Thành Công Từ Mô Hình Khởi Nghiệp Nuôi Gà Nòi Lai

Đất sản xuất ít, cả nhà không ai có nghề nghiệp ổn định nên nhiều năm liền gia đình anh Võ Thanh Tuấn, ở ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh phải sống trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Hàng ngày, vợ chồng anh phải làm lụng vất vả nhiều việc mà cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám không dứt ra được. Sau thời gian suy nghĩ, anh Tuấn quyết định thực hiện mô hình nuôi gà nòi lai để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình và làm mô hình khởi nghiệp cho chính mình.

Anh Tuấn đang chăm sóc đàn gà.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Võ Thanh Tuấn, ở ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh còn gặp rất nhiều khó khăn về đời sống. Khi ra riêng, đất đai của cha mẹ cho để sản xuất cũng không có là bao. Hàng ngày, vợ chồng anh phải làm lụng nhiều việc nhưng thu nhập rất bấp bênh, cuộc sống ga đình lúc nào cũng gặp cảnh khó khăn, túng thiếu. Đầu năm 2015, anh Tuấn quyết định thực hiện mô hình nuôi gà nòi lai để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Theo anh Tuấn, việc thực hiện mô hình nuôi gà nòi lai không cần diện tích lớn, vốn đầu tư cũng không nhiều và quan trọng là phù hợp với điều kiện kinh tế và sản xuất của nhiều hộ nông dân. Nói là làm. Lúc đầu, do ít vốn, anh Tuấn chỉ đầu tư vài chục triệu đồng để cất nhà, làm chuồng và mua con giống, thức ăn để thực hiện mô hình nuôi gà nòi lai. Vụ nuôi đầu tiên, anh Tuấn chỉ nuôi thử 300 con gà nòi lai giống. Sau hơn 3 tháng nuôi, anh Tuấn thu hoạch, sau khi trừ chi phí và có lãi được 7 triệu đồng. Thấy gà nòi lai dễ nuôi, công chăm sóc không nhiều, ít chi phí và có lãi tương đối cao nên từ vụ nuôi thứ 2 đến nay, vụ nào anh Tuấn cũng thả nuôi gà giống với số lượng nhiều hơn. Hiện nay, đàn gà của gia đình anh có tổng cộng 7.000 con lớn nhỏ. Trong đó, gà loại 500 gam có 1.000 con, loại 700 gam có 1.000 con, loại 1kg có 1.000 con, loại 1,2 đến 1,5kg có khoảng 3.000 con. Bình quân mỗi tháng, anh Tuấn chọn lựa 1.000 đến 1.500 con gà có trọng lượng từ 1,5 đến 1,8kg để xuất bán, với giá từ 80.000 đến 85.000 đồng/kg. Trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng anh thu nhập tiền bán gà nòi lai thịt từ 45 đến 50 triệu đồng. Có những lứa gà nuôi mau lớn, giá tăng cao, mỗi tháng anh Tuấn có thu nhập từ tiền bán già thịt được 60 đến 70 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, mỗi năm gia đình anh Tuấn có thu nhập trên 500 triệu đồng từ tiền bán gà nòi lai. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh đã vượt qua được khó khăn, thiếu thốn và từng bước vươn lên làm giàu.

Đà gà nòi lai của anh Tuấn lúc nào cũng có khoảng 6.000 con.

Anh Tuấn cho biết: “Gà nòi lai rất dễ nuôi, hộ nông dân nào cũng có thể nuôi được. Với giá cả như hiện nay nếu so với trồng lúa, nuôi tôm, nuôi cua, thì nuôi gà có thu nhập cao hơn gấp 3 đến 4 lần. Tuy nhiên, để nuôi gà nòi lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi phải có ý chí và lòng quyết tâm. Đồng thời, cần nắm vững phương pháp và kỹ thuật nuôi. Việc xây dựng chuồng trại phải xa khu dân cư, rộng rãi, khô ráo. Luôn cho gà ăn sạch, chú trọng phòng chống dịch bệnh. Khi gà từ 1 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi nên cho gà uống vắc xin Lasota hoặc Newcatson. Mỗi con chỉ uống 1 lần từ lúc nuôi đến khi xuất bán. Gà nòi lai có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, người nuôi cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình giữ gìn vệ sinh khu vực chăn nuôi. Thức ăn cho gà phải đầy đủ, ngày cho ăn 3 lần, sáng, trưa, chiều. Thức ăn chủ yếu lúa hoặc thức ăn công nghiệp, có giá cả cũng tương đối rẻ”. Ngoài nuôi gà nòi lai, các liếp bờ anh Tuấn trồng 300 gốc mãng cầu gai, khoảng 50 gốc mít đang trong thời kỳ cho trái. Tận dụng các ao đìa xung quanh nhà có sẵn, anh thả nuôi 25 kg cá rô đồng, 20 kg cá dầy và 2.700 con cá tra. Số cá nuôi này, hiện nay có một số đã thu hoạch. Chỉ tính riêng khoảng này, trong 1 năm gia đình anh Tuấn thu nhập vài chục triệu đồng. Nhờ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, giờ đây gia đình anh Võ Thanh Tuấn, ở ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh không những thoát khỏi cảnh khó khăn, thiếu thốn mà từng bước vươn lên làm giàu. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình khởi nghiệp nuôi gà nòi lai của anh Tuấn cần được nhân rộng ra cho nhiều bà con nông dân trong khu vực học tập làm theo, nhằm cải thiện cuộc sống gia đình và từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ khóa » Bán Gà Lứa