷ lệ sống trên đàn gà của gia đình đạt 90 - 93%. Khi xuất bán, gà mái đạt trọng lượng khoảng 1,5 - 2 kg, gà trống có trọng lượng khoảng 2,5- 3kg, thịt chắc, thơm ngon và được người tiêu dùng đánh giá cao. Sau thành công của lứa gà đầu tiên, gia đình ông Lê Đình Tái đã thực hiện mở rộng quy mô đàn gà lên tới 500 con/lứa và hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình khác tại địa phương phát triển chăn nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, việc thu mua, lựa chọn giống bảo đảm chất lượng để phát triển đàn trở thành vấn đề khó khăn.

        Từ năm 2017, thông qua “cầu nối” là Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Xuân, gia đình ông Tái và 2 hộ dân khác trên địa bàn xã Hóa Quỳ đã được lựa chọn thực hiện thí điểm chương trình phát triển chăn nuôi gà bản địa thả vườn - đồi theo hình thức liên kết chuỗi giá trị với Công ty CP GASAVI. Công ty cung cấp dịch vụ giống gà nuôi, thuốc phòng trừ dịch bệnh, dịch vụ thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, như: Cắt mỏ, tiêm phòng vắc-xin... và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với quy mô nuôi khoảng 1.000-1.500 con/lứa/hộ, sau 4 tháng chăm sóc, sản lượng đạt 3 tấn/hộ, doanh thu khoảng 180 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi hộ thu lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/lứa. Từ hiệu quả đó, hiện đã có 62 hộ gia đình tại 12/18 xã trên địa bàn huyện thực hiện liên kết chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị với Công ty CP GASAVI, với quy mô từ 2.000 - 5.000 con gà/lứa. Ngoài phát triển giống gà ri lai chọi, công ty còn hướng dẫn người dân thử nghiệm với những giống mới, như: Gà ri Sơn Tây, Gà ri Lạc Thủy Hòa Bình, gà lai chọi... Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, trong năm 2018, có 62 hộ chăn nuôi và trang trại trên địa bàn huyện ký hợp đồng liên kết với Công ty CP GASAVI và thực hiện xuất bán ra thị trường hơn 558.000 con gà thương phẩm, tổng sản lượng hơn 1.110 tấn thịt, doanh thu đạt hơn 66 tỷ đồng.

        Tính đến hết tháng 9-2019, trên địa bàn huyện có 55 trang trại nuôi gà và hàng trăm hộ dân phát triển đàn gà quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên. Tổng đàn gà của địa phương đạt 349.259 con, tăng 102.378 con so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hơn 50% đàn gà được liên kết sản xuất và tiêu thụ với doanh nghiệp. Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Xuân về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020, huyện đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi quy mô lớn và thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó, nhiều hộ dân, chủ trang trại đã lựa chọn gà là đối tượng phát triển. Để nâng cao giá trị kinh tế từ chăn nuôi gà, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm gà cho người dân, UBND huyện đã thực hiện đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gà Như Xuân, được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1998/QĐ-UBND ngày 29-5-2019. Đồng thời, hướng dẫn các hộ, trang trại thực hiện chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... nhằm bảo đảm chất lượng, thương hiệu và giá trị kinh tế cho sản phẩm gà của địa phương.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử

Từ khóa » Bán Gà Lứa