Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Siêu Thâm Canh - UBND Tỉnh Cà Mau

Kính thưa: - Các cấp lãnh đạo; - Quý vị đại biểu tham dự hội nghị. Tôi tên: Nguyễn Minh Luân Địa chỉ: Ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Kính thưa quý vị đại biểu: Năm 2017, được sự quan tâm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, UBND xã Nguyễn Việt Khái đã tạo điều kiện cho gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Sau thời gian nuôi 93 ngày tôi thu tỉa được 3.540 kg, trọng lượng 32 con/kg; 107 ngày tuổi thu hoạch toàn bộ được 3.200 kg, trọng lượng 29 con/kg.

Ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh.

Thành công đó, tôi xin tóm tắt quy trình nuôi như sau: 1. THIẾT KẾ KHU NUÔI: Khu nuôi gồm có các hệ thống sau: + Ao lắng xử lý với diện tích 3.000 m2. + Ao lắng ao sẵn sàng với diện tích 3.000m2. + Ao nuôi gồm 2 ao với diện tích 1.600m2 và 1.500m2 + Ao ương với diện tích 300m2 + Ao chứa chất thải với diện tích 2.000m2¬/ao. Tổng diện tích khu nuôi 1,133 ha ( kể cả bờ bao). - Máy quạt nước được bố trí theo hình chữ thập, số lượng cánh quạt trong ao nuôi từ 64 cánh/ao. - Hệ thống oxy đáy . 2. CHUẨN BỊ AO NUÔI VÀ AO LẮNG: 2.1. Chuẩn bị ao lắng: - Sau vụ nuôi tiến hành xả cạn nước xịt rửa bùn đáy ao, cấp nước vào ao đạt mực nước 20 – 30cm, sử dụng Chlorine ngâm ao từ 5 – 7 ngày sau đó xả cạn nước. - Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc từ ao lắng thô (vuông nuôi quảng canh), sau 2 ngày sử dụng Chlorine xử lý nước, sau 2 ngày tiến hành cấp vào ao nuôi. 2.2. Chuẩn bị ao ương: - Diện tích ao ương 300 m2, độ sâu 0,8 m. - Ao ương được thiết kế hình vuông, cao trình ao ương cao hơn cao trình ao nuôi từ 0,6 m, để thuận lợi cho việc sang tôm về sau. - Ao ương được lót bạt hoàn toàn, có bố trí đầy đủ hệ thống quạt nước, hệ thống sục khí. - Phía trên và xung quanh được che và bao lưới. a. Chuẩn bị nước ao ương Cấp nước vào ao lắng qua túi lọc để 3 - 4 ngày tiến hành xử lý nước: * Ngày thứ nhất: - Dùng thuốc tím (KMnO4), các hóa chất thông dụng khác,… để diệt khuẩn. - Liều lượng theo nhà sản xuất. * Ngày thứ 3: Xử lý nước bằng EDTA nhằm lắng tụ kim loại nặng. Nồng độ EDTA xử lý: 5-10ppm. * Ngày thứ 5: Cấp nước từ ao lắng, xử lý sang ao ương. Cấp qua túi lọc. Cấy vi sinh. Kiểm tra các yếu tố môi trường phù hợp: + pH: 8,4. + Độ mặn: 18‰. + Độ kiềm:160mg/lít. + Màu nước: Nâu nhạt. - Các yếu tố môi trường ổn định, tiến hành thả giống. b. Chọn và thả giống * Chọn giống: - Con giống đảm bảo khỏe mạnh và được xét nghiệm PCR. * Thả giống: - Mật độ ương: 1.000con/m2. - Tôm giống được thả vào lúc chiều mát. c. Thức ăn Thức ăn ương dưỡng tôm Postlarvae là thức ăn tổng hợp của công ty CP. Cho ăn 6 lần/ngày. d. Quản lý chất lượng nước: Bổ sung khoáng tạt thường xuyên cho tôm. Trong quá trình ương dưỡng chất thải và vỏ (do lột xác) làm dơ bẩn nước nuôi. Vì vậy, muốn giữ ổn định môi trường nuôi, hàng ngày phải tiến hành siphon hoặc thay nước. Vệ sinh (chà rửa) bạt ngày 2 lần trước khi siphon hoặc thay nước. * Cách vệ sinh thay nước: - Siphon đáy: Giảm nhẹ sục khí, quạt nước dùng ống siphon để loại bỏ hết cặn bã, thức ăn dư thừa. - Thay nước: Dùng dụng cụ thay nước hút nước ra ngoài đến mức cần thay, sau đó cấp nước mới có cùng điều kiện môi trường (để tránh xảy ra sự thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến tôm nuôi). e. Thời gian ương: Tôm ương dưỡng trên bể lót bạt sau 20 ngày đạt theo yêu cầu thì có thể chuyển sang ao nuôi. 2.3. Chuẩn bị ao nuôi: - Ao nuôi được chà rửa sạch, sử dụng Chlorine ngâm ao 2 ngày sau đó bơm nước rửa sạch. - Cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi qua túi lọc, sau đó gây màu nước, sau 2 – 3 ngày tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp tiến hành thả giống. Các yếu tố môi trường đạt trước khi thả giống: + Độ mặn: 7‰. + pH: 7,8. + Độ kiềm: 140mg/l. + Oxy hòa tan: > 5mg/l. + Độ trong: 30cm. + Nước có màu nâu nhạt. 3. CHỌN GIỐNG VÀ THẢ GIỐNG: - Tôm giống được chọn mua từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, đã qua kiểm định chất lượng và đạt tiêu chuẩn để thả nuôi. - Tôm giống đồng đều, khỏe mạnh, đồng màu, kích cỡ 1,2cm. - Thả giống: Tôm giống được thả vào lúc 6 giờ, sau khi đã thuần độ mặn, nhiệt độ, pH. - Mật độ thả: trên 200 con/m2, tôm giống được thả xuống ao gièo. 4. CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ AO NUÔI: 4.1. Quản lý thức ăn và cho tôm ăn: - Loại thức ăn NASA của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. - Thức ăn được quản lý chặt chẽ từ giai đoạn mới thả đến khi thu hoạch, cụ thể thời gian và số lượng cho ăn như sau: + Ngày thứ 1 cho ăn 0,6kg/ao. + Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 15 mỗi ngày tăng lượng thức ăn 0,2kg/ngày. + Từ ngày thứ 16 đến ngày thứ 29 mỗi ngày tăng 0,3kg/ ngày. + Từ ngày thứ 30 trở đi cho tôm ăn bằng máy cho ăn tự động, tùy theo sức ăn của tôm mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. - Cho tôm ăn ngày 6 lần vào lúc 6 giờ, 9 giờ, 12 giờ, 15 giờ, 18 giờ, 21 giờ, tùy vào sức ăn của tôm mà định lượng thức ăn theo thời gian cho phù hợp. - Định kỳ sử dụng men tiêu hóa, Vitamin, bổ gan,... trộn vào thức ăn cho tôm ăn. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi mà lựa chọn loại thức ăn có mã số khác nhau trong suốt giai đoạn nuôi. 4.2. Quản lý môi trường nước: - Hàng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, Ca, Mg, NH3, NO2 để có hướng xử lý kịp thời. - Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, để ổn định môi trường nước. - Sau khi thả giống đến ngày thứ 2 tiến hành chà bạt 2 lần/ngày cho đến ngày thứ 20. - Tùy theo điều kiện môi trường nước mà định lượng nước thay đổi mỗi ngày cho phù hợp, cụ thể: + Ngày thứ 7 đến ngày thứ 20 shiphon, thay nước mỗi ngày khoảng 10 – 30% lượng nước trong ao nuôi. + Ngày thứ 21 đến ngày thứ 45 shiphon, thay nước mỗi ngày khoảng 40% lượng nước trong ao nuôi. + Từ ngày thứ 46 trở đi shiphon, thay nước mỗi ngày khoảng 50 - 70% lượng nước trong ao nuôi. 4.3. Quản lý sức khỏe tôm nuôi: - Hàng ngày kiểm tra, quan sát hoạt động của tôm nuôi để đánh giá sức khỏe tôm nuôi. - Tăng cường bổ sung khoáng, bổ gan, men đường ruột,… trộn vào thức ăn cho tôm ăn giúp tôm tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng và phát triển nhanh. - Sau thời gian nuôi 45 ngày tiến hành chài kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, cân trọng lượng, ước tỷ lệ sống,… Định kì 7 ngày chài kiểm tra tôm 1 lần. 4.4. Quản lý nước, chất thải: - Lượng nước, chất thải shiphon hàng ngày được đưa vào khu chứa chất thải rắn, nước được chảy xuống và trữ ở ao lắng. - Ao lắng thả nuôi các loài thủy sản như cá rô phi, cá đối, sò huyết,… có tác dụng xử lý nước thải và có thể tái sử dụng lại nguồn nước này. 5. HẠCH TOÁN KINH TẾ: Sau thời gian nuôi đạt kết quả như sau: - Tổng thu ao 1: 1.131.640.000 đồng + Thu lần 1: 3.540 kg x 166.000 đồng/kg = 587.640.000 đồng. + Thu lần 2: 3.200 kg x 170.000 đồng/kg = 544.000.000 đồng. - Tổng chi: Khoảng 506.657.000 đồng - Lợi nhuận: 1.131.640.000 – 506.657.000 = 624.983.000 đồng 6. ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH: - Được sự quan tâm của các cấp, các ngành chuyên môn ở huyện cũng như ở địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chúng tôi đi tham quan học tập những kinh nghiệm, từ đó áp dụng vào thực tiễn trong quá trình nuôi. - Nhà nước đầu tư hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư kịp thời theo tiến độ, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình thành công. - Trong quá trình nuôi tuy có sự biến động của các yếu tố môi trường, tuy nhiên nhìn chung các yếu tố này vẫn nằm trong khoảng thích hợp cho sự phát triển của tôm nuôi. Cuối cùng xin chúc các cấp lãnh đạo và quý vị đại biểu dồi dào sức khỏe, chúc hội thảo thành công tốt đẹp. Xin chân thành cám ơn!

Từ khóa » Tôm Sú Chân Trắng