Mổ Lấy Thai Theo Chương Trình - Bệnh Viện FV

MỔ LẤY THAI LÀ GÌ?

Sinh mổ, còn được gọi là mổ lấy thai, là phương pháp phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài qua một vết rạch ở bụng và một vết rạch ở tử cung của sản phụ. Mổ lấy thai theo chương trình phải được lên kế hoạch cẩn thận trước khi chuyển dạ bắt đầu.

Mổ lấy thai được chia thành hai nhóm: mổ lấy thai theo yêu cầu sản phụ và mổ lấy thai theo chỉ định.

KHI NÀO SẢN PHỤ CÓ THỂ YÊU CẦU MỔ LẤY THAI?

Tất cả sản phụ đang cân nhắc việc mổ lấy thai, vì bất kỳ lý do gì, đều phải được thông báo đầy đủ các vấn đề liên quan, bao gồm những khó khăn trong quá trình hồi phục. Sản phụ nên biết rằng việc mổ lấy thai có thể có nguy cơ dù nhỏ, nhưng trong một số trường hợp những nguy cơ này có thể trở nên đáng kể. Đồng thời, sản phụ sau mổ lấy thai sẽ hồi phục chậm hơn sinh con qua ngã âm đạo.

Mổ lấy thai theo yêu cầu sản phụ (theo chương trình và không có chỉ định y khoa) chỉ được lên kế hoạch sau tuần thứ 39 của thai kỳ nhằm đảm bảo phổi của thai nhi được phát triển đầy đủ. Nếu sinh mổ trước thời gian này, thai nhi có nguy cơ suy hô hấp cao. Theo công bố của tạp chí Y Khoa New England năm 2009, các ca sinh mổ lấy thai theo chương trình được thực hiện vào tuần thứ 37 hoặc 38 của thai kỳ có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng cao gấp bốn lần so với ca sinh mổ thực hiện sau tuần thứ 39. Nghiên cứu cho thấy, thậm chí với những trường hợp chỉ còn thiếu một, hai hoặc ba ngày mới đủ 39 tuần cũng có 21% nguy cơ gây biến chứng.

Hầu hết sản phụ đã từng sinh mổ lấy thai đều có thể sinh con qua ngã âm đạo an toàn sau đó.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN CHỈ ĐỊNH SINH MỔ LẤY THAI?

Mổ lấy thai theo chỉ định (theo chương trình và có chỉ định y khoa) thường được lên kế hoạch theo yêu cầu của bác sĩ khi sản phụ bị, hoặc có nguy cơ cao về vấn đề sức khỏe có thể gây hại cho mẹ hoặc bé trong khi chuyển dạ. Những trường hợp chính cần chỉ định mổ lấy thai là:

  • Ngôi mông (chân quay xuống): Sản phụ mang đơn thai ngôi mông không có biến chứng ở tuần thứ 36 của thai kỳ nên được thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai. Đây là thủ thuật mà bác sĩ sẽ dùng hai bàn tay đặt lên bụng sản phụ bao quanh thai nhi. Thai nhi được đẩy lên trên xa khỏi khung chậu và xoay nhẹ nhàng từng bước một cho đến khi thai nhi nằm ngang và cuối cùng là có ngôi đầu. Không sử dụng thủ thuật này cho sản phụ đang chuyển dạ, tử cung có sẹo hoặc bất thường, bào thai có nguy cơ (suy thai), vỡ màng ối, chảy máu âm đạo hoặc có vấn đề về sức khỏe. Sản phụ mang đơn thai ngôi mông đã đến kỳ sinh nở mà có chống chỉ định với thủ thuật ngoại xoay thai, hoặc đã áp dụng thủ thuật này nhưng không thành công thì nên cho mổ lấy thai để giúp giảm tỷ lệ tử vong chu sinh và tỷ lệ mắc bệnh sơ sinh.
  • Đa thai: Với trường hợp song thai không có biến chứng đã đến kỳ sinh nở, không phải lúc nào cũng nên chỉ định mổ lấy thai. Trong trường hợp sản phụ mang song thai, và thai nhi đầu tiên không phải ngôi đầu thì nên mổ lấy thai theo chương trình.
  • Thai to (trên 4 kg): thường cho sinh mổ lấy thai theo chương trình.
  • Nhau tiền đạo: sản phụ có nhau che phủ một phần hoặc hoàn toàn tử cung ( nhau tiền đạo bán trung tâm hoặc trung tâm) nên cho mổ lấy thai theo chương trình.
  • Thai nhi có vấn đề về sức khỏe: Đôi khi mổ lấy thai lại an toàn hơn cho thai nhi có vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như có quá nhiều dịch trong não (não úng thủy)
  • Sản phụ có bệnh mãn tính mà bệnh có thể trở nặng khi chuyển dạ, như tiểu đường, cao huyết áp hoặc bệnh tim mạch, thì có thể cho mổ lấy thai theo chương trình.
  • Để phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, mổ lấy thai phải thực hiện cho những sản phụ không được điều trị bằng thuốc chống vi-rút sao chép ngược, hoặc đang điều trị bằng liệu pháp này nhưng có tải lượng vi-rút từ 400 bản sao/ml trở lên.
  • Sản phụ bị nhiễm vi-rút sinh dục herpes simplex nguyên phát (HSV) xảy ra trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ (3 tháng cuối của thai kỳ) nên được mổ lấy thai theo chương trình vì sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm HSV cho trẻ sơ sinh.
  • Tiền căn mổ lấy thai: tùy vào vết rạch tử cung và các yếu tố khác, hầu hết sản phụ đều có thể sinh con qua ngã âm đạo sau lần sinh mổ lấy thai (VBAC). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị mổ lấy thai lặp lại (tham khảo phần VBAC bên dưới).

NHỮNG NGUY CƠ KHI MỔ LẤY THAI?

Thời gian hồi phục sau khi sinh mổ lấy thai sẽ chậm hơn so với sinh con qua ngã âm đạo. Sản phụ có thể phải nằm viện từ 3 đến 4 ngày sau khi mổ lấy thai và phải mất từ 4 đến 6 tuần để hồi phục hoàn toàn. Tương tự các ca đại phẫu khác, mổ lấy thai cũng có nguy cơ gây biến chứng cao.

Nguy cơ cho bé:

  • Vấn đề đề hô hấp: Trẻ sinh mổ có nhiều khả năng bị cơn thở nhanh thoáng qua – đây là một vấn đề về hô hấp có biểu hiện nhịp thở nhanh bất thường trong vài ngày đầu sau khi sinh. Việc mổ lấy thai thực hiện trước tuần thứ 39 của thai kỳ, hoặc không có bằng chứng cho thấy phổi của bé đã phát triển đầy đủ sẽ làm tăng nguy cơ gặp những vấn đề khác về hô hấp, bao gồm hội chứng suy hô hấp, là tình trạng gây khó thở cho bé.
  • Tổn thương do mổ: da của bé có thể vô tình bị cắt phạm trong khi mổ, dù hiếm gặp.

Nguy cơ cho sản phụ:

  • Viêm và nhiễm trùng tử cung: tình trạng này, còn được gọi là viêm nội mạc tử cung, có thể gây sốt, dịch âm đạo có mùi hôi và đau tử cung.
  • Chảy máu nhiều: sản phụ sinh mổ lấy thai có thể mất nhiều máu hơn so với sinh con qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, rất hiếm khi cần truyền máu.
  • Phản ứng với phương pháp gây mê (tê): các phản ứng không mong muốn với bất kỳ phương pháp gây mê (tê) nào đều có thể xảy ra. Sau khi gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống, là các phương pháp gây tê phổ biến để mổ lấy thai, sản phụ có thể bị đau đầu nặng khi đứng thẳng người trong những ngày đầu sau khi sinh, tuy trường hợp này hiếm gặp.
  • Cục máu đông: sinh mổ lấy thai có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch cao hơn so với sinh con qua ngã âm đạo, đặc biệt là ở hai chân hoặc những cơ quan vùng chậu. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi (thuyên tắc phổi) thì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ sẽ từng bước phòng ngừa cục máu đông và sản phụ cũng có thể tự hỗ trợ bằng cách sớm đi bộ thường xuyên sau khi sinh mổ.
  • Nhiễm trùng vết mổ: có thể xảy ra tại vết mổ hoặc xung quanh vết mổ.
  • Tổn thương do mổ: dù hiếm gặp, nhưng các cơ quan gần tử cung như bàng quang, có thể bị tổn thương trong khi mổ lấy thai. Nếu điều này xảy ra, có thể cần thực hiện thêm ca mổ khác.
  • Tăng nguy cơ trong các thai kỳ tiếp theo: sau khi mổ lấy thai, sản phụ có nguy cơ bị biến chứng trong các thai kỳ tiếp theo cao hơn so với sinh con qua ngã âm đạo như chảy máu và các vấn đề về nhau thai. Nguy cơ vỡ tử cung cũng cao hơn dù biến chứng này hiếm gặp.

Từ khóa » Hậu Sản Mổ Lấy Thai