Mô Hình Thư Viện Thân Thiện Room To Read Tiếp Lửa Phong Trào đọc ...

Thư viện thân thiện Trường Tiểu học Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) vừa được khánh thành, đưa vào hoạt động từ tháng 11/2019, thu hút đông đảo học sinh toàn trường tham gia vào các hoạt động thư viện vào mỗi giờ ra chơi. Cô giáo Trần Thị Vân Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để triển khai mô hình hiệu quả, nhà trường vận động phụ huynh học sinh, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia xã hội hóa xây dựng thư viện.

Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường phát động giáo viên mỹ thuật nhà trường tham gia vẽ trang trí thư viện, phụ huynh học sinh xã hội hóa kệ sách... Hiện nay, thư viện nhà trường hoàn thành với trên 50 triệu đồng, trang bị được trên 700 đầu sách và truyện dành cho thiếu nhi, sách kỹ năng sống, sách về hiểu biết tự nhiên, xã hội.

Thư viện được nhà trường bố trí khoa học, có góc tra cứu, góc vẽ, trò chơi, các giá sách có nhiều chủng loại và sắp xếp bài bản, ngăn nắp; bố trí thời gian theo lớp, theo tiết học để tham gia đọc và trao đổi sách, đảm bảo cho gần 500 học sinh toàn trường đều được tham gia hoạt động tại thư viện… Từ khi thư viện hoạt động, học sinh trong trường rất hứng thú được tham gia các hoạt động của thư viện, phong trào đọc sách của học sinh tăng lên.

Được biết, mô hình thư viện thân thiện Room to Read do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read của Mỹ triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Năm học 2019-2020, mô hình được ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình triển khai thí điểm ở 16 trường Tiểu học.

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố và các trường tham gia thí điểm xây dựng mô hình được tham gia tập huấn vào tháng 3/2019. Hiện nay, toàn tỉnh có 14/16 trường đã đưa vào sử dụng Thư viện thân thiện Room to Read; trong đó, huyện Hoa Lư 6 trường, Yên Mô 2 trường, Nho Quan 1 trường, Yên Khánh 3 trường, thành phố Ninh Bình 2 trường (còn 2 trường thành phố Tam Điệp đang xây dựng).

Thư viện thân thiện Room to Read có nhiều khác biệt so với thư viện truyền thống như được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc. Sách được trưng bày trên kệ, được phân loại theo trình độ đọc của học sinh và được dán mã màu. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học và sơn theo từng mã màu tương ứng.

Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh. Ngoài ra, thư viện còn bố trí các góc hoạt động khác nhau như góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, góc tra cứu, góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em.

Thư viện thân thiện cũng được xây dựng có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động cá nhân, cặp đôi, nhóm. Trong tiết đọc thư viện, học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động mở rộng, vẽ về nhân vật trong truyện, đóng vai, làm thơ, viết cảm nhận…

Có đủ không gian phục vụ việc mượn, trả sách; có thời khóa biểu tiết đọc thư viện, lịch mượn trả sách của các lớp; có hệ thống hướng dẫn quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng; cán bộ thư viện được tập huấn về kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện.

Đặc biệt, điểm khác biệt rõ nhất ở thư viện thân thiện, là thái độ của cán bộ thư viện phải thân thiện, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tận tình, chu đáo khi đến thư viện; khuyến khích học sinh mượn sách về nhà, tổ chức ngày hội đọc sách cho giáo viên, học sinh và cộng đồng.

Mô hình thư viện thân thiện Room to Read được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi học sinh tiểu học, hỗ trợ việc xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh và kỹ năng học tập suốt đời. Đồng thời có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh, đóng góp đáng kể trong phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Tiến Minh

Từ khóa » Thư Viện Room To Read