Tôm Sú Và Tôm Chân Trắng - Tép Bạc
Có thể bạn quan tâm
Nhờ có ngành nuôi, sản lượng XK tôm trên thế giới hằng năm lên tới 3-4 triệu tấn, giá trị 12-15 tỷ USD. Mặc dù chỉ chiếm khối lượng khoảng 3-4%, mấy chục năm qua, tôm luôn đứng đầu về giá trị, chiếm tỷ lệ 15-17% tổng kim ngạch thương mại thủy sản hằng năm trên thế giới.
Tôm chân trắng - cứu tinh của nghề nuôi tôm …
Các khu vực nuôi tôm chính trên thế giới là châu Á và Mỹ Latinh, hai loài tôm biển nuôi chính hiện nay là tôm sú (Penaeus monodon) và tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei). Trước năm 2000, các nước châu Á chủ yếu nuôi tôm sú, còn các nước Mỹ Latinh nuôi tôm chân trắng (TCT). Từ những năm 2000, TCT đã được di giống sang nuôi ở châu Á và sản lượng TCT nuôi từ chỗ chưa bằng một nửa so với tôm sú trước năm 2000 (đạt đỉnh 193.000 tấn năm 1998), đã nhanh chóng vượt qua gấp nhiều lần sản lượng tôm sú. Trong 3,85 triệu tấn tôm biển nuôi năm 2011, chỉ có 850.000 tấn tôm sú, còn lại chủ yếu là TCT.
Nhờ có TCT mà ngành nuôi tôm có đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
Lý do cơ bản để TCT nhanh chóng tràn sang châu Á và vượt mặt tôm sú ở nhiều nơi là sự hạn chế về năng suất nuôi tôm sú, khiến sản lượng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong khi nguồn cung tôm khai thác ngày càng giảm. TCT được coi là có những ưu điểm nổi trội về tốc độ sinh trưởng, khả năng thích nghi với điều kiện môi trường và hệ số thức ăn thấp, dẫn đến giá thành nuôi hạ. Hơn nữa, đối với TCT, thành công trong công nghệ khép kín vòng đời giúp tạo ra đàn tôm bố mẹ sạch bệnh, nhờ đó hy vọng có thể loại trừ tác hại của dịch bệnh.
Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), còn gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), hoành hành ở nhiều nước sản xuất tôm chính như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,… thì TCT thực sự đã là cứu cánh, cả cho người nuôi tôm, lẫn ngành chế biến tôm XK. Năm 2012, chỉ với khoảng 38.000 hecta diện tích nuôi, sản lượng TCT của Việt Nam đã là khoảng 190.000 tấn, chiếm 38% tổng sản lượng tôm biển nuôi của cả nước. Giá trị XK TCT năm 2012 đạt hơn 740 triệu. Mới 7 tháng đầu năm 2013, XK TCT đã xấp xỉ 610 triệu USD, chiếm gần 44% giá trị XK tôm cả nước.
Những thành công bước đầu của TCT ở châu Á đã khiến một số người nghĩ, nghề nuôi tôm sú đã hết thời, và nghề nuôi tôm biển chỉ còn trông cậy vào TCT. Thái Lan, từng là nước nuôi tôm sú số 1 thế giới, đã nhanh chóng chuyển hẳn sang TCT. Trong gần 515.000 tấn tôm nuôi năm 2011 của Thái Lan chỉ còn vỏn vẹn 2.000 tấn tôm sú. TCT cũng chiếm tới 96,6% (1,33 triệu tấn) sản lượng tôm biển nuôi của nhà vô địch nuôi tôm thế giới Trung Quốc.
Vì vậy, không ít người nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nước ta đang hết sức bức xúc với những quy định hạn chế nuôi TCT, yêu cầu cơ quan quản lý cho phép nhanh chóng mở rộng đối tượng này trong khu vực.
… nhưng không phải là …super-tôm
Tranh luận “TCT hay không TCT?” ở Việt Nam đã diễn ra từ cuối những năm 1990 và gần đây tưởng đã dịu đi, khi Bộ NN&PTNT quyết định cho phép nuôi TCT có quản lý chặt chẽ ở ĐBSCL từ năm 2008. Không ngờ, gần đây, câu chuyện này lại được nhắc đến ngày một nhiều hơn. Đóng góp của TCT là không thể phủ nhận, nhưng có một số cân nhắc không thể bỏ qua khi định mở rộng nuôi đối tượng này.
Trước hết là tính kinh tế. Hiện nay, nhu cầu TCT tăng rất cao do 3 lý do chính:
(1) Suy thoái kinh tế, người tiêu dùng chuyển mạnh sang phân khúc sản phẩm giá trung bình và thấp.
(2) Dịch EMS ở châu Á và đốm trắng ở Mỹ Latinh làm sản lượng tôm nuôi của các nước cung cấp chính như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia, Ecuađo … sụt giảm mạnh, trong đó Thái Lan ước tổn thất lên tới khoảng 250.000 tấn.
(3) Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, từ một nhà XK đang chuyển nhanh thành nhà NK tôm.
Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự mất cân đối cung cầu sẽ không lâu dài. Một số nước không bị dịch EMS như Ấn Độ, Bănglađét đã tranh thủ thời cơ để tăng cường XK. Các nước châu Á mà Việt Nam là tiên phong, đã bước đầu tìm ra biện pháp khắc phục dịch EMS. Với chu kỳ sản xuất rất ngắn, sản lượng TCT của Thái Lan và Việt Nam được dự báo sẽ không khó hồi phục trong năm tới, thậm chí còn có thể tăng do người nuôi hy vọng giá vẫn cao. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ giảm giá đột ngột.
Việt Nam hiện là nước nuôi tôm sú đứng đầu thế giới
Thật ra, ngay từ những năm 2006-2007, các nhà khoa học và quản lý ở Thái Lan đã sớm nhận ra sự thiếu bền vững khi người nuôi quá vội vàng từ bỏ tôm sú để chạy theo TCT. Họ đã nhiều lần đề xuất chủ trương khôi phục sản lượng tôm sú đến tỷ lệ khoảng 30%. Có lẽ những biến động chính trị và kinh tế đã không cho phép đạt được chủ trương đó.
Vấn đề thứ hai là dịch bệnh. Từ thực tế, người ta thấy TCT cũng dễ dàng nhiễm hội chứng đốm trắng và các bệnh khác như tôm sú. Hơn nữa, TCT đã được gia hóa qua nhiều thế hệ, vì vậy khả năng kháng bệnh thấp hơn tôm nguồn gốc tự nhiên. Ngay cả tôm giống chất lượng tốt nhất hiện nay cũng mới là sạch bệnh, nghĩa là không mang theo mầm bệnh trong cơ thể, mà chưa phải là tôm kháng bệnh. Do đó, khi nuôi trong môi trường có sẵn mầm bệnh, tôm vẫn dễ dàng nhiễm bệnh. Năm 2012, TGĐ Lê Văn Quang của Minh Phú Corp., đại gia tôm Việt Nam, cho biết bị thiệt hại khoảng 100 triệu USD vì tôm chết. Ông nói: “Chúng tôi chỉ dùng con giống sạch bệnh mà tôm vẫn chết”. Và trong đại dịch EMS vừa qua, thiệt hại ở TCT thậm chí còn lớn hơn tôm sú.
Vấn đề thứ ba, có lẽ chỉ riêng với Việt Nam, là quản lý. Tại các hội nghị, hội thảo bàn giảỉ pháp phát triển nuôi tôm bền vững, phản ánh của nhiều địa phương ĐBSCL cho biết đã xảy ra phổ biến tình trạng tự phát nuôi TCT tràn lan, không thể kiểm soát. Một số hộ nông dân nuôi xen TCT với tôm sú hoặc nuôi TCT theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến, thậm chí đưa cả vào mô hình tôm – lúa hay xen canh với đối tượng khác. Lợi dụng khó khăn của nông dân, một số người cung cấp tôm giống trôi nổi khuyến khích họ làm liều kiểu “được ăn, thất bỏ”, cung cấp tôm giống và cam kết chỉ lấy tiền khi nuôi được, nếu tôm chết họ sẽ bù đợt giống khác.
TCT là đối tượng được gia hóa và chọn lọc phù hợp với điều kiện nuôi có suất đầu tư cao, mật độ nuôi dày, cho ăn thức ăn công nghiệp và môi trường có xử lý. Nếu đưa ra nuôi quảng canh hay xen canh, hoàn toàn có thể không có thu hoạch – như trường hợp một số nông dân đã gặp phải. Thậm chí, có người phản ảnh (thông tin chưa được kiểm chứng), diện tích đã thả TCT quảng canh, sau đó rất khó quay lại nuôi tôm sú vì năng suất rất thấp. Đó là chưa kể còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn về lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường, nguồn gen, …
Vậy … tôm sú hay tôm chân trắng?
Theo thống kê của FAO, trong 850.000 tấn tôm sú nuôi năm 2011, Việt Nam sản xuất hơn 300.000 tấn, đứng ở vị trí thứ nhất. Ấn Độ xếp thứ 2 (187.900 tấn) và Inđônêxia thứ 3 (126.200 tấn). Trên thị trường, nguồn cung TCT ngày càng sẵn với giá thấp hơn, trong khi tôm sú ngày càng ít và giá cao hơn. Dù vậy, tôm sú vẫn có phân khúc tiêu thụ riêng, nhất là ở những cỡ lớn mà TCT nuôi không thể đạt tới. Có người ví, chẳng bao lâu nữa, tôm sú cũng hiếm và đắt như tôm hùm. Đây là thế yếu của tôm sú khi kinh tế khó khăn, nhưng khi kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu ăn sang tăng lên thì nó lại là điểm mạnh.
Như vậy, nuôi tôm sú hay TCT, không nên chỉ là sự lựa chọn bột phát của người nông dân hay sự say sưa ngắn hạn của các DN. Ở đây rất cần sự can thiệp của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học và cả các tổ chức phi chính phủ. Cần hết sức tránh lặp lại những vấn nạn về mất cân đối cung-cầu và rối loạn thị trường, như bài học nhãn tiền đang nóng hổi đối với cá tra.
Tôi thấy rất tâm đắc với lời phát biểu của “Vua tôm” Sáu Ngoãn, tỉnh Bạc Liêu, mà một đồng nghiệp đã ghi lại (TMTS số 164, tháng 8/2013, tr.10): “Khi dịch bệnh hoành hành trên tôm sú thì không có lý do gì để chúng ta kìm hãm, hạn chế TCT. Nhưng TCT không phải là tất cả, không phải là lựa chọn duy nhất. Bên cạnh tôm sú, TCT, chúng ta còn có rất nhiều đối tượng nuôi có giá trị và có tiềm năng phát triển khác, như tôm he Nhật Bản, tôm đất, tôm càng,... Theo tôi, phát triển nuôi TCT với diện tích, mô hình nuôi thích hợp, cùng với đa dạng hóa đối tượng nuôi là hướng đi mà ngành thủy sản nên thực hiện để phát triển bền vững, vượt qua khó khăn”.
Từ khóa » Tôm Sú Chân Trắng
-
So Sánh Tôm Thẻ Chân Trắng Với Tôm Sú - AO ƯƠNG DI ĐỘNG
-
Chọn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Hay Tôm Sú? - Tép Bạc
-
Nuôi Tôm Sú Kết Hợp Tôm Thẻ Chân Trắng: Hiệu Quả Bất Ngờ
-
Khái Quát Về Tôm Thẻ Chân Trắng
-
Nên Nuôi Tôm Chân Trắng Hay Tôm Sú? - Khoa Học Phổ Thông
-
4 Sai Lầm Về Kỹ Thuật Hay Gặp Phải Trong Nuôi Tôm Thẻ Chân ...
-
Tôm Sú đang Lấy Lại Vị Thế Từ Tôm Chân Trắng
-
Mô Hình Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Siêu Thâm Canh - UBND Tỉnh Cà Mau
-
Hơn 1.240 Hộ Nuôi Tôm Sú, Thẻ Chân Trắng Bị Thiệt Hại
-
Giá Tôm Thẻ Chân Trắng Và Tôm Sú ở Trà Vinh Liên Tục Giảm
-
Vài Nét Về Tình Hình Nuôi Tôm Chân Trắng Trên Thế Giới Và Việt Nam
-
Con Tôm Thẻ Và Tôm Sú: Cách Phân Biệt Nhanh Bạn Nên Biết
-
Đặc điểm Cấu Tạo Của Tôm Thẻ Chân Trắng, Tôm Sú, Tôm Hùm - Dr.Tom